Pháp luật trong Nhà nước pháp quyền cần phải liên tục được hoàn thiện

Pháp luật trong Nhà nước pháp quyền cần phải liên tục được hoàn thiện
3 giờ trướcBài gốc
TS. Hồ Quang Huy.
TS. Hồ Quang Huy - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp:
Thực sự rất tâm đắc với chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm
Cá nhân tôi thực sự rất tâm đắc với chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về việc “pháp luật trong Nhà nước pháp quyền XHCN cần phải liên tục được hoàn thiện để thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, phát huy dân chủ, vì con người, công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân”; “kiểm soát hiệu quả việc thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng thành pháp luật của Nhà nước”; “kịp thời phản ứng chính sách, có giải pháp xử lý kịp thời các vấn đề thực tiễn phát sinh làm chậm sự phát triển”. Để cụ thể hóa chỉ đạo nêu trên của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, ở góc độ công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), theo tôi, trong thời gian tới, Bộ Tư pháp cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau:
Một là, tiếp tục quán triệt, thực hiện hiệu quả, toàn diện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới”, trong đó xác định rõ nhiệm vụ “tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý VBQPPL trái pháp luật”.
Cùng với đó là Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, trong đó quy định “hoạt động kiểm tra VBQPPL là một trong các hoạt động của kiểm soát quyền lực trong công tác xây dựng pháp luật” và “rà soát, hệ thống hóa VBQPPL là một trong các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật”. Công văn số 825-CV/BCSĐ gửi Ban Cán sự Đảng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ban Thường vụ các Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, rà soát VBQPPL. Nghị quyết số 133-NQ/BCSĐ ngày 17/9/2024 về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện công tác kiểm tra, rà soát VBQPPL...
Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, hoàn thiện thể chế về các công tác về kiểm tra, rà soát VBQPPL trong quá trình xây dựng Luật Ban hành VBQPPL (sửa đổi); nhất là các quy định về nguyên tắc, thẩm quyền, trách nhiệm, quy trình thực hiện của Bộ Tư pháp, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh trong công tác kiểm tra, rà soát, xử lý VBQPPL; thể chế hóa đầy đủ quy định của Đảng về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.
Hai là, chủ động, kịp thời, khách quan, chính xác trong công tác kiểm tra văn bản, gắn kết công tác kiểm tra văn bản của Chính phủ với công tác kiểm tra của Đảng, công tác giám sát của Quốc hội. Tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu, tổ chức triển khai nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống VBQPPL và Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát VBQPPL để chủ động, kịp thời rà soát, phát hiện, nghiên cứu xử lý, sửa đổi, hoàn thiện chính sách, quy định của pháp luật, tháo gỡ những rào cản, vướng mắc về thể chế nhằm tạo điều kiện thuận lợi về khung khổ pháp lý, huy động, sử dụng mọi nguồn lực phục vụ phát triển đất nước, kịp thời thể chế hóa định hướng, yêu cầu của Đảng, Nhà nước ta về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
TS. Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp: Những chỉ đạo sâu sắc của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có thể triển khai được ngay bằng hành động thường nhật của mỗi đảng viên, mỗi chi bộ!
Được đọc Bài viết "Phát huy tính Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam" của Đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là một người nghiên cứu và tham mưu nhiều năm về lĩnh vực này, tôi thực sự rất tâm đắc và thấm thía. Ở cương vị người đứng đầu Đảng và đứng đầu Nhà nước, Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định tầm quan trọng của Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành trung ương Đảng Khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, coi đây là một dấu mốc, là bước chuyển quan trọng và việc thực hiện thành công Nghị quyết chính là “tiền đề vững chắc để đất nước phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Trên cơ sở điểm lại những kết quả đáng khích lệ sau 2 năm triển khai Nghị quyết, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề cập những tồn tại, hạn chế, trong đó có những tồn tại, hạn chế mà chắc chắn những người tâm huyết với sự nghiệp tư pháp, pháp luật nước nhà không thể không trăn trở, đó là: “cơ chế, chính sách, pháp luật chưa tạo dựng được môi trường thực sự thuận lợi để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thu hút nguồn lực của các nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng như trong Nhân dân”. “Tổ chức thực thi pháp luật, chính sách vẫn là khâu yếu”…
Đồng chí đã chỉ rõ những việc ở tầm bao quát, chiến lược trong lĩnh vực xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo cần được thực hiện để góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Một trong những điều rất đặc sắc trong Bài viết là Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã chỉ ra ngay những việc mà mỗi đảng viên, mỗi chi bộ cơ sở Đảng có thể làm được ngay và nên làm ngay. Đó là, cần đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ cơ sở Đảng, theo hướng “bên cạnh việc triển khai, quán triệt, học tập văn bản, nghị quyết của cấp trên như cách làm hiện nay thì nội dung sinh hoạt chi bộ cơ sở Đảng cần nghiên cứu, bổ sung các chuyên đề như: nội dung pháp luật cần triển khai; các vấn đề mà thực tiễn pháp lý đặt ra liên quan đến quyền lợi của người dân; vấn đề phát triển kinh tế -xã hội, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cần giải quyết; các vấn đề dư luận xã hội, quần chúng quan tâm cần định hướng về quan điểm, nội dung chính sách, pháp luật và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái của các thế lực thù địch…” Thực hiện ngay sự đổi mới này chính là hành động mà mỗi đảng viên, mỗi chi bộ, mỗi tế bào của tổ chức Đảng thiết thực góp phần cùng toàn thể Nhân dân lan tỏa tinh thần thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, “tạo nên sức mạnh của cả hệ thống chính trị để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”!
Bà Hoàng Thị Đào - Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố số 6, phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội:
Tiếp tục làm rõ đặc trưng Nhà nước pháp quyền XHCN do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo
Bà Hoàng Thị Đào.
Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhấn mạnh một số vấn đề cơ bản cần chú ý để thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, đòi hỏi tiếp tục phải đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với Nhà nước và xã hội; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân và xử lý hài hòa mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ và phát huy vị trí, vai trò của từng nhân tố này trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Từ quan điểm trên, theo tôi, phải hết sức chú ý việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN phải gắn liền với việc tập trung trí tuệ, năng lực của Nhà nước để xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật vì hệ thống pháp luật hoàn chỉnh là thước đo trình độ phát triển của Nhà nước pháp quyền và vận động các hoạt động của Nhà nước pháp quyền.
Đồng thời, về phương diện lý luận và thực tiễn, đến nay, chúng ta đã khẳng định 6 đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền. Đặc trưng thứ nhất, tất cả quyền lực thuộc về Nhân dân, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong xây dựng, quản lý nhà nước... Đặc trưng thứ hai, quyền lực Nhà nước là thống nhất nhưng có sự phân công, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan làm chức năng lập pháp, hành pháp và tư pháp; sự thống nhất quyền lực trong cơ cấu tổ chức, vận hành của Nhà nước nhưng đồng thời bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với Nhà nước, bác bỏ quan điểm về tam quyền phân lập.
Đặc trưng thứ ba, pháp luật chi phối mọi mối quan hệ trong đời sống xã hội, từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, đối nội, đối ngoại, quốc phòng, an ninh..., phải hoàn thiện hệ thống pháp luật trên tất cả các phương diện này. Đặc trưng thứ tư, tất cả mọi người phải sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật, mọi công dân phải tuân thủ pháp luật.
Đặc trưng thứ năm, Nhà nước pháp quyền phải tuân thủ những quy định của luật pháp quốc tế, tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, các công ước, các hệ thống luật pháp quốc tế mà chúng ta tham gia... Điều này cần phối hợp chặt chẽ giữa hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước với tuân thủ pháp luật quốc tế. Đặc trưng thứ sáu, Nhà nước pháp quyền XHCN do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Chúng ta phải tiếp tục làm rõ những đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền nêu trên và chính trong bài viết của Tổng Bí thư cũng đã nhấn mạnh Đảng ta là Đảng cầm quyền, sự lãnh đạo của Đảng là tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện, bao trùm mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... Đặc thù của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Do đó, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN là biện pháp, cách thức để thực hiện thành công mục tiêu của Đảng ta đã được xác định trong Điều lệ Đảng.
K.Quy - U.San- H.Dung (ghi)
Nguồn Pháp Luật VN : https://baophapluat.vn/phap-luat-trong-nha-nuoc-phap-quyen-can-phai-lien-tuc-duoc-hoan-thien-post529275.html