PGS. TS. Trần Thành Nam: 'Cần kế hoạch dài hơi giúp trẻ em thích nghi trở lại cuộc sống sau bão lũ'

PGS. TS. Trần Thành Nam: 'Cần kế hoạch dài hơi giúp trẻ em thích nghi trở lại cuộc sống sau bão lũ'
5 giờ trướcBài gốc
PGS. TS. Trần Thành Nam cho rằng, trẻ em có thể chịu những tổn thương nghiêm trọng sau thiên tai, bão lũ. (Ảnh: NVCC)
Nhiều nguy cơ sang chấn tâm lý ở trẻ sau thảm họa
Thưa ông, những tác động tâm lý tiêu cực nào thường gặp ở trẻ em sau khi trải qua các thảm họa thiên nhiên như bão lũ? Và những tác động này có thể kéo dài trong bao lâu?
Những đứa trẻ sau khi trải qua những thảm họa thiên nhiên có thể chịu sang chấn tâm lý và phát triển thành rối loạn stress sau sang chấn. Đứa trẻ có thể thay đổi cách nhìn nhận về thế giới và những người xung quanh là nguy hiểm, dẫn đến gặp những khó khăn trong việc thiết lập mối quan hệ bình thường với người khác kể cả người thân. Lâu dần nếu trẻ không được hỗ trợ những sang chấn tâm lý này có thể ảnh hưởng đến cả các chức năng sinh lý và cấu trúc của não bộ.
Thường thì các dấu hiệu của rối loạn stress sau sang chấn có thể xuất hiện sau sự kiện từ một tháng đến một vài năm. Đặc trưng bởi 3 nhóm biểu hiện là ký ức nhâm nhập về sự kiên gây sang chấn, bao gồm ý nghĩ, hình ảnh, nhận thức xuất hiện lặp lại nhiều lần, có thể xuất hiện dưới những cơn ác mộng.
Thứ hai là hành vi né tránh. Cá nhân trở nên né tránh những ý nghĩ, cảm giác, cuộc đối thoại liên quan sự kiện; quên đi một đoạn ký ức quan trọng của liên quan đến sự kiện; mất hứng thú rõ ràng với các hoạt động thường ngày và trở nên né tránh những hoạt động, địa điểm, những nguời kích thích việc nhớ lại sự kiện. Nhiều cá nhân cảm giác mình bị tách ra khỏi xã hội, cô độc không được chấp nhận và yêu thương, cảm thấy tương lai như đang bị rút ngắn lại.
Gia đình và cộng đồng đóng vai trò thế nào trong việc hỗ trợ trẻ em vượt qua những khó khăn về tâm lý sau thảm họa?
Gia đình và cộng đồng đóng vai trò then chốt trong việc giúp trẻ vượt qua các khó khăn tâm lý sau thảm họa. Điều quan trọng là tạo ra một môi trường an toàn, ổn định để trẻ cảm thấy được bảo vệ và yêu thương. Gia đình cần duy trì sự gần gũi, tạo cơ hội cho trẻ chia sẻ cảm xúc, lắng nghe mà không phán xét. Điều này giúp trẻ không cảm thấy cô đơn và bị tách biệt khỏi những người xung quanh.
Cộng đồng có thể đóng góp bằng cách thiết lập các nhóm hỗ trợ, tạo ra các hoạt động mang tính cộng đồng để giúp trẻ hòa nhập, đồng thời tạo không gian cho các em trải qua và vượt qua những tổn thương. Các tổ chức, trường học và nhóm cộng đồng có thể cung cấp các dịch vụ tư vấn tâm lý, tổ chức các hoạt động tái hòa nhập để giúp trẻ lấy lại niềm tin và cảm giác an toàn.
Chúng ta cũng cần những nhà chuyên môn (nhân viên công tác xã hội và các nhà tâm lý) tiến hành công tác sơ cứu tâm lý, theo dõi hiện trạng các biểu hiện tâm lý trong một tháng đầu, sàng lọc bằng các công cụ chuyên môn để phân loại và có các chương trình can thiệp phòng ngừa cụ thể.
Việt Nam đã học hỏi được những gì từ các quốc gia khác về việc hỗ trợ tâm lý cho trẻ em sau thảm họa?
Từ những nghiên cứu đi trước và kinh nghiệm các quốc gia khác trên thế giới đã rút ra, trẻ có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi sang chấn tâm lý sau thiên tai/thảm họa như bão lũ vừa qua sẽ là nhóm mà cha mẹ mất hoặc mất khả năng hỗ trợ và điều hòa cảm xúc sau thiên tai/thảm họa.
Trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao nếu cha mẹ không thể bình tĩnh hoặc dịu đi trước các phản ứng của con trẻ, thậm chí bị kích thích theo bởi các sự kiện gợi nhớ đến thảm họa. Bên cạnh đó, nếu cha mẹ trở nên phó thác cho người khác, mẫu thuẫn không hòa hợp với nhau hay không có mặt khi trẻ cần cũng khiến các triệu chứng của trẻ trở nên trầm trọng. Một số bậc cha mẹ trở nên nhạy cảm và bảo vệ quá mức. Chính cha mẹ cũng bị sang chấn tâm lý và phóng chiếu sự sợ hãi lên trẻ cũng khiến cho các triệu chứng trầm trọng. Vì vậy, điều cần thiết để hỗ trợ trẻ là phải điều chỉnh cảm xúc, làm an dịu cha mẹ.
Việc hỗ trợ nhu cầu của nạn nhân tùy thuộc vào tiến trình thời gian sự kiện thảm họa xảy ra. Ví dụ, ngay sau khi thảm họa xảy ra. Việc cần ưu tiên nhất là đáp ứng nhu cầu căn bản của người dân như chỗ nghỉ, thức ăn, nước sạch, vệ sinh; cung cấp dịch vụ y tế cho những người bị thương; truyền thông để hiếu đúng về sự kiện, các dịch vụ hiện có, đấu tranh với tin giả gây hoang mang, lo lắng. Giúp cá nhân kết nối và liên lạc được vưới người thân, họ được thông tin đầy đủ và được tham gia ý kiến về những quyết định quan trọng có liên quan đến họ.
Giai đoạn tiếp sau có thể là giai đoạn theo dõi và đánh giá sàng lọc các vấn đề sức khỏe tâm thần. Quan trọng là chúng ta phải hỗ trợ các nhóm yếu thế, đặc biệt là trẻ em. Thông thường thì người lớn thường đánh giá thấp kinh nghiệm của trẻ em về thiên tai. Chúng ta thường tin rằng nên bảo vệ trẻ khỏi buồn bằng cách không nói, không thảo luận về các vấn đề liên quan đến thiên tai. Đôi lúc, chính bố mẹ cũng nói giảm, nói tránh vì nỗi đau của riêng mình. Tuy nhiên, điều này càng làm cho đứa trẻ trở nên mông lung, hoang mang và lo lắng hơn.
Với những đứa trẻ ở độ tuổi mẫu giáo, việc chỉ dẫn và giúp đỡ cha mẹ là quan trọng nhất. Cần đảm bảo trẻ được thông báo đầy đủ thông tin về thiên tai để tránh hiểu nhầm và tăng hiểu biết, giảm sự nhạy cảm, giảm độ không chắc chắn về tình huống qua đó tạo cảm giác an toàn cho các em. Người lớn hãy cố gắng duy trì lịch hoạt động thường ngày của các em, thậm chí hãy ứng xử với các em như bình thường, đừng trở nên quá đau buồn.
Với những đứa trẻ ở độ tuổi tiểu học và THCS, cần truyền thông đúng về mức độ của thiên tai, thảm họa, không trầm trọng hóa. Hỗ trợ các em bình thường hóa một số biểu hiện của lo lắng hoặc các phản ứng của rối loạn stress sau sang chấn. Dùng áp lực tâm lý nhóm để động viên sự kiên cường, cứng rắn qua các hoạt động tập thể. Đảm bảo sự quan tâm chú ý động viên từ gia đình đối với trẻ. Hãy nhớ rằng, trẻ em thường ứng phó tốt nếu cha mẹ giao tiếp và chia sẻ thông tin với trẻ về điều gì đã xảy ra một cách rõ ràng và hỗ trợ trẻ xử lý theo kinh nghiệm của bản thân.
Với những đứa trẻ chứng kiến sự ra đi của người thân ngay trước mặt mình, những thành viên khác cần không lảng tránh, hãy nói với trẻ về người đã mất với sự tôn trọng. Tổ chức các hoạt động tưởng nhớ cho trẻ, có thể đưa cho trẻ lưu giữ lại những kỷ vật của người đã mất, khuyến khích trẻ bộc lộ cảm xúc với người đã mất qua nhật ký, thư viết tay. Động viên điều chỉnh nỗi đau của trẻ khi nghĩ về người đã mất bằng cách hỏi trẻ có nghĩ rằng người đã mất mong muốn thấy trẻ đau khổ như vậy không.
Ngập lụt ở thị trấn An Châu (Sơn Động). (Nguồn: Báo Bắc Giang)
Để người yếu thế thích nghi trở lại cuộc sống
Theo ông, những thách thức lớn nhất trong việc cung cấp hỗ trợ tâm lý cho trẻ em sau bão lũ ở Việt Nam là gì? Và chúng ta cần những giải pháp nào để khắc phục những thách thức này?
Có lẽ thách thức lớn nhất trong việc cung cấp hỗ trợ tâm lý cho trẻ em sau bão lũ ở Việt Nam chính là nhận thức. Dường như cả xã hội chúng ta đang chỉ tập trung vào các hoạt động thiện nguyện hỗ trợ về vật chất, tài chính chứ không quan tâm nhiều đến vấn đề tinh thần.
Chưa có nhiều người nghĩ đến hoạt động tình nguyện hỗ trợ bằng chuyên môn cũng quan trọng và có giá trị không kém. Chúng ta chưa nhìn thấy rõ rằng, bên cạnh nhu cầu vật chất sẽ rất cần ngay sau khi thiên tai thảm họa xảy ra. Chúng ta cần một kế hoạch dài hơi để giúp những người yếu thế, đặc biệt là trẻ em có thể thích nghi trở lại với cuộc sống, vượt qua những sang chấn tâm lý.
Có rất nhiều người vẫn còn định kiến có vấn đề tâm lý đồng nghĩa với việc thiếu ý chí, kém bản lĩnh, lười biếng và viện cớ. Khiến cho nhiều người đang có khó khăn về tâm lý sau thiên tai thảm họa không dám bộc lộ và chia sẻ để tìm kiếm sự giúp đỡ.
Vì vậy, truyền thông cần vào cuộc để tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về các nguy cơ tổn thương sức khỏe tâm thần sau thiên tai thảm họa. Tuyên truyền về cách cá nhân tự vệ sinh sức khỏe tâm thần, giáo dục cho cha mẹ và người lớn những cách thức đúng đắn trong việc bình thường hóa và hỗ trợ tổn thương tâm lý ở những đứa trẻ.
Trách nhiệm của nhà trường trong việc phát hiện và hỗ trợ sớm các vấn đề tâm lý ở trẻ em sau thảm họa?
Nhà trường và giáo viên đóng vai trò nòng cốt trong việc phát hiện sớm, hỗ trợ kịp thời những khó khăn tâm lý phát sinh của học sinh sau thiên tai thảm họa. Bản thân giáo viên và nhân viên y tế học đường cũng như ban giám hiệu của những địa phương vùng chịu thiên tai thảm họa nặng nề cần được tập huấn chuyên đề về sơ cứu tâm lý, nhận diện và hỗ trợ các vấn đề tâm lý sau thiên tai tham họa. Bản thân các nhà trường cũng sẽ cần triển khai một hệ thống đánh giá sàng lọc tâm lý học sinh để từ đó có thể kịp thời phát hiện và can thiệp hỗ trợ trước khi sự việc trở nên quá mức kiểm soát.
Sau khi thiên tai xảy ra phải biến trường học thành một môi trường an toàn, mọi người đều cảm thấy được quan tâm, yêu thương và bảo vệ. Giáo viên tạo điều kiện cho các em chia sẻ với nhau về các vấn đề cảm xúc để bình thường hóa nó và qua đó làm giảm bớt đi sự lo lắng, căng thẳng.
Sử dụng những hoạt động nghệ thuật, sân khấu hóa hoặc thể thao để giúp những đứa trẻ bộc lộ cảm xúc qua đó giải tỏa được cảm xúc. Với những trường có đội ngũ tư vấn tâm lý, đây là cơ hội để đánh giá và lên kế hoạch hỗ trợ tâm lý trực tiếp cho học sinh qua các buổi nói chuyện chuyên đề, hướng dẫn kỹ năng thư giãn và kiểm soát cảm xúc. Phòng tâm lý cũng có thể đầu mối để hợp tác với các tổ chức xã hội, chuyên gia tâm lý và cơ quan y tế tại cộng đồng để huy động các nguồn lực và mạng lưới xã hội để hỗ trợ cho trẻ em sau thảm họa.
Trong điều kiện có thể, nhà trường cần tích hợp các nội dung về chăm sóc sức khỏe tinh thần và kỹ năng ứng phó với ký ức xâm nhập, cảm xúc lo lắng và hành vi né tránh (các biểu hiện của rối loạn stress sau sang chấn) vào hoạt động ngoại khóa của nhà trường, bình thường hóa các phản ứng tâm lý của trẻ sau thảm họa.
Có thể nói, trách nhiệm của nhà trường không chỉ dừng lại ở việc cung cấp kiến thức mà còn phải đảm bảo rằng, học sinh được hỗ trợ về mặt tâm lý, đặc biệt là sau những thảm họa gây ra căng thẳng và sang chấn tinh thần.
Ngoài việc hỗ trợ tâm lý, chúng ta có thể làm gì để giúp trẻ em phòng ngừa và ứng phó tốt hơn với các tình huống, sự cố khó lường trong tương lai?
Bên cạnh các kỹ năng tâm lý, chúng ta có thể góp phần giáo dục những kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn cơ bản cho trẻ em khi đối diện với các tình huống nguy cơ, thảm họa, bão lụt, động đất vả các cách thức bảo vệ bản thân, liên lạc với những người tìm kiếm.
Gia đình và nhà trường cần giáo dục trẻ về cách lên kế hoạch và ứng xử trong tình huống khẩn cấp, kiểm soát cảm xúc để bình tĩnh, chiến lược tìm nơi trú ẩn an toàn và cách thoát hiểm khi xảy ra sự cố.
Trong các tình huống hàng ngày, cần rèn cho trẻ kỹ năng giải quyết vấn đề và ra quyết định quyết đoán trong những tình huống lưỡng nan, phân tích vấn đề và lựa chọn hành động một cách có trách nhiệm.
Ở phương diện can thiệp y tế công cộng, ngay sau khi có vụ việc như thế này xảy ra, cần có những nghiên cứu đánh giá thực trạng tổn thương sức khỏe tâm thần sau bão lũ và nhu cầu được hỗ trợ tâm lý. Đồng thời, tập huấn triển khai sơ cứu tâm lý và đánh giá hiệu quả của hoạt động hỗ trợ sơ cứu tâm lý cho người dân.
Xin cảm ơn ông!
Nguyệt Anh
Nguồn TG&VN : https://baoquocte.vn/pgs-ts-tran-thanh-nam-can-ke-hoach-dai-hoi-giup-tre-em-thich-nghi-tro-lai-cuoc-song-sau-bao-lu-286862.html