Phát huy giá trị Đề cương về văn hóa Việt Nam trong bảo vệ ANTT

Phát huy giá trị Đề cương về văn hóa Việt Nam trong bảo vệ ANTT
7 giờ trướcBài gốc
Hội thảo có sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài lực lượng CAND. Trung tướng, PGS.TS, NGƯT Phan Xuân Tuy, Giám đốc Học viện Chính trị CAND và PGS.TS. Phạm Thị Thanh Hương, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đồng chủ trì Hội thảo.
Hội thảo có sự tham gia của đông đảo các nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong và ngoài lực lượng CAND.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Đinh Công Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội nhấn mạnh: Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo đã trở thành tôn chỉ của một cuộc cách mạng văn hóa do toàn dân tham gia… Sau Cách mạng tháng Tám thành công, lực lượng Công an đã phối hợp với quần chúng nhân dân kịp thời phá thành công vụ án ở số 7 phố Ôn Như Hầu. Với thắng lợi quan trọng này đã đập tan hoàn toàn mưu đồ thâm độc lật đổ chính quyền cách mạng của bọn tay sai phản động câu kết với thực dân Pháp, giữ vững chính quyền dân chủ nhân dân, đảm bảo ANTT cho nước nhà.
Trung tướng, PGS.TS Phan Xuân Tuy, Giám đốc Học viện Chính trị CAND phát biểu tại Hội thảo.
Phát huy giá trị Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 trong bảo vệ ANTT dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đã làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 vĩ đại, tiến hành hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 và đại thắng Mùa Xuân năm 1975. Với các chiến thắng vĩ đại đó, dân tộc ta đã giành lại được nền độc lập dân tộc, giang sơn thu về một mối, cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội. Dựa trên những nền tảng vững chắc đó, hơn ba thập kỷ qua, công cuộc Đổi mới mà Đảng ta tiến hành đã thu được nhiều thành tựu hết sức quan trọng. Đất nước ta đang tiến nhanh trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Dân tộc ta đã và đang xác lập được cho mình một vị thế quốc tế xứng đáng và có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển bền vững và hòa bình ở khu vực…
PGS.TS Lê Hải Bình, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản phát biểu tại Hội thảo.
Hội thảo được tổ chức nhằm làm rõ giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 trong bảo vệ ANTT, trên cơ sở đó rút ra những bài học, những giải pháp, gợi mở những vấn đề thực tiễn nhằm tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa theo quan điểm mà Đảng đã vạch ra phù hợp với bối cảnh đất nước và thời đại hôm nay.
Thảo luận tại Hội thảo, các ý kiến đều khẳng định, Đề cương về văn hóa năm 1943 là một tài liệu quan trọng, định hình hướng phát triển văn hóa Việt Nam trong bối cảnh đất nước đang đấu tranh giành độc lập dân tộc. Một trong những giá trị quan trọng của Đề cương là sự nhấn mạnh vai trò của văn hóa trong xây dựng nền tảng xã hội vững mạnh, góp phần bảo vệ ANTT. Đề cương không chỉ đề cập đến việc phát triển văn hóa như một yếu tố cốt lõi trong xây dựng xã hội mà còn khẳng định sự liên kết chặt chẽ giữa văn hóa và ANTT. Theo đó, việc xây dựng văn hóa là xây dựng ý thức con người, là nền tảng để duy trì trật tự xã hội và bảo vệ ANQG, từ đó giúp ổn định và phát triển đất nước.
Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái, nguyên Tổng biên tập Tạp chí CAND phát biểu tại Hội thảo.
Đặc biệt, để phát huy giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 trong công tác bảo vệ ANTT và xây dựng lực lượng CAND, Hội thảo đã đưa ra một số phương hướng và giải pháp cụ thể. Trong đó, các đại biểu nhấn mạnh vai trò quan trọng của văn hóa trong công tác bảo đảm bảo ANTT ở cơ sở, đặc biệt là việc xây dựng các chuẩn mực đạo đức, tư tưởng cho lực lượng CAND. Các nguyên tắc “dân tộc”, “khoa học” và “đại chúng” được vận dụng vào công tác đào tạo, nghiên cứu lý luận chính trị tại các trường CAND, giúp nâng cao bản lĩnh chính trị, trí tuệ và đạo đức cho cán bộ, chiến sĩ CAND. Và trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, lực lượng CAND cần tiếp tục phát huy giá trị trên để bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới trong công tác bảo vệ ANQG...
Các đại biểu tham dự Hội thảo.
PGS.TS Lê Hải Bình, Tổng Biên tập Tạp chí Công chia sẻ: Trong bối cảnh thế giới hiện nay, có 3 câu chuyện tác động mạnh đến văn hóa, thứ nhất là toàn cầu hóa, thứ hai là cách mạng công nghiệp và thứ ba là cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn. Còn ở bối cảnh trong nước, sau 40 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được cả thế và lực, trong đó có sức mạnh của văn hóa. Để phát triển trong kỷ nguyên vươn mình, theo PGS.TS Lê Hải Bình, chúng ta cần môi trường hòa bình, ổn định để phát triển. Chúng ta cũng cần soi chiếu lại Đề cương về văn hóa đối với các giá trị trường tồn của dân tộc như dân tộc hóa, khoa học hóa và đại chúng hóa, từ đó tiếp tục phát huy giá trị con người Việt Nam trở thành nguồn lực nội sinh to lớn để phát triển đất nước. Và đây cũng chính là sức mạnh mềm trong bảo vệ ANTT trước bối cảnh, tình hình và yêu cầu nhiệm vụ mới.
Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái, Ủy viên Hội đồng Lý luận, phê bình Văn hóa nghệ thuật Trung ương, nguyên Tổng biên tập Tạp chí CAND cũng cho rằng: Từ khi ra đời đến nay, văn học Công an luôn bám sát các nội dung trong Đề cương về văn hóa, các nhà văn Công an đã thực sự trở thành những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng. Trong nhiều năm qua, Bộ Công an cũng đã liên tục và bền bỉ tổ chức cuộc vận động sáng tác "Vì ANTQ và bình yên cuộc sống", mở kho lưu trữ để cung cấp tư liệu cho các nhà văn; các vụ án, chuyên án lớn, xuất sắc của lực lượng CAND đều được tiểu thuyết hóa… Văn học là bộ phận tinh túy của văn hóa và văn học CAND đã làm tròn sứ mệnh, góp phần bồi đắp nhân cách cho người chiến sĩ CAND...
PGS.TS Nguyễn Toàn Thắng, nguyên Viện trưởng Viện văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cũng khẳng định: 81 năm đã trôi qua nhưng ánh sáng chiếu rọi từ Đề cương về văn hóa đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Theo PGS.TS Nguyễn Toàn Thắng, việc mở cửa hiện nay sẽ giúp chúng ta đón gió lành song gió độc cũng sẽ vào nên rất cần sức mạnh nội sinh để đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững. Nhiệm vụ và giải pháp đặt ra cho chúng ta hiện nay là tiếp biến văn hóa bên ngoài để làm giàu cho văn hóa Việt Nam, đồng thời tránh sự xâm thực, xâm lăng văn hóa; cần nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ trong xây dựng văn hóa, xác lập hệ giá trị văn hóa của đất nước và dân tộc...
Phát biểu tổng kết tại Hội thảo, Trung tướng, PGS.TS Phan Xuân Tuy, Giám đốc Học viện Chính trị CAND nhấn mạnh: Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 không chỉ là một tài liệu quan trọng trong việc xây dựng nền văn hóa mới mà còn đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ ANTT và xây dựng lực lượng CAND. Những giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương vẫn giữ nguyên giá trị và tính ứng dụng cao trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt trong việc bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức tư cách người Công an cách mạng và đối phó với các thách thức trong công tác bảo vệ ANQG, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Giám đốc Học viện Chính trị CAND cũng khẳng định, những đóng góp của Hội thảo sẽ là cơ sở quan trọng để các cơ quan chức năng, các nhà khoa học, nhà quản lý tiếp tục nghiên cứu triển khai và nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ ANTT gắn liền với việc phát huy giá trị văn hóa Việt Nam.
Huyền Thanh
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/phat-huy-gia-tri-de-cuong-ve-van-hoa-viet-nam-trong-bao-ve-antt--i753625/