Khi tin tức về sự ra đi của Thầy Nhất Hạnh lan truyền khắp thế giới, tôi thấy rất nhiều người, hơn cả tôi tưởng tượng, cho biết thầy đã tác động đến họ như thế nào, thông qua một bài nói chuyện, một cuốn sách, một khóa tĩnh tâm, một ý tưởng, một tấm gương. Đây là một lời nhắc nhở về tác động to lớn của Phật giáo ở phương Tây như một tập hợp các ý tưởng đã vượt xa những giới hạn của những người đi theo một nhóm Phật giáo hoặc thực hành theo nghi thức. Bạn có thể nghĩ Phật giáo trong bối cảnh này như một nhánh của một dòng sông tư tưởng mới rộng lớn chảy qua phương Tây, từ đó nhiều người đã uống mà không biết rõ dòng nước đến từ đâu.
Là một vị sư người Việt, người đã thành lập các trung tâm thiền trên bốn châu lục và xuất bản hàng chục cuốn sách, Thiền sư Thích Nhất Hạnh là một trong những vị thầy lớn đến từ châu Á vào thế kỷ XX, cùng với các thiền sư đến từ Nhật Bản và các vị Rinpoche Tây Tạng. (…) Đối với tôi, sự viên tịch của thầy dường như không phải là một sự kết thúc mà là một lời nhắc nhở rằng một điều gì đó vĩ đại hơn nhiều so với người thầy vĩ đại này đã bắt đầu vào khoảng thế kỷ trước và tiếp tục lan rộng.
Người phương Tây xuất gia, tu học với Thiền sư Thích Nhất Hạnh - một vị sư người Việt, người đã thành lập các trung tâm thiền trên bốn châu lục và xuất bản hàng chục cuốn sách, một trong những vị thầy lớn đến từ châu Á vào thế kỷ XX - Ảnh: Làng Mai
Chúng ta không còn là chúng ta như cách đây rất lâu rồi. Rất nhiều ý tưởng mới đã xuất hiện từ Phật giáo và các truyền thống khác, đã nhấn mạnh đến lòng tốt và từ bi, sự bình đẳng và chủ nghĩa quân bình, bất bạo động, những quan điểm phê phán về chủ nghĩa vật chất và chủ nghĩa tư bản, và điều mà tôi từng nghe Thiền sư Paul Haller tại Trung tâm Thiền San Francisco gọi là “sự thực hành của nhận thức”.
Chúng tạo thành một sự thay đổi nơi những gì chúng ta đòi hỏi ở bản thân và người khác một cách sâu sắc nhưng tinh tế. Sự tinh tế đó bao gồm bản chất gia tăng của nó và sự thực hiện nó như là niềm tin cá nhân và hành động trong cuộc sống hàng ngày - đôi khi góp thêm vào những thay đổi cụ thể về luật pháp và thể chế.
Bạn phải quay lại xem các hình thức thống trị và tàn ác khác nhau được chấp nhận rộng rãi như thế nào cách đây nửa thế kỷ, từ trừng phạt thân thể ở trường công đến bạo lực gia đình cũng như sự im lặng có tính hệ thống và sự loại trừ, để nhận ra sự thay đổi nhiều như thế nào. Trong những năm gần đây, rất nhiều người trong chúng ta đã có kinh nghiệm khi xem lại những cuốn tiểu thuyết, bộ phim và thậm chí cả những bài hát cũ để thấy rằng chúng ta không còn bỏ qua hoặc chấp nhận sự tàn ác bất chợt của chúng nữa. Tất nhiên, những ý tưởng mới rất dễ bị mua chuộc và các nhà lãnh đạo có uy tín, bao gồm cả những người thuộc các dòng truyền thừa Phật giáo, đã lạm dụng quyền lực của mình – nhưng tôi thấy buồn cười khi nhận ra rằng những nỗ lực của các công ty nhằm áp dụng chánh niệm đôi khi lại phản tác dụng khi họ khiến nhân viên ít khoan dung hơn với các chính sách có hại.
Dòng sông ý tưởng mới này là nơi hợp lưu của nhiều nhánh khác, của chủ nghĩa nữ quyền, chủ nghĩa chống phân biệt chủng tộc và các ý tưởng sinh thái, và nó có một trong những nguyên tắc then chốt là tầm nhìn cho rằng mọi thứ đều được kết nối. Tất nhiên không phải ai cũng thay đổi; người BIPOC ở Hoa Kỳ còn lâu mới đạt được sự bình đẳng theo hầu hết các biện pháp; và nhiều ý tưởng trong số này tồn tại dưới dạng khát vọng hơn là thực tiễn hàng ngày. Nhưng điều này không có nghĩa là các ý tưởng và lý tưởng là không quan trọng, và phản ứng dữ dội của phe cánh hữu là phản ứng chống lại thứ mà họ coi là mang tính biến đổi và đe dọa.
(BIPOC là viết tắt của Black, Indigenous, and Person of Color (tạm dịch: Người da đen, người bản địa và người da màu). Đây là từ được sử dụng nhiều trong năm 2020, đặc biệt là trong tin tức liên quan cái chết của George Floyd).
Tôi đã gọi tư duy bảo thủ đương thời là “hệ tư tưởng của sự cô lập”, bị ám ảnh bởi sự kiểm soát thông qua chia cắt và phân biệt, với các biên giới và luận điệu chống nhập cư, với việc kiểm soát các loại chủng tộc và giới tính, và sự bất bình đẳng trong hôn nhân như là sự phủ nhận quyền hôn nhân đối với những người đồng giới và sự thống trị của nam giới trong hôn nhân khác giới. Nó phản đối môi trường, bởi vì sự thật nền tảng của khoa học sinh thái là thế giới được tạo thành từ những hệ thống lan tỏa, liên kết với nhau chứ không phải những vật thể rời rạc. Cùng với đó là phải hành động có trách nhiệm hướng về những hậu quả trái ngược với những lý tưởng bảo thủ về tự do cá nhân và chủ nghĩa tư bản không bị giới hạn.
Thầy Nhất Hạnh viên tịch vào ngày 22 tháng Giêng năm 2022. Vào ngày 25 tháng 1, Liên đoàn Save the Redwoods (Cứu cây Redwoods) thông báo rằng họ đã chuyển quyền sở hữu một khu rừng gỗ đỏ rộng 523 mẫu Anh cho Hội đồng hoang dã liên bộ tộc Sinkyone, một liên minh gồm 10 nhóm bộ lạc trên bờ biển phía Tây Bắc California. Nơi được mệnh danh là Andersonia West “sẽ lại được gọi là Tc’ih-Léh-Dû̃n (phát âm là tsih-ih-LEY-duhn), có nghĩa là ‘Fish Run Place’ (Nơi cá chạy) trong ngôn ngữ Sinkyone”, thông cáo báo chí lưu ý. Bạn phải biết rằng Liên đoàn Save the Redwoods được thành lập cách đây 104 năm bởi những người da trắng giàu có, vừa là những người theo thuyết ưu sinh vừa theo chủ nghĩa tinh hoa để hiểu rằng một sự chuyển đổi đã diễn ra rộng lớn như thế nào.
Hầu hết sự chuyển đổi đó diễn ra trong vài thập niên qua. Tôi nhớ đã đọc một bài báo học thuật về quá khứ tồi tệ của Liên đoàn Save the Redwoods vào giữa những năm 1990, khi phong trào môi trường có xu hướng phớt lờ hoặc phản đối sự hiện diện của người bản địa ở những vùng đất mà họ tìm cách bảo tồn và tự mãn hoặc không biết gì về quá khứ của chính mình. Liên đoàn được đồng sáng lập bởi Madison Grant, người đứng đầu Hiệp hội Ưu sinh Hoa Kỳ, từng là Phó Chủ tịch của Liên đoàn Hạn chế Nhập cư, và nổi tiếng với cuốn sách giả khoa học The Passing of the Great Race. Những người sáng lập khác cũng có quan điểm tương tự.
Giáo sư luật Joyce Alene đã tweet vài tuần trước, vào ngày Martin Luther King: “Vòng cung đạo đức của vũ trụ sẽ không tự uốn cong.” Những người – nổi tiếng, quyền lực, vô danh, khiêm tốn – uốn cong nó, thường theo từng bước hoặc theo những cách quá nhỏ hoặc tinh tế để đo lường. Họ cộng lại. Vào những năm 1990, tôi đã chứng kiến phong trào môi trường dần chuyển từ ảo tưởng về “vùng hoang dã nguyên sơ” sang sự thừa nhận rằng gần như mọi nơi trên trái đất đều đã hoặc đang là quê hương của người bản địa và do đó bảo vệ môi trường và nhân quyền không phải là những mối quan tâm riêng biệt (và rằng việc tiếp cận thiên nhiên và làm sạch không khí và nước cũng là vấn đề công bằng chủng tộc).
Những ý tưởng thúc đẩy sự thay đổi đến từ các cuộc đấu tranh bản địa và trí thức bản địa cũng như các học giả và các nhà hoạt động đồng minh. Những cuộc đấu tranh đó còn lâu mới kết thúc, nhưng những tiền đề mà nhiều người trong chúng ta vận hành đã khác xa so với trước đây. Những điều này thường bắt đầu như những thay đổi trong ý thức và những câu chuyện mới. Chúng kết thúc bằng những thay đổi về luật pháp, chính sách, thông lệ hàng ngày và những thứ hữu hình như quyền sở hữu đất đai. Năm nay, khu rừng đó bao gồm một khu rừng già do người bản địa quản lý, với những cây có đường kính hơn 8 feet (tương đương 243,84cm), “tháp giữa linh sam Douglas, sồi nâu và cây madrones Thái Bình Dương trên một tầng dưới rực rỡ của các cây huckleberry, manzanita và ceanothus”.
Rebecca Solnit
Cao Huy Hóa dịch
Nguyên tác: “How Buddhism has changed the west for the better”