Phát điện từ rác thải cần chính sách hỗ trợ đồng bộ để gỡ vướng

Phát điện từ rác thải cần chính sách hỗ trợ đồng bộ để gỡ vướng
16 giờ trướcBài gốc
Tuy nhiên, việc đầu tư phát triển các dự án đốt rác phát điện hiện nay gặp phải không ít khó khăn trở ngại, do cơ chế chính sách hỗ trợ khuyến khích chưa đủ mạnh để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia.
Bamboo Capital hợp tác với chaebol Hàn Quốc và SLC đầu tư điện rác và các giải pháp xử lý rác thải ở TPHCM. Hình phối cảnh nhà máy đốt rác phát điện của Bamboo Capital tại Củ Chi.
Phát điện, làm phân bón biến rác thành tài nguyên
Cùng với sự phát triển kinh tế, tốc độ phát triển công nghiệp, đô thị hóa nhanh nên sức ép về xử lý rác thải rất lớn đối với nhiều tỉnh thành trên cả nước. Tuy nhiên, tại tỉnh Bình Dương hiện không có tình trạng rác thải ùn ứ làm ảnh hưởng tới cuộc sống người dân.
Đây là kết quả của sự quyết tâm thực hiện của địa phương khi xem "rác là tài nguyên". Cụ thể nhằm khép kín hoạt động xử lý rác, đầu năm 2024, Công ty CP Tổng công ty Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase) đưa vào vận hành lò đốt rác kết hợp phát điện công suất 5MW tại Khu liên hợp xử lý chất thải Bình Dương.
“Nhà máy đi vào vận hành đã giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường. Mỗi ngày, công ty xử lý khoảng 2.500 tấn rác sinh hoạt, lượng điện thu được công ty sử dụng vào vận hành, giảm chi phí rất lớn”, Chủ tịch HĐQT Biwase Nguyễn Văn Thiền nói.
Hoạt động tại nhà máy điện rác của Biwase ở Bình Dương. Ảnh: TTXVN
Ngoài tạo ra năng lượng tái tạo (điện), rác thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày tại đây cũng được xử lý thành các sản phẩm hữu ích khác như phân bón hữu cơ, vật liệu xây dựng, phù hợp với mô hình kinh tế tuần hoàn.
Ông Thiền cho biết, toàn bộ lượng chất thải thu về được xử lý khép kín, không còn chôn lấp sau khi xử lý. Đáng chú ý, hiện công ty làm chủ được công nghệ đốt rác phát điện. Từ hiệu quả dự án đầu tiên, Biwase lên kế hoạch đầu tư lò đốt rác phát điện mới, công suất 12 MW.
Hà Nội cũng là địa phương đang đốt rác thành điện khá hiệu quả. Nhà máy điện rác Sóc Sơn tại Khu liên hợp xử lý rác thải Nam Sơn có thể xử lý đến 5.000 tấn rác mỗi ngày, tạo ra 90 MW điện.
Trước đây, các khu xử lý rác thải sinh hoạt tập trung của Hà Nội phải chôn lấp khoảng 7.000 tấn/ngày, tạo nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, lãng phí tài nguyên. Kể từ giữa năm 2022, khi bắt đầu phát điện lên lưới điện quốc gia, nhà máy điện rác Sóc Sơn đã giúp xử lý hơn 70% lượng rác thải của Hà Nội.
Cần Thơ cũng có 2 nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt đang hoạt động với tổng công suất 500 tấn/ngày. Tại tỉnh Bắc Ninh, nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải công nghiệp phát điện vận hành với công suất 180 tấn rác/ngày với công suất phát điện là 6,1MW.
Cả nước hiện có khoảng 15 dự án nhà máy điện rác khác đang được xây dựng. Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, công nghệ đốt chất thải để tạo ra điện ngày càng được áp dụng rộng rãi do có một số ưu điểm như giảm được 90-95% thể tích và khối lượng chất thải; có thể tận dụng nhiệt; giảm phát thải khí nhà kính so với biện pháp chôn lấp; giảm thiểu ô nhiễm nước, mùi hôi...
Cần sớm gỡ khó về chính sách để thu hút đầu tư
Việt Nam hiện nằm trong top 20 quốc gia có lượng rác thải cao nhất thế giới với hơn 60.000 tấn rác sinh hoạt/ngày. Đáng chú ý, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, khoảng 64% lượng rác thải sinh hoạt tại Việt Nam hiện được xử lý bằng phương pháp chôn lấp.
Trong bối cảnh đất đai ngày càng khan hiếm, các nhà máy điện sử dụng nguyên liệu rác thải được coi là giải pháp hiệu quả để cân bằng giữa môi trường với phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, việc đầu tư phát triển dự án điện rác gặp không ít thách thức; cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển các dự án đốt rác phát điện còn nhiều bất cập, chưa hấp dẫn các nhà đầu tư tham gia.
Nhà máy điện rác Sóc Sơn. Ảnh: TTXVN
Cụ thể chi phí đầu tư nhà máy điện rác lớn và thời gian thu hồi vốn lại kéo dài, thường từ 10-20 năm. Ngoài ra, cơ sở pháp lý về đốt rác phát điện còn mang tính định hướng chung chung, chưa có hướng dẫn cụ thể, nhiều nội dung còn chồng chéo tại các Luật, Nghị định khác nhau.
Các nhà đầu tư than phiền thủ tục lấy ý kiến để đưa vào quy hoạch đấu nối điện lưới quốc gia của các dự án điện rác kéo dài, phải lấy ý kiến của 7-8 cơ quan, khiến họ “chùn bước".
Đến nay, chưa có hướng dẫn về giá xử lý chất thải rắn áp dụng cho công nghệ điện rác và chưa có bộ tiêu chí phục vụ thẩm định, đánh giá, công bố công nghệ xử lý chất thải rắn phát điện.
Có thể thấy rào cản chính sách khiến các dự án nhà máy điện rác ở các địa phương khó triển khai hoạt động. Đơn cử như tại TPHCM, các dự án nhà máy điện rác của Vietstar, Tâm Sinh Nghĩa, Tasco ... đã khởi công từ nhiều năm trước nhưng đến nay vẫn chưa thể hoàn thành do vướng nhiều thủ tục pháp lý.
Do vậy, cần có các chính sách rõ ràng và mạnh mẽ hơn từ phía chính phủ để thúc đẩy việc đầu tư xử lý rác thành điện. Thêm vào đó, việc điều chỉnh và xây dựng các quy định liên quan đến quản lý rác thải cũng cần phải được cải thiện.
TS. Trần Văn Bình, chuyên gia trong lĩnh vực khai thác năng lượng và bảo vệ môi trường, thành viên Hội đồng năng lượng tái tạo thế giới, cho rằng công nghệ đốt rác phát điện đòi hỏi rác được phân loại nghiêm ngặt, không chứa các tạp chất độc hại. Cần thực hiện triệt để việc phân loại rác tại nguồn để giảm chi phí và không phát sinh chất độc hại.
Mặt khác, quá trình đốt rác phát điện có thể tạo ra khói, khí thải và tro bay, gây ô nhiễm môi trường. Điều này yêu cầu nhà máy điện rác phải tuân thủ các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường nghiêm ngặt và áp dụng các biện pháp kiểm soát ô nhiễm hiệu quả.
"Vấn đề quan trọng là lựa chọn công nghệ phù hợp có thể quản lý chất thải hiệu quả mà không tạo ra các chất ô nhiễm có hại khác, kết hợp phân loại rác thải tại nguồn, chuyển giao và thu gom rác thải trước khi xử lý", ông nói.
Việc xử lý rác thành điện đang dần trở thành một xu hướng trong công tác quản lý rác thải và phát triển bền vững. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng để hướng tới một hệ thống xử lý rác hiệu quả và bền vững hơn.
Việc chậm tiến độ xây dựng các nhà máy điện rác sẽ dẫn đến hệ lụy phụ thuộc vào việc xử lý rác bằng chôn lấp gây ô nhiễm môi trường, lãng phí tài nguyên và tăng phát thải khí nhà kính; chậm phát triển năng lượng tái tạo, khiến Việt Nam khó đạt được mục tiêu Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.
Lê Hoàng
Nguồn Saigon Times : https://thesaigontimes.vn/phat-dien-tu-rac-thai-can-chinh-sach-ho-tro-dong-bo-de-go-vuong/