Quang cảnh một phiên họp tổ chiều 8/11. (Ảnh: PV)
Tại Tổ 11 (gồm Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Tây Ninh, Long An, Sơn La), các ĐBQH tán thành với chủ trương cần có quy định cụ thể, rõ ràng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, trong đó, có quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng.
Trong đó, một vấn đề được các ĐBQH Tổ 11 quan tâm thảo luận là điểm c, khoản 5 Điều 15a quy định khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về kết quả sử dụng mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng phải là người đã trực tiếp sử dụng sản phẩm.
Theo ĐBQH Phan Thị Mỹ Dung (Đoàn Long An), không có cơ sở khoa học cho quy định này, bởi rất nhiều sản phẩm có thể có hiệu quả với người này nhưng không có hiệu quả với người khác. Chưa kể, hiệu quả của các sản phẩm phải được kiểm chứng qua một thời gian dài. Việc quy định như vậy sẽ ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, bởi họ có quyền lựa chọn người có ảnh hưởng nào để quảng cáo cho sản phẩm của họ.
ĐB nêu ví dụ, đối với thực phẩm bổ xương cốt, doanh nghiệp ký kết hợp đồng với người quảng cáo là vận động viên nổi tiếng nhưng thực chất người này có dùng sản phẩm này không thì ai sẽ là người kiểm chứng? Hoặc một diễn viên quảng cáo về một sản phẩm là thực phẩm chức năng bổ sung dinh dưỡng cho người già, họ chọn mua để làm quà cho cha mẹ, ông bà... thì không trái pháp luật, mặc dù người quảng cáo này không trực tiếp dùng sản phẩm này. Do đó, đề nghị nên hướng đến ràng buộc trách nhiệm của người đưa các sản phẩm này ra quảng cáo bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn đề nghị quản chặt việc quảng cáo trên mạng xã hội. (Ảnh: Khánh Ninh)
Tại Tổ 18 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Thanh Hóa, Trà Vinh, Hà Nam), ĐBQH Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) cho rằng, sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo lần này phải có “sứ mệnh” quản lý chặt chẽ việc quảng cáo trên nền tảng số và mạng xã hội và dẹp loạn những quảng cáo nhếch nhác ngoài trời, gây phản cảm, làm xấu hình ảnh mỹ quan đô thị.
Theo ĐB, thực tế cho thấy, hiện nay quảng cáo trên các nền tảng số, đặc biệt là mạng xã hội và các ứng dụng trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến, trong chiến lược tiếp thị của các doanh nghiệp và tổ chức, đặc biệt là trong bối cảnh số hóa và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin nhưng chưa có quy định rõ ràng và hiệu quả. Từ đó, đã xuất hiện nhiều hình thức quảng cáo xuyên biên giới, quảng cáo qua livestream, video ngắn… đã gây ra nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc kiểm soát chất lượng, bảo vệ người tiêu dùng và ngăn ngừa các hành vi quảng cáo sai sự thật, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng..
Do vậy, Luật Quảng cáo sửa đổi cần có các quy định chặt chẽ hơn về việc kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi quảng cáo sai sự thật, yêu cầu các đơn vị quảng cáo phải minh bạch, cung cấp thông tin rõ ràng, đáng tin cậy để không đánh tráo khái niệm về thông tin sản phẩm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Ngoài ra, để dẹp loạn những quảng cáo nhếch nhác ngoài trời, gây phản cảm, làm xấu hình ảnh mỹ quan đô thị. ĐB Tuấn đề nghị, các quy định pháp lý cần được cập nhật và áp dụng nghiêm ngặt, quy định chặt chẽ đối với việc cấp phép quảng cáo ngoài trời. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm, thậm chí bằng hình thức phạt nguội đối với các hành vi vi phạm quảng cáo trái phép thông qua hệ thống camera giám sát.
Tại Tổ 16 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Hà Tĩnh, Lai Châu, Cà Mau và Lâm Đồng), ĐB Trần Đình Gia (Đoàn Hà Tĩnh) đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể trách nhiệm của mỗi chủ thể trong hoạt động quảng cáo, từ đó phân định trách nhiệm của mỗi bên khi có vấn đề xảy ra… “Bởi, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mới là chủ thể chịu trách nhiệm chính về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; người chuyển tải sản phẩm quảng cáo chỉ là người chuyển tải thông điệp của nhãn hàng đến người tiêu dùng dựa trên tài liệu, thông tin doanh nghiệp cung cấp; những cá nhân này không đủ điều kiện và năng lực để kiểm chứng độ chính xác thông tin cung cấp”, ĐB lý giải.
Dẫn quy định tại điểm b, khoản 10 Điều 22: “Mỗi chương trình vui chơi giải trí không được ngắt để quảng cáo quá bốn lần, mỗi lần không quá 5 phút. Mỗi chương trình phim truyện có thời lượng dưới 30 phút được ngắt để quảng cáo hai lần, cứ mỗi 15 phút tăng trong thời lượng chương trình được ngắt quảng cáo thêm 1 lần; mỗi lần ngắt để phát quảng cáo không quá 5 phút”…, ĐB Trần Đình Gia cũng đề nghị quy định rõ mốc thời lượng của chương trình vui chơi giải trí tương ứng với số lần quảng cáo được ngắt để quảng cáo nhằm bảo đảm chất lượng chương trình.
H.Hoài