Dấu vết chiến tranh được khai quật quanh tường thành
Theo sử thi Iliad của nhà thơ sử thi Homer, cuộc chiến bắt đầu sau khi Paris của thành Troy bắt cóc Helen, vợ của vua Sparta, dẫn tới cuộc vây hãm của người Hy Lạp kéo dài 10 năm. Cảnh nổi tiếng nhất là hình ảnh con ngựa gỗ giúp người Hy Lạp lẻn vào thành và phá hủy từ bên trong.
Theo các nhà khảo cổ học, đá ném là vũ khí chiến trường phổ biến trong thời đại đồ đồng, và sự hiện diện tập trung của chúng chỉ ra một cuộc bao vây chứ không phải là sự suy tàn trong hòa bình.
Giờ đây, một nhóm nhà nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ đã khai quật được hàng chục viên đá bắn ná bằng đất sét và đá cuội sông được mài nhẵn, nằm ngay bên ngoài khu vực được cho là tường thành cung điện, cùng với các mũi tên, công trình bị cháy và những bộ xương người được chôn vội.
Theo các chuyên gia, những dấu vết này vẽ nên bức tranh rùng rợn về một trận chiến tầm gần và sự sụp đổ thảm khốc, đúng như người Hy Lạp cổ kể lại.
“Việc tập trung nhiều viên đá bắn ná trong một khu vực nhỏ như vậy cho thấy giao tranh dữ dội, có thể là phòng thủ tuyệt vọng hoặc một cuộc tấn công tổng lực,” giáo sư Rustem Aslan của Đại học Canakkale Onsekiz Mart, người dẫn đầu cuộc khai quật, cho biết.
Những viên đá bắn ná này, được mài nhẵn để đạt khí động học hoàn hảo, là một trong những vũ khí chết người nhất của Thời kỳ Đồ đồng, có khả năng làm vỡ hộp sọ từ xa khi được phóng ra từ dây ná bằng da.
Số đá tìm thấy tại di chỉ được xác định niên đại khoảng 3.200 đến 3.600 năm trước, chính là giai đoạn được tin là trùng khớp với cuộc Chiến tranh thành Troy, mà theo các sử gia Hy Lạp diễn ra vào khoảng năm 1184 trước Công nguyên.
Các nhà khảo cổ học đã phát hiện bằng chứng 3.500 năm tuổi tại thành phố cổ Troy có thể chỉ ra một cuộc chiến thực sự đằng sau câu chuyện huyền thoại của Homer.
Tầng hủy diệt hé lộ bí ẩn thành Troy
Trong nhiều thế kỷ, các học giả từng xem Iliad của Homer chỉ là huyền thoại, một bản thơ mang tính tưởng tượng xoay quanh vụ tranh chấp về Helen và hình ảnh con ngựa gỗ đánh lừa cả thành phố.
Tuy nhiên các phát hiện mới cho thấy có thể đã từng tồn tại một cuộc chiến thực sự đằng sau truyền thuyết ấy.
Cuộc khai quật mùa hè năm nay, thuộc dự án Legacy for the Future do Bộ Văn hóa và Du lịch Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ, tập trung vào cung điện, chợ và tường thành phòng thủ của Troy, một thành phố kiên cố từng được biết đến với tên Wilusa trong văn bản của người Hittite.
Tại đây, các nhà khảo cổ đã tìm thấy một loạt di vật chiến tranh: công cụ xương, một chiếc “biz” nhọn dùng để xuyên áo giáp da, và cả một khớp xương được cho là dùng làm xúc xắc, gợi ra cuộc sống của binh sĩ khi chờ giao chiến.
Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy những di vật chiến tranh được gom lại với nhau bao gồm các công cụ bằng xương, một chiếc 'biz' nhọn dùng để đâm thủng da và một chiếc xương đốt ngón tay có thể được dùng làm xúc xắc chơi game.
Tuy nhiên chính tầng hủy diệt, lần đầu được phát hiện năm 2024 và nay tiếp tục được mở rộng, đã khiến giới nghiên cứu sửng sốt. Tầng này chứa tàn tích bị đốt cháy, vũ khí gãy và hài cốt người chôn vội, cho thấy một cuộc tấn công đột ngột, tàn khốc chứ không phải sự suy tàn từ từ.
Phát hiện này, kết hợp với các mũi tên từ những lần khai quật trước, cho thấy rõ ràng đã có giao tranh tầm gần bùng nổ tại khu vực này của thành phố, nhiều khả năng là nơi diễn ra trận chiến cuối cùng của lực lượng phòng thủ. Điều này cũng trùng khớp với các văn bản cổ.
Cả Herodotus và Eratosthenes, 2 sử gia Hy Lạp viết sau đó nhiều thế kỷ, đều khẳng định Chiến tranh thành Troy là một sự kiện có thật, trong khi nhà thơ La Mã Virgil đã bất tử hóa hậu quả của cuộc chiến trong sử thi Aeneid, miêu tả những người sống sót bỏ chạy khỏi thành phố bốc cháy.
Các nhà khảo cổ học đang tiếp tục khai quật tại thành phố cổ Troy ở tây bắc Thổ Nhĩ Kỳ, một Di sản Thế giới được UNESCO công nhận với lịch sử kéo dài 5.500 năm, nhằm mục đích khám phá bằng chứng mới liên quan đến Cuộc chiến thành Troy huyền thoại.
Theo truyền thuyết, một trong những người sống sót ấy, Aeneas, sau này đã lập nên dòng dõi dẫn tới sự hình thành của Rome.
Thành Troy xưa không phải vùng hẻo lánh. Vị trí của nó gần eo biển Dardanelles khiến nơi đây trở thành trung tâm thương mại quan trọng giữa châu Âu và châu Á, giàu hàng hóa và có vị trí chiến lược để kiểm soát tuyến đường biển.
Thành phố này có tháp đá, tường thành dài và một cấu trúc đô thị phức tạp, biến nó thành mục tiêu quý giá và được bảo vệ nghiêm ngặt.
Các nhà khảo cổ hiện đại đã nghiên cứu địa điểm này từ những năm 1870, nhưng nay tập trung vào một giai đoạn cụ thể: từ năm 1500 đến 1200 trước Công nguyên, giai đoạn thường được liên kết với Iliad.
Giới chuyên gia nhất trí rằng Troy đã từng tồn tại, và giờ đây nhiều người tin rằng nó từng chịu một cuộc chiến thực sự trong thời kỳ sụp đổ của Thời kỳ Đồ đồng, khi các đế chế khắp Địa Trung Hải tan rã giữa xâm lược, nổi dậy và di cư ồ ạt.
Hiện vẫn chưa có bằng chứng vật lý nào về con ngựa gỗ, và các học giả lưu ý rằng hình ảnh đó có thể chỉ là biểu tượng thi ca, ẩn dụ cho sự lừa dối hoặc phản bội.
Theo Daily Mail
Hải Yến