Phá vỡ môi trường sống và thay đổi chế độ ăn của dơi làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh

Phá vỡ môi trường sống và thay đổi chế độ ăn của dơi làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh
3 giờ trướcBài gốc
Dơi vốn mang nhiều mầm bệnh - Ảnh: iStock
Ban đầu, giáo sư sức khỏe hệ sinh thái Raina Plowright cùng đội ngũ của mình tiến hành quan sát loài dơi tại Úc. Hành động phá vỡ môi trường sống khiến loài dơi không thể tiếp cận chế độ ăn truyền thống của mình, vì vậy chúng bắt đầu tìm kiếm thực phẩm trên đất nông nghiệp. Sự thay đổi chế độ ăn khiến lượng vi rút mà dơi thải ra tăng lên, qua đó làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh sang ngựa rồi sang người.
Đội ngũ của giáo sư Plowright sau đó tiến hành thêm nghiên cứu trong môi trường phòng thí nghiệm, sử dụng dơi ăn quả Jamaica đo lường tác động của chế độ ăn với quá trình phát tán vi rút. Dơi thí nghiệm tiếp xúc một chủng vi rút không gây bệnh ở người rồi được chia thành 3 nhóm: nhóm ăn chế độ tiêu chuẩn (trái cây có bổ sung protein) cùng 2 nhóm ăn chế độ không tối ưu (trái cây nhiều đường ít protein và trái cây nhiều chất béo ít protein).
“Trong nghiên cứu thực địa, chúng tôi quan sát thấy mối liên hệ giữa ăn thực phẩm kém chất lượng với quá trình phát tán vi rút Hendra, sau đó vi rút lây lan sang ngựa. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu về cơ chế miễn dịch. Chúng tôi đem câu hỏi này vào phòng thí nghiệm và nhận về kết quả đáng kinh ngạc: chế độ ăn ảnh hưởng lớn đến khả năng thải vi rút của dơi”, theo giáo sư Plowright.
Cụ thể dơi ăn thực phẩm kém chất lượng thải vi rút trong thời gian dài hơn. Môi trường sống bị phá vỡ cũng buộc dơi kiếm ăn ở nơi xa hơn, do đó phát tán vi rút trên phạm vi rộng hơn.
Vi rút dùng trong thí nghiệm không nguy hiểm với người, tuy nhiên dơi có thể mang vô số mầm bệnh khác dễ dàng lây nhiễm sang nhiều loài. Khả năng tiếp xúc càng lớn thì nguy cơ con người mắc bệnh càng cao. Giáo sư Plowright nói thêm: “Một số vi rút cực kì nguy hiểm. Vậy mà con người vẫn tiếp tục khai khẩn đất đai, thay đổi khí hậu, phá vỡ hệ sinh thái gây căng thẳng cho các loài động vật, lấy đi nguồn thức ăn của chúng và dẫn đến tương tác mới giữa con người với động vật hoang dã. Tất cả làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Không loại trừ khả năng là dịch bệnh gây tỷ lệ tử vong lên đến 50%, thậm chí là 70%”.
Cẩm Bình
Nguồn Một Thế Giới : https://1thegioi.vn/pha-vo-moi-truong-song-va-thay-doi-che-do-an-cua-doi-lam-tang-nguy-co-lay-lan-dich-benh-232115.html