Phận đời nghiệt ngã của cậu học trò cùng lúc săn sóc cả gia đình bệnh tật

Phận đời nghiệt ngã của cậu học trò cùng lúc săn sóc cả gia đình bệnh tật
20 giờ trướcBài gốc
Cậu học trò lớp 8 chăm bố tại nạn nằm liệt giường.
Nghị lực của cậu học trò lớp 8
Tan lớp học, nhóm bạn của Ngọc í ới gọi nhau nhanh chân ra sân bóng. Chiều nay, lớp Ngọc có trận bóng hay với đội bạn. Ngọc đam mê bóng đá, là chân sút cừ khôi của lớp. Nhưng trái với sự vồn vã, mời gọi của bạn, Ngọc nhanh chóng gấp sách vở vào cặp, vội bước ra nhà xe lấy xe đạp. Hôm nay có 5 tiết, nên em đạp vội hơn so với những ngày khác, bởi ở nhà bố vẫn đang chờ em về để cho ăn.
Quãng đường từ trường đến nhà gần 6km, để tiết kiệm thời gian, Ngọc leo xe qua đoạn đường đê tuy gồ ghề nhưng ngắn hơn. Hơn 20 phút Ngọc đã có mặt ở nhà. Trong căn phòng nhỏ, người đàn ông trung niên nằm một chỗ trên chiếc giường ọp ẹp là anh Phan Thế Khoa – bố Ngọc. Anh cũng từng là một giáo viên dạy Hóa – Sinh.
Đi học về, Ngọc vội về nhà chăm bố bị liệt do tai nạn.
Mấy hôm nay trời trở rét, anh Khoa liên tục lên cơn đau đầu, toàn thân đau nhức. Ngọc bận đến trường,bà nội già yếu lại bị bệnh ung thư không đỡ đần được con trai, nên anh không còn cách nào khác tiểu tiện trên giường.
Chẳng kịp nghỉ tay, Ngọc chạy vội vào nhà cắm vội nồi cơm rồi lại lật đật ra thay đồ cho bố. Đôi tay em thoăn thoắt cởi từng khuy áo, lột bộ đồ đã ướt nhèm, bốc mùi trên người bố. Đã đã quen với công việc này từ nhiều tháng qua, nhưng cậu học trò lớp 8 cũng trầy trượt mãi mới nhấc được người bố vừa lau dọn và thay đồ.
Ngọc cẩn thận vệ sinh khắp người bố, một công việc chỉ có tình yêu hết mực với người bố bệnh tật ăn nằm một chỗ em mới làm được như thế.
Bố Ngọc nằm liệt giường đã hơn 6 tháng.
“Em chỉ thấy thương bố. Nhiều khi đang học, em chỉ lo ở nhà bố đi vệ sinh không ai lau dọn chắc ngứa ngáy, khó chịu lắm. Bà già rồi, lại bệnh tật nên chỉ đút được cho bố ăn. Còn việc thay đồ cho bố chỉ có em làm được, sợ nhất lúc bố bực mình là hất chân đá bà ngã mất…”, vừa làm Ngọc vừa nói.
Trên giường bệnh, người đàn ông thỉnh thoảng lại rì rầm những lời không thành câu, thành ý. Chốc chốc lại nhìn Ngọc như nhìn người lạ. Ngọc cho biết, khi chưa bị ngã bệnh, 2 bố con vẫn hay nói chuyện, tâm sự với nhau. Nhưng đã lâu rồi, bố chẳng còn nhận ra em. “Có hôm 1-2 h sáng bố gọi em dậy để thay bỉm, quần. Nhiều lúc, bố đói em đi học về chưa kịp làm đồ ăn bố lại chửi mắng, vứt đồ đạc. Nhưng buồn nhất là bố không nhận ra em, cứ hỏi là đứa nào…”, Ngọc kể.
Bố ơi đừng bỏ con!
Trong lúc trò chuyện, cậu học trò đôi lần nghẹn giọng, cúi mặt cười ngượng hoặc thi thoảng quay về phía khác để lau nước mắt. Khác hẳn với vẻ ngoài hồn nhiên, vui vẻ, Ngọc cũng đầy tâm sự, nhất là khi nhắc về mẹ.
Dù khó khăn nhưng Ngọc luôn nỗ lực để có kết quả học tập tốt nhất.
Bố Ngọc – thầy giáo Phan Thế Khoa vốn là giáo viên dạy Hóa Sinh của ngành giáo dục huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh). Khi Ngọc 4 tuổi, bố mẹ ly hôn, Ngọc về sống với bố tại nhà ông bà nội bị ung thư cùng người cô bị chất độc da cam ở xã Nam Phúc Thăng (huyện Cẩm Xuyên).
Bất hạnh nối tiếp bất hạnh, năm 2014, trên đường đi làm về, bố Ngọc gặp tai nạn giao thông bị chấn thương sọ não phải nuôi hộp sọ tại bệnh viện Hà Nội để chờ cấy ghép. Tuy nhiên, trong thời gian chờ cấy ghép, thầy Khoa một lần nữa bị ngã, chấn thương vùng đầu khiến sức khỏe giảm sút nghiêm trọng. Nhiều năm lại đây, thầy Khoa không thể tự đi xe máy mà phải nhờ hoặc thuê người chở đi đến trường. Đến đầu năm học 2024-2025, thầy Khoa phải tạm dừng công tác giảng dạy do 2 chân thầy bị teo cứng, không còn khả năng đi lại, tinh thần và trí tuệ cũng sa sút. Cũng từ đó đến nay, một sinh hoạt của thầy Khoa đều ở trên giường, phụ thuộc vào đôi tay bé nhỏ của cậu con trai lớp 8.
Từ thầy giáo khỏe mạnh, thầy Phan Thế Khoa - bố Ngọc phải nằm liệt giường do di chứng tai nạn.
Ý thức được hoàn cảnh gia đình và gánh vác trọng trách của người bố nên Ngọc luôn cố gắng vươn lên trong cuộc sống, học tập. Một ngày của Ngọc bắt đầu từ lúc 5h30 để vệ sinh, đút cho bố ăn trước khi đến trường. Nhưng có những ngày trở trời, cả đêm bố không ngủ khiến Ngọc thức đến gần sáng. Ngọc vừa chợp mắt lại vội dậy làm đồ ăn cho bố còn bữa sáng của mình Ngọc đành bỏ dở vì đã muộn giờ học.
2 chân thầy Khoa bị teo không có khả năng đi lại.
“Tội Ngọc lắm, tuổi thơ đã thiếu thốn tình cảm. Khi Ngọc, mới 6 tháng mẹ đã đi xuất khẩu lao động, 4 tuổi thì bố mẹ ly hôn. Giờ ở tuổi được vui chơi theo bạn bè, được cha mẹ chăm sóc thì phải chăm bố liệt giường. Nhiều khi nhìn cháu mà tôi trào nước mắt. Hai bà cháu hiện còn tiền trợ cấp từ chế độ thanh niên xung phong và thương binh. Tôi chỉ sợ một mai tôi mất không biết cha con Ngọc lấy gì mà nuôi nhau”, bà Nguyễn Thị Hiếu (74 tuổi) - bà nội Ngọc bày tỏ.
2 bà cháu Ngọc chỉ mong có phép màu để bố mau khỏe bệnh.
Ngồi nghe bà kể chuyện, Ngọc liên tục bặm môi và cúi đầu, hai bàn tay của em nắm chặt lấy đôi tay gầy guộc của bố. Chắc có lẽ trong suy nghĩ non nớt của Ngọc cũng nơm nớp những dự cảm bất an.
Chia tay gia đình nam sinh lớp 8, cậu bé cứ nhắc đi nhắc lại với chúng tôi ước mong nhỏ nhoi: “Em chẳng dám ước gì đâu, chỉ mong sao có phép màu để bố sớm khỏe bệnh, đừng bỏ em lại mồ côi”.
Mọi sự ủng hộ cháu Phan Thế Ngọc xin vui lòng gửi về:
Văn phòng đại diện thường trú Báo Giáo dục và Thời đại khu vực Bắc Trung Bộ
Địa chỉ: Số 2, ngõ 5 đường Nguyễn Biểu, TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh
Hotline: 0913.473.217
Số tài khoản: 111601684999 - Ngân hàng Vietinbank Chi nhánh Hà Tĩnh.
Nội dung chuyển khoản: MT24
Phương Hồ
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/phan-doi-nghiet-nga-cua-cau-hoc-tro-cung-luc-san-soc-ca-gia-dinh-benh-tat-post720182.html