Phật giáo Nam Phi: Quá trình chuyển đổi từ tôn giáo nhập cư đến một phần của xã hội đa văn hóa

Phật giáo Nam Phi: Quá trình chuyển đổi từ tôn giáo nhập cư đến một phần của xã hội đa văn hóa
2 ngày trướcBài gốc
Những bước chân Phật giáo đầu tiên
Câu chuyện về Phật giáo Nam Phi bắt đầu từ năm 1686, khi con tàu Bồ Đào Nha Nossa Senhora dos Milagros bị đắm ngoài khơi bờ biển phía Tây Nam Phi. Khu vực này lúc đó đã được người Hà Lan định cư và được gọi là Thuộc địa Cape (được đặt theo tên mũi Hảo Vọng). Trong số những hành khách bị mắc kẹt có ba nhà sư Thái Lan đang trên đường đến châu Âu với trọng trách là sứ giả của vua Xiêm. Họ đã ở đó suốt bốn tháng trong một nhà dân cho đến khi một con tàu khác đến để giúp họ tiếp tục hành trình. Đây là sự hiện diện đầu tiên của Phật giáo tại Nam Phi.
Tuy nhiên, sự kiện này không để lại dấu ấn lâu dài trong cộng đồng Nam Phi. Trong suốt thế kỷ XVII và XVIII, Phật giáo hầu như vắng bóng và chỉ được biết đến qua các ghi chép du ký phương Tây, nhưng hầu hết trong số đó đều mang tính hư cấu, phi thực. Ngoài ra, giai đoạn này đã dấy lên những tranh cãi tưởng chừng rất vô lý, như nỗ lực gán ghép Đức Phật là người châu Phi để phục vụ cho chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Đến thế kỷ XIX, nhờ các cuộc thám hiểm châu Á, người Nam Phi mới bắt đầu có hiểu biết chính xác hơn về Phật giáo.
Cộng đồng Phật giáo người Hoa và Ấn
Từ thế kỷ XVIII, đã có một cộng đồng người Hoa tại thuộc địa Cape, nhưng hầu hết trong số đó chủ yếu là thủy thủ. Mãi đến đầu thế kỷ XX, họ mới bắt đầu định cư lâu dài, nhưng phần lớn lại cải đạo sang Cơ đốc giáo và việc thực hành Phật giáo dần dần biến mất. Phải đến năm 1992, chùa Nam Hoa, một chi nhánh của chùa Phật Quang Sơn (Đài Loan), gần Bronkhorstspruit được thành lập và truyền thống Phật giáo Trung Quốc mới chính thức hiện diện một cách rõ ràng tại Nam Phi.
Ngoài ra, trong những năm 1920-1930, những người thuộc giai cấp thấp của Ấn Độ tại xứ KwaZulu-Natal đã tìm đến Phật giáo như một cách thoát khỏi hệ thống phân biệt giai cấp của Hindu. Quá trình này bắt đầu vào năm 1917 với việc thành lập Hiệp hội Phật giáo Sakya Overport bởi Rajaram Dass. Đến thời điểm đó, có thể đã có những Phật tử trong số những người nhập cư Ấn Độ - báo cáo điều tra dân số năm 1911 cho thấy có 394 Phật tử gốc Á.
Tuy nhiên, việc nhập cư từ Ấn Độ đã bị chính quyền Nam Phi ra lệnh ngưng vào khoảng thời gian Thế chiến I và số lượng Phật tử châu Á đã tăng đáng kể lên 12.487 người sau mười năm, nhưng không phải do một làn sóng di cư đột ngột từ phương Đông, mà chủ yếu đến từ những người Hindu thuộc đẳng cấp thấp ở Nam Phi, những người muốn thoát khỏi địa vị xã hội của mình bằng cách từ bỏ tôn giáo gắn liền với hệ thống giai cấp.
Quá trình này diễn ra đồng thời với sự phục hưng Phật giáo ở Ấn Độ, nhưng chưa rõ liệu hai hiện tượng này có liên quan trực tiếp đến nhau hay không. Về sau, cộng đồng này suy yếu dần do thiếu nguồn lực và sự suy giảm vai trò của đẳng cấp trong xã hội Nam Phi. Đây là một ví dụ điển hình về cách mà Phật giáo được sử dụng như một phương tiện để thoát khỏi những ràng buộc của bối cảnh xã hội và tôn giáo truyền thống.
Sự trỗi dậy của Phật giáo trong cộng đồng người da trắng
Trước năm 1970, rất ít thông tin được biết về Phật tử da trắng tại Nam Phi. Phần lớn họ có lẽ là những người tu tập đơn lẻ và nhận được sự hỗ trợ tu tập từ việc trao đổi thư từ với các tổ chức như Hội Phật giáo London.
Tuy nhiên, từ thập niên 1970, các nhóm thực hành Phật giáo nhỏ bắt đầu xuất hiện tại các thành phố lớn của Nam Phi như Johannesburg và Cape Town. Đặc điểm nổi bật của các nhóm này là tính phi tôn giáo, tập trung vào thiền tập theo phong cách phương Tây. Các tông phái ở đây có không khác biệt nhiều so với Phật giáo phương Tây, bao gồm: Theravāda, Kim Cương thừa, Nichiren và Thiền tông.
Tư tưởng “Phật giáo nhập thế” vẫn chưa có nhiều ảnh hưởng tại đây. Bởi vì các Phật tử Nam Phi có thể tham gia vào các dự án xã hội và môi trường, nhưng khó có thể nói đến một phong trào có sức ảnh hưởng lớn. Trong giai đoạn này, Trung tâm Tu học Phật giáo (BRC) tại Ixopo, được thành lập năm 1980, đã trở thành điểm hội tụ quan trọng, kết hợp thiền với nghệ thuật và nhận thức thiên nhiên.
Thập niên 1980: Củng cố tổ chức và đa dạng hóa tông phái
Vào cuối những năm 1980, các tổ chức Phật giáo ở Nam Phi bước sang một giai đoạn phát triển mới. Trước đây, Phật giáo chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ văn hóa phương Tây tự do; về sau, họ dần chuyển hướng trở lại với cội nguồn châu Á. Quá trình này bao gồm việc thiết lập hoặc củng cố mối quan hệ với các tổ chức Phật giáo nước ngoài, đồng thời khôi phục các yếu tố nghi lễ và đời sống tu viện, hoặc ít nhất là hình thức bán tu viện, trong việc thực hành Phật giáo.
Ví dụ điển hình là Trung tâm Dharma (thành lập 1982) ban đầu kết hợp nhiều truyền thống, nhưng từ 1989 chính thức gia nhập hệ phái Kwan Um (Hàn Quốc), họ chú trọng nhiều vào nghi lễ và kỷ luật bán tu viện. Hơn thế nữa, các nhóm Kagyu và Gelugpa đã phát triển từ những năm 1980, nhưng dần tách biệt khỏi các nhóm Theravāda và Zen để thành lập một trung tâm thiền tập riêng biệt. Như vậy, sự đa dạng của các hệ phái Phật giáo tại Nam Phi phản ánh sự phong phú của các truyền thống Phật giáo trên thế giới, đồng thời cũng cho thấy sự linh hoạt trong việc thích nghi với bối cảnh địa phương.
Thập niên 1990: Sự xuất hiện của các bậc thầy thường trú và bản địa hóa Phật giáo
Thập niên 1990 là giai đoạn chứng kiến sự xuất hiện của các vị thầy thường trú tại Nam Phi. Các bậc thầy Theravāda như Kittisāro và Thanissara đã định cư tại BRC. Đáng chú ý hơn nữa, chùa Nam Hoa đã thành lập Học viện Phật giáo châu Phi để đào tạo tu sĩ người bản địa, mặc dù họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc kết hợp văn hóa Trung Hoa và châu Phi.
Vào cuối những năm 1990, Nam Phi có khoảng 6.000 Phật tử, trong đó một nửa là người gốc Á, chiếm khoảng 0,01% dân số lúc bấy giờ (42 triệu người). Tuy nhiên, đến thập niên 2010, số người theo Phật giáo (có thể bao gồm cả Đạo giáo và tín ngưỡng dân gian Trung Hoa) đã tăng lên khoảng 100.000–150.000 người, tương đương 0,2% - 0,3% dân số. Dù vậy, số người thực hành Phật giáo một cách nghiêm túc có thể vẫn còn ít. Sự gia tăng này có thể liên quan đến sự phát triển của cộng đồng người gốc Á và sự quan tâm ngày càng lớn của người dân Nam Phi đối với các triết lý Phật giáo.
Theo Martin Baumann, Phật giáo Nam Phi cũng giống như Phật giáo phương Tây, có sáu đặc điểm chính như sau: nhấn mạnh tu tập tại gia và vai trò của cư sĩ trong xã hội, đề cao vai trò của phụ nữ, dân chủ hóa, kết nối với tâm lý học phương Tây, Phật giáo dấn thân, và xu hướng phi giáo phái. Những đặc điểm này phần lớn phù hợp với Phật giáo Nam Phi, dù vẫn còn nhiều thách thức. Chẳng hạn, dù phụ nữ đã tham gia vào các vai trò lãnh đạo, nhưng vấn đề bình đẳng giới trong cộng đồng Phật giáo vẫn cần được thảo luận sâu hơn nữa.
Khái niệm ubuntu (tinh thần cộng đồng) của châu Phi có thể trở thành cầu nối tự nhiên với giáo lý Từ bi và Vô ngã của Phật giáo. Tuy nhiên, để kết hợp hai truyền thống này, cần có sự nhạy cảm văn hóa, tránh áp đặt mô hình Phật giáo từ châu Á hay phương Tây lên Phật giáo Nam Phi.
Hiện nay, Phật giáo Nam Phi chủ yếu phục vụ tầng lớp trung lưu da trắng, với sự tham gia rất hạn chế của người bản địa. Chùa Nam Hoa cũng đã nỗ lực đào tạo tu sĩ châu Phi nhưng vẫn gặp khó khăn về ngôn ngữ và nghi lễ. Dù vậy, sự đa dạng của các hệ phái (Theravāda, Thiền tông, Kim Cương thừa) tạo nền tảng tốt cho đối thoại và hội nhập. Những sự kiện xã hội như Phật giáo dấn thân có thể là cơ hội để thu hút thế hệ trẻ.
Phật giáo Nam Phi là một hiện tượng sinh động, phản ánh sự giao thoa giữa truyền thống Phật giáo châu Á, ảnh hưởng của phương Tây và bối cảnh chính trị – xã hội phức tạp của quốc gia này. Dù đạt được những bước tiến đáng kể về tổ chức và đa dạng hóa giáo phái, nhưng việc hội nhập vào xã hội đa sắc tộc vẫn là một thách thức lớn. Tương lai của Phật giáo tại đây phụ thuộc vào khả năng kết nối với tư tưởng bản địa như ubuntu và mở rộng ảnh hưởng đến các nhóm dân cư khác nhau. Chỉ khi vượt qua ranh giới về màu da và giai cấp, Phật giáo mới có thể trở thành một phần không thể thiếu trong bức tranh tôn giáo đa sắc màu của Nam Phi.
Nhìn chung, Phật giáo tại Nam Phi đang trải qua một quá trình chuyển đổi sâu sắc, từ một tôn giáo của người nhập cư thành một phần của xã hội đa văn hóa. Tuy nhiên, để thực sự bén rễ và phát triển mạnh mẽ, Phật giáo cần tiếp tục thích nghi với các giá trị văn hóa bản địa và mở rộng ảnh hưởng đến các cộng đồng đa dạng hơn. Chỉ khi đó, Phật giáo mới có thể trở thành một yếu tố quan trọng trong đời sống tâm linh và xã hội của người dân Nam Phi.
-------------------------------
Nguồn:
Chidester, David, and Et Al. African Traditional Religion in South Africa: An Annotated Bibliography. Westport (Connecticut); London: Greenwood Press, 1997.
Prebish, Charles S, and Martin Baumann. Westward Dharma: Buddhism beyond Asia. Berkeley: University Of California Press, 2002.
Queen, Christopher S. Engaged Buddhism in the West. Simon and Schuster, 2012.
Thiện Quang tổng hợp/Báo Giác Ngộ
Nguồn Giác ngộ : https://giacngo.vn/phat-giao-nam-phi-qua-trinh-chuyen-doi-tu-ton-giao-nhap-cu-den-mot-phan-cua-xa-hoi-da-van-hoa-post75240.html