Kinh nghiệm của Lực lượng vũ trang Ukraine trong việc sử dụng pháo tự hành bánh lốp CAESAR do Pháp sản xuất đã được phân tích cụ thể và cho thấy nhiều điều thú vị.
Ủy ban Quốc phòng và Lực lượng vũ trang của Quốc hội Pháp mới đây đã công bố báo cáo có tiêu đề "Pháo binh trong bối cảnh chiến lược mới", tập trung vào sự phát triển của vũ khí do nước này sản xuất và vai trò của chúng trên chiến trường hiện đại.
Tài liệu này là kết quả của 17 phiên điều trần và 5 chuyến đi thực tế, bao gồm những lần công tác đến Ukraine để đánh giá kinh nghiệm và thực trạng sử dụng vũ khí pháo binh trong cuộc chiến toàn diện của thế kỷ 21.
Theo ghi nhận, số lượng pháo tự hành CAESAR của Lực lượng vũ trang Ukraine phải chịu thiệt hại ở mức rất thấp, đó là chỉ có dưới 10% tổng số phải ngừng hoạt động.
Mặc dù số lượng pháo tự hành CAESAR bị phá hủy không được nêu rõ, nhưng số liệu do Bộ Quốc phòng Pháp công bố nói rõ Ukraine sẽ nhận được 78 hệ thống cho tới cuối năm 2024.
Nếu vậy thiệt hại của pháo tự hành CAESAR kể từ khi tham chiến vào năm 2022 là khoảng 7 hệ thống. Xét về mặt khách quan, tính đến cường độ hoạt động rất cao kể từ tháng 5/2022 thì đây là tỷ lệ rất thấp.
Tài liệu cũng cho biết chỉ số tổn thất không thể phục hồi đối với pháo tự hành CAESAR "thấp hơn 2 - 3 lần so với những hệ thống pháo binh có cấu trúc tương tự", nhưng không nêu rõ chủng loại cụ thể.
Ưu điểm của CAESAR đó là đặt trên khung gầm xe tải việt dã 6x6 có kích thước nhỏ gọn, cho phép ngụy trang tốt hơn và cũng để lại ít dấu vết bánh xe dễ nhận thấy, khiến tỷ lệ tổn thất vì bị đáp trả rất nhỏ.
Không chỉ có vậy, việc sửa chữa tại chỗ cũng được nhận xét dễ dàng hơn, nhất là khi xe có "hệ thống khẩn cấp" (không có thông tin cụ thể) cho phép nhanh chóng sơ tán sau khi bị tấn công.
Tài liệu của phía Pháp cũng lưu ý rằng pháo tự hành bánh lốp CAESAR đã thể hiện khả năng sẵn sàng chiến đấu ở mức 60% sau 5 tháng hoạt động, trong khi chỉ số tương tự của PzH 2000 và Archer là 32% và 38%.
Theo giải thích, chỉ số trên có thể đạt được là nhờ vào thiết kế đơn giản hơn nhiều của pháo tự hành CAESAR và việc cơ giới hóa quá trình nạp đạn cũng như ngắm bắn.
Đối với PzH 2000, vấn đề về độ tin cậy được biết đến từ năm 2022. Nhưng thực tế là chỉ số sẵn sàng chiến đấu của pháo tự hành Archer do Thụy Điển sản xuất cao hơn pháo của Đức, đây được xem là điều rất bất ngờ.
Mặc dù PzH 2000 có mức độ tự động hóa cao nhất trong tất cả các hệ thống pháo tự hành trên thế giới, tuy nhiên cần lưu ý vấn đề này đòi hỏi dữ liệu rộng hơn, ít nhất là phải tính đến mức độ khai thác thực tế.
Tài liệu nghiên cứu của Pháp chỉ cung cấp số liệu chung, ví dụ như số phát bắn trung bình của một hệ thống pháo 155 mm thông thường phục vụ trong Quân đội Ukraine trong khoảng 60 - 90 phát mỗi ngày, tối đa lên tới 150 phát mỗi ngày.
Trong trường hợp trên, hỏa lực được bắn ở tầm xa nhất, nghĩa là phải sử dụng toàn bộ thuốc súng trong liều tăng tầm, khiến nòng pháo nhanh bị mài mòn hơn.
Ngành công nghiệp quốc phòng của Pháp không phải lúc nào cũng theo kịp được sự hao mòn như vậy, nghĩa là nguồn cung cấp nòng pháo dự phòng cho các tổ hợp CAESAR không ở mức lý tưởng.
Tập đoàn KNDS vẫn chưa thể đạt được kế hoạch sản xuất 12 pháo tự hành CAESAR mỗi tháng, bất chấp đã đầu tư mở rộng nhà máy và cải tiến dây chuyền công nghệ chế tạo.
Tốc độ trên bị nhận xét là chưa đạt yêu cầu, nhất là khi so sánh với Ukraine, hiện tại Nhà máy công cụ hạng nặng Kramatorsk đang cho xuất xưởng tới 36 tổ hợp Bogdana mỗi tháng, cho dù hệ thống này bị nhận xét có nhiều tính năng chưa bằng CAESAR.
Việt Dũng
Theo Defense Express