Theo dữ liệu từ các cuộc khảo sát gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Pew, trong số những người trưởng thành rời bỏ tôn giáo gắn với thời thơ ấu của mình thì Phật giáo và Thiên chúa giáolà hai tôn giáo chứng kiến sự suy giảm đáng kể.
Các nghiên cứu này được thực hiện trên 36 quốc gia với gần 80.000 người tham gia, phản ánh xu hướng, nhiều người chuyển đổi sang trạng thái “không tôn giáo”.
Xu hướng chuyển đổi tôn giáo toàn cầu
Chuyển đổi tôn giáo, theo định nghĩa của Trung tâm Nghiên cứu Pew có trụ sở tại Washington, DC, là sự thay đổi của một cá nhân từ tôn giáo họ gắn bó thuở ấu thơ sang một căn tính tôn giáo mới khi trưởng thành.
Khác với cải đạo, thường ám chỉ việc chấp nhận một đức tin mới, chuyển đổi tôn giáo còn bao gồm cả sự chuyển dịch sang trạng thái không tôn giáo, chẳng hạn như vô thần, bất khả tri hoặc không theo một tín ngưỡng cụ thể nào.
Tỷ lệ chuyển đổi khác nhau đáng kể giữa các quốc gia. Tại Ấn Độ, Israel, Nigeria và Thái Lan, hơn 95% người trưởng thành vẫn giữ nguyên tôn giáo từ thời thơ ấu. Trong khi đó, tại Hàn Quốc (50%), Hà Lan (36%), Hoa Kỳ (28%) và Brazil (21%), một tỷ lệ lớn người trưởng thành không còn theo tôn giáo ban đầu của họ.
Phật giáo và Thiên chúa giáo chịu ảnh hưởng lớn nhất
Trong các tôn giáo lớn, Thiên chúa giáovà Phật giáo là hai tôn giáo chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ xu hướng này. Thiên chúa giáo, tôn giáo chiếm ưu thế tại 25 quốc gia được khảo sát, đang có sự suy giảm đáng kể, đặc biệt là tại châu Âu.
Ví dụ, tại Đức, cứ 20 người rời bỏ Thiên chúa giáothì mới có một người gia nhập. Tại Thụy Điển, 29% số người được nuôi dạy theo Thiên chúa giáohiện tuyên bố không theo bất kỳ tôn giáo nào.
Tương tự, Phật giáo, vốn chiếm ưu thế ở Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Sri Lanka và Thái Lan, cũng đang suy giảm mạnh, đặc biệt ở Đông Á. Tại Nhật Bản, 23% người được nuôi dạy theo Phật giáo hiện không còn theo tôn giáo nào. Hàn Quốc ghi nhận xu hướng tương tự, với 13% người từng theo Phật giáo nay không còn duy trì niềm tin này.
Đáng chú ý, phần lớn những người rời bỏ Phật giáo không cải đạo sang một tôn giáo khác mà chuyển sang trạng thái không tôn giáo. Ví dụ, ở Nhật Bản, khoảng 40% số người từng theo Phật giáo hiện không còn theo bất kỳ tôn giáo nào. Một tỷ lệ nhỏ hơn cải đạo sang Thiên chúa giáo, đặc biệt tại Hàn Quốc (18%) và Singapore (12%).
Không phải tất cả các chuyển đổi đều dẫn đến thế tục hóa
Xu hướng chung là chuyển dịch sang không tôn giáo, vẫn có những trường hợp ngược lại. Hàn Quốc là một ví dụ đáng chú ý: 9% số người từng không theo tôn giáo nào nay đã gia nhập một tôn giáo, chủ yếu là Thiên chúa giáo.
Ở Singapore và Nam Phi, khoảng 10% số người đã chuyển đổi giữa các tôn giáo thay vì rời bỏ hoàn toàn tôn giáo.
Nguồn: pewresearch.org
Mức độ duy trì Phật giáo cũng khác nhau giữa các quốc gia. Sri Lanka và Thái Lan có tỷ lệ duy trì cao, khoảng 98%, phản ánh sự gắn kết chặt chẽ giữa Phật giáo và văn hóa, xã hội. Ngược lại, tại Hàn Quốc, tỷ lệ duy trì Phật giáo chỉ là 39%, cho thấy sự linh hoạt hơn trong quan niệm tôn giáo.
Hoa Kỳ là quốc gia có tỷ lệ gia nhập Phật giáo cao nhất: 48% số phật tử tại Mỹ xuất thân từ các tín ngưỡng khác hoặc không theo tôn giáo từ nhỏ. Dù có xu hướng gia tăng, Phật giáo vẫn chỉ chiếm 1% tổng số người trưởng thành tại Mỹ.
Nguồn: pewresearch.org
Trong khi đó, tại Hàn Quốc, 33% tín đồ phật tử là người thuộc các tôn giáo khác cải đạo sang Phật giáo, ở Singapore con số này là 24%, cho thấy dù có sự rời bỏ Phật giáo, vẫn có xu hướng người ngoài gia nhập tôn giáo này một cách mạnh mẽ.
Các yếu tố nhân khẩu học ảnh hưởng đến xu hướng chuyển đổi
Các yếu tố như tuổi tác, giáo dục và giới tính có tác động khác nhau đến chuyển đổi tôn giáo. Tại Canada, Ý, Tây Ban Nha và Hoa Kỳ, người trẻ có xu hướng chuyển đổi tôn giáo cao hơn so với thế hệ trước, cho thấy sự thế tục hóa ngày càng gia tăng. Trình độ học vấn cũng ảnh hưởng đến quyết định chuyển đổi, chẳng hạn, tại Hà Lan, những người có trình độ học vấn cao thường có tỷ lệ chuyển đổi tôn giáo cao hơn.
Giới tính không có ảnh hưởng lớn đến xu hướng này, dù ở một số quốc gia, nam giới có tỷ lệ chuyển đổi tôn giáo cao hơn nữ giới.
Những phát hiện này phản ánh một sự dịch chuyển toàn cầu hướng tới trạng thái không tôn giáo, ảnh hưởng đáng kể đến các tôn giáo lớn như Thiên chúa giáovà Phật giáo. Tuy nhiên, sự chuyển đổi tôn giáo là một quá trình phức tạp, bị chi phối bởi nhiều yếu tố nhân khẩu học, vấn đề di cư, yếu tố hôn nhân và văn hóa xã hội, các dịch chuyển việc làm.
Điều này đặt ra nhiều câu hỏi về tương lai của các tôn giáo trên thế giới: liệu xu hướng này có tiếp tục lan rộng, hay sẽ có sự tái cấu trúc của các đức tin trong bối cảnh xã hội không ngừng biến đổi?
Tác giả: Justin Whitaker/Chuyển ngữ và biên tập: Thường Nguyên/Nguồn: buddhistdoor.net