Phát hiện nhiều dấu tích quan trọng của thành cổ Luy Lâu, Bắc Ninh

Phát hiện nhiều dấu tích quan trọng của thành cổ Luy Lâu, Bắc Ninh
4 giờ trướcBài gốc
Toàn cảnh hố khai quật di tích thành cổ Luy Lâu, Bắc Ninh.
Tòa thành Luy Lâu nằm ở vị trí bên bờ sông Dâu cổ, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Nơi đây từng là trung tâm chính trị, kinh tế-thương mại, văn hóa, tôn giáo và là đô thị lớn vào bậc nhất ở miền bắc Việt Nam trong giai đoạn lịch sử 10 thế kỷ đầu Công nguyên. Các kết quả nghiên cứu điều tra khai quật khảo cổ học cho thấy số lượng và loại hình di tích, di vật ở Luy Lâu vô cùng phong phú, đa dạng, là điểm thu hút sự quan tâm chú ý của giới nghiên cứu trong và ngoài nước.
Từ năm 2012 đến nay, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (Việt Nam), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh và Đại học Đông Á (Nhật Bản) đã thực hiện chương trình hợp tác với 8 cuộc khai quật (trong đó có 7 cuộc phối hợp giữa Việt Nam và Nhật Bản) cùng với nhiều đợt điền dã, khảo sát, tập trung nghiên cứu khu vực thành Nội và khu vực tường thành Ngoại, thu được nhiều kết quả mới, xác định được sự biến đổi quy mô của tòa thành, các giai đoạn xây dựng, dấu vết kiến trúc, cư trú và dấu vết ngoại hào..., trong đó đặc biệt phát hiện hơn 2.300 mảnh khuôn đúc trống đồng.
Để làm rõ thêm những bí ẩn trong lòng thành cổ Luy Lâu, đồng thời thúc đẩy hợp tác nghiên cứu học thuật quốc tế, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (Việt Nam) và Đại học Đông Á (Nhật Bản) tiếp tục ký kết chương trình hợp tác giai đoạn 3 (2024-2029).
Cụ thể, từ ngày 25/3 đến hết tháng 4/2025, các nhà khoa học đã khai quật khảo cổ tại vị trí tường thành Ngoại phía tây, với tổng diện tích khoảng 76m2, dưới sự chủ trì của Giáo sư Hoàng Hiểu Phấn, Đại học Đông Á (Nhật Bản) và ông Lê Văn Chiến, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
Trong quá trình khai quật, các nhà khảo cổ phát hiện nhiều dấu tích kiến trúc quý giá, nổi bật là đường móng kiến trúc xây bằng gạch chữ nhật màu xanh xám, chạy dọc tường thành hướng về phía sông Dâu. Đường móng dài khoảng 3,3m, xây tường đôi rộng 40cm, nhiều đoạn còn bảo lưu tới tám hàng gạch; đặc biệt, mặt phía tây giật cấp phẳng, cho thấy kỹ thuật xây dựng vững chắc, tinh xảo của cư dân cổ.
Di tích rãnh thoát nước, tường gạch thời Lục Triều (TK 4-5).
Theo các nhà khảo cổ học, đây là phát hiện rất có giá trị, cho thấy ở phía tây tường thành Ngoại được xây dựng bằng gạch, cách xây dựng kiên cố, sử dụng vật liệu rất khéo léo, với kích thước dày mỏng khác nhau để xây dựng mà vẫn tạo nên sự liền mạch và thẩm mỹ. Gạch xây tường được tái sử dụng, niên đại từ thế kỷ 1-5, các viên có kích thước lớn, còn khá nguyên vẹn được sử dụng xây dựng mặt ngoài, trong ruột tường các lớp xây bằng gạch vỡ nhỏ hơn, xếp thành từng lớp tương ứng với các hàng xây bên ngoài, mạch to nhồi đất.
Kỹ thuật xây dựng này đã thấy được sử dụng trong xây dựng các bức tường dày ở những di tích có niên đại muộn hơn như trong ruột tường tháp Hòa Lai (Ninh Thuận) cũng được xây tương tự như ở đây. Căn cứ vào địa tầng, vật liệu sử dụng xây dựng, các nhà khảo cổ cho rằng đoạn tường thành này được xây dựng vào thời Lục Triều thế kỷ 5.
Ngoài ra, tại lớp đắp gia cố tường thành, các nhà khảo cổ ghi nhận việc sử dụng gạch vỡ từ thế kỷ 7-9, tái sử dụng gạch thời thế kỷ 6, phản ánh quá trình kế thừa kỹ thuật xây dựng qua nhiều thời kỳ lịch sử. Các dấu tích như móng kiến trúc thời Nguyễn làm bằng vôi vữa, cọc tre chống lún càng chứng minh sự phát triển liên tục của khu vực này trong dòng chảy lịch sử.
Lớp đất đắp thành thời Lục Triều (TK 5-6).
Đáng chú ý, di vật thu được trong lần khảo cổ này rất phong phú, gồm các loại gạch chữ nhật, gạch múi bưởi, hoa văn trang trí khá phong phú như: ô trám dạng lưới, vòng tròn đồng tâm, chữ S có màu vàng nhạt, đỏ và xám xanh. Ngói có dạng ống và lòng máng. Bên cạnh đó là các mảnh đồ gia dụng bằng đất nung, sành và gốm men thuộc các loại hình như bát, đĩa, bình, vò...
Theo ông Lê Văn Chiến, kết quả khai quật đợt này đã bổ sung rất nhiều hiểu biết mới có giá trị về quá trình xây dựng, tồn tại, biến đổi và niên đại của thành Luy Lâu nói chung và việc xây dựng tường thành Ngoại, đặc biệt tại thành Ngoại ở phía tây. Vì vậy, các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương sớm có phương án bảo vệ hiện trạng, nghiên cứu phương án trưng bày tại chỗ, góp phần quảng bá giá trị lịch sử văn hóa đặc sắc của thành cổ Luy Lâu tới công chúng và bạn bè quốc tế.
Kết quả nghiên cứu hợp tác trong những năm qua về thành cổ Luy Lâu đã đóng góp nhiều nhận thức mới về di tích thành cổ Luy Lâu, tuy nhiên, để có cái nhìn rõ hơn về diện mạo của tòa thành cổ, còn nhiều vấn đề đặt ra ở phía trước cần tiếp tục được nghiên cứu, tìm hiểu để làm sáng tỏ các bí ẩn lịch sử còn ẩn chứa dưới lòng đất tòa thành cổ.
Di tích bó móng thời kiến trúc Tùy Đường (TK 7-9).
HẰNG NGUYỄN
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/phat-hien-nhieu-dau-tich-quan-trong-cua-thanh-co-luy-lau-bac-ninh-post877469.html