Người dân xã Thanh Hải (Thanh Hà) phân loại rác thải tại hộ gia đình
Thay đổi thói quen của người dân
Là xã có mật độ dân số đông của huyện Thanh Hà, Thanh Hải được chọn áp dụng mô hình thí điểm phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn từ cuối năm 2023. Xác định việc thay đổi nhận thức, thói quen của người dân trong xử lý rác sinh hoạt bao năm qua là việc không dễ nên Đảng bộ, chính quyền xã xác định ngay đây là nhiệm vụ trọng tâm phải làm được.
Đảng bộ xã đã ban hành nghị quyết thực hiện, UBND xã thành lập Ban Chỉ đạo, sau đó xây dựng kế hoạch triển khai mô hình. Từng công việc được địa phương triển khai bài bản, có sự chung tay của cả hệ thống chính trị. Đến ngày 1/5/2024, việc phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn được áp dụng tới từng gia đình. Địa phương đã đấu thầu, cấp phát thùng đựng rác 3 ngăn tới các hộ, cấp men vi sinh cho các hộ đăng ký ủ rác tại nhà. Việc phân loại rác như thế nào cũng được hướng dẫn từng hộ bằng tờ rơi tuyên truyền.
Xã lắp đặt bảng hướng dẫn trực quan tại nhà văn hóa các thôn, điểm trường mầm non. Quyết liệt hơn, còn lắp đặt 4 camera giám sát tại điểm tập kết rác vô cơ, khu ủ rác hữu cơ tập trung, điểm tập kết rác thải đã dừng hoạt động tại thôn An Liệt 3. Đồng thời lắp biển báo “Cấm đổ rác” tại 3 điểm tập kết rác thải cũ, biển “Cấm tập kết rác” tại các vị trí thường xuyên phát sinh rác tại các thôn.
Thực hiện mô hình này, các điểm trung chuyển rác thải trong khu dân cư đã được đóng cửa và dừng hoạt động. Toàn xã chỉ còn 2 điểm tập kết rác, trong đó có 1 điểm ủ rác thải hữu cơ tập trung với diện tích 150 m2 tại bãi rác chôn lấp cũ ở thôn Tiền Vỹ. Điểm còn lại là bãi tập kết rác thải vô cơ, rác thải cồng kềnh và rác thải nguy hại với diện tích 200 m2.
Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Phúc đánh giá sau hơn 6 tháng triển khai mô hình, người dân đã nâng cao ý thức trách nhiệm thực hiện phân loại rác thải tại nguồn. Khối lượng rác vô cơ mang đi xử lý tại nhà máy đã giảm từ 30-35% so với trước, trong tháng 10 giảm 49%.
Tìm mô hình tiết kiệm, hiệu quả
Ở Ninh Giang, cán bộ Hội Phụ nữ là người đi đầu thực hiện phân loại rác tại nguồn, đặc biệt trong triển khai xử lý rác sinh hoạt thành phân hữu cơ từ men IMO. Trong ảnh: Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hồng Phong Đinh Thị Chi xử lý rác hữu cơ bằng men IMO tại nhà
Đó là trăn trở của Ban Chấp hành Hội Phụ nữ huyện Ninh Giang khi thực hiện chương trình phân loại rác tại nguồn. Chị Nguyễn Thị Mai, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện cho biết: “Bao năm nay, người dân quen với việc mỗi tháng chỉ mất vài nghìn đóng phí thu gom rác thải mà rác được tổ vệ sinh môi trường thu gom, chở đi xử lý, nhà cửa vẫn sạch sẽ. Nay lại mất công phân loại, xử lý tại nhà, nhiều người nghĩ đã thấy ngại, chưa kể khi triển khai cũng tốn thêm chi phí”.
Đầu tiên, từ cuối năm 2021 đầu năm 2022, Hội Phụ nữ huyện triển khai phân loại rác tại hộ gia đình bằng mô hình ống bi bê tông ở 3 xã Vĩnh Hòa, Văn Hội, Hưng Long với 230 hộ tham gia. Tuy nhiên, mô hình này khó nhân rộng vì chi phí mua, lắp đặt mỗi ống tốn hơn 500.000 đồng/hộ.
Tiếp đến giai đoạn 2022-2023, Hội Phụ nữ huyện Ninh Giang lại triển khai thêm mô hình đào hố tại vườn để xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón ở 3 xã An Đức, Hiệp Lực, Tân Phong với 251 hộ tham gia. So sánh với mô hình trên thì chi phí đã giảm rõ rệt, chỉ mất tiền mua nắp đậy.
Trong năm 2024, Hội Phụ nữ huyện Ninh Giang tập trung triển khai mô hình làm men vi sinh IMO để xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình và xử lý môi trường ao hồ đến tất cả 20 Hội Phụ nữ xã, thị trấn, bước đầu đã có 1.366 hộ thực hiện. Với những hộ có vườn rộng, rác nhiều thì có thể triển khai cả hai mô hình làm men IMO và đào hố xử lý rác. Chị Mai cho biết thêm: Huyện hội đã mời chuyên gia về hướng dẫn làm men tới Ban Chấp hành các Hội Phụ nữ cơ sở. Ban đầu chị em về làm chưa thành công ngay nhưng dần kiên trì và tất cả cán bộ hội các cấp đều làm gương thực hiện nên hội viên dần nghe theo. Đặc biệt, ở nhiều nơi chị em còn nhân bản từ men gốc nên chi phí giảm tới 90%.
Phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt sau khi xử lý bằng men IMO được người dân xã Hồng Phong tưới cho cây trồng trong vườn, xử lý ao chuồng...
Hội Phụ nữ xã Hồng Phong ra mắt mô hình “Phụ nữ phân loại và xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình bằng men vi sinh IMO” từ tháng 3 năm nay, đến nay có hơn 80 hộ tham gia. Thông qua Hội Phụ nữ huyện hỗ trợ và xã hội hóa, các hộ được cấp thùng ủ và tự tận dụng các thùng sơn bỏ đi để làm thùng ủ rác. “Mỗi lần làm 5kg men gốc tốn 125.000 đồng nhưng dùng được 3-4 tháng. Một năm chúng tôi chỉ phải làm 3-4 lần men, nếu tự nhân bản men gốc thì chi phí làm rất thấp”, chị Đinh Thị Chi, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hồng Phong cho biết.
Cũng theo chị Chi, lượng rác thải phải mang đi xử lý ở những hộ thực hiện mô hình IMO tại xã Hồng Phong đã giảm khoảng 80%. “Từ khi triển khai mô hình phân loại rác thải và xử lý bằng men IMO, không những giảm lượng rác thải ra môi trường mà cây cối trong vườn nhà tôi lúc nào cũng xanh tốt vì được bón phân hữu cơ, rất an toàn”, bà Vũ Thị Lan, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Đồng Hội, xã Hồng Phong cho biết.
70 bãi chôn lấp rác ngừng hoạt động
Hải Dương triển khai Đề án “Xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” đến tất cả các huyện, thị xã, thành phố từ đầu năm 2022. Thực hiện đề án, một số địa phương đã tích cực triển khai mô hình phân loại rác tại nguồn và đạt được hiệu quả tích cực, ý thức của người dân về phân loại rác thải rắn sinh hoạt đã được nâng lên, thu hút được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của các tổ chức chính trị, đoàn thể và cộng đồng dân cư. Trong giai đoạn thí điểm đã có hơn 70.000 hộ tham gia phân loại rác, ủ mùn rác hữu cơ, đạt 13,3% tổng số hộ. Sau khi phân loại, rác thải phải chuyển về nhà máy xử lý giảm 50%, tương ứng 76 tấn/ngày; dừng hoạt động 70 bãi chôn lấp.
Theo đề án, việc thực hiện mô hình phân loại sẽ áp dụng tại 22 xã (mỗi huyện, thành phố, thị xã lựa chọn 2 xã để triển khai). Tuy nhiên do điều kiện thực tế hoạt động thu gom xử lý chất thải rắn sinh hoạt và việc phân công nhiệm vụ thực hiện của mỗi địa phương khác nhau, nên khi triển khai có sự điều chỉnh, thay đổi.
Tại huyện Nam Sách, do các bãi rác cơ bản đã đầy, huyện đã tổ chức triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn ở tất cả 19 xã, thị trấn, tương ứng 39.581 hộ. Các xã Thanh Hải (Thanh Hà), Cẩm Văn (Cẩm Giàng), Vĩnh Hồng và Hùng Thắng (Bình Giang) có tất cả 11.619 hộ đã triển khai thực hiện ủ rác thải hữu cơ tập trung. Một số địa phương gắn thực hiện theo hoạt động của Hội Phụ nữ, Hội Nông dân tham gia thực hiện phân loại, xử lý rác tại nhà với tổng số 18.800 hộ tham gia…
Kết quả, ủ mùn rác hữu cơ tại hộ gia đình đạt nhiều hiệu quả tích cực. Các địa phương thực hiện phân loại rác tại nguồn ở khu vực nông thôn đã giảm khoảng 50 - 60% lượng rác phát sinh phải chuyển về nhà máy để xử lý. Khu vực đô thị chưa áp dụng phân loại chất thải thực phẩm để xử lý riêng, đã giảm khoảng 15% lượng rác phát sinh phải chuyển về nhà máy để xử lý. Ý thức, trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân và hộ gia đình trong việc phân loại, tập kết rác thải đúng vị trí, thời gian quy định, nộp phí vệ sinh định kỳ... đã được nâng lên. Cảnh quan chung của nhiều địa phương đã được chỉnh trang, sạch đẹp.
Tuy nhiên, ở một số địa phương, lượng mùn sau ủ nhiều trong khi nhu cầu sử dụng tại địa phương ít, chưa được cung ứng cho các cơ sở sản xuất phân hữu cơ nên lượng mùn sau ủ đang bị tồn đọng. Kinh phí chi cho hoạt động phân loại rác tại nguồn còn hạn chế. Đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa ban hành quy định định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt làm cơ sở để các tỉnh xây dựng đơn giá.
Việc chưa có đơn giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đối với hộ gia đình, cá nhân là một hạn chế rất lớn cho việc triển khai phân loại chất thải tại nguồn. Hiện nay, quy định mức phí vệ sinh môi trường đối với các hộ gia đình rất thấp (4.000 đồng/khẩu/tháng khu vực nông thôn; 6.000 đồng/khẩu/tháng khu đô thị), so với chi phí thực thu gom, vận chuyển về nhà máy để xử lý chỉ đáp ứng khoảng 20%. Mức phí này chỉ phù hợp với điều kiện xử lý chất thải bằng phương pháp chôn lấp trước đây. Điều này dẫn đến việc làm tăng gánh nặng cho ngân sách nhà nước hỗ trợ cho hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải mà chưa tập trung được cho đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng cho hoạt động thu gom, điểm trung chuyển, cải thiện môi trường địa phương.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, nhất là thực hiện hiệu quả việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, Sở Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo UBND tỉnh đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành chỉ thị về tăng cường công tác bảo vệ môi trường, thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh. Theo đó, yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, các sở, ban, ngành trong toàn tỉnh tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả nhiệm vụ này, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định từ ngày 31/12/2024, phân loại chất thải rắn sinh hoạt là việc làm bắt buộc đối với mọi cá nhân và hộ gia đình.
NGÂN HẠNH