Phân cấp, phân quyền - 'chọn mặt gửi vàng'

Phân cấp, phân quyền - 'chọn mặt gửi vàng'
2 giờ trướcBài gốc
Với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, các quy định của dự thảo Luật đã thể hiện sự phân cấp, phân quyền bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm để dễ kiểm tra, đôn đốc, giám sát, đánh giá, đáp ứng yêu cầu quản lý và sử dụng nguồn lực đầu tư công.
Trên cơ sở mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng các chính sách đặc thù được Quốc hội cho phép tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết số 106/2023/QH15 về thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư, dự thảo luật quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ giao một UBND cấp tỉnh là cơ quan chủ quản thực hiện dự án trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên. Ngoài ra, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện được lựa chọn giao một UBND cấp dưới trực tiếp làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trở lên hoặc tổ chức thực hiện dự án theo thẩm quyền...
Ngoài ra, dự thảo luật sửa đổi theo hướng phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án từ Thủ tướng Chính phủ cho người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A có tổng mức đầu tư dưới 10.000 tỷ đồng...
Với những quy định mới của dự thảo Luật thể hiện sự phân cấp triệt để cho các bộ, cơ quan trung ương trong việc quyết định và điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án nhóm A. Qua đó, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với các dự án nhóm A quy mô lớn, có ảnh hưởng đến địa bàn nhiều địa phương. Phân cấp, phân quyền cho địa phương như dự thảo luật cũng góp phần tạo sự chủ động cho UBND các cấp trong việc quyết định chủ trương đầu tư thuộc cấp mình quản lý nhằm đáp ứng yêu cầu hoàn thiện thủ tục đầu tư, xây dựng kế hoạch đầu tư công, góp phần cắt giảm được nhiều trình tự, thủ tục, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tránh được tình trạng “vốn chờ dự án, dự án chờ vốn”.
Tuy nhiên, tính đến nay, việc thực hiện chính sách giao một địa phương là cơ quan chủ quản thực hiện dự án trên địa bàn từ hai địa phương trở lên cho thấy, số dự án được thí điểm là 14 dự án, đã hoàn thành một dự án, đang triển khai thi công 7 dự án và đang chuẩn bị đầu tư 6 dự án. Hiện chưa có sơ kết, tổng kết, đánh giá kỹ lưỡng về tác động của chính sách trong thực tiễn, nhất là năng lực triển khai thực hiện của địa phương.
Để đủ lý lẽ thuyết phục đại biểu Quốc hội, có cơ sở để Quốc hội xem xét quyết định đối với những quy định mới bổ sung thể hiện phân cấp, phân quyền trong dự thảo Luật, Chính phủ cần đánh giá kỹ tác động của chính sách này. Và điều quan trọng khi thực hiện phân cấp, phân quyền phải bảo đảm chọn đúng “mặt để gửi vàng”. Muốn vậy, việc tăng cường phân cấp, phân quyền phải đi đôi với trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân; gắn liền với khả năng, năng lực quyết định, tổ chức, nguồn nhân lực của từng cấp quản lý, bảo đảm việc quyết định và thực hiện hiệu quả đối với các dự án lớn, quan trọng. Do đó, cần đánh giá kỹ tác động về năng lực thực hiện của các địa phương, không nên phân cấp cào bằng. Cùng với đó, tránh việc phân cấp vượt quá khả năng thực hiện của địa phương, bởi hậu quả của việc phân cấp vượt quá khả năng là rất lớn.
Ngoài ra, để tháo gỡ các "điểm nghẽn" về đầu tư công, để tránh tiêu cực xảy ra, dự thảo Luật cần quy định cụ thể tiêu chí, điều kiện để lựa chọn địa phương làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án. Quy định rõ trách nhiệm của các địa phương trong công tác đền bù, tái định cư của dự án; bên cạnh đó, Chính phủ cần đánh giá cơ chế kiểm tra, thanh tra, giám sát khi thực hiện phân cấp. Và điều quan trọng là phải tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc: chỉ phân cấp, phân quyền khi năng lực của bộ, ngành, địa phương đủ mạnh; có như vậy, việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công mới không bị thất thoát, lãng phí.
Song Hà
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/phan-cap-phan-quyen-chon-mat-gui-vang-post395488.html