Phát hiện này được công bố bởi nhà nghiên cứu František Vejmělka thuộc Trung tâm Sinh học của Viện Hàn lâm Khoa học Séc và Đại học Nam Bohemia, Cộng hòa Séc. Trong chuyến thám hiểm kéo dài sáu tháng, ông đã hợp tác cùng các bộ lạc địa phương để khảo sát khu vực quanh Núi Wilhelm – ngọn núi cao nhất Papua New Guinea với độ cao 4.509 mét (14.793 feet) so với mực nước biển.
Qua hệ thống bẫy ảnh, nhóm nghiên cứu đã lần đầu tiên ghi lại được hình ảnh và video rõ nét về loài chuột khổng lồ này trong môi trường sống tự nhiên – những khu rừng và đồng cỏ ẩm ướt ở độ cao khoảng 3.700 mét (12.000 feet). Đoạn phim cho thấy một con chuột lông cận núi cao chạy vụt qua cành cây vào lúc nửa đêm, có thể là đang tìm kiếm thức ăn. Loài chuột này sở hữu bộ lông dày như lông cừu, răng cửa sắc nhọn và móng vuốt dài tới 8cm (3 inch), khiến nhiều người không khỏi rùng mình.
Một nhà khoa học đã phát hiện ra một loài chuột khổng lồ có kích thước hơn hai feet rưỡi. Nhà phát hiện tự hào František Vejmělka được chụp ảnh cùng con chuột khổng lồ trong môi trường sống tự nhiên của nó ở độ cao 12.000 feet (3.700 mét) so với mực nước biển. Mẫu vật này đã chết, bị giết bởi một con chó săn của thợ săn địa phương. Ảnh: Frantisek Veimelka.
Theo mô tả của ông Vejmělka, chuột lông cận núi cao là loài gặm nhấm sống về đêm, thường ẩn mình vào ban ngày trong hang ngầm hoặc trên các tán cây và chỉ ăn thực vật. Đây là một trong những loài chuột lớn nhất thuộc họ chuột, bên cạnh chuột len New Guinea và chuột mây khổng lồ ở Philippines. Dù có kích thước đáng kinh ngạc, nhưng Mallomys istapantap không phải là loài chuột lớn nhất thế giới. Hiện tại, danh hiệu này thuộc về chuột túi Gambia (Cricetomys gambianus), có thể dài tới 0,9 mét (3 feet), tính cả đuôi.
Loài chuột khổng lồ này vốn được mô tả lần đầu vào năm 1989 dựa trên các mẫu vật lưu trữ trong bảo tàng, nhưng kể từ đó đến nay chưa từng có ghi nhận thực địa nào trong suốt 30 năm. Phát hiện mới này không chỉ là bằng chứng hình ảnh đầu tiên mà còn cung cấp dữ liệu chi tiết về chế độ ăn, ký sinh trùng, mô hình hoạt động và hành vi của loài, góp phần làm sáng tỏ hơn sự đa dạng sinh học phong phú nhưng ít được nghiên cứu tại các dãy núi nhiệt đới New Guinea.
Vejmělka cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với các cộng đồng bản địa đã đồng hành trong hành trình khám phá: “Đây là những bản ghi chép mẫu vật đầu tiên sau 30 năm về loài động vật có vú ngoạn mục mà khoa học hầu như chưa hiểu rõ.”
Bài nghiên cứu về phát hiện này đã được đăng tải trên tạp chí Mammalia, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo tồn và nghiên cứu những sinh vật sống ở các khu vực xa xôi, nơi vẫn còn ẩn chứa nhiều điều bí ẩn về tiến hóa và môi trường sống tự nhiên.
Thông tin về chuột lông cận núi cao (Mallomys istapantap):
Phạm vi sinh sống: Papua New Guinea
Môi trường sống: Rừng, cây bụi, đồng cỏ trên núi cao
Tổng chiều dài cơ thể: 85cm (33,4 inch)
Trọng lượng: Gần 2 kg.
Bảo Ngọc (t/h)