Chuẩn hóa hành nghề y – xu thế tất yếu trong hội nhập
Từ ngày 1/1/2027, bác sĩ tại Việt Nam muốn hành nghề khám, chữa bệnh sẽ phải vượt qua kỳ thi đánh giá năng lực hành nghề do Hội đồng Y khoa quốc gia tổ chức. Quy định này được cụ thể hóa trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) năm 2023 – một văn kiện pháp lý quan trọng thể chế hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng
Từ ngày 1/1/2027, bác sĩ tại Việt Nam muốn hành nghề khám, chữa bệnh sẽ phải vượt qua kỳ thi đánh giá năng lực hành nghề. Ảnh: Trường ĐH Đại Nam
Theo lộ trình, bác sĩ là chức danh đầu tiên áp dụng cơ chế thi sát hạch bắt buộc. Các chức danh y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh sẽ thực hiện từ năm 2028; kỹ thuật viên y tế, dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện và tâm lý lâm sàng từ năm 2029. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức một kỳ thi quốc gia cấp phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, thay thế hoàn toàn phương thức xét duyệt hồ sơ như trước đây.
Thực tế, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á chưa áp dụng hình thức sát hạch quốc gia cho đội ngũ hành nghề y. Trong khi đó, hầu hết các nước như Thái Lan, Singapore, Campuchia, Lào… đều đã có hệ thống kiểm định năng lực hành nghề theo tiêu chuẩn quốc gia từ nhiều năm qua.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, trong xu thế toàn cầu hóa, việc chuẩn hóa năng lực bác sĩ và các chức danh y tế là yêu cầu cấp thiết để công nhận bằng cấp, chứng chỉ hành nghề giữa các quốc gia; qua đó tạo điều kiện cho nhân lực y tế Việt Nam có thể hành nghề ở nước ngoài và ngược lại.
Không chỉ là yêu cầu hội nhập, kỳ thi còn là giải pháp cấp thiết để bảo vệ người bệnh và bảo đảm chất lượng chuyên môn trong hệ thống khám chữa bệnh vốn đang chịu nhiều áp lực từ quá tải, sai sót y khoa và sự thiếu đồng đều về chất lượng đào tạo. Theo đánh giá của Bộ Y tế, năm 2024 có khoảng 12.000 bác sĩ tốt nghiệp từ 214 cơ sở đào tạo nhân lực y tế trên cả nước. Trong số đó, không ít cơ sở đào tạo chưa bảo đảm chuẩn đầu ra, tạo nên khoảng cách lớn giữa bằng cấp và năng lực thực hành.
Để thiết lập một cơ chế kiểm định độc lập, khách quan và chuẩn hóa theo thông lệ quốc tế, Chính phủ đã giao cho Hội đồng Y khoa quốc gia tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Cơ quan này hiện do GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế làm Chủ tịch, cùng 3 Phó Chủ tịch và 33 Ủy viên là các chuyên gia đầu ngành, giảng viên, nhà quản lý y tế có uy tín cao.
“Việc có một cơ quan đánh giá độc lập sẽ buộc các cơ sở đào tạo y khoa nâng cao chất lượng giảng dạy và chuẩn đầu ra, tránh tình trạng đào tạo ồ ạt, chất lượng thấp. Qua đó, chỉ những người đủ trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp mới được cấp giấy phép hành nghề” - Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết
GS.TS Trần Văn Thuấn nhận định: “Kỳ kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh không chỉ là một bài kiểm tra kỹ năng cuối cùng, mà là phần mở rộng của quá trình đào tạo y khoa dựa trên năng lực (Competency-Based Medical Education - CBME)”. Theo đó, người học không chỉ được đo lường bằng điểm số học phần, mà còn phải chứng minh khả năng vận dụng kiến thức, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp trong hành nghề thực tế.
Đảm bảo công bằng – minh bạch – chất lượng trong tổ chức kỳ thi
Không chỉ mang tính biểu tượng trong cải cách đào tạo y khoa, kỳ thi đánh giá năng lực hành nghề bác sĩ còn đòi hỏi sự chuẩn bị nghiêm túc về chuyên môn, kỹ thuật và thể chế tổ chức. Với thời gian còn lại chưa đầy hai năm, Hội đồng Y khoa quốc gia đang khẩn trương xây dựng toàn bộ hệ thống đánh giá – từ ngân hàng đề thi đến phần mềm tổ chức, bảo mật và quản lý dữ liệu.
Theo GS.TS Trần Diệp Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Dược TPHCM, người được giao nhiệm vụ Trưởng Ban xây dựng bộ công cụ đánh giá, giai đoạn đầu kỳ thi sẽ đánh giá lý thuyết thông qua hình thức trắc nghiệm. Dự kiến sẽ có khoảng 1.500 câu hỏi được biên soạn, sau đó chọn lọc kỹ lưỡng để xây dựng ngân hàng đề chính thức với quy mô khoảng 900 câuDự kiến thi cấp phép hà… Việc đánh giá kỹ năng lâm sàng sẽ được triển khai trong giai đoạn sau, khi hệ thống thi, cơ sở vật chất và nhân lực tổ chức đã hoàn thiện.
“Việc tích hợp thực hành lâm sàng vào kỳ thi là cần thiết nhưng cũng vô cùng phức tạp, có thể mất ít nhất 10 năm để chuẩn bị và triển khai đầy đủ. Kinh nghiệm từ Hàn Quốc cho thấy nước này mất gần 60 năm để tổ chức được kỳ thi kết hợp lý thuyết và thực hành” - GS.TS Trần Diệp Tuấn dẫn chứng.
Để bảo đảm tính minh bạch và công bằng, Bộ Y tế chủ trương ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo trong toàn bộ quá trình tổ chức thi – từ đăng ký, xây dựng đề, tổ chức thi đến chấm điểm và lưu trữ kết quả. Đồng thời, Hội đồng Y khoa quốc gia cũng đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các trường đại học, tổ chức y khoa có uy tín như Đại học Yonsei (Hàn Quốc), Tổ chức Giáo dục Y khoa thế giới (WFME)… để xây dựng một hệ thống đánh giá năng lực hành nghề đạt chuẩn mực quốc tế.
Đức Trân