Pháo thủ Nguyễn Văn Kỷ thăm lại xe tăng 843 (ảnh chụp năm 2005).
Căn nhà nhỏ của vợ chồng ông nằm nép mình vắng lặng ở tổ 2, phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang). Không còn hình ảnh người lính già với nụ cười hiền hậu, ánh mắt sáng mỗi khi nhắc về ký ức 30-4-1975, những năm tháng hào hùng của dân tộc. Bà Đoàn Thị Quang, vợ ông Kỷ chậm rãi kể: “Ngày ông ấy còn khỏe, cứ mỗi dịp gần 30-4, khách từ khắp nơi lại tìm về đây. Họ là đồng đội, bạn bè và cả những người trẻ tuổi muốn nghe ông kể lại những giây phút lịch sử trên chiếc xe tăng 843 năm ấy”.
Giọng bà Quang nghẹn lại khi nhắc về những câu chuyện chồng thường kể. Năm 1971, ông Kỷ vừa tròn 18 tuổi đã hăng hái lên đường nhập ngũ. May mắn và vinh dự, ông trở thành 1 trong 4 người lính trên chiếc xe tăng mang số hiệu huyền thoại 843. Đây là kíp lái được mệnh danh “kíp lái thép” do Đại đội trưởng, Trung úy Bùi Quang Thận (quê Thái Bình) chỉ huy; lái xe, hạ sỹ Lữ Văn Hỏa (quê Hà Nam), pháo thủ số 1 Thái Bá Minh (quê Nghệ An) và ông - pháo thủ số 2, luôn tiên phong trong các trận đánh lớn.
“Ông ấy kể, trận đánh lớn đầu tiên trong đời lính của ông là trận đánh chống quân Ngụy lấn chiếm vùng giải phóng tại Thành cổ Quảng Trị tháng 3-1972. Ngày 29-4, Đại đội trưởng Bùi Quang Thận thông báo, đơn vị được nhận nhiệm vụ triển khai đánh chiếm Dinh Độc Lập, chiến dịch mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh. Nghe vậy, anh em trong đơn vị ai cũng phấn chấn, hừng hực tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. 9 giờ 30 phút sáng 30-4-1975, Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn xe tăng 203 của ông Nguyễn Văn Kỷ có mặt tại cầu Sài Gòn. Sau khi tiêu diệt 2 xe M113 của địch, Trung úy Bùi Quang Thận ra lệnh tiến thẳng Dinh Độc Lập theo nhiệm vụ đã phân công”.
Khi áp sát cửa Dinh Độc Lập, Trung úy Bùi Quang Thận lệnh cho pháo thủ số 2 - Nguyễn Văn Kỷ nhắm giữa cổng Dinh Độc Lập mà bắn. Nhưng không hiểu sao bắn cả hai lần đạn vẫn không nổ? Trung úy Bùi Quang Thận ra lệnh quay nòng pháo ra sau để cho xe húc đổ cổng Dinh. Trong 10 phút phải húc 3 lần thì cánh cổng trái mới bung ra. Ngay lúc đó xe tăng 390 do đồng chí Vũ Đăng Toàn chỉ huy lao vào húc đổ cổng chính. Cả hai xe cùng tiến vào bên trong” bà Quang nhớ lại lời kể của chồng.
“Mỗi lần kể đến đây, mắt ông ấy lại sáng lên, giọng nói đầy tự hào”, bà Quang xúc động nói.
Pháo thủ Nguyễn Văn Kỷ (ngoài cùng bên trái) yểm trợ trung úy Bùi Quang Thận chạy lên Dinh Độc lập cắm cờ trưa ngày 30-4-1975.
“Ông ấy bảo, giây phút Trung úy Thận cầm lá cờ nhảy xuống xe, rồi ông ấy cầm súng AK yểm trợ đồng đội chạy lên nóc Dinh Độc Lập cắm cờ vào lúc 11 giờ 30 phút trưa ngày 30-4-1975 là khoảnh khắc thiêng liêng nhất trong cuộc đời người lính của ông”, bà Quang nhớ lại.
Dù đã một năm ông Kỷ không còn nữa, nhưng những câu chuyện về trận chiến cuối cùng ấy vẫn sống mãi trong ký ức của gia đình, đồng đội, bạn bè và người dân Tuyên Quang. Căn nhà nhỏ của ông những ngày tháng Tư này vẫn đón những vị khách đặc biệt. Đó là những người bạn chiến đấu năm xưa, những đồng đội cùng chung chiến hào và cả những người trẻ, họ đến để tưởng nhớ người cựu chiến binh kiên cường, một trong những chứng nhân đặc biệt của ngày chiến thắng 30 tháng 4 lịch sử.
Cựu chiến binh Phạm Ngọc Dư, ở tổ 1, phường Hưng Thành luôn mang trong mình những ký ức sâu sắc về người đồng đội đáng kính. Ông bùi ngùi: “Ông Kỷ là một người hiền lành, chất phác và rất tình cảm. Dù có chiến công lớn, ông ấy sống rất giản dị, gần gũi với mọi người. Chúng tôi luôn tự hào về ông Kỷ, về những đóng góp của ông cho đất nước”.
Lãnh đạo Báo Tuyên Quang thăm gia đình Pháo thủ Nguyễn Văn Kỷ năm 2023.
Em Vũ Thị Ngân, Phó Bí thư Đoàn phường Hưng Thành chia sẻ: “Năm nào em cũng cùng các bạn đoàn viên, thanh niên cùng đến nhà ông Kỷ để nghe ông kể chuyện về Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Giọng ông ấm áp, hào sảng, mỗi câu chuyện đều thấm đẫm tinh thần yêu nước. Năm nay ông đã đi xa, nhưng chúng em vẫn luôn nhớ đến ông, nhớ về một người chiến sỹ anh dũng đầy tự hào”.
Trong những lời kể nghẹn ngào của người thân, cho đến những ngày cuối đời, trong trái tim người Cựu chiến binh Nguyễn Văn Kỷ vẫn luôn đau đáu một ước mơ: được tề tựu cùng đồng đội trong ngày kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025) tại Sài Gòn. Dù ước mơ ấy của ông chưa thành hiện thực, nhưng hình ảnh người pháo thủ số 2 kiên cường trên chiếc xe tăng 843 mãi là một phần không thể thiếu của chiến thắng lịch sử 50 năm trước.
Người Pháo thủ của xe tăng 843 đã đi xa, nhưng những gì ông đã cống hiến, những ký ức hào hùng ông mang theo, sẽ mãi là niềm tự hào của gia đình, của người dân Tuyên Quang và của cả dân tộc Việt Nam. Ông là một người lính Cụ Hồ đáng trân trọng, một biểu tượng cho tinh thần quyết chiến quyết thắng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến vĩ đại.
Lý Thu