Hình ảnh chiếc xe chiến đấu Mỹ M2 Bradley mang pháo tự động 30mm 2A72 của Nga. Ảnh: QQnews.
Địa điểm và ngày chụp ảnh cũng như nguồn gốc không được nói rõ, nhưng chiếc Bradley có vẻ như đang ở trong một kho cùng với các xe bọc thép khác do phương Tây cung cấp cho Lực lượng vũ trang Ukraine mà Nga thu giữ được.
Việc “lai ghép vũ khí” tưởng chừng kỳ lạ này thực chất phản ánh một chiến lược sâu xa trong việc tận dụng nguồn lực trên chiến trường , khi vũ khí phương Tây rơi vào tay Nga, chúng được cải tiến và đưa vào sử dụng trong thực chiến.
Hệ thống hỏa lực “Nga hóa” chiến xa Mỹ
Pháo tự động 25 mm Bushmaster trên xe Bradley là trang bị tiêu chuẩn của xe chiến đấu bộ binh Mỹ. Khi muốn sử dụng loại xe chiến đấu Mỹ được đánh giá cao này, quân đội Nga đối mặt với một thực tế nan giải: chuỗi cung ứng đạn dược của Mỹ hoàn toàn bị cắt đứt. Vì vậy, các kỹ sư Nga đã lựa chọn hoán đổi pháo 25mm Bushmaster bằng pháo 30 mm 2A72 – vũ khí chính của xe thiết giáp BTR-82 của Nga.
Pháo 30 mm 2A72, vũ khí chính của xe thiết giáp Nga. Ảnh: QQnews.
2A72 là phiên bản giảm trọng lượng của pháo 2A42 được sử dụng rộng rãi, cũng là vũ khí 30 mm, được Nga trang bị cho xe chiến đấu bộ binh BMP-2, xe chiến đấu đổ bộ đường không BMD-2 và BMD-3, xe bọc thép chở quân BTR-90, cũng như trực thăng tấn công Ka-52 Hokum và Mi-28 Havoc.
Pháo 2A72 có tốc độ bắn lên tới 330 viên/phút, tầm bắn có hiệu quả với mục tiêu bọc thép là 1,6 km, pháo có thể bắn nhiều loại đạn như đạn xuyên giáp, vạch đường, đạn nổ uy lực cao gây cháy…Trong khi đó, pháo nguyên bản 25 mm Bushmaster của Mỹ chỉ bắn được tốc độ khoảng 200 viên/phút và phụ thuộc vào loại các đạn đặc chủng là đạn nổ mạnh (HE) để tấn công các xe bọc thép nhẹ hoặc đạn xuyên giáp urani nghèo (DU) để tấn công các xe bọc thép nặng hơn như IFV và thậm chí cả xe tăng.
Nhờ việc hoán đổi này, xe chiến đấu Bradley có thể sử dụng đạn tiêu chuẩn đang dùng trên BMP-2, BTR-82 của Nga, qua đó giảm đáng kể áp lực hậu cần.
Lính thủy đánh bộ Nga huấn luyện cùng xe Bradley thu được từ Ukraine. Ảnh: RIA.
Từ “chiến lợi phẩm” thành “đơn nguyên tác chiến”
Quân đội Nga không dừng lại ở việc trưng bày các xe Bradley Mỹ viện trợ cho Ukraine bị bắt giữ. Video được công bố cho thấy các đơn vị thuộc Quân khu Trung tâm Nga từng sửa chữa một chiếc bị mìn phá hỏng, nâng cấp thêm “mái” giáp lồng chống UAV và giữ lại hệ thống điều khiển hỏa lực quan trọng. Một số đơn vị Nga thậm chí đã đưa xe Bradley qua hoán cải vào thực chiến, trong đó đã xuất hiện hình ảnh video quay cảnh Lữ đoàn lính thủy đánh bộ Nga số 155 huấn luyện tác chiến với dòng xe này.
Trong các tư liệu tuyên truyền chính thức, chiếc Bradley mang pháo Nga còn được gán cho biểu tượng “đánh bại vũ khí phương Tây”, “Dùng gậy ông đập lưng ông”.
Cách làm này không chỉ giúp khắc phục tình trạng thiết bị bị bỏ phí mà còn cung cấp dữ liệu thực tế quý giá cho các dự án nghiên cứu vũ khí tương lai.
Xe chiến đấu Bradley Mỹ cung cấp cho quân đội Ukraine. Ảnh: QQnews.
Dù số lượng xe được cải tạo còn hạn chế, động thái này đã phản ánh logic đối kháng vũ khí trong xung đột Nga–Ukraine: Xe Bradley mà Ukraine sử dụng có lớp giáp tốt, hệ thống hỏa lực tiên tiến, nhưng vẫn dễ tổn thương trước máy bay không người lái và mìn. Phía Nga cho rằng xe này “tính cơ động không mạnh, mục tiêu quá lớn”, nhưng trên thực tế chiến trường, phía Ukraine từng ghi nhận các chiến tích đáng kể của xe Bradley như phá hủy xe tăng chủ lực của quân Nga.
Theo Thewarzone, từ tháng 4/2023, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine hơn 300 chiếc Bradley M2A2 ODS. Theo nhóm theo dõi nguồn mở Oryx, chỉ ghi lại những tổn thất mà họ có xác nhận trực quan, ít nhất 12 chiếc Bradley của Ukraine đã bị lực lượng Nga thu giữ và nhiều chiếc khác đã bị bỏ lại sau khi bị hư hỏng hoặc bị phá hủy hoàn toàn. Một số xe bị bỏ lại nhưng vẫn còn nguyên vẹn cũng có thể đã đến tay người Nga và có thể đã được sửa chữa.
Dân chúng Nga tham quan chiến xa Bradley của Mỹ bị thu giữ. Ảnh: Thewarzone.
Tính đến năm 2025, theo số liệu từ Oryx, có bằng chứng được ghi chép cho thấy 177 xe Bradley của Ukraine đã bị phá hủy, hư hỏng và sau đó bị bỏ lại hoặc bị bắt giữ. Việc Nga thu hồi xác xe để cải tiến, sửa chữa đã phần nào cho thấy tư duy “biến đồ bỏ thành tài nguyên” trong chiến tranh tiêu hao kéo dài.
Biểu tượng mới của chiến tranh hiện đại
Khi pháo Nga lần đầu khai hỏa từ một chiến xa Mỹ, đó không chỉ là một phép “lắp ghép cơ học” đơn thuần giữa hai hệ vũ khí đối nghịch, mà còn là một ví dụ điển hình cho chiến lược tận dụng tài nguyên chiến trường hiện đại.
Từ việc tương thích công nghệ, tuyên truyền truyền thông, đến ứng dụng thực chiến và tác động tâm lý, cuộc “lai ghép xuyên biên giới” này phản ánh rõ trí tuệ đối kháng của cả hai bên trong điều kiện hạn chế về trang bị.
Xe Bradley tham gia diễn tập trong đội hình quân đội Nga. Ảnh: QQnews.
Cho dù những chiếc Bradley đặc biệt này được đưa ra tiền tuyến hay chỉ dùng trong hậu phương để tuyên truyền, nó cũng đã trở thành minh chứng sống động cho chiến lược “biến vũ khí địch thành sức mạnh của ta” trong chiến tranh hiện đại. Sự tồn tại của nó là thất bại ê chề đối với Mỹ.
Thu Thủy