Phát hiện chấn động hé lộ danh tính những người xây Đại Kim tự tháp Ai Cập

Phát hiện chấn động hé lộ danh tính những người xây Đại Kim tự tháp Ai Cập
10 giờ trướcBài gốc
Kim tự tháp Khufu ở Giza, Ai Cập ngày 2/3/2023. Ảnh: THX/TTXVN
Theo tờ Dailymail ngày 2/7, người Hy Lạp cổ từng truyền nhau câu chuyện rằng công trình tráng lệ này do 100.000 nô lệ xây dựng, làm việc luân phiên theo ca ba tháng trong suốt 20 năm.
Tuy nhiên, những khám phá mới bên trong Đại kim tự tháp đã thay đổi hoàn toàn cách nhìn, cho thấy công trình này được xây bởi những người lao động có tay nghề được trả lương, làm việc liên tục và nghỉ một ngày sau mỗi 10 ngày.
Nhà Ai Cập học Zahi Hawass cùng nhóm của mình gần đây đã khám phá một loạt căn buồng hẹp phía trên Phòng của Nhà vua bằng công nghệ hình ảnh, phát hiện những dấu vết chưa từng được biết đến do các nhóm lao động để lại.
Họ cũng khai quật được các ngôi mộ ở phía Nam kim tự tháp này vốn là nơi an nghỉ vĩnh hằng của những người thợ lành nghề. Bên trong các ngôi mộ có tượng mô tả cảnh lao động vác đá và 21 danh hiệu được khắc bằng chữ tượng hình như “giám sát viên phía bên kim tự tháp” và “thợ thủ công”.
Ông Hawass nói trong một tập của podcast “Matt Beall Limitless”: “Những khám phá này xác nhận rằng người xây dựng không phải là nô lệ. Nếu là nô lệ, họ sẽ không bao giờ được chôn dưới bóng của kim tự tháp. Không ai xây mộ cho nô lệ để họ an nghỉ đời đời như các vị vua và hoàng hậu cả”.
Phát hiện mới nhất cũng làm sáng tỏ cách kim tự tháp được xây dựng, hé lộ rằng đá vôi từ một mỏ đá cách công trình khoảng 300 mét được vận chuyển bằng đường dốc làm từ đất đá và bùn. Tàn tích của con dốc này được tìm thấy ở phía Tây Nam của Đại kim tự tháp.
Đại kim tự tháp Giza là kim tự tháp lớn nhất ở Ai Cập, được xây dựng dưới thời Pharaoh Khufu, người trị vì vào thời kỳ Vương triều thứ Tư của Cổ vương quốc. Đây là một trong ba kim tự tháp thuộc quần thể Giza, bên cạnh Kim tự tháp Khafre, Kim tự tháp Menkaure và tượng Nhân sư lớn. Tất cả đều chìm trong bí ẩn bởi phương pháp xây dựng không rõ ràng, mối liên kết thiên văn chính xác và mục đích vẫn gây nhiều tranh cãi.
Trước đó, vào thế kỷ XIX, các dòng chữ cũng từng được phát hiện bên trong Đại kim tự tháp, làm dấy lên tranh cãi rằng đó là chữ giả được khắc thêm vào hàng trăm năm sau khi công trình hoàn tất.
Người dẫn chương trình podcast hỏi ông Hawass: “Trước đây có tranh cãi về việc những dòng chữ đó có thể là giả, nhưng giờ ông nói đã phát hiện thêm ba khung tên nữa bên trong Phòng của Nhà vua?”.
Nhà khảo cổ Hawass sau đó đã trình bày những hình ảnh chưa từng được công bố, cho thấy các tên được vẽ trực tiếp lên đá.
Ông Hawass nói: “Chúng xuất hiện ở những buồng rất khó tiếp cận và nguy hiểm, với kiểu chữ mà chỉ các nhà Ai Cập học được đào tạo bài bản mới có thể giải mã chính xác. Khả năng người hiện đại làm giả là gần như không thể. Phải leo lên độ cao khoảng 14 mét và bò qua các lối hẹp mới vào được những buồng đó”.
Ông thừa nhận rằng một số du khách châu Âu từng vào trong và để lại tên mình trên đá vào cuối thế kỷ XVIII và XIX, nhưng ông nói: “Các dòng chữ chúng tôi tìm thấy rõ ràng cổ xưa hơn nhiều và là chữ viết tay thật của những người thợ Ai Cập cổ”.
Bên cạnh các dòng chữ này, phát hiện quan trọng thứ hai là những ngôi mộ của các thợ xây kim tự tháp.
Nhóm của ông Hawass đã tìm thấy các công cụ bên trong những ngôi mộ này, như dụng cụ bằng đá lửa và đá đập vốn được cho là từng được sử dụng trong quá trình xây dựng kim tự tháp.
Ông nói: “Phần đế của Đại kim tự tháp được làm từ nền đá cứng vững chắc, được đục sâu xuống 8,5 mét. Điều này có nghĩa là sau khi xác định hình vuông đáy, các thợ xây đã đục sâu cả bốn phía để tạo một nền tảng phẳng từ chính đá nền. Do đó, không có khối đá lắp ghép, chỉ là nền đá. Đến nay, ta vẫn có thể nhìn thấy phần nền này ở phía Nam kim tự tháp Khufu”.
Ông tiếp tục giải thích rằng đội ngũ lao động được chia theo nhóm, trong đó một nhóm cắt đá, nhóm khác đẽo đá, nhóm còn lại vận chuyển vật liệu bằng các xe trượt gỗ kéo trên cát. Sau đó, các khối đá được vận chuyển bằng hệ thống đường dốc mà bằng chứng của hệ thống này cũng đã được tìm thấy.
Ông nói: “Đường dốc phải xuất phát từ góc Tây Nam của Đại kim tự tháp và nối với mỏ đá. Chúng tôi đã khai quật khu vực này và tại địa điểm mang ký hiệu C2, đã phát hiện tàn tích của con dốc là hỗn hợp đá vụn, cát và bùn. Khi tháo dỡ con dốc, họ không loại bỏ hoàn toàn dấu tích và chính phần còn sót lại này là thứ chúng tôi tìm thấy”.
Cộng sự của ông Hawass, ông Mark Lehner, đang khai quật một khu vực ở phía Đông Đại kim tự tháp, nơi họ gọi là “thành phố của người lao động”. Nhóm đã phát hiện ra nhiều công trình, bao gồm khu phân loại cá muối, lò nướng bánh lớn, các khu nhà ở và nơi ở của công nhân.
Ông Hawass nói: “Có một quan niệm phổ biến rằng công nhân chỉ ăn tỏi, hành và bánh mì, nhưng chúng tôi đã tìm thấy hàng ngàn mảnh xương động vật tại khu vực này. Chuyên gia từ Đại học Chicago đã phân tích và xác định người Ai Cập mỗi ngày giết 11 con bò và 33 con dê để nuôi công nhân. Chế độ ăn này đủ để nuôi khoảng 10.000 lao động mỗi ngày”.
Sắp tới, ông Hawass sẽ dẫn đầu một cuộc thám hiểm mới mà sẽ sử dụng robot để tiến vào bên trong Đại kim tự tháp, đánh dấu cuộc khai quật đầu tiên trong công trình này trong lịch sử hiện đại.
Thùy Dương/Báo Tin tức và Dân tộc
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/khoa-hoc-cong-nghe/phat-hien-chan-dong-he-lo-danh-tinh-nhung-nguoi-xay-dai-kim-tu-thap-ai-cap-20250703163607235.htm