Phát hiện của CEP tuy không đủ để làm thay đổi cán cân năng lượng toàn châu Âu, nhưng có thể tạo ra khác biệt đáng kể với riêng Ba Lan. (Ảnh: AFP)
Mỏ dầu được tìm thấy cách cảng biển Świnoujście khoảng 6 km, ước tính có thể chứa tới 22 triệu tấn dầu thô và condensate có thể khai thác, cùng với khoảng 5 tỷ mét khối khí đốt đạt chất lượng thương mại.
Toàn bộ khu vực được cấp quyền khai thác rộng khoảng 593 km², với trữ lượng ước tính hơn 33 triệu tấn dầu và condensate, cùng 27 tỷ mét khối khí tự nhiên.
Nếu các con số này được xác nhận, trữ lượng dầu của Ba Lan có thể tăng gấp đôi so với mức 20,2 triệu tấn được truyền thông nhà nước TVP ghi nhận vào năm 2023.
Trong thông báo hôm 21/7, CEP cho biết nguồn dầu khí khai thác từ mỏ này sẽ ưu tiên phục vụ nhu cầu của Ba Lan.
Tuy nhiên, ông Piotr Woźniak - cựu Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Ba Lan PGNiG - cho rằng tuyên bố đó là “vô lý”, trong một cuộc phỏng vấn với Euronews.
Theo số liệu từ năm 2019, PGNiG đã khai thác khoảng 1,2 triệu tấn dầu tại cả trong và ngoài Ba Lan.
“Ưu tiên không phải dành cho Ba Lan, cũng không phải Nga, Sudan hay Bờ Biển Ngà. Quyền ưu tiên thuộc về đơn vị phát hiện ra mỏ khoáng sản. Ai tìm thấy trước thì có quyền trước. Nhưng để được khai thác, họ phải thẩm định trữ lượng theo quy định pháp luật châu Âu”, ông Woźniak giải thích.
“Họ quan tâm đến lợi nhuận chứ không ưu tiên quốc gia nào cả. Họ có thể bán cho bất kỳ ai - miễn là không vi phạm luật quốc tế. Rõ ràng, họ sẽ không bán cho Nga, hay cho các tổ chức như băng Medellín ở Colombia, vì điều đó sẽ gây phản ứng dữ dội”, ông nói thêm.
CEP đang "đánh bóng" hình ảnh trước nhà đầu tư?
Ông Woźniak cho rằng CEP sẽ muốn kêu gọi vốn càng sớm càng tốt. “Họ cần xác nhận trữ lượng để có quyền khai thác hợp pháp. Mà để khoan thăm dò, họ phải có tiền”, ông nói.
“Họ đang cố gắng ‘đánh bóng’ tên tuổi để thu hút nhà đầu tư, vì họ biết Chính phủ Ba Lan hiện đang muốn đa dạng hóa nguồn cung năng lượng và - ít nhất theo tuyên bố - ưu tiên khai thác tài nguyên trong nước”, ông nhận định.
“Tất nhiên, họ xứng đáng được chúc mừng - vì phát hiện như vậy không phải lúc nào cũng có. Đây thực sự là một bước tiến lớn”, ông kết luận.
Woźniak chỉ trích Orlen vì chậm chân, để lỡ cơ hội phát hiện mỏ dầu khí lớn
Ông Piotr Woźniak - cựu lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Ba Lan (PGNiG) - đã thẳng thắn chỉ trích Orlen, tập đoàn năng lượng quốc doanh đã tiếp quản PGNiG từ năm 2022, vì sự chậm chạp khiến họ bỏ lỡ cơ hội phát hiện mỏ dầu khí lớn, mà nay đã rơi vào tay công ty CEP.
“Orlen chưa khai thác nổi 1 mét khối khí, hay 1 thùng dầu nào tại Ba Lan. Suốt 14 năm qua, họ không làm gì cả, mà vẫn nhận lương đầy đủ. Cuối cùng kết quả vẫn là con số 0”, ông Woźniak nói.
“Trong khi đó, một công ty nhỏ như CEP - với quy mô rất khiêm tốn - lại là đơn vị phát hiện ra trữ lượng khổng lồ như vậy. Câu hỏi đặt ra là, vai trò của nhà nước ở đâu vào thời điểm đó?” - ông nêu vấn đề, hướng sự chú ý về phía Orlen.
Phát hiện mới có giúp Ba Lan bớt phụ thuộc vào Nga?
Theo ông Woźniak, phát hiện của CEP tuy không đủ để làm thay đổi cán cân năng lượng toàn châu Âu, nhưng có thể tạo ra khác biệt đáng kể với riêng Ba Lan.
Ông cho biết trữ lượng có thể lên tới 22 triệu tấn dầu, trong khi “công suất xử lý của các nhà máy lọc dầu ở Ba Lan là khoảng 24 triệu tấn mỗi năm - nghĩa là toàn bộ lượng dầu này hoàn toàn có thể được tinh chế trong nước”.
Chuyên gia năng lượng kiêm nhà báo Wojciech Jakóbik chia sẻ với Euronews rằng, nếu xét về chính sách năng lượng ở cấp độ châu lục thì đây chưa phải bước ngoặt, nhưng xét ở khía cạnh đầu tư vào khu vực biển Baltic - thì là một bước tiến đáng chú ý. “Trữ lượng này lớn hơn nhiều lần so với những gì chúng ta đang khai thác ở khu vực này hiện nay”, ông nói.
“Đây là tín hiệu tích cực cho giới đầu tư, cho thấy khả năng vẫn còn nhiều mỏ dầu khí chưa được phát hiện. Việc tìm kiếm tài nguyên ngay trong lưu vực của chính chúng ta hoàn toàn có giá trị. Biết đâu trong thời gian tới sẽ còn thêm tin vui từ các nhà đầu tư khác”, ông nói thêm.
Ông Jakóbik cũng nhận định xu hướng tìm kiếm dầu khí đang lan rộng khắp châu Âu, và Ba Lan không phải là ngoại lệ. “Chúng ta đang thấy Đức và Hà Lan bắt tay khai thác dầu khí ở Biển Bắc và các khu vực khác. Rõ ràng châu Âu đang thay đổi. Bối cảnh an ninh ngày càng căng thẳng buộc các nước phải nhìn nhận lại việc khai thác dầu khí trong khu vực một cách nghiêm túc và tích cực hơn”, ông kết luận.
Nh.Thạch
AFP