Các nhà khoa học đã bị sốc khi phát hiện hành vi ở một số con khỉ mũ đực trên đảo Jicarón (Panama) “bắt cóc” các cá thể sơ sinh của các loài linh trưởng khác, khiến các con non này dần yếu và chết vì thiếu nguồn sữa mẹ, đài CBS News đưa tin.
Theo kết quả nghiên cứu bằng bẫy ảnh đặt ở Jicarón trong khoảng 15 tháng từ năm 2022 tới năm 2023, các nhà khoa học đã phát hiện 5 con khỉ mũ đực “bắt cóc” ít nhất 11 con khỉ hú sơ sinh.
Phân tích về hành vi kỳ lạ này đã được công bố trên tạp chí chuyên ngành Cell Press hôm 19-5.
Các thước phim từ bẫy ảnh phát hiện "xu hướng" khỉ mũ đực "bắt cóc" các con khỉ hú sơ sinh trên đảo Jicarón (Panama). Nguồn: CELL PRESS
Nhà sinh thái học người Đức Zoe Goldsborough - thành viên nhóm nghiên cứu - nói rằng “đây thực sự là một phát hiện gây sốc” và giới khoa học chưa từng thấy điều gì như thế trong thế giới động vật.
Các nhà khoa học lưu ý rằng hành vi “bắt cóc” này đã xuất hiện và có vẻ lan rộng trên đảo Jicarón nhưng chưa có lý giải nào chắc chắn về mục đích của các con khỉ mũ này.
Trong giai đoạn đầu, bà Goldsborough và đồng nghiệp chỉ phát hiện một con khỉ mũ đực sắp đạt tới độ tuổi trưởng thành tên Joker “bắt cóc” 4 cá thể khỉ hú sơ sinh. Nhóm nghiên cứu từng có suy nghĩ rằng đây là “câu chuyện ấm lòng” về một chú khỉ nhận nuôi những cá thể sơ sinh xa lạ.
Nhưng dần dần, đã xuất hiện các trường hợp “bị bắt cóc” khác và có thêm 4 “kẻ bắt cóc” là những con khỉ mũ đực cùng độ tuổi với Joker.
Nghiên cứu bằng bẫy ảnh trên đảo Jicarón (Panama) phát hiện 5 con khỉ mũ đực "bắt cóc" ít nhất 11 con khỉ hú sơ sinh. Ảnh: Max Planck Institute of Animal Behavior
Nhóm của bà Goldsborough phát hiện rằng Joker có những cử chỉ có vẻ là dịu dàng khi tương tác với các con khỉ hú non. Các con khỉ mũ đực khác cũng học theo hành vi này của Joker.
Nhóm khỉ mũ đực này không coi các con khỉ hú sơ sinh là con mồi, không có ý định ăn thịt chúng, nhưng cũng không hẳn thích chơi đùa với những con non này mà chỉ đơn giản là mang theo các con khỉ hú non trên lưng.
Trong hầu hết các trường hợp, các con khỉ hú sơ sinh đã chết vì chúng đều chưa đầy 4 tuần tuổi, còn quá nhỏ để cai sữa mẹ, trong khi những “kẻ bắt cóc” chắc chắn không thể cho các con non bú sữa.
Các nhà khoa học hy vọng một số con khỉ hú non đã có thể trở về với mẹ của chúng bằng một cách nào đó, song điều này chưa thể được xác thực vì các bẫy ảnh chỉ có thể ghi lại hình ảnh ở các góc nhất định và ít ỏi.
Bà Goldsborough cho rằng đây là một “truyền thống xã hội” hay một “xu hướng hợp thời” của những con khỉ mũ sắp đạt tới tuổi trưởng thành. Nhưng trong thời gian nghiên cứu bằng bẫy ảnh, “xu hướng” này vẫn chưa lan ra các nhóm cá thể khác.
Việc xuất hiện các “xu hướng” như vậy đã có tiền lệ trong thế giới hoang dã. Trong quần thể khỉ mũ ở Costa Rica từng có giai đoạn thịnh hành “xu hướng” chải lông cho nhím. Những năm 1980 và vào năm 2024, các con cá voi sát thủ ở vùng biển tây bắc nước Mỹ thích thú với việc “đội” những con cá hồi chết lên đầu khi bơi giữa đại dương.