Luật Thủ đô 2024
Nút giao đường Láng - Tây Sơn - Ngã Tư Sở. Ảnh: Khánh Huy
Chính quyền Thủ đô tinh gọn, hiện đại
Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định nhiệm vụ “Hoàn thiện tổ chức, bộ máy chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, liên thông, phù hợp với vai trò, vị trí và yêu cầu phát triển, quản lý Thủ đô trong giai đoạn phát triển mới. Tăng cường phân cấp, phân quyền cho Thủ đô trên một số lĩnh vực nhằm tạo sự chủ động, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực”.
Luật Thủ đô 2024 thể chế hóa đầy đủ những yêu cầu then chốt của Nghị quyết số 15-NQ/TW về nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện tổ chức chính quyền Thủ đô đồng thời luật hóa các quy định đã được qua kiểm nghiệm thực tế là phù hợp của các Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số địa phương khác.
Theo Điều 8 Luật Thủ đô 2024, tổ chức chính quyền đô thị của Hà Nội gồm: chính quyền địa phương ở TP Hà Nội, huyện, quận, thị xã, TP thuộc TP Hà Nội, xã, thị trấn là cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND (khoản 1 Điều 8). Chính quyền địa phương ở phường tại TP là UBND phường (khoản 2 Điều 8). Quy định này được xây dựng trên cơ sở kết quả sơ kết 3 năm thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội (không tổ chức HĐND phường).
Cùng với đó, theo khoản 1, 2, 3 Điều 9 Luật Thủ đô 2024, HĐND TP được bầu 125 đại biểu HĐND; số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách ít nhất là 25% tổng số đại biểu HĐND; Thường trực HĐND TP hoạt động chuyên trách, gồm Chủ tịch, không quá 03 Phó Chủ tịch và các Ủy viên, bảo đảm không quá 11 người; được thành lập không quá 06 Ban để tham mưu về các lĩnh vực cụ thể (tăng 02 Ban so với quy định pháp luật hiện hành).
Theo khoản 1,2 Điều 11 Luật Thủ đô, HĐND quận, thị xã, TP thuộc TP có 02 Phó Chủ tịch HĐND; tổng số đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách không quá 09 người; được thành lập không quá 03 Ban tham mưu các lĩnh vực cụ thể (tăng 01 Ban so với quy định pháp luật hiện hành).
Các quy định trên nhằm nâng cao năng lực, tính chuyên nghiệp và hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp trong bối cảnh không tổ chức HĐND phường. Việc tăng số lượng đại biểu chuyên trách không chỉ tăng cường chất lượng hoạt động của HĐND các cấp mà còn giúp phát huy các cơ chế dân chủ trực tiếp đảm bảo tốt hơn nữa quyền và lợi ích của cử tri nói riêng, đảm bảo quyền làm chủ của người dân nói chung.
Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ ở điểm cuối, đoạn vào thành phố Ảnh: Khánh Huy
Phân cấp, phân quyền cho chính quyền các cấp
Tại Điều 9 Luật Thủ đô 2024 quy định, trao quyền cho HĐND TP quyết định một số vấn đề đặc thù về tổ chức, nhân sự của HĐND: số lượng đại biểu HĐND TP hoạt động chuyên trách; quyết định số lượng, tên gọi, phạm vi lĩnh vực phụ trách của các Ban của HĐND TP; quy định tiêu chí thành lập, tổ chức các Ban của HĐND quận, thị xã, TP thuộc TP.
Đồng thời Luật quy định phân quyền trực tiếp cho Thường trực HĐND TP: giao Thường trực HĐND TP thẩm quyền phê chuẩn Phó Trưởng Ban và các Ủy viên của Ban (khoản 3, Điều 9); thẩm quyền quyết định và báo cáo HĐND TP tại kỳ họp gần nhất về 03 nội dung liên quan đến các biện pháp giải quyết công việc đột xuất, khẩn cấp, điều chỉnh chủ trương đầu tư trong trường hợp cần thiết (khoản 5, Điều 9).
Cùng với đó, quy định trao quyền HĐND TP quyết định các vấn đề về tổ chức, biên chế hành chính trên cơ sở đề án do UBND TP trình (khoản 4 Điều 9): việc thành lập, tổ chức lại, thay đổi tên gọi, điều chỉnh chức năng, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND TP chưa được quy định hoặc khác với quy định trong văn bản của cơ quan Nhà nước cấp trên (bảo đảm không vượt quá 15% khung số lượng do Chính phủ quy định);
Quy định về việc thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND huyện, quận, thị xã, TP thuộc TP chưa được quy định hoặc khác với quy định trong văn bản của cơ quan Nhà nước cấp trên (bảo đảm không vượt quá 10% khung số lượng do Chính phủ quy định);
Xác định số lượng biên chế cán bộ, công chức, số lượng viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước do TP quản lý căn cứ vào danh mục vị trí việc làm, quy mô dân số, thực trạng khối lượng công việc, đặc điểm an ninh, chính trị, an toàn xã hội trên địa bàn và khả năng cân đối ngân sách của TP, bảo đảm tỷ lệ giữa tổng số biên chế so với tổng số dân không vượt mức tỷ lệ trung bình của cả nước trình cấp có thẩm quyền quyết định, giúp bảo đảm nguồn nhân lực công vụ đáp ứng yêu cầu thực tiễn của Thủ đô Hà Nội, phù hợp với định hướng tại Nghị quyết số 15-NQ/TW.
Luật trao quyền cho UBND TP quyết định: điều chỉnh vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý; quyết định thành lập mới đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của UBND TP căn cứ vào nguyên tắc, điều kiện, tiêu chí theo quy định của pháp luật và theo trình tự, thủ tục do Hội đồng nhân dân TP quy định (khoản 2,3 Điều 10).
Phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của UBND, Chủ tịch UBND quận, thị xã, TP thuộc TP và UBND, Chủ tịch UBND phường trong bối cảnh không tổ chức HĐND phường, trong đó chú trọng các điểm mới về phân định nhiệm vụ trong các lĩnh vực phụ trách.
UBND phường được quyết định các nội dung mà theo quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật khác phải do HĐND cấp xã quyết định hoặc phải được HĐND cấp xã thông qua trước khi quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định (điểm e khoản 1 Điều 13). UBND phường không có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật (khoản 2 Điều 13).
Mục đích điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức bộ máy hành chính tại các quy định trên theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền cho chính quyền các cấp tại Thủ đô nhằm tạo sự chủ động, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ của chính quyền các cấp Thủ đô.
Điều 14 Luật Thủ đô 2024 quy định, việc phân cấp, ủy quyền của UBND TP cho cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND TP hoặc UBND cấp huyện, UBND cấp xã; phân cấp cho đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý. Đồng thời, quy định việc phân cấp, ủy quyền của UBND cấp huyện cho cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp huyện hoặc UBND cấp xã, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý.
Để đảm bảo việc giám sát, kiểm soát thực hiện quyền lực trong thực hiện cơ chế phân cấp, ủy quyền, Luật Thủ đô 2024 giao HĐND TP quy định chi tiết phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được ủy quyền cho công chức thuộc UBND cấp xã, được phân cấp, ủy quyền cho đơn vị sự nghiệp công lập, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.
UBND TP ban hành văn bản quy định việc điều chỉnh trình tự, thủ tục, thẩm quyền của các cơ quan liên quan trong quá trình giải quyết công việc phù hợp với việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp, ủy quyền bảo đảm yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính, không quy định thêm thành phần hồ sơ, không tăng thêm yêu cầu, điều kiện, thời gian giải quyết thủ tục đang áp dụng (khoản 6, 7 Điều 14).
Công Phương