Mồ côi bố hoặc mẹ nhưng người còn lại bỏ đi khỏi nơi cư trú khiến gần 560 trẻ em bỗng chốc mất nguồn nuôi dưỡng, rơi vào cảnh khốn khó. Trước thực tế trên, quyết sách của HĐND tỉnh Hà Giang về hỗ trợ kinh phí giúp trẻ hoàn tất thủ tục hưởng chế độ trợ giúp xã hội ra đời được ví như “phao cứu sinh”, tiếp lực để trẻ vượt qua nghịch cảnh, bước tới tương lai sáng.
Kỳ 1: Chơi vơi giữa… dòng đời
Sống nhờ sự đùm bọc của người thân trong cảnh nghèo khó; trở thành lao động chính, trụ cột gia đình ở tuổi cắp sách đến trường; khát khao tình yêu thương, che chở của bố mẹ… Đó là hiện thực xót xa mà không ít trẻ em trên địa bàn tỉnh Hà Giang đang từng ngày trải qua khi mất nguồn nuôi dưỡng.
1 mái nhà, 4 phận đời bất hạnh
Trong căn nhà xây cấp 4 đã nhuốm màu thời gian, có 4 phận đời bất hạnh thuộc 3 thế hệ nương tựa vào nhau, khiến nhiều người không khỏi xót xa. Đó là trường hợp của gia đình bà Lục Thị Thượng (sinh năm 1967), thôn Trung, xã Trung Thành (Vị Xuyên).
Cán bộ xã Sà Phìn (Đồng Văn) thăm hỏi, động viên gia đình chị Lầu Thị Lía (người bế trẻ).
Căn bệnh viêm đa khớp khiến bà Thượng liệt toàn thân, không thể tự chăm sóc mình. Nằm bất động trên giường, nước mắt bà chảy dài khi có người hỏi về hoàn cảnh gia đình. Bà kể: Vợ chồng tôi sinh được 2 người con, 1 trai, 1 gái. Thế nhưng, “hạnh phúc chẳng tày gang” khi con trai bị khuyết tật trí tuệ nặng, phải nhờ bố, mẹ chăm sóc, trợ giúp hàng ngày. Còn con gái không may mắc bệnh hiểm nghèo, đã mất năm 2012 khi tuổi đời mới 24. Con mất, để lại 2 cháu gái thơ bé cho ông, bà ngoại nuôi dưỡng; đứa lớn khi ấy 5 tuổi, con út lên 3. Bố cháu thì bỏ đi biệt xứ, không mảy may quan tâm, chăm sóc. Cứ như thế, vợ chồng tôi mò cua, bắt ốc, làm vườn, rừng, chăn nuôi gia súc, gia cầm gây dựng kinh tế, lấy tiền nuôi con, nuôi cháu. Năm 2023, chồng tôi đột ngột qua đời vì bạo bệnh. Ngày chồng mất, tôi không thể về chịu tang vì đang nhập viện cấp cứu. Cũng trong thời gian ấy, căn bệnh viêm đa khớp khiến tôi vĩnh viễn chỉ nằm một chỗ trên giường. Nghèo khổ bủa vây, gánh nặng gia đình bắt đầu đè lên đôi vai non nớt của 2 cháu ngoại là Đặng Hoài Thư (sinh năm 2007) và Đặng Ngọc Anh (sinh năm 2009).
Chứng kiến gia cảnh nghèo khó, thương bà ngoại vất vả, học xong lớp 9, Đặng Hoài Thư đành khép lại giấc mơ trở thành cô giáo trong tương lai để về Hà Nội kiếm việc làm, phụ giúp bà trang trải cuộc sống và nuôi em gái ăn học. Không phụ sự kỳ vọng của bà ngoại và chị gái, Ngọc Anh bây giờ đã là học sinh lớp 10A4, Trường THPT Việt Lâm (Vị Xuyên). Đặc biệt, kết quả học tập suốt 9 năm qua của Ngọc Anh đều là học sinh giỏi; năm lớp 9 giành giải Khuyến khích môn Lịch sử trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp huyện…
Bàn học của Ngọc Anh, sách vở, đồ dùng học tập được xếp gọn gàng, ngăn nắp. Bức tường ngay phía trước dán tờ giấy A4 tô đậm dòng chữ “Đại học Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội”. Chia sẻ về điều này, Ngọc Anh cho biết: “Mỗi khi ngồi vào bàn học, dòng chữ trên hiện lên ngay trước mắt, nhắc nhở em nỗ lực hết mình để có thể bước tới giảng đường Đại học Luật, thực hiện ước mơ trở thành luật sư, mang đến niềm tự hào cho gia đình; đền đáp công ơn sinh thành của bố mẹ, sự dưỡng dục của ông, bà ngoại”.
Giờ đây, ngoài thời gian học trên lớp, trở về nhà, đôi vai nhỏ bé của Ngọc Anh trở thành chỗ dựa, chăm sóc đời sống sinh hoạt hàng ngày cho bà ngoại và cậu. Vườn cây lá Giang gần 100 gốc được Ngọc Anh chăm sóc tươi tốt, tạo thêm nguồn thu nhập cho gia đình. Trên gương mặt rắn rỏi của cô bé tuổi 15 ấy, có lẽ khó khăn trong cuộc sống đã trở thành bệ đỡ, thôi thúc em bước nhanh về phía mặt trời, nơi có ước mơ lấp lánh trên giảng đường đại học.
Chú, dì thành… bố, mẹ
Thôn vùng III biên giới Sán Sỳ Tủng, xã Sà Phìn (Đồng Văn) có 78 hộ dân, 100% là đồng bào Mông sinh sống. Đây là nơi thừa đá, thiếu nước, thiếu đất canh tác, địa hình hiểm trở. Nói như vậy để thấy rằng, cuộc sống mưu sinh đối với một gia đình thuần nông vốn đã khó khăn nay lại chất chồng khó khăn khi nhân khẩu tăng đột biến.
Vượt lên hoàn cảnh khó khăn, Đặng Ngọc Anh, xã Trung Thành (Vị Xuyên) luôn là con ngoan, trò giỏi.
Năm 2019, trước thực tế căn nhà trình tường xuống cấp, vợ chồng anh Sùng Mí Ch. quyết định sửa nhà. Cùng với số tiền tích lũy ít ỏi, anh Ch. vay mượn thêm người thân để nâng cấp nhà ở, háo hức chờ đến ngày nhà cửa khang trang, chấm dứt cảnh trong nhà phải hứng nước ngày mưa, đêm ngủ thấy trăng sáng trên cao. Thế rồi, trong một lần sửa nhà, anh Ch. không may trượt chân rơi từ trên mái cao xuống đất. Mặc dù được người thân nhanh chóng đưa đi cấp cứu nhưng vì điều kiện đường sá xa xôi, đi lại khó khăn, anh Ch. đã lỡ mất khoảnh khắc vàng để các bác sỹ giành lại sự sống cho anh. Chưa đầy 3 tháng sau, vợ anh là chị Lầu Thị Giàng “dứt áo” ra đi, để lại 3 con thơ bơ vơ giữa dòng đời.
“Chú, dì ơi! Con không thấy mẹ. Em Chở khóc nhiều lắm, con không dỗ được”, tiếng Sùng Mí Chá (khi ấy mới 5 tuổi) gọi vang núi đá tai mèo khiến chị Lầu Thị Lía – dì của cháu không khỏi hốt hoảng. Chị Lía nhớ lại: “Khi đó, tôi đang cắt cỏ cho bò, vội chạy về nhà Chá. Trước mắt tôi là cảnh cháu gái Sùng Thị Sinh (3 tuổi) đang lục nồi, tìm ăn mèn mén. Còn Sùng Thị Chở 7 tháng tuổi nằm trên giường, lả đi vì khát sữa. Tôi nghĩ mẹ các cháu có việc nên rời nhà một lúc nhưng ai ngờ, chị ấy đi biệt tích, không một lời nhắn nhủ”.
Thương các cháu còn quá nhỏ phải chịu cảnh mồ côi bố, mẹ lại bỏ nhà ra đi; vợ chồng chị Lía quyết định đón 3 cháu về chung một nhà. Từ 4 nhân khẩu gồm bố, mẹ và 2 con nay thêm các cháu thành 7 nhân khẩu khiến gia đình chị Lía vốn đã là hộ nghèo của xã lại chồng chất khó khăn. Chị Lía chia sẻ: “Vợ, chồng tôi bàn nhau bán 1 con bò để có 13 triệu đồng lo cái ăn, cái mặc cho các cháu. Nhưng đó chỉ là giải pháp tình thế. Rồi chồng tôi quyết định đi lao động tự do ngoài tỉnh để có thêm khoản thu nhập 3 – 4 triệu đồng/tháng, gửi về cho vợ trang trải cuộc sống”. Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Sán Sỳ Tủng, Giàng Thị Cáy nói: “Chúng tôi từng chứng kiến cảnh chị Lía bế bé Chở đi khắp thôn xin sữa; vay tiền mua bỉm cho cháu. Mặc dù cuộc sống khó khăn nhưng chú, dì yêu thương các cháu lắm! Đã có gia đình hiếm muộn ngỏ ý xin bé Chở về làm con nuôi nhưng chị Lía không chịu, vì đó là ruột già, máu mủ nhà mình”.
Khi được hỏi: “Con có nhớ bố, mẹ không?”, Sùng Mí Chá gật đầu nhưng lại nói: “Chú Páo, dì Lía là… bố, mẹ của con”. Câu trả lời của Chá khiến không ít người chứng kiến xúc động. Có lẽ, với những đứa trẻ sớm xa bố mẹ ở tuổi lên 3, lên 5 vẫn chưa kịp khắc ghi hình bóng đấng sinh thành. Các em vẫn rất cần một điểm tựa, một bóng mát che chở tuổi thơ thiếu vắng tình thương của bố, mẹ.
Trụ cột gia đình… ở tuổi 15
Con trai Ma Văn Vũ (sinh năm 2006), Ma Văn Thường (2011) và con gái Ma Thị Linh (2008) lần lượt chào đời là kết tinh tình yêu giữa vợ, chồng anh Ma Văn V. và chị Húng Thị Hà, thôn Trung Sơn, xã Hữu Sản (Bắc Quang). Những tưởng hạnh phúc tròn đầy cho tới ngày chị Hà rời bỏ gia đình, đi khỏi nơi cư trú, bỏ mặc anh V. “1 nách 3 con”, vừa làm cha, vừa làm mẹ. Khi ấy, con trai cả mới tuổi lên 10 còn con út 5 tuổi.
Năm 2021, ung thư gan, căn bệnh “tử thần” cướp đi sinh mạng của anh V. Bố mất, đồng nghĩa với giấc mơ đến trường của Vũ dang dở. 15 tuổi, Vũ trở thành trụ cột của gia đình, thay đấng sinh thành chăm sóc 2 em ăn học. Vũ kể: “Ban đầu, cháu ở nhà chăn trâu; chăm sóc rừng cây bồ đề gần 1 ha, rồi đi làm thuê, ai có việc gì cháu đều nhận làm hết, miễn là có đồng tiền chân chính để trang trải cuộc sống, nuôi các em ăn học”. Để có nguồn thu nhập ổn định, năm 2023, Vũ ly hương, làm công nhân tại Công ty TNHH Goertek Vina (tỉnh Bắc Ninh) với thu nhập từ 7 – 10 triệu đồng/tháng. “Mặc dù có thêm thu nhập nhưng nghèo khó cứ như keo “dính” chặt 3 anh, em cháu. Tháng 9 vừa qua, em Linh cũng quyết định nghỉ học để về Bắc Ninh mưu sinh. Chỉ còn duy nhất em út đang học lớp 8 một mình ở nhà tự trang trải cuộc sống, thỉnh thoảng có chú, thím qua chăm sóc, bảo ban việc học hành”, Vũ chia sẻ thêm.
Thấu hiểu hoàn cảnh của Vũ, năm 2022, cấp ủy, chính quyền xã Hữu Sản vận động xã hội hóa số tiền 75 triệu đồng, huy động ngày công lao động hỗ trợ Vũ xóa nhà tạm, xây dựng nhà cấp 4 kiên cố với diện tích sử dụng 40 m2. Đồng thời, vận động các nhà hảo tâm tặng nhu yếu phẩm thiết yếu nhằm giúp 3 anh, em Vũ vơi bớt khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên, theo chia sẻ của Bí thư Đảng ủy xã Hữu Sản Nguyễn Bá Tuấn: “Việc quyên góp, ủng hộ chỉ là giải pháp tạm thời. Còn về lâu dài, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế cần được hưởng chế độ trợ giúp xã hội theo quy định của Nhà nước. Song, để làm được điều này, thiết nghĩ cần có một cơ chế, chính sách đặc thù làm điểm tựa cho các em”...
Trăn trở của Bí thư Đảng ủy xã Hữu Sản cũng là nỗi niềm chung của rất nhiều địa phương. Bởi, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của cơ quan chuyên môn, chỉ từ năm 2019 đến nay, toàn tỉnh có gần 560 trường hợp trẻ em rơi vào cảnh mất nguồn nuôi dưỡng.
--------------
Kỳ 2: Đảm bảo quyền được trợ giúp pháp lý
Bài, ảnh: NHÓM PV