Ngày 4/4, Báo điện tử VTC News có bài “Cần dạy luật nhân quả cho học sinh ngay từ bậc tiểu học”. Tác giả Thanh Phong đề cập đến một vấn đề bấy lâu nay ai cũng thấy đúng, ai cũng thấy cần thiết, và ai cũng muốn áp dụng cho chính mình, nhưng tiếc thay, hình như rất nhiều người vẫn coi đây là mê tín dị đoan.
Từ bao đời, hầu như ai cũng thuộc những câu như “Gieo nhân nào gặp quả nấy”, ”Gieo gió gặt bão", “Ác giả ác báo, thiện giả thiện lai” hoặc “Cuộc đời có vay có trả”… Đó chính là luật nhân quả đấy.
Luật nhân quả là một nguyên lý trong triết học và tôn giáo, đặc biệt phổ biến trong Phật giáo… Nên hiểu rằng bản chất Phật giáo không phải là tôn giáo mà chỉ là một trường phái giáo dục. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từng dạy các đệ tử: “Ta chỉ là người đốt lên ngọn đuốc chỉ đường, còn các ngươi phải tự mình bước đi”.
Trong Phật giáo, luật nhân quả là nguyên lý cực kỳ quan trọng và "gieo nhân nào, gặt quả nấy", mọi hành động đều có hậu quả và mọi sự kiện đều có nguyên nhân. “Nhân” là hạt giống, “quả” là quả mọc lên từ hạt giống gieo trồng, có nghĩa là khi gieo hạt giống nào, bạn sẽ thu hoạch được loại quả đó.
Không chỉ trẻ con, người lớn cũng cần hiểu gieo nhân nào gặt quả đó. (Ảnh minh họa: iStock)
Nhưng nếu hiểu theo nghĩa bóng thì mọi hành động (tức là nhân) đều dẫn đến một kết quả (quả); nghĩa là nếu làm chuyện tốt sẽ nhận được kết quả tốt và ngược lại, nếu làm việc xấu thì sẽ phải nhận kết cục không tốt đẹp.
Luật nhân quả ảnh hưởng đến tất cả các khía cạnh của cuộc sống, bao gồm sức khỏe, hạnh phúc, tài chính và mối quan hệ.
Hành động ngày hôm nay sẽ ảnh hưởng đến tương lai của mai sau. Tuy nhiên có khi “quả” không phải chờ đến kiếp sau mới có, mà có thể xảy ra ngay tức khắc, trong đời này, kiếp này.
Một ví dụ nhỏ: Nếu ai đó không kìm giữ được mình, trong cơn nóng giận vì một lý do nào đó đã động thủ, đánh gây thương tích cho người khác và bị bắt, bị xét xử trước pháp luật, phải ngồi tù, phải đền tiền… thì đó là trường hợp nhận "quả xấu” ngay lập tức.
Cũng có nhiều trường hợp làm việc bất thiện trong đời này, kiếp này nhưng đến thế hệ sau, thậm chí là con cháu chắt phải gánh chịu. Mà sự báo ứng thì đến bằng vô vàn hình thức…
Chính vì thế, hiểu và thực hành luật nhân quả giúp cá nhân ý thức được mỗi việc mình làm, biết sợ báo ứng để từ đó biết tích đức hành thiện, biết làm điều tốt và tránh điều xấu. Hiểu được luật nhân quả, mọi người sẽ sống đạo đức.
Vua nhà Thục thời Tam Quốc là Lưu Huyền Đức trước khi chết đã dặn con là “chớ thấy điều ác nhỏ mà cứ làm, chớ thấy điều thiện nhỏ mà không làm”. Nếu như hiểu rằng mọi hành động đều có hậu quả, chắc chắn con người sẽ có xu hướng hành xử có trách nhiệm và văn minh hơn.
Một vấn đề nữa là việc nhận thức đầy đủ về luật nhân quả sẽ khuyến khích mọi người nỗ lực, phấn đấu trong công việc, học tập và cuộc sống. Hiểu rằng nỗ lực và hành động tích cực sẽ mang lại kết quả tốt đẹp, điều đó giúp tạo động lực để không ngừng cải thiện bản thân.
Và tất nhiên, nếu hiểu luật nhân quả, con người sẽ biết chấp nhận và đối diện với những khó khăn trong cuộc sống một cách bình tĩnh và kiên nhẫn. Gặp việc thuận ý không kiêu căng, gặp việc nghịch ý không nản lòng, lúc nào cũng ý thức được mình là ai, đang làm việc gì, đang nói lời gì…, đó là người hiểu luật nhân quả.
Người không hiểu luật nhân quả thì không điều ác nào không dám làm, họ không biết sợ và bất chấp tất cả. Thực tế hiện nay, ngay ở tuổi thiếu niên hoặc thanh niên, nói nôm na là tuổi “ ăn chưa no, lo chưa tới”, rất nhiều cháu, nhiều em không biết sợ là gì… Vì thế mới xảy ra vô vàn vụ gây tội ác ở lứa tuổi vị thành niên.
Lỗi này trước hết thuộc về cha mẹ, do mải mê kiếm tiền, do mải chạy theo danh vọng quyền lực mà quên đi việc dạy con và làm gương cho con. Tiếp đó là lỗi của chương trình giáo dục không dạy cho trẻ con biết “ sợ” khi làm một việc bất thiện, hay có lời ác khẩu…
Cho nên, tôi đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo hãy đưa luật nhân quả vào dạy cho trẻ em ngay từ khi mới vào bậc tiểu học, và tiếp tục học ở mức cao hơn trong các năm tiếp theo.
Còn với người lớn, đặc biệt là những người giữ cương vị lãnh đạo, chỉ huy, dù là cấp cao hay thấp, lại càng phải học luật nhân quả, thậm chí là phải học đến mức thấu hiểu.
Nguyễn Như Phong