Theo SciTech Daily, các nhà khoa học từ Đại học Y khoa Cáp Nhĩ Tân (Trung Quốc) và Đại học Cranfield (Anh) đã phân tích dữ liệu của 12.000 người và xác định SO₂ - tức lưu huỳnh dioxide - làm tăng đáng kể nguy cơ trầm cảm.
Một số chất ô nhiễm không khí có thể làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh trầm cảm - Ảnh minh họa: SCITECH DAILY
SO₂ có thể được sinh ra bởi việc đốt than và dầu, ví dụ các hoạt động công nghiệp, động cơ xe - chủ yếu là xe chạy bằng diesel.
Bên cạnh SO₂, các hạt mịn (PM2.5) và carbon monoxide (CO) cũng có liên quan đáng kể đến các triệu chứng trầm cảm, các kết quả công bố trên tạp chí Environmental Science and Ecotechnology chỉ ra.
Đó đều là các thành phần chính tạo nên sự ô nhiễm không khí hay gặp ở các thành phố lớn ngày nay.
Vấn đề càng đáng lo ngại hơn khi nghiên cứu mới chỉ ra rằng các chất ô nhiễm nói trên có thể tạo ra tác hại phức hợp khi xuất hiện cùng nhau: Tức không chỉ tác hại bị cộng dồn, mà có thể còn bị nhân lên.
Nghiên cứu cũng khám phá các cơ chế tiềm năng khiến các chất ô nhiễm này thúc đẩy bệnh trầm cảm.
Trong đó, họ nhận thấy các vấn đề nhận thức và thể chất sẵn có ở một số người có thể đóng vai trò trung gian một phần cho mối liên hệ giữa ô nhiễm trầm cảm.
"Những phát hiện của chúng tôi nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về quản lý chất lượng không khí tích hợp để cải thiện cả sức khỏe thể chất và tinh thần" - các tác giả lưu ý.
Việc nhắm mục tiêu vào SO₂ và các chất ô nhiễm quan trọng khác có thể làm giảm đáng kể gánh nặng sức khỏe cộng đồng của bệnh trầm cảm, đặc biệt là trong nhóm dân số dễ bị tổn thương như người trung niên và người lớn tuổi.
Anh Thư