Phật giáo với Khoa học thực sự tuyệt vời

Phật giáo với Khoa học thực sự tuyệt vời
10 giờ trướcBài gốc
Tác giả: 陳一鳴 (Trần Nhất Minh)
Việt dịch: Thích Vân Phong
Nguồn: buddhism.net
Một câu nói nổi tiếng của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14: "Nếu phân tích khoa học chứng minh một cách thuyết phục một số tuyên thuyết trong Phật giáo là không thật, thì chúng ta phải chấp nhận những phát hiện của khoa học và từ bỏ những tuyên thuyết ấy."(1)
Phản ứng ban đầu của tôi trước điều này là một câu không mấy ấn tượng “Tất nhiên rồi". Điều này có thể không làm các bạn ngạc nhiên, vì tôi là người hoài nghi và là người của khoa học. Điều có thể làm các bạn ngạc nhiên là cộng đồng Phật giáo không có phản ứng tiêu cực nào đối với những gì đức Đạt Lai Lạt Ma nói. Không ai bị xúc phạm. Thật đáng kinh ngạc khi những nhà lãnh đạo tối cao của một trong những tôn giáo lớn trên thế giới tuyên thuyết rằng khoa học được ưu tiên hơn tôn giáo của Ngài.
Tôi hình dung nếu điều này xảy ra ở một tôn giáo khác, có thể nó gây ra một sự biến động lớn, nhiều nhà lãnh đạo và các tín đồ tôn giáo đó sẽ thực sự rất khó chịu. Tuy nhiên, trong Phật giáo, một tuyên thuyết như thế có vẻ như là một sự kiện không có gì, gần như được coi là điều hiển nhiên, Thực tế là nó không có gì đáng quan tâm.
Đây, các bạn bè của tôi, là điều đầu tiên khiến tôi ngưỡng mộ kính tin Phật giáo; tinh thần khoa học của nó. Thậm chí đức Đạt Lai Lạt Ma còn gọi những lời dạy cốt lõi của đức Phật là “Khoa học của Tâm linh”.
Nhà sư Phật giáo Matthieu Ricard đang chuẩn bị cho một bài kiểm tra fMRI. (Ảnh của Jeff Miller từ wisc.edu)
Tinh thần khoa học của Phật giáo không phải bắt đầu từ Đức Đạt Lai Lạt Ma, mà bắt đầu từ chính đức Phật. Đức Phật nhấn mạnh rằng các thánh đệ tử của Ngài phải chấp nhận lời dạy của Ngài không phải bằng đức tin mù quáng, mà chỉ tin sau khi qua bộ lọc của chính tư duy, quá trình tư duy phân tích dẫn đến những đánh giá, phán đoán hợp lý, công bằng. Đức Phật mô tả cách tuyệt đẹp lời dạy của Ngài là có thể kiểm chứng được ngay tại đây và ngay phút giây hiện tại.(2)
Tuyên thuyết này thật đáng kinh ngạc khi đến từ bất kỳ bậc đạo sư tâm linh nào, bởi vì nó khiến bậc đạo sư ấy rất dễ bị tổn thương. Nếu các bạn có thể chứng minh lời nói của một bậc đạo sư là đúng hay sai sau khi các bạn chết, thì thực sự các bạn không có cách nào để chứng minh rằng bậc đạo sư của các bạn sai trong suốt quãng đời còn lại. Ngược lại, nếu bậc đạo sư của các bạn tuyên thuyết rằng lời dạy của Ngài có thể kiểm chứng được ngay tại đây và ngay bây giờ, thì các bạn luôn có thể cố gắng chứng minh rằng Ngài đã sai ngày hôm nay, ngay lúc này, và điều ấy khiến Ngài rất dễ bị tổn thương. Một bậc đạo sư tâm linh phải có rất nhiều niềm tin vào lời dạy để đặt mình vào vị trí đó. Trên thực tế, đức Phật không chỉ tuyên thuyết như thế, Ngài đã nhiều lần bảo các môn đồ tín chúng của Ngài hãy kiểm chứng lời dạy của Ngài qua bộ lọc chính tư duy, tư duy logic.
Hòa thượng Soryu Forall, Hiệu trưởng Học viện Tăng già - Trung tâm học tập chính niệm (Monastic Academy - Center for Mindful Learning) đã trải nghiệm một số thú vị về vấn đề này. Ngài đã thực hành dưới sự hướng dẫn của các bậc đạo sư Phật giáo và được đào tạo cơ bản, nghiêm túc ở Châu Á. Giống như bất kỳ học viên giỏi nào, Ngài sẽ gật đầu khi lắng nghe họ, và điều này sẽ mời gọi một thử thách.
“Đúng vậy, bạn ạ, bạn thực sự cần phải điều tra cẩn thận.”
Họ thường thưa thỉnh với Ngài điều gì đó như: “Chớ vội tin vào điều này! Hãy tự mình tìm hiểu qua chính tư duy. Tôi vừa dạy cho các môn đồ một điều gì đó và các môn đồ gật đầu như thể các môn đồ đã hiểu, thế nhưng các môn đồ đã xác nhận chưa? Nếu các môn đồ chưa kiểm chứng thì các môn đồ chưa hiểu. Phần duy nhất của khóa đào tạo này có ý nghĩa là phần mà các môn đồ cố gắng phủ nhận Phật giáo. Vì thế, hãy bắt tay vào làm việc! Khi các môn đồ quay lại gặp tôi vào tối nay, các môn đồ sẽ tự mình biết liệu điều đó có đúng hay chưa”.
Thực sự điều đó gây ấn tượng với Hòa thượng Soryu Forall, bởi Ngài luôn coi mình là người hoài nghi phương Tây, nhưng hóa ra xét về sự hoài nghi, Ngài chỉ là một môn đồ học Phạn ngữ. Những cụ già Châu Á đã làm Ngài xấu hổ.
Thực sự ý nghĩa của thái độ “có thể kiểm chứng ở đây và ngay bây giờ” này thậm chí còn nổi bật hơn: nó chuyển uy lực trong mối quan hệ thầy-trò từ thầy sang trò. Hãy tưởng tượng nếu các bạn là một môn đồ của đức Phật, và Ngài nói với các bạn rằng, nếu các bạn làm điều này, điều đó sẽ xảy ra, và nếu các bạn không làm điều này, điều ấy sẽ không xảy ra, Ngài nói với các bạn rằng điều đó có thể kiểm chứng ở đây và ngay bây giờ.
Nếu sau đó các bạn thực hiện và phát hiện ra dự đoán của Ngài là sai, các bạn biết Ngài sai về ít nhất một điều. Ngài đặt môn đồ vào trung tâm của mọi thứ. Các bạn là người có quyền tư duy phản biện xem Ngài đúng hay không, chứ không phải ngược lại! Đây là một lượng lớn sức mạnh vô biên cho môn đồ. Đó là lý do tại sao Phật giáo có thể mang lại cảm giác rất mạnh mẽ.
Tác giả: 陳一鳴 (Trần Nhất Minh)
Việt dịch: Thích Vân Phong
Nguồn: buddhism.net
***
Tài liệu tham khảo
[1] Đức Đạt Lai Lạt Ma, Vũ trụ trong một nguyên tử đơn lẻ. Hòa hợp (2006).
[2] Majjhima Nikāya 7. Những từ ngữ chính xác là: “có thể nhìn thấy ở đây và bây giờ, có hiệu quả ngay lập tức, hấp dẫn sự kiểm tra, có liên quan, người khôn ngoan có thể tự mình trải nghiệm.”
Nguồn Tạp chí Phật học : https://tapchinghiencuuphathoc.vn/phat-giao-voi-khoa-hoc-thuc-su-tuyet-voi.html