Ngày 14-5, Ngoại trưởng Pháp Jean-Noël Barrot thông báo Paris sẽ trục xuất một số nhà ngoại giao của Algeria, đáp trả lệnh trục xuất mới của Algeria nhằm vào 15 nhà ngoại giao của Pháp hôm 11-5, theo đài France24.
“Đây là phản ứng trực tiếp, chắc chắn và phù hợp nhất của chúng tôi trong giai đoạn [căng thẳng] này, chúng tôi sẽ tiến hành trục xuất mọi viên chức ngoại giao Algeria đang sử dụng hộ chiếu ngoại giao mà không có visa của Pháp” - ông Barrot cho hay.
Loạt động thái "ăn miếng trả miếng"
Theo Bộ Ngoại giao Pháp, hành động của chính quyền Algeria đơn phương trục xuất 15 viên chức ngoại giao Pháp cho thấy nước này đang “đề ra điều kiện nhập cảnh mới cho quan chức Pháp, vi phạm Hiệp định song phương năm 2013”.
Hiệp định song phương năm 2013 giữa Pháp và Algeria cho phép quan chức hai nước có thể ở lại lãnh thổ của nhau nhờ hộ chiếu ngoại giao mà không cần visa.
“Họ can thiệp vào những hiệp ước quan trọng giữa hai nước, và điều này không vì lợi ích của Pháp, hay vì lợi ích của người Algeria” - ông Barrot cho biết, đồng thời nhấn mạnh quan hệ hai nước tiếp tục duy trì trạng thái “đóng băng” kể từ giữa tháng 4.
Quan hệ Pháp và Algeria tiếp tục rạn nứt sau quyết định trục xuất viên chức ngoại giao của hai nước. Ảnh: AFP
Trước đó, vào tháng 4-2024, Pháp và Algeria cũng đã "ăn miếng trả miếng" khi trục xuất 12 nhà ngoại giao của nhau.
Nguồn cơn mâu thuẫn
Căng thẳng Pháp và Algeria leo thang sau quyết định hồi tháng 4 của cơ quan tư pháp Pháp tạm giữ 1 cán bộ lãnh sự Algeria tại Pháp để phục vụ điều tra trước khi xét xử. Người này bị cáo buộc có liên quan vụ bắt cóc 1 công dân Algeria trên lãnh thổ Pháp.
Người bị bắt cóc là ông Amir Boukhors, một nhà phê bình chính trị có những quan điểm gay gắt với chính quyền Algeria. Ông sở hữu tài khoản TikTok với hơn 1 triệu người theo dõi, và thường xuyên đăng tải những bình luận chỉ trích Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune.
Theo tờ Le Figaro, Tòa án Algeria đã nhiều lần kết án ông về các tội danh gian lận, đe dọa, phỉ báng và các tội danh liên quan đến khủng bố trong khoảng thời gian từ năm 2015 đến năm 2019. Pháp cũng đã bác bỏ yêu cầu dẫn độ của Algeria năm 2021, trao quyền tị nạn chính trị cho ông Boukhors vào năm 2023.
Vào tháng 4-2024, ông Amir Boukhirs bị bắt cóc và được thả ra sau 27 giờ bị giam giữ. Luật sư của ông Boukhirs cho rằng chính quyền Algeria đã cố gắng bắt cóc thân chủ của ông.
Bộ Ngoại giao Algeria đã phủ nhận cáo buộc trên và khẳng định đây là “một âm mưu không thể chấp nhận được”.
Vào hôm 11-4, Văn phòng Công tố chống khủng bố quốc gia Pháp cho biết Tổng cục An ninh Nội bộ (thuộc Bộ Nội vụ Pháp) cùng lực lượng cảnh sát hình sự đã bắt giữ ba người đàn ông với cáo buộc “bắt cóc, giam giữ, tước đoạt tự do tùy tiện có liên quan đến khủng bố” ông Amir Boukhors, trong đó bao gồm nhân viên lãnh sự quán trên.
Trong ba ngày sau đó, Algeria và Pháp đã lần lượt trục xuất viên chức ngoại giao của nhau. Quốc vụ khanh Algeria - ông Sofiane Chaïb cho biết quyết định trục xuất này xuất phát từ “hành động gây chia rẽ” quan hệ Pháp và Algeria của Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bruno Retailleau, quan chức thuộc phái cứng rắn với thuộc địa cũ Algeria.
Chính quyền Algeria cũng chỉ trích ông Retailleau và phe cứng rắn cánh hữu Pháp đã cố tình thúc đẩy điều tra nhằm phá hoại những nỗ lực hàn gắn quan hệ Pháp và Algeria vốn đã được lên kế hoạch trong cuộc điện đàm giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboun vào tháng 3-2025, theo tờ El Watan.
Ngoại trưởng Algeria Ahmad Attaf (trái) and Ngoại trưởng Pháp Jean-Noël Barrot (phải). Ảnh: AFP
Ngoài ra, quan hệ Pháp và Algeria bắt đầu xuống dốc kể từ khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bất ngờ công nhận chủ quyền của Maroc tại khu vực Tây Sahara năm 2024, vùng lãnh thổ đã được lực lượng chính trị - quân sự Mặt trận Polisario tuyên bố chủ quyền với tên chính thức là Cộng hòa Dân chủ Ả Rập Sahari (SADR).
Chính phủ Algeria từng tuyên bố ủng hộ và công nhận chính quyền SADR đang lưu vong tại nước này và quan hệ giữa Algeria và Maroc cũng lao dốc bởi vùng lãnh thổ này. Để phản đối hành động của Pháp, Algeria đã triệu hồi đại sứ khỏi Pháp vào tháng 7-2024.
Chuyên gia về khoa học chính trị tại Trung tâm Geneva về nghiên cứu Ả Rập và Địa Trung Hải - ông Hasni Abidi cho rằng Algeria đã xem động thái của Pháp là một hình thức phản bội, nhất là khi tiếng nói của Pháp có trọng lượng rất lớn vì là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
MINH CHIẾN