Một nghiên cứu quy mô lớn dẫn đầu bởi TS Zahra Essack từ Đại học New Mexico (Mỹ), tập hợp 24 nhà khoa học tự do từ 10 quốc gia, đã khám phá ra một hành tinh hiếm thấy mang tên TOI-4465 b.
Đó là một hành tinh khổng lồ và có các tính chất đặc biệt, mang lại cho các nhà thiên văn một kho tàng.
Hành tinh ôn đới TOI-4465 b - Ảnh đồ họa: NASA
Ngoại hành tinh TOI-4465 b nằm cách Trái Đất khoảng 400 năm ánh sáng, được ghi lại nhờ Vệ tinh Khảo sát ngoại hành tinh quá cảnh (TESS) của NASA.
Nó to lớn đáng kinh ngạc, với bán kính hơn Sao Mộc khoảng 25%, tức hơn Trái Đất khoảng 14 lần. Khối lượng của nó gần 6 lần Sao Mộc, tức khoảng 1.900 lần Trái Đất, cho thấy đó là một thế giới rất dày đặc.
Quỹ đạo hình elip nhẹ và khoảng cách tương đối vừa phải với sao mẹ giữ cho hành tinh này một nhiệt độ khoảng 105-205 độ C.
"TOI-4465 b là một ví dụ hiếm hoi về một hành tinh khổng lồ, rất lớn, đồ sộ, đặc và ôn đới, chiếm một khu vực tương đối chưa được khám phá về kích thước và khối lượng hành tinh" - các tác giả viết trong bài công bố trên tạp chí khoa học The Astronomical Journal.
"Ôn đới" ở đây không có nghĩa là môi trường ở đó giống như vùng ôn đới của Trái Đất, mà chỉ nhiệt độ khá ôn hòa của nó trong thế giới của các hành tinh khổng lồ cùng loại.
Nhiệt độ của nó không cho phép nước tồn tại ở dạng lỏng trên bề mặt, do đó các nhà khoa học cũng không kỳ vọng về sự sống.
Tuy nhiên, nhiệt độ này lại giúp họ điều tra khí quyển của nó dễ dàng hơn: Nó không quá lạnh và mờ, cũng không quá nóng bỏng vì bị sao mẹ tấn công, làm thay đổi bầu khí quyển khắc nghiệt như các Sao Mộc nóng.
Điều đó khiến nó có khả năng giữ lại các thành phần nguyên thủy trong bầu khí quyển và mở ra cánh cửa thuận lợi để các nhà khoa học tiến sâu vào lịch sử hình thành hành tinh.
Anh Thư