Bộ Y tế tổ chức hội nghị tập huấn tới các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện Thông tư 57/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 1/3/2025 - Ảnh: VGP/HM
Hôm nay (24/2), Bộ Y tế tổ chức hội nghị tập huấn tới các tỉnh, thành phố với 60 điểm cầu trên cả nước, triển khai thực hiện Thông tư 57/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 1/3/2025.
Thông tư này quy định việc phân cấp giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, Thông tư số 57/2024/TT-BYT đã phân cấp giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Y tế cho Cục Quản lý khám, chữa bệnh và Cục Quản lý y, dược cổ truyền một số nội dung gồm: cấp mới, cấp lại, điều chỉnh, gia hạn, thừa nhận, thu hồi giấy phép hành nghề; tổ chức khám chữa bệnh nhân đạo; thực hiện thí điểm khám chữa bệnh từ xa; xếp cấp chuyên môn kỹ thuật; xác định và thí điểm phương pháp mới, kỹ thuật mới và một số nội dung khác.
Bên cạnh đó, Thông tư cũng phân cấp cho Cục Quản lý môi trường y tế các nội dung cấp mới, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đối với bệnh nghề nghiệp.
Đặc biệt, nội dung rất quan trọng trong Thông tư này, đó là phân cấp cho Sở Y tế các tỉnh/thành phố việc cấp mới, cấp lại, điều chỉnh, gia hạn giấy phép hành nghề và điều chỉnh giấy phép hoạt động đối với bệnh viện tư nhân trên địa bàn quản lý trong phạm vi nhất định.
"Những nội dung này là bước đi quan trọng nhằm hiện thực hóa Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) năm 2023, với mục tiêu phân cấp, phân quyền mạnh mẽ trong giải quyết thủ tục hành chính, đảm bảo nhanh chóng, thuận tiện cho các cơ sở y tế và người dân, đồng thời nâng cao tính chủ động của địa phương, giảm tải áp lực cho cơ quan cấp Trung ương, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ", Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.
S Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP/HM
Đơn giản hóa quy trình nội bộ
Cũng tại hội nghị tập huấn, TS Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, bày tỏ tin tưởng rằng, Sở Y tế các tỉnh, thành phố sẽ triển khai tốt và hiệu quả Thông tư này. Nếu có vướng ở đâu, các Sở cần có ý kiến về Bộ. Trên tinh thần việc phân cấp không gây trở ngại mà chỉ tăng thêm lợi ích, Cục Quản lý khám chữa bệnh luôn sẵn sàng hỗ trợ.
Lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh cũng chia sẻ trong quá trình thẩm định trước đây, có cơ sở y tế thuộc tỉnh Bắc Giang quy mô 150 giường, muốn thẩm định bổ sung 6 danh mục kỹ thuật. Theo Thông tư 57, Sở Y tế tỉnh Bắc Giang sẽ là đơn vị thẩm định những trường hợp như này ngay tại địa phương. Bộ Y tế sẽ không tham gia thẩm định nữa.
Về quy trình nội bộ, ông Hà Anh Đức cho biết, Cục Quản lý khám chữa bệnh đã trình lãnh đạo Bộ Y tế ban hành 14 thủ tục để đơn giản hóa thủ tục hành chính. Quy trình này minh bạch từ khâu nộp đến khâu xử lý hồ sơ, xây dựng công văn lấy ý kiến, thẩm định…
"Bộ đã ban hành quy trình nội bộ và đơn giản hóa rất nhiều. Ví dụ, ngay trong Cục Quản lý khám chữa bệnh, từ việc nộp hồ sơ đến khi ra quyết định thẩm định chỉ còn rất ngắn, đơn giản. Điều này đồng nghĩa với thời gian thẩm định nhanh hơn rất nhiều. Trước đây, để ra quyết định thẩm định có khi phải mất 2 tháng, nhưng hiện nay chỉ cần 3 ngày.
Mỗi quy trình cắt ngắn, rút gọn sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân, các cơ sở y tế hành nghề công, tư tại địa phương được hưởng lợi.
Được biết, Bộ Y tế đang lấy ý kiến từ các đơn vị liên quan, các chuyên gia và các cơ sở y tế để đảm bảo các quy định mới đáp ứng tốt nhất nhu cầu thực tiễn, vừa nâng cao chất lượng quản lý, vừa đảm bảo quyền lợi của người bệnh và các cơ sở khám, chữa bệnh.
Để triển khai Thông tư 57/2024/TT-BYT đạt hiệu quả cao nhất, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn đề nghị các đơn vị thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch triển khai, tăng cường ứng dụng công nghệ số để đơn giản hóa và nghiêm túc tuân thủ quy trình giải quyết thủ tục hành chính.
Người hành nghề, các bệnh viện và các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện đúng quy trình, biểu mẫu, cung cấp hồ sơ, tài liệu theo đúng quy định.
Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cũng đề nghị các Sở y tế phải nắm được quy trình, đặc biệt là việc tổ chức đoàn thẩm định.
Hiền Minh