Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW, Nghị quyết số 68-NQ/TW tại điểm cầu Trung ương - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Sáng 18/5, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.
Dự và chỉ đạo hội nghị ở điểm cầu Trung ương có: Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Trần Cẩm Tú.
Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương, Ban Chấp hành Trung ương Đảng; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các địa phương.
Hội nghị được trực tuyến đến 37 nghìn điểm cầu với trên 1,5 triệu đại biểu trong cả nước tham dự.
Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh tham dự tại điểm cầu Trung ương.
Tại điểm cầu Hà Tĩnh có các đồng chí lãnh đạo tỉnh, nguyên lãnh đạo tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị.
Hội nghị còn được trực tiếp đến 386 điểm cầu trong toàn tỉnh với hơn 35.000 đại biểu tham dự.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, nguyên lãnh đạo tỉnh tham dự tại điểm cầu UBND tỉnh.
Tại hội nghị, đại biểu nghe Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính truyền đạt chuyên đề về “Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân và kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW”.
Điểm cầu cấp tỉnh tại UBND tỉnh Hà Tĩnh
Nghị quyết số 68-NQ/TW xác định mục tiêu đến năm 2030, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia; là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị và các chủ trương, đường lối khác của Đảng.
Đại biểu tham dự tại điểm cầu UBND tỉnh.
Mục tiêu nghị quyết, phấn đấu có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, 20 doanh nghiệp hoạt động/nghìn dân; có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Đại biểu tham dự tại điểm cầu UBND tỉnh.
Tốc độ tăng trưởng bình quân của kinh tế tư nhân đạt khoảng 10-12%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; đóng góp khoảng 55-58% GDP, khoảng 35-40% tổng thu ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho khoảng 84-85% tổng số lao động; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 8,5-9,5%/năm.
Trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thuộc nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN và nhóm 5 nước đứng đầu khu vực châu Á.
Đại biểu tham dự tại điểm cầu Bộ CHQS tỉnh. Ảnh: Trọng Sơn
Về tầm nhìn đến năm 2045, nghị quyết xác định, kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển nhanh, mạnh, bền vững, chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu; có năng lực cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế; phấn đấu đến năm 2045 có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế; đóng góp khoảng trên 60% GDP.
Điểm cầu tại TX Hồng Lĩnh.
Tiếp đó, hội nghị nghe Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn truyền đạt chuyên đề về “Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW”.
Nghị quyết số 66-NQ/TW xác định mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam có hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, khả thi với cơ chế tổ chức thực hiện nghiêm minh, nhất quán, bảo đảm cơ sở pháp lý cho hoạt động bình thường, liên tục, thông suốt của các cơ quan sau sắp xếp tổ chức bộ máy, tháo gỡ vướng mắc phát sinh từ thực tiễn, mở đường cho kiến tạo phát triển, huy động mọi người dân và doanh nghiệp tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội để đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.
Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu TX Kỳ Anh.
Nghị quyết đề ra: Năm 2025, cơ bản hoàn thành việc tháo gỡ những "điểm nghẽn" do quy định pháp luật; năm 2027, hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản pháp luật bảo đảm cơ sở pháp lý đồng bộ cho hoạt động của bộ máy nhà nước theo mô hình chính quyền 3 cấp; năm 2028, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh, góp phần đưa môi trường đầu tư của Việt Nam nằm trong nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN.
Nghị quyết xác định tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam có hệ thống pháp luật chất lượng cao, hiện đại, tiệm cận chuẩn mực, thông lệ quốc tế tiên tiến và phù hợp với thực tiễn đất nước, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội; quản trị quốc gia hiện đại với bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045.
Điểm cầu Đảng ủy các cơ quan Đảng tỉnh và Đảng ủy UBND tỉnh Hà Tĩnh.
Nghị quyết cũng đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu đã đề ra.
Trong phần cuối chương trình hội nghị, đại biểu nghe bài phát biểu chỉ đạo quan trọng của Tổng Bí thư Tô Lâm về 2 nghị quyết vừa ban hành.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định ý nghĩa quan trọng của các nghị quyết vừa được Bộ Chính trị ban hành.
Tổng Bí thư cho rằng, sau gần 40 năm kiên trì thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước ta đã đạt những thành tựu to lớn. Những đổi mới, cải cách đang được triển khai không chỉ là yêu cầu khách quan của phát triển mà còn là mệnh lệnh từ tương lai dân tộc.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo Hội nghị. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Tổng Bí thư nhấn mạnh, Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia xác định tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết 59-NQ/TW ngày 24/1/2025 của Bộ Chính trị về “Hội nhập quốc tế trong tình hình mới” và 2 nghị quyết vừa được truyền đạt tại hội nghị là những nghị quyết quan trọng, là những trụ cột thể chế nền tảng, tạo động lực mạnh mẽ đưa đất nước ta tiến lên trong kỷ nguyên mới, hiện thực hóa tầm nhìn Việt Nam phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
Hội nghị được trực tuyến đến điểm cầu cấp xã trong toàn tỉnh.
Điểm đột phá chung của cả 4 nghị quyết là tư duy phát triển mới: từ “quản lý” sang “phục vụ”, từ “bảo hộ” sang “cạnh tranh sáng tạo”, từ “hội nhập bị động” sang “hội nhập chủ động”, từ “cải cách phân tán” sang “đột phá toàn diện, đồng bộ và sâu sắc”.
Nhận diện bối cảnh tình hình hiện tại, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên phải quán triệt sâu sắc tinh thần các nghị quyết, cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch hành động thiết thực; đồng thời phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, đổi mới tư duy, bứt phá trong hành động, quyết tâm đưa hội nhập quốc tế trở thành động lực mạnh mẽ, đưa Việt Nam vươn cao, vươn xa trên trường quốc tế.
Kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện, bảo đảm sự chuyển biến thực chất trong toàn hệ thống.
Tổng Bí thư nhấn mạnh những nhiệm vụ cấp bách trong năm 2025, trọng tâm là: nhanh chóng hoàn thiện và ban hành các chương trình, kế hoạch hành động quốc gia thực hiện 4 nghị quyết, bảo đảm gắn kết chặt chẽ, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, lộ trình và phân công cụ thể. Đồng thời, lập bộ chỉ số theo dõi, đánh giá định kỳ.
Khẩn trương rà soát toàn diện hệ thống pháp luật, triển khai sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ các quy định bất cập theo tinh thần Nghị quyết 66-NQ/TW. Khởi động ngay các chương trình trọng điểm về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; phê duyệt, triển khai các chương trình quốc gia; hình thành thêm các trung tâm đổi mới sáng tạo mới…
Đại biểu tại điểm cầu thị trấn Xuân An (Nghi Xuân) lắng nghe phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Tập trung đàm phán, thực thi hiệu quả các FTA thế hệ mới; chủ động chuẩn bị tham gia các hiệp định mới; tận dụng cam kết hội nhập để chuyển hóa thành tăng trưởng thực tế.
Thực hiện đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Kiện toàn bộ máy lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thực hiện các nghị quyết; bảo đảm cơ chế chỉ đạo thống nhất, kiểm tra, giám sát thường xuyên.
Ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực để triển khai nghị quyết. Đẩy mạnh truyền thông, tạo đồng thuận xã hội, huy động trí tuệ xã hội cho quá trình triển khai.
Tổng Bí thư yêu cầu lãnh đạo các cấp từ Trung ương đến địa phương phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu; toàn Đảng, toàn dân, toàn quân quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và nâng cao đời sống Nhân dân. Người dân và doanh nghiệp phải được xác định là trung tâm và chủ thể sáng tạo trong phát triển. Cần bồi đắp mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp quốc gia, khơi dậy nguồn lực đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội, phát triển kinh tế số, kinh tế tri thức, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đưa Việt Nam tiến nhanh, tiến mạnh trên con đường hiện đại hóa, hội nhập.
"Trước Nhân dân cả nước, chúng ta cam kết thực hiện mạnh mẽ các mục tiêu đã đề ra, bằng tinh thần đổi mới tư duy, hành động quyết liệt, kiên trì và sáng tạo. Mỗi cấp ủy, chính quyền, tổ chức, cá nhân cần xác định rõ trách nhiệm của mình, biến cam kết chính trị thành kết quả cụ thể, thiết thực. Hãy cùng nhau thắp lên ngọn lửa "Đổi mới - Khát vọng - Hành động", vì một Việt Nam giàu mạnh, phồn vinh, hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu vào năm 2045" - Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.
Thu Hà