Tác giả: Nguyễn Cung Thông[1]
Hơn một thập niên sống và học đạo ở Na Lan Đà (Ấn Độ), pháp sư Nghĩa Tịnh đã ghi chép nhiều nhận xét về luật lệ cho tăng đoàn Phật giáo vào TK 7. Đây cũng là một mục đích chính của ngài sau 25 ở nước ngoài và hơn một thập niên du học ở Na Lan Đa (Ấn Độ). Phần này chú trọng vào điều 33 với tựa đề là “Tôn kính quai thức” 尊敬乖式 (tạm dịch/NCT các tục lệ/tôn kính ngược ngạo).
Điều 33 chỉ có 161 chữ, nhưng gồm nhiều khái niệm Phật giáo và dữ kiện rất đáng chú ý. Các ghi chép trong đó cho thấy hai bức tranh toàn cảnh của người thường (phàm/tục) phải trải qua giai đoạn xuất gia, sống một đời khất sĩ theo gương hạnh đầu đà để cuối cùng tìm đến niết bàn (vô sinh). Tương phản với người phàm sống trong tham vọng và xa xỉ, giả dối để mưu sinh.
Ngoài ra, ảnh hưởng của Phạn ngữ không nhỏ trong văn hóa Trung Hoa, phản ánh qua các cách dịch nghĩa và kí âm còn tồn tại đến ngày nay; một số đã trở thành vốn từ căn bản của các ngôn ngữ bản địa mà ít người biết là có gốc "ngoại lai".
Một số Hán và Phạn tự được ghi lại để tránh trường hợp tối nghĩa và tiện cho người đọc tra cứu thêm khi cần.
Lưu ý: Các chữ viết tắt trong bài là NCT (Nguyễn Cung Thông), PG (Phật Giáo, sđd (sách đã dẫn), HV (Hán Việt), NHKQNPT (Nam Hải Kí Quy Nội Pháp Truyện).
Ảnh tác giả cung cấp
Ảnh hành trình[2] đi học đạo của Nghĩa Tịnh – theo tác giả Takakusu (năm 1896, sđd).
Pháp sư Nghĩa Tịnh và Nam Hải Kí Quy Nội Pháp Truyện
Pháp sư Nghĩa Tịnh 義淨, tên tục là Trương Văn Minh 张文明, sinh năm 635 ở Tế Châu (Sơn Đông) và xuất gia năm 14 tuổi. Ngài đã nghe tiếng thiền sư Pháp Hiển và Huyền Trang hành hương xứ Phật, nên nhất định theo đuổi ý định này để tìm hiểu Phật pháp thấu đáo hơn. Tới năm 37 tuổi, ngài mới có cơ hội đi tàu qua Srivijaya (bây giờ là Palembang ở Sumatra, từng là một trung tâm Phật giáo lớn trong vùng Đông Nam Á), ở đây 6 tháng học tiếng Phạn và tiếng Mã Lai, sau đó đi tàu sang Ấn Độ.
Sau khi đậu "kì thi nhập học" rất kham khổ, ngài vào chùa[3] (tu viện) Nalanda được 12 năm tu học, so với 25 năm sống ở hải ngoại và thăm viếng được hơn 30 quốc gia. Ngài đem về nước khoảng 400 bộ kinh luận tiếng Phạn, cùng khoảng 300 viên ngọc xá lợi. Cho đến cuối đời vào năm 713, ngài luôn chăm chú dịch kinh từ tiếng Phạn. (được hơn 50 bộ kinh). Một số tác phẩm nổi tiếng của Nghĩa Tịnh là Đại Đường Tây Vực Cầu Pháp Cao Tăng Truyện, Trọng Quy Nam Hải Truyện, Nam Hải Kí Quy Nội Pháp Truyện, Phạn Ngữ Thiên Tự Văn 梵語千字文 còn gọi là Phạm Đường Thiên Tự Văn, Đường Tự Thiên Man Thánh Ngữ 梵唐千字文, 唐字千鬘聖語 ...v.v...
Nam Hải Kí Quy Nội Pháp Truyện gồm 4 quyển và có 40 điều (chương) được coi như là nội quy cho các sa môn (tăng sĩ hay ni cô Phật giáo) phải noi theo cùng với các lý do và phê bình chi tiết của pháp sư Nghĩa Tịnh. Một số điều khoản trong NHKQNPT:
1) Phá hạ phi tiểu 破夏非小 (phá hạ[4] không phải là chuyện nhỏ - tạm dịch/NCT)
2) Đối tôn chi nghi 對尊之儀 (cách ứng xử với đức Phật Tổ)
3) Thực tọa tiểu sàng 食坐小床 (ngồi ghế nhỏ trong bữa ăn)
4) Xan phân tịnh xúc 餐分淨觸 (phân biệt thức ăn sạch và dơ)
...
8) Triêu tước xỉ mộc 朝嚼齒木(sáng sớm phải nhai/chà răng bằng xỉ mộc)
...
23) Kinh hành thiểu bệnh 經行少病 (đi bộ để ít bệnh)
…
33) Tôn kính quai thức 尊敬乖式 (các thức tục lệ/tôn kính ngược ngạo)
…
38) Thiêu thân bất hợp 燒身不合 (thiêu xác thân là không hợp lẽ trong PG)
39) Bàng nhân hoạch tội 傍人獲罪 (người ngoài cuộc mắc tội)
40) Cổ đức bất vi 古德不為 (các điều sa môn già và đạo đức không làm)
Phần sau đi sâu hơn vào chi tiết của điều 33. Cần nhắc lại ở đây là NHKQNPT viết bằng Hán văn thời trung cổ nên có nhiều khi khó hiểu, cùng với các văn bản chép lại có khi không giống nhau vì ở các thời đại khác nhau (tam sao thất bản) nên phải thận trọng khi muốn tìm hiểu chính xác hơn. Một điểm đáng nhắc lại ở đây: Tuy là người sau cùng trong ba nhà du hành nổi tiếng Trung Hoa (cũng là tăng sĩ/dịch giả) đã qua xứ Phật vào thời trung cổ, nhưng ngài ở đây ít nhất là 12 năm trong 25 năm lưu lạc ở "nước ngoài" lo học đạo, so với 10 năm của nhà sư Pháp Hiển và 16 năm của nhà sư Huyền Trang. Do đó các nhận xét và ghi chép của ngài rất sâu sắc và đáng chú ý.
Phỏng dịch điều 33/NCT) "Các thức tục lệ/tôn kính[5] ngược ngạo"
Phật giáo đã có lề luật chỉ rõ cách thức chào hỏi tôn kính (đảnh lễ) người trên. Tự mình (tì kheo) phải đảnh lễ và niệm chú 6 lần mỗi ngày, dùng toàn thân (tay và chân) đảnh lễ hết sức nghiêm cẩn; một mình ở trong phòng yên tĩnh và đi khất thực để sống. Phải noi gương hạnh đầu đà[6] và tu tập tri túc (biết đủ là đủ/NCT). Chỉ mặc ba loại áo choàng (tam y HV) và không cần (vải/của) dư thừa. Tâm tư luôn nghĩ về vô sinh hay thoát ra khỏi các dây nhợ (liên lụy) của thế giới chung quanh. Không thể làm khác hơn các quy luật trên: thử xem trường hợp người tu hành mặc áo nhà sư, không nhìn như người thường (người không xuất gia) và chào hỏi thiên hạ ở chốn thị thành! Hãy kiểm tra lại luật lệ của Phật giáo (vinaya) thì sẽ thấy các điều nói trên đều bị cấm.
Đức Phật Tổ dạy rằng[7] có hai hạng người được tôn kính: 1) Tam bảo và 2) Đại sư[8] (~ người đã là tì kheo lâu năm hơn/NCT). Có những người đem tranh[9] của đức Phật Tổ ra ngoài đường xá, làm cho dơ bẩn (vì bụi bặm), chỉ đề cầu tài lợi (tiền bạc, của bố thí - NCT). Lại có những người làm cho thân thể như có tật[10] (chân tay bị cong queo - NCT), xăm/châm[11] da mặt (cho có vết thương - NCT), bẻ xương[12] cho gẫy hay làm rách[13] da thịt (cho có vết thương - NCT) và giả bộ như là tình thật chỉ để sinh nhai. Các cảnh tượng như trên ở Tây quốc (Ấn Độ) hoàn toàn không hiện diện. Cho nên xin khuyên[14] là đừng làm các trò giả dối đó nữa (hàm ý các trò lừa gạt đó ở quê nhà Trung Hoa của Nghĩa Tịnh - NCT).
Bàn thêm về các cách dùng trong điều 33
Các cách dùng Ngũ Thiên, Tây quốc (chỉ Ấn Độ), Phật (Bụt) đã được giải thích trong bài viết “Đời sống tăng đoàn ở Nalanda (Ấn Độ) vào thế kỉ 7: cây xỉa/chà răng theo ghi chép của pháp sư Nghĩa Tịnh” cùng tác giả (NCT). Đây là cách dịch/phiên nghĩa so với cách kí/phiên âm HV của các thuật ngữ bằng tiếng Phạn. Một số từ Phạn đã bản địa hóa cao độ và dùng một cách tự do (free morpheme/A) như trong vốn từ cơ bản: td. Phật (Bụt ~ động từ budh- बुध् là biết/tỉnh giấc/giác/ngộ), Phạn/Phạm (đơn âm hóa danh từ brahman ब्रह्मन्), kiếp (劫波 kiếp ba - kí âm tiếng Phạn kalpa कल्प), bát (缽 là âm đầu của pātra पात्र Phạn ngữ - bát dùng khi đi khất thực), xá lợi (舍利 là kí âm của sárīra शरीर là thân thể, sau này mang thêm nét nghĩa PG là di cốt sau khi hỏa táng), thế giới (世界 kí âm của loka लोक nghĩa là vũ trụ, thế giới - dần dần thay thế cho thiên hạ 天下) …v.v…
Các dạng kí âm khác khá dễ nhận ra là từ tiếng Phạn vì cấu trúc đa âm và các nét nghĩa khác biệt (của từng âm tiết) như A la hán[15] có gốc Arhat अर्हत् (đơn âm hóa thành 阿羅漢 A La Hán HV > La Hán), Lâm tì ni có gốc Phạn ngữ Lumbini लुम्बिनी (đơn âm hóa thành 藍毗尼 lam tì ni > Lâm tì ni) ...v.v... Ngoài các từ nhập (thường đa âm) dễ nhận ra, dấu ấn của tiếng Phạn còn để lại trong cấu trúc thành lập từ mới và ngữ pháp/thứ tự chữ của tiếng Hán qua các bản kinh dịch của Phật giáo hay các tài liệu như NHKQNPT.
Cấu trúc ngữ âm truyền thống của tiếng Phạn cổ điển đã đặt nền tảng cho các học giả Trung Hoa để tìm cách phân tích chữ Hán qua phiên thiết và âm vận thêm chính xác hơn: đây là một chủ đề rất thú vị[16] nhưng không nằm trong phạm vi bài này - tham khảo chi tiết trong bài viết "The Influence of Buddhist Sanskrit on Chinese" của Xiangdong Shi (sđd) chẳng hạn. Phần sau chú trọng vào các cách dùng đặc biệt trong điều 33.
Khất thực
Khất thực 乞食 (khất HV là xin, thực HV là ăn ~ xin ăn) là dịch nghĩa của Paiṇdạpātika Phạn ngữ पैण्डपातिक (xin ăn, người ăn xin) cũng là một trong 12 hạnh đầu đà - xem thêm chi tiết ở phần dưới. Các cách dịch nghĩa khác là 分衛、團墮, 持缽、捧缽, 托缽 phân vệ, đoàn đọa, trì bát, phủng bát, thác bát ...v.v... Các dạng kí âm của piṇdạpāta là 賓荼波多; 儐荼夜 tân đồ ba đa; tấn đồ dạ. Đây là một pháp môn của Ấn Độ cổ đại và chư tăng Phật giáo Nam tông (Tiểu thừa, Nguyên thủy) đều đi khất thực mỗi ngày. Các cách dịch nghĩa trên cho thấy phần nào các ý của hoạt động khất thực hay còn gọi là đi bình bát hay trì bát.
Phân vệ có thể là kí âm hơi khác lạ (Huyền Ứng Âm Nghĩa cho là sai, phải kí âm là tân đồ da), tuy nhiên cũng có thể hiểu chữ phân là sự phân chia thực phẩm cho tăng ni để hộ vệ trong việc tu đạo theo Tăng Kì Luật.
Đoàn đọa hàm ý đồ ăn (td. cơm) nắm tròn lại (đoàn) và bỏ vào trong bát đựng (đọa ~ rơi/rớt xuống bát).
Trì bát, phủng bát, thác bát đều hàm ý tay cầm bát hay bưng bát để đi xin ăn.
Khất thực là một biểu trưng không chấp ngã, xa lìa sự ham muốn vì chỉ nhận được thức ăn tùy theo người cho và chỉ rất giới hạn trong không gian/thể tích nhỏ bé của cái bát mà nhà sư mang theo. Cùng với quá trình kinh hành, khất thực là cơ hội để luyện tập sức khỏe cho vật chất và tinh thần con người. Ngoài ra, đây cũng tạo duyên cho chúng sinh giảm bớt lòng tham lam qua việc bố thí cho tha nhân và cùng nhau tạo công đức về sau ...v.v...
Nghiệp
Nghĩa Tịnh ghi 乞食為業 khất thực vi nghiệp[17], hàm ý (các nhà sư) phải đi xin ăn để sinh nhai hay là làm nghề xin ăn như là một trong những hạnh đầu đà. Dựa vào văn cảnh NHKQNPT, nghề hành khất này không phải là quả báo hay nghiệp báo từ trước kia mà bây giờ phải trả: đây chỉ là một cách tu hành để giới hạn lòng ham muốn (ăn uống, vật chất - tam độc/tam căn) và để người nhận và người cho (thí chủ) tu tâm. Người nhận ở đây chính là nhà tu đã chọn con đường xuất gia để tìm phương thức thoát ly cõi ta bà này, các nhà tu có lịch sử hoàn toàn độc lập với nhau (td. kiếp trước và kiếp này khác nhau) nhưng cùng noi theo hạnh đầu đà để tìm đến mục tiêu cuối là giải thoát (vô sinh, niết bàn). Người cho thì có cơ hội giảm bớt lòng tham và tạo dựng công đức hay nghiệp tốt vậy. Cần phải thận trọng khi đánh đồng[18] chữ nghiệp 業 với Phạn ngữ karma कर्म, tiếng Pali kamma.
Karma có nhiều nghĩa: hành động, làm, ý định làm, hậu quả của việc làm ... Kí âm của karma là kiết/yết ma 羯磨 hay 羯摩, nhân đây bàn thêm về cách đọc yết - có lẽ nên đọc là kiết (ma) cho phù hợp với phiên thiết hơn. Chữ 羯 đọc là kiết dựa vào phiên thiết: 居謁切 cư yết thiết (Thuyết Văn Giải Tự, Quảng Vận, Tập Vận, Vận Hội); 居謁反 cư yết phản (Long Kham Thủ Giám); 居謁巨謁二切 cư yết cự (há) yết nhị thiết (Ngọc Thiên, Tứ Thanh Thiên Hải). Chữ 羯 có thanh mẫu là kiến 見, vận mẫu là nguyệt 月 và nhập thanh. Ngoài ra, một dạng âm cổ phục nguyên của kiết là *kad (td. tương quan nguyên âm: an - yên, càn - kiền, phan - phiên, cát - kiết ...), do đó âm cổ của *kiết ma 羯磨 là *kad *ma, cận âm của Phạn ngữ karma.
Nên nhắc ở đây là chữ 謁 - cùng thành phần hài thanh 曷 hạt HV như chữ 羯 - đọc là yết thì phù hợp với phiên thiết: 於歇切 ư hiết thiết (Đường Vận, Tập Vận, Vận Hội, Chánh Vận). Thanh mẫu của 謁 là ảnh 影, vận mẫu là nguyệt 月.
Một đề tài quan trọng cần phải bàn khi nhắc đến nghiệp là luật nhân quả: nghiệp là thể hiện của thân, khẩu, ý và nếu ta tạo nhân (nghiệp) tốt thì sẽ được quả tốt và ngược lại. Nghĩa Tịnh đã cho ta thấy hình ảnh người phàm tục giả dối (tật nguyền, thương tích) và lạm dụng (hình đức Phật Tổ được thờ) để mưu cầu tài lợi, ngài khuyên là đừng nên làm như vậy với ngụ ý là sẽ gặp nhiều chuyện không may theo luật nhân quả tự nhiên - đây cũng là lời nói thường nghe trong dân gian về nghiệp quả hay nghiệp báo (tiêu cực) của hiện tại hay cho tương lai.
Khái niệm về nghiệp và nhân quả đã hiện diện từ thời cổ đại ở Ấn Độ trong các tôn giáo trước thời Phật giáo - như Ấn Độ giáo, Kì Na giáo - và vẫn tồn tại cho đến ngày nay cho thấy mức độ 'chính xác' và phổ thông trong đại chúng. Không những thế, luật nhân quả còn liên hệ đến các nguyên lý khoa học: td. (a) định luật thứ 3 phát biểu rằng mỗi lực tác động (action/A) thì có một phản lực ngược chiều (reaction/A) cùng độ lớn (b) nguyên lý Hebb phát biểu rằng khi bắn những neurons cùng một lúc thì chúng được kết nối với nhau: nghĩa là các ý nghĩa liên tục giống nhau sẽ tạo ra mẫu mực cho cá tính và cách ứng xử ...v.v…
Hạnh đầu đà
Đầu đà 頭陀 là một dạng kí âm tiếng Phạn và Pali Dhùta धुत - từ này có nhiều nghĩa như lắc đầu (một trong 13 kiểu lắc đầu), bỏ (tháo gỡ) đi, bị bỏ - có gốc là động từ dhu- hàm ý rũ bỏ, tiêu trừ... Nét nghĩa chính dùng trong PG là từ bỏ. Các cách kí âm khác là 杜多、杜荼、投多、偷多, 塵吼多 đỗ đa, đỗ đồ (trà), đầu đa, thâu đa, trần hống đa ... So với các cách dịch nghĩa là sửa trị, trừ khử, rũ bỏ, đãi lọc, rửa tẩy (hàm ý rũ bỏ các phiền não của thế giới chung quanh). Nghĩa Tịnh có lúc ghi là 12 và có lúc ghi 13 hạnh đầu đà trong NHKQNPT, tuy nhiên điều 33 chỉ ghi hai (2) hạnh là mặt áo (tam y) và khất thực phản ánh nếp sống khổ hạnh của người xuất gia.
Một điểm nên nhắc ở đây là trong điều 9 (受齋軌則 thụ trai quỹ tắc) của NHKQNPT, Nghĩa Tịnh ghi là một số nhà sư[19] noi theo hạnh đầu đà bằng hành khất và mặc áo choàng (tam y): hàm ý là không phải tất cả tuyệt đối[20] người xuất gia nào cũng tuân theo 12 hay 13 hạnh đầu đà. Theo các kinh như Tăng Nhất A Hàm, 12 hạnh đầu đà có thể tóm tắt lại là (a) về áo quần: lấy vải vụn/cũ/phế thải làm y, chỉ có ba y (b) về ăn uống: đi khất thực, khất thực tuần tự từng nhà không kể nghèo giầu, ăn một lần, ăn vừa đủ, quá ngọ không ăn, không uống nước trái cây (ép) (c) chỗ trú ngụ: ở nơi thanh vắng, ở dưới gốc cây, ở nơi đất trống, ở nơi chứa thây/người chết (mồ mả), chỉ ngồi, không nằm.
Xuất gia
Xuất gia 出家 là một cách dịch nghĩa của Phạn ngữ pravrajyā अटाट्या, tiếng Pali pabbajja: với pra- प्र là tiền tố có nghĩa (đi) tới, và vrajyā व्रज्या là đi quanh, diễn hành ... Do đó pravrajyā hàm ý đi tới từ nhà hay rời bỏ nhà để đi tu, giai đoạn đầu để trở thành một tì kheo. Một cách dịch nữa là tòng (tùng) thích 從釋 (nghĩa đen là đi theo Thích Ca[21]). Cách dịch cổ hơn là xuất trần 出塵 so với dạng kí âm 波吠你耶, 波吠儞野 ba phệ nhĩ da, ba phệ nhĩ dã...
Nên ghi nhận thêm ở đây xuất gia/pravrajyā từng là một tục lệ cổ đại của Ấn Độ giáo và Kì Na giáo khi một người muốn thoát khỏi vướng mắc của thế gian và sống một đời khổ hạnh. Đây là một trong những truyền thống Phật giáo có liên hệ mật thiết và đến từ Ấn Độ giáo, ngay cả đức Phật Tổ được coi như là hóa thân (Avatāra अवतार) thứ 9 trong 10 hóa thân chính của thần Vishnu[22]. Lịch sử hình thành Phật giáo gắn liền với văn hóa tín ngưỡng Ấn Độ cổ đại, cũng như để hiểu rõ hơn tiến hóa của Phật giáo cho đến ngày nay: không biết pháp sư Nghĩa Tịnh sẽ nghĩ như thế nào khi "biết" tăng ni Nhật Bản[23] hiện đại có thể lập gia đình và có con cái như người phàm? Hay sự phổ thông của tín ngưỡng (Phật Bà) Quán Thế Âm ở Trung Hoa, Nhật Bản[24] và Việt Nam?
Tri túc
Tri túc 知足 (tri ~ biết, túc ~ đủ) là một cách dịch nghĩa của Phạn ngữ saṃtuṣtị संतुष्टि: sam- सम् là tiền tố nghĩa là cùng nhau, với nhau, hết thảy (hoàn toàn) và tusti तुष्टि nghĩa là thỏa mãn, vừa lòng... Do đó nét nghĩa thứ nhất của tri túc là biết mình có như thế là đủ rồi, không muốn hơn. Nét nghĩa thứ hai của tri túc là tên của cõi Đâu Suất[25] (Đâu Suất thiên 兜率天) nơi ở của Phật Di Lặc và các vị bồ tát giúp giáo hóa chúng sinh. Hai nét nghĩa trên liên hệ với nhau mật thiết vì cõi Đâu Suất là nơi hoàn toàn đầy đủ (vui vẻ, hoan hỉ vì đã thoát ly mọi phiền não). Tri túc (biết đủ) thường đi chung với thiểu dục 少欲 (ít muốn), như trong kinh Trường A Hàm quyển 12 hay kinh Phật Di Giáo…v.v… Dựa vào nhân quả tự nhiên, khi ít ham muốn và biết đã đủ rồi/không muốn nữa (tự tại) thì có gì mà có thể làm cho ta khổ?
Vô sinh
Vô sinh 無生 là một cách dịch nghĩa của Phạn ngữ anutpanna अनुत्पन्न - so với dạng Utpāda उत्पाद hàm ý nguồn gốc, sinh ra, phát sinh với động từ gốc pad là sinh ra, phát triển ... Tiền tố[26] an- có nghĩa là không - có dạng अ- a- khi đứng trước phụ âm và có dạng अन्- an- khi đứng trước nguyên âm - do đó anutpanna hay vô sinh[27] hàm ý không sinh ra, không sống trên đời. Vô sinh hay bất sinh là một nghĩa của Niết bàn: trong điều 33, pháp sư Nghĩa Tịnh ghi là 無生致想有累全祛 vô sinh trí tưởng hữu lụy toàn khư. Đoạn này cho thấy tâm tư của người tu hành (tăng ni) luôn luôn hướng về vô sinh, để có thể trừ khử hay thoát ly mọi hệ lụy của cuộc đời, đây một cách giải thích khác của Niết bàn. Các cách nói khác cho thấy nghĩa của Niết bàn rõ hơn là vô sinh vô diệt, hay thường gặp hơn là bất sinh bất diệt[28] 不生不滅 (không sinh và không mất, không bị vướng vào vòng sinh tử luân hồi). Vô sinh còn là một cách dịch nghĩa của A aa hán (xem thêm phụ chú 15), theo Phật giáo Tiểu thừa là danh vị cao nhất hàm ý người xuất gia đã nhập niết bàn và không chịu quả báo sống chết lần thứ hai.
Tam bảo
Tam bảo 三寶 là một cách dịch nghĩa của Phạn ngữ triratna त्रिरत्न với tiền tố tri त्रि nghĩa là ba (số 3) và ratna रत्न, từ này có nhiều nghĩa như viên ngọc quý, châu báu, bảo vật, quà tặng ... Phật giáo thường dịch triratna là Tam bảo hàm ý ba ngôi báu: Phật, Pháp và Tăng. Phật thường chỉ đức Thế Tôn/Thích Ca, bậc giác ngộ đầu tiên - hay còn có thể chỉ tất các đức Phật đã thành (theo Phật giáo Tây Tạng chẳnh hạn). Pháp là những lời dạy từ Phật cho ta phương pháp để đi đến giải thoát/giác ngộ như ngài.
Tăng chỉ những người đã xuất gia, thực hành theo lời Phật để được giải thoát. Khái niệm ba ngôi[29] (Trinity/A) đã có từ lâu trong Ấn Độ giáo (Trimurti gồm có ba thần Shiva, Vishnu, Brahma). Để ý là Tam bảo trong đạo Kì Na (Jainism/A) thời cổ đại Ấn Độ, là một khái niệm trừu tượng hơn so với PG, chỉ chính trí 正智 Samyakjnã̄na सम्यग्ज्ञान, chính tín 正信 Samyakdarshana सम्यग्दर्शन và chính hành 正行 Samyạkcaritra संयक्चरित्र): hay là ba cách (ba con đường) dẫn đến giải thoát hay là Niết bàn; không thể thiếu một trong ba cách nếu muốn đạt đến giai đoạn giải thoát. Tam bảo là khái niệm căn bản của Phật giáo, người phàm khi tin vào Tam bảo sẽ trở thành Phật tử.
Bật sô (> tì kheo)
Bật sô 苾芻 là một cách kí âm của Phạn ngữ bhiksụ भिक्षु, tiếng Pali bhikkhu; các dạng kí âm khác là 煏芻, 備芻, 比呼, 比丘 phức sô、 bị sô, bỉ hô, bỉ/tỉ khâu ... Dạng bỉ khâu còn có các biến âm khác là tỉ khâu - tỉ khưu - tì kheo (thường dùng hơn) ... Bhikkhu là một dạng biến cách từ căn ngữ भिक्षते bhiksạte nghĩa là xin, cầu mong, tiếp nhận - do đó bhikkhu hàm ý người ăn xin, hành khất nam. Nếu là hành khất nữ thì thêm ni vào sau: भिक्षु bhiksụ + -णी -nị̄ trở thành bhikkhuni, kí âm HV của ni là 尼. Cấu trúc [Phạn + Hán] cho ra dạng ni cô 尼姑 để chỉ sư cô, nữ tu, tì kheo ni. Các cách dịch nghĩa của bhikkhu là 乞士、乞士男、除士、薰士、破煩惱、除饉、怖魔 khất sĩ、 khất sĩ nam、 trừ sĩ、huân sĩ、 phá phiền não、 trừ cận、bố (phố) ma (làm cho ma quỷ sợ/bố)...v.v…
Bật sô là một dạng kí âm vì bật 苾 có một dạng âm cổ phục nguyên là *bhit, và sô 芻 có một dạng âm cổ phục nguyên là *[tsʰ]ro (kho xát hóa), tương ứng với dạng bhikhu tiếng Phạn. Tuy nhiên, hiện tượng trùng nữu biến đổi phụ âm b/p- trở thành t- tiếng Việt như tân lang 檳榔 có gốc là pinang (pin > tân, nang > lang - lẫn lộn n - l), thành ra ta có các biến âm bật sô - bỉ khu > tỉ khu > tì kheo.
Tăng
Tăng 僧 - âm cổ của 僧 là *săng, biến âm s thành t: *săng > tăng HV - là kí âm và nói tắt của Phạn ngữ sangha संग्हा tăng già 僧伽; âm cổ của 僧伽 là *săng *ka, cận âm Phạn sangha; tiếng Pali là saṃgha: gồm tiền tố सं- saṃ- và हन् han. Danh từ tiếng Phạn này đã hiện diện trong Ấn Độ giáo, Kì Na giáo từ lâu đời: tiền tố sam- hàm ý cùng nhau, với nhau (chỉ số đông, td. 4 người trở lên trong PG) cho nên sangha có nghĩa là một nhóm người, đoàn thể, hội đoàn, tập thể...
Các cách dịch nghĩa là hòa (和), chúng (眾), hòa hợp (和合); cho nên còn được gọi là hòa hợp chúng (和合眾), hòa hợp tăng (和合僧), hải chúng (海眾 hàm ý tăng chúng hòa hợp và lớn như biển cả), xuất gia chúng (出家眾), giáo đoàn (教團); hay theo cấu trúc [Phạn + Hán] để cho ra các dạng tăng chúng (僧眾), tăng lữ (僧侶). tăng đoàn (僧團), tăng gia (僧家 - gia là nhà), tăng ngũ (僧伍), tăng đồ (僧徒), tăng viện (僧院), tăng ni (僧尼) ...v.v... Danh từ tăng đã được bản địa hóa cao độ (như bụt/Phật, kiếp, tháp chẳng hạn) nên còn dùng để chỉ một người xuất gia (td. tăng nhân 僧人 ở Trung Hoa) như cách dùng "vị tăng cao tuổi" trong tiếng Việt; nét nghĩa này rất khác với nghĩa nguyên thủy của tăng (< tăng già).
Trong điều 33, pháp sư Nghĩa Tịnh chỉ dùng một chữ tăng để chỉ một đoàn thể các vị sư so với bật sô (tì kheo) để chỉ một cá nhân. Các cách dùng liên hệ với cấu trúc [Phạn + Hán] hậu kì là tăng chủ/tăng chính (chỉ người lãnh đạo và hướng dẫn tăng đoàn), tăng thứ (thứ hạng trong giới tăng ni), tăng thống (chức vị thống lĩnh Phật giáo quốc gia), tăng nhân (sư nam) như đã viết ở đoạn trên. Một số học giả còn xem tăng già/tăng đoàn như một thể chế dân chủ (demoncratic institution/A) tiên phong trong lịch sử nhân loại, tương phản với các chế độ đẳng cấp, cuồng tín, chuyên quyền…v.v…
Kết luận
Điều 33 của NHKQNPT, tuy chỉ vỏn vẹn có 161 từ HV, nhưng đã phác họa một bức tranh toàn cảnh khá rõ nét của xã hội Ấn Độ và Trung Hoa nói riêng, và thế giới trần tục này qua đời sống tăng đoàn cách đây hơn 1300 năm. Bức tranh này có khác với tình hình ngày nay không? Trọng tâm của bức tranh mà pháp sư Nghĩa Tịnh ghi nhận qua ngòi bút của ngài là Tam bảo: có Phật (Phật ngôn), có Pháp (tri túc, hạnh đầu đà, khất thực, vô sinh) và Tăng (tăng, bật sô, xuất gia).
Cụ thể hơn, đọc kỹ điều 33 cho ta hình dung ra một vị tì kheo xuất gia, trang phục rất đơn giản[30] (tam y) và ở trong một phòng yên lặng để tu tâm dưỡng tính hướng về sự giải thoát (vô sinh) khỏi các vướng mắc thế gian. Hay có đi ra ngoài thì vị tì kheo này (Nghĩa Tịnh kí âm bhiksụ là bật sô HV) khất thực để vừa đủ sinh tồn tối thiểu và cũng noi theo hạnh đầu đà hướng về giai đoạn sau cùng là sự thoát ly ta bà thế giới. Bên cạnh hình ảnh khất sĩ đó là những người phàm tục, dẫn dắt bởi lòng ham muốn/tham lam và dục vọng, có thể làm bất cứ chuyện gì (như hủy hoại thân thể, lạm dụng hình ảnh Phật) để thỏa mãn sự ham muốn và mưu cầu tài lợi cho cá nhân. Cuối cùng, Nghĩa Tịnh cũng khuyên là đừng nên gian dối tham lam để mưu cầu tài lợi (tiền bạc, danh vọng ...).
Ngài ngưng lại ở đây và không khai triển thêm nữa. Theo người viết/NCT, ngụ ý của Nghĩa Tịnh trong dòng cuối điều 33 là đừng nên làm những chuyện gian dối, tham lam (nhân) vì sẽ lãnh hậu quả tự nhiên (nghiệp báo) và sẽ mãi nằm trong vòng luân hồi sinh tử. So với đoạn đầu điều 33 nói rõ sự xuất gia, các hoạt động và tu luyện hướng đến vô sinh hay không còn lệ thuộc luân hồi nữa.
Điều 33 còn cho thấy một số cách kí âm tiếng Phạn thời Nghĩa Tịnh cùng với một số cách dịch nghĩa từ luật lệ và giáo lý căn bản Phật giáo được truyền lại cho tăng đoàn vào TK 7. Biết được cấu trúc của các thuật ngữ tiếng Phạn (và Pali) nguyên thủy với phạm trù nghĩa liên hệ (thường khá rộng) sẽ giúp ta hiểu rõ hơn một số cách dùng và khái niệm cốt lõi của Phật giáo theo dòng thời gian - nếu không cẩn thận thì rất dễ nhầm lẫn. Ngoài ra, tìm hiểu các cách dùng trên trong Ấn Độ giáo, Kì Na giáo (trước thời Phật giáo) trong lịch sử Ấn Độ cổ đại cũng giúp ta cảm thông được phần nào quá trình hình thành Phật giáo.
Các tiểu mục như khất thực, Tam bảo, Tăng, bật sô, vô sinh, tri túc, xuất gia, nghiệp, (hạnh) đầu đà ghi trong điều 33 cần ít nhất một quyển sách dày mới hi vọng hiểu cặn kẽ hơn. Tuy nhiên, người viết (NCT) mong rằng bài viết nhỏ này sẽ là một động lực cho người đọc thấy thích thú để tìm tòi tra cứu sâu xa hơn nữa, cũng như phát hiện nhiều kết quả thú vị. Điều 33 nói riêng, hay NHKQNPT cùng các tác phẩm khác của pháp sư Nghĩa Tịnh nói chung, là nguồn tài liệu quý báu và phong phú: cung cấp thông tin về hoạt động, luật lệ cùng tín ngưỡng của tăng đoàn PG vào TK 7 ở xứ Phật. Các dữ kiện này được đúc kết từ trải nghiệm cá nhân sau 25 du học ở 'nước ngoài', cùng với những chuyến đi thực địa, đáng được hậu thế học hỏi và khai thác thêm. Các thông tin trên cũng hỗ trợ cho nghiên cứu về khảo cổ, lịch sử (đặc biệt là Phật giáo) và ngôn ngữ thêm phần chính xác.
Chú thích
[1] Tác giả hiện đang sinh sống tại Melbourne, Australia.
[2] Để ý Nghĩa Tịnh có đi qua khu vực Lâm Ấp (phía nam Giao Chỉ) và ghi nhận vài thông tin liên hệ - xem thêm chi tiết trong bài “Đời sống tăng đoàn ở Nalanda (Ấn Độ) vào thế kỉ 7: cây xỉa/chà răng theo ghi chép của pháp sư Nghĩa Tịnh” cùng tác giả (NCT).
[3] Trong Đại Đường Tây Vực Cầu Pháp Cao Tăng Truyện, Nghĩa Tịnh phê bình là tự 寺 (chùa) là cách phiên/dùng không chuẩn (不是正翻 bất thị chính phiên), so với cách dùng 毘訶羅 bì ha la (phiên âm tiếng Phạn vihara विहार là nơi thờ thần/Phật, chùa, tu viện …). Tuy nhiên ở đây ngài vẫn dùng tự (~ chùa) cho Na Lan Đà.
[4] Hạ 夏 có nhiều nghĩa (td. mùa hè, nhà lớn, Trung Hoa ...): ở đây nghĩa là thời gian ba tháng hay khoảng 9 tuần (nhất hạ cửu tuần) mùa mưa - tăng lữ ở một chỗ (an cư) như chùa, nhà nhỏ, gốc cây mà không được đi đâu. Thành ra có nhiều cách dùng liên hệ như sơ hạ (đầu hạ), hạ thủ (ngày đầu hạ), mãn hạ, kết hạ, phá hạ ...v.v...
[5] Còn có thể hiểu tôn kính 尊敬 là kính (đức thế) tôn - hay cách kính lễ tranh hay tượng của đức Phật Tổ. Để ý trong điều 33 là Nghĩa Tịnh ghi là 尊像 tôn tượng (tranh đáng tôn kính) hàm ý tranh của đức Phật Tổ.
[6] Bản văn thời Tống, Nguyên, Minh ghi là 杜多 đỗ đà, so với phiên bản bài này là 頭陀 đầu đà.
[7] Nghĩa Tịnh ghi 2 chữ 佛言 Phật ngôn, người viết/NCT dịch là đức Thế Tôn dạy rằng (6 chữ), dựa vào các cách dùng tương đương của Nghĩa Tịnh trong NHKQNPT (có lúc ngài dùng Phật hay Thế Tôn, Thích Ca ...). Học giả Tsun Nyen Yong thuộc đại học Kyoto (sđd, 2022) cũng từng nhận xét là Nghĩa Tịnh thường dùng một số từ đồng nghĩa để dịch một từ Phạn, cho nên phải ý thức điều này để hiểu rõ hơn các tác phẩm của ngài (qua tiếng Hán trung cổ).
[8] Nghĩa Tịnh ghi 大己苾芻 đại kỉ bật sô, hàm ý các sư trưởng (thượng tọa, hòa thượng ...), người viết dịch là Đại sư (~ cao tăng, hòa thượng ...) - xem thêm chi tiết trong mục 3.8 phần dưới.
[9] Nghĩa Tịnh dùng chữ tượng HV 像 nghĩa là tranh vẽ, còn bức tượng (hay tượng) gọi là điêu tượng 雕像 (tượng được khắc/chạm trổ) hay tố tượng 塑像 (tượng được đắp/nặn). Chú ý là tượng trong tiếng Việt hiện đại có nghĩa khác với tranh hay ảnh; tượng Bụt là tượng Phật (từ điển Việt Bồ La năm 1651).
[10] Nghĩa Tịnh ghi 鉤身 câu thân, hàm ý sửa đổi hình dáng thân thể trở thành cong quẹo như bị tật ... Các bản văn thời Tống, Nguyên, Minh ghi là 鉤身自 câu thân tự (làm cong queo thân mình).
[11] Nghĩa Tịnh ghi 刺臉 thứ kiểm HV hàm ý châm/đâm vào mặt cho có vết thương. Các bản văn thời Tống, Nguyên, Minh lại ghi kiểm bộ mục 瞼 (nghĩa là mí mắt).
[12] Nghĩa Tịnh ghi là 斷節 đoạn tiết, hàm ý làm cho đứt các khớp xương.
[13] Nghĩa Tịnh ghi là 穿肌 xuyên cơ, hàm ý làm rách da hay thịt (cơ có nghĩa là da hay thịt).
[14] Hán văn trích là 勸導諸 khuyến đạo chư so với bản văn thời Tống, Nguyên, Minh là 宜勸導 nghi khuyến đạo - hàm ý là (Nghĩa Tịnh) ra lời khuyên bảo. Câu cuối cùng người viết/NCT cố gắng dịch cho rõ ý hơn so với văn cảnh (Hán văn thời Trung cổ khá tối nghĩa).
[15] Để ý là có nhiều dạng kí âm của một từ gốc Phạn (mà từ này thường lại có nhiều nghĩa) như Arhat: 阿羅漢 A la hán HV, 阿羅訶 a la ha, 阿羅呵 a la a, 阿拉漢 a lạp hán ... Thường gọi đơn giản là La Hán, so với các dạng dịch nghĩa như 應供 ứng cung, 應、無著、無, 所著、真人、至真、應真 ứng, vô trứ, vô sở trứ, chân nhân, ứng chân ...v.v... Có tác giả còn ghi nghĩa tương đương của A la hán là bất sinh 不生 hay vô sinh 無生 - tham khảo bài viết (2017) 阿羅漢的三個含義 của pháp sư Đại An 大安法師: A la hán là kí âm tiếng Phạn và có nhiều nghĩa: 1) ứng cung 應供 2) trừ khủ phiền não 3) a- là không (vô, bất HV) và rahat là sinh - thành ra arhat là vô sinh hay bất sinh, không còn vướng lụy trần thế ...v.v...
[16] Đã có nhiều khảo cứu về ảnh hưởng tiếng Phạn trong tiếng Hán, xem trang này chẳng hạn https://sundayguardianlive.com/opinion/sanskrit-influence-chinese-language ...v.v...
[17] Nghiệp HV 業 là chữ Hán tượng hình, hình trên chung đỉnh văn/chữ triện cho thấy những mảnh gỗ bắc ngang của cái giá treo nhạc khí thời xưa, khắc thành hình răng cưa, dùng để treo chuông khánh ... Sau mang nghĩa mảnh ván bao bọc sách (~ đại bản 大版), làm sách (viết chữ trên mảnh gỗ rồi ghép lại) và mở rộng nghĩa chỉ sự học hành như tốt nghiệp, chức nghiệp, nghiệp vụ, con nối nghiệp cha - nghiệp nông (~ nghề nông, trích Việt Nam Tự Điển/1932) ... Sau khi Phật giáo du nhập vào Á Đông, nghiệp thường dùng để chỉ khái niệm karma hay nhân quả. Do đó nghiệp mang nặng tính chất tôn giáo (nghiệp báo/quả): từ phạm trù nghĩa của công nghiệp, cơ nghiệp, nghề nghiệp ta có tội nghiệp, ác nghiệp (từ điển Việt Bồ La/1651). 'Nghiệp ăn uống' là quá mê ăn uống, 'đa hành ác nghiệp' là làm nhiều tội ác xuất hiện trong từ điển Việt Bồ La phản ánh cách dùng phổ thông của nghiệp đã mang đậm sắc thái Phật giáo vào TK 17 - vào đầu TK 19, truyện Kiều có câu 997 "Số còn nặng nghiệp má đào", câu 3249 của đoạn kết "Đã mang lấy nghiệp vào thân" ...v.v...
[18] Tham khảo thêm chi tiết bài viết (2022) "Hiểu đúng về nghiệp" của Thích Hạnh Hoằng (báo Giác Ngộ).
[19] Đoạn Hán văn liên hệ (trong điều 9 của NHKQNPT) có thể hiểu là một số nhà sư thực hành hạnh đầu đà hay nhà sư chỉ thực hành một số hạnh đầu đà (NCT).
[20] Thời đức Phật Tổ đã có tranh luận giữa ngài với (anh em họ) Devadatta: ngài không chấp nhận 5 hạnh đầu đà khắc nghiệt cho nhà tu (như ngủ dưới gốc cây khi mưa) khiến Devadatta ly khai và thành lập tăng đoàn riêng.
[21] Họ Thích Ca (Sakya) của đức Phật Tổ gọi tắt là Thích để chỉ PG như thời trước dùng Thích tử là Phật tử (người theo đạo Phật, tu sĩ), đạo Thích (Thích giáo) hay đạo Bụt là đạo Phật, Thích điển là kinh điển Phật giáo, Thích tượng là tượng Phật (tượng bụt - từ điển Việt Bồ La trang 848), Thích môn hay Phật môn (cửa Phật), Pháp môn, Chân môn, Huyền môn, Đạo môn, Không môn, Đế môn, Tông môn, Tổ môn ...v.v…
[22] Thần Visnu विष्णु là một trong ba vị thần chính của Ấn Độ giáo, gồm có Shiva, Vishnu, Brahma. Thần Vishnu trông coi và bảo tồn luật lệ/đạo lý của thế giới vũ trụ.
[23] Tăng ni chính thức có thể lập gia đình từ thời Minh Trị (1868) khi tư tưởng quốc gia Nhật Bản lên đỉnh cao cũng như khuynh hướng bài ngoại (td. đàn áp Phật giáo vì là từ nước ngoài nhập vào).
[24] Ít người biết là thương hiệu nổi tiếng của Nhật Bản Canon có nguồn gốc là Quán Âm (観音 Guanyin - Kwanon - Canon). Ngay cả từ điển Việt Bồ La (1651) cũng có mục Quan Âm (ghi là quan ăm). Quán Âm hay Phạn ngữ là Avalokiteśvara अवलोकितेश्वर gồm hai thành phần: thần/chúa tể (Phạn ngữ īśvara ईश्वर) trông coi thế giới này (ava là xuống/nhìn xuống, loka là thế giới > Avalokita अवलोकित) - dịch nghĩa là Áp Lâu Tuyên, Quang Thế Âm, Quán Thế Tự Tại, Quán Thế Âm Tự Tại, Quán Thế Âm Tự Tại Giả, Khuy Âm, Hiện Âm Thanh …
[25] Đâu Suất là một dạng phiên âm gần đúng của tiếng Pali Tusita hay tiếng Phạn Tushita तुषित; So với tiếng Mông Cổ là Tusid, tiếng Thái dù-sit... Chữ này, cũng như nhiều chữ Phạn khác, gồm có động từ gốc là tus (thỏa mãn/đầy đủ, vui, hoan hỉ) và các hậu tố (tiếp vĩ ngữ, prefix) như -ta. Tusita có các dạng phiên âm cổ như Đâu Suất 兜率, Đâu Suất Đà 兜率陀, Đâu Suất Đá 兜率哆, Đâu Thuật 兜術 ... Các dạng phiên âm mới là Đô Sử Đa 都史多, Đấu Sắt Đá 鬥瑟哆, Đô Sử Đa 都史多 ... So với các cách dịch nghĩa là Thượng Túc, Diệu Túc, Tri Túc , Hỉ Túc, Hỉ Lạc 上足、妙足、知足、喜足, 喜樂 ...v.v...
[26] Thí dụ như (a) priyam प्रियम् nghĩa là dễ chịu, vui vẻ - apriyam अप्रियम् 'không vui vẻ' hay là khó chịu, đau khổ; (b) saphalah सफल là thành công, có ích lợi - asaphalah असफल 'không thành công' hay là thất bại, vô ích ... (c) kusála कुशल là tốt, đúng, thiện - akusla अकुशल là không tốt, không đúng hay là xấu, ác (d) laya लय là chảy ra, hòa tan, mất đi, tan rã, phá hủy (chết), chỗ nghỉ (nhà ở) ... alaya आलय là không (thể) phân hủy được - hàm ý căn bản (gốc) của tâm thức (căn bản thức) - một trong tám thức (bát thức), dịch là tạng, thất, vô một (không mất, một 歿 là chết, mất đi) (e) síksạ̄ शिक्षा là học, asáiksạ अशैक्ष là không học hay vô học 無學 hàm ý đạo học đã đủ, không cần học nữa (chỉ A La Hán) - để ý thuật ngữ Phật giáo vô học hoàn toàn khác biệt với cách hiểu thông thường là không có học thức, không được giáo dục ...v.v… Biết được cấu trúc Phạn ngữ giúp ta hiểu được các khái niệm PG thấu đáo so với các cách dịch nghĩa (thường qua HV) hay kí âm.
[27] Một nét nghĩa khác trong sinh học (thường gặp hơn) của vô sinh là khi một cặp vợ chồng không có con hay không thể mang thai (vô ~ không, sinh ~ sinh con).
[28] Mức phổ thông của cách dùng (khái niệm) bất sinh bất diệt còn cho thấy trong từ điển Việt Bồ La (1651) ghi lại ngôn ngữ dân gian vào TK 17 và có rất ít từ Hán Việt hay thuật ngữ Phật giáo: mục nạt bàn (nát bàn, niết bàn) ghi bất sinh, chẳng sống và bất diệt, chẳng chết. Cách dùng này đã từng được ngài Long Thọ (khoảng 150 - 250) khai triển trong Trung Quán Luận 不生亦不滅 不常亦不斷 不一亦不異 不來亦不出“Bất sinh diệc bất diệt, bất thường diệc bất đoạn, bất nhất diệc bất dị, bất lai diệc bất xuất” khoảng 5 TK trước thời Nghĩa Tịnh.
[29] Ngay cả trong Thiên Chúa giáo, ba ngôi là (Chúa) cha, con (Giê Su) và thánh thần.
[30] Phản ánh qua cách xưng khiêm cung như bần tăng 貧僧 (sư nghèo) hay bần đạo 貧道 của các nhà sư.
Tài liệu tham khảo chính
1) Ann Heirman/Mathieu Torck (2012) "A Pure Mind in a Clean Body: Bodily Care in the Buddhist Monasteries of Ancient India and China" NXB Academia Press, Gent (Belgium)
2) Li Rongxi (2000) "Buddhist Monastic Traditions of Southern Asia: A Record of the Inner Law Sent Home from the South Seas" NXB Numata Center for Buddhist Translation and Research, Berkeley (California, USA) - bản dịch ra tiếng Anh từ cuốn 南海寄歸內法傳 (Nam Hải Kí Quy Nội Pháp Truyện - soạn giả Nghĩa Tịnh)
3) Nguyễn Cung Thông (2011) "A Di Đà Phật hay A Mi Đà Phật?" - có thể tham khảo bài viết này trên mạng như https://thuvienhoasen.org/a13186/a-di-da-phat-hay-a-mi-da-phat ...v.v...
(2012) "Bụt hay Phật?" có thể tham khảo loạt bài viết này đăng lại trong Hoa Vô Ưu trang này chẳng hạn https://hoavouu.com/a21179/but-hay-phat ...v.v...
(2010) "Tản mạn về cõi Đâu Suất và lý thuyết tương đối (phần 1)" có thể tham khảo toàn bài trên trang này chẳng hạn https://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=13367 …
(2010, 2023) "Phương pháp giải quyết vấn đề và Tứ Diệu Đế" có thể tham khảo loạt bài viết này trên trang này chẳng hạn https://www.daophatngaynay.com/vn/phat-phap/giao-phap/bon-chan-ly/4690-Phuong-phap-giai-quyet-van-de-va-Tu-Dieu-De-phan-1-.html ...v.v...
(2025) “Đời sống tăng đoàn ở Nalanda (Ấn Độ) vào thế kỉ 7: cây xỉa/chà răng theo ghi chép của pháp sư Nghĩa Tịnh”.
(2025) “Đời sống tăng đoàn ở Nalanda (Ấn Độ) vào thế kỉ 7: đi bộ (kinh hành) theo ghi chép của pháp sư Nghĩa Tịnh” - có thể tham khảo các bài viết này trên mạng chẳng hạn https://tapchinghiencuuphathoc.vn/tag/phap-su-nghia-tinh ...v.v...
4) Takakusu Junjiro (1896) "A Record of the Buddhist Religion as Practised in India and the Malay Archipelago" NXB Clarendon Press (London) - bản dịch ra tiếng Anh từ cuốn 南海寄歸內法傳 (Nam Hải Kí Quy Nội Pháp Truyện - soạn giả Nghĩa Tịnh).
5) Tansen Sen (2018) "Yijing and the Buddhist Cosmopolis of the Seventh Century" bài viết đăng trong chương 13 cuốn "Texts and Transformations - Essays in Honor of the 75th Birthday of Victor H. Mair" chủ biên Haun Saussy - NXB Cambria Press (2018).
6) Từ Nguyên 辭源 (2004) NXB Thương Vụ Ấn Thư Quán – Bắc Kinh (2004)
7) Monier Monier-Williams (1899) " Sanskrit-English Dictionary: Etymologically and Philologically Arranged with Special Reference to Cognate Indo-European Languages" cập nhật bởi E. Leumann, C. Cappeller, et al. 1899, NXB Clarendon Press, Oxford. Không như trước đây, hiện nay có nhiều tài liệu trên mạng như tự điển, ngữ pháp, lịch sử tiếng Phạn ... Td. https://www.learnsanskrit.cc/translate?search=utpada-&dir=au hay https://de.wisdomlib.org/definition/utpada ...v.v...
8) Xiangdong Shi (2015) "The Influence of Buddhist Sanskrit on Chinese" bài viết đăng trong cuốn The Oxford Handbook of Chinese Linguistics chủ biên William S-Y. Wang và Chaofen Sun NXB Oxford University Press.
9) Yong Tsun Nyen (2022) "Remarks on Yijing’s 義淨 Diction in His Translations" đăng trong TC Journal of Indian and Buddhist Studies Vol. 70, No. 3, March 2022
10) Zhang Jingting (2018) "The Buddhist Sangha life in the seventh century: based on a record of the Inner Law sent home from the South Seas of Yijing" luận án tiến sĩ - Graduate school - Mahachulalongkornrajavidyalaya University (Thái Lan).
Phụ Trương 1. Điều 33 bằng Hán văn
Ảnh tác giả cung cấp
2. Tứ thể - Nghĩa Tịnh dùng tứ thể 四體 để chỉ cả thân người (có thể cả đầu - theo một cách hiểu tứ thể trong tiếng Nhật chẳng hạn) hay chỉ là tứ chi 四肢 (hai tay và hai chân) khi lạy Phật? Không thấy tài liệu nào ghi rõ nghi thức lễ Phật vào thời Nghĩa Tịnh - xem hình bên dưới về nghi thức lễ Phật rất đặc biệt của Phật giáo Tây Tạng (ngũ thể - nhập địa):
Ảnh tác giả cung cấp