Các đại biểu tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Đại thắng mùa Xuân 1975 với kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc Việt Nam”. Ảnh: VIỆT DŨNG
Truyền cảm hứng, hun đúc lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ
Xúc động, nghẹn ngào và sung sướng khi kể lại thời khắc giải phóng Côn Đảo, bà Hoàng Thị Khánh, Trưởng Ban Liên lạc Cựu tù chính trị và tù binh TPHCM kể, sáng 1-5-1975, khi biết tin miền Nam được giải phóng, những nữ tù chính trị ở Côn Đảo đồng loạt hô lên sung sướng: “Mình thắng rồi, mình thắng rồi mấy chị ơi!”. Niềm vui chiến thắng được chờ đợi suốt thời gian bị bắt, tù đày, sự căng thẳng trong suốt những ngày bị giam cầm gần như vỡ òa và chúng tôi không ai còn có thể đứng vững, mọi người khụy xuống vừa hô vừa khóc…
Đến 3 giờ chiều 4-5-1975, tại sân trụ sở Ủy ban Cách mạng (trước đây là sân Dinh Chúa đảo) đã diễn ra lễ mừng Côn Đảo hoàn toàn giải phóng. Hàng chục ngàn đồng chí thân thể tiều tụy, nhưng khuôn mặt người nào cũng bừng sáng, hân hoan đón chào ngày mới.
“Có lẽ, tất cả những đồng chí đứng dưới cờ hôm ấy đều không thể quên được sự hy sinh và những nắm xương của đồng đội đang bị chôn vùi dưới Nghĩa trang Hàng Dương, Hàng Keo”, bà Hoàng Thị Khánh xúc động kể lại và khẳng định những nhân chứng của Đại thắng mùa Xuân 1975 tiếp tục là những chứng nhân lịch sử trong kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc.
Với bà Hoàng Thị Khánh, hội thảo không chỉ là dịp để nhìn lại chặng đường lịch sử hào hùng, mà còn là dịp để truyền cảm hứng, hun đúc lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ nỗ lực học tập, cống hiến, dựng xây TPHCM và đất nước, xứng đáng với biết bao sự hy sinh của cha ông.
Vững vàng ý chí và niềm tin
Là nhân chứng trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh, nguyên Phó Tư lệnh về Chính trị Quân đoàn 4 chia sẻ, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Quân đoàn 4 được giao nhiệm vụ cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập và đảm nhiệm 3 mũi tiến công trên 2 hướng Đông và Tây Nam Sài Gòn. Với ý chí quyết tâm cao, các mũi đều tiến công thần tốc đánh chiếm mục tiêu theo kế hoạch. Chúng tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu giải phóng Sài Gòn đúng 50 năm về trước.
Nhớ lại tấm bản đồ viết tay của má miền Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Huy Hiệu xúc động kể, 50 năm trước, ông là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27, thuộc Sư đoàn 320B, Quân đoàn 1 (Binh đoàn Quyết Thắng), hành quân và tập kết ở Đồng Xoài (Bình Phước) để chuẩn bị cho chiến dịch lịch sử. Sau đó, đơn vị tiến công bằng bộ binh cơ giới, đánh qua Tân Uyên, bắt tù binh, sử dụng xe tăng làm mũi nhọn dẫn đầu tiến quân qua Bình Chuẩn.
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu nhớ lại, khi còn cách Lái Thiêu (Bình Dương) khoảng 10km, đường tối mịt mù, chỉ có một căn nhà lá đơn sơ với ánh đèn leo lét. Tổ trinh sát tiếp cận và gặp má Huỳnh Thị Sáu (thường gọi Sáu Ngẫu). Lúc này, ông Hiệu đưa cho má xem tấm bản đồ để hỏi đường, má Sáu Ngẫu nói không cần bản đồ này, rồi vào nhà lấy bản đồ khác đưa. Ông Hiệu cảm ơn má và nói khi nào đánh thắng trận sẽ quay về cảm ơn má và đồng bào.
“Giữ lời hứa, ngay sau ngày giải phóng, tôi và đồng đội đã tổ chức về thăm, cảm ơn má Sáu Ngẫu cùng đồng bào. Người dân đứng dọc hai bên đường mừng chiến thắng, vẫy cờ, hoa”, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu xúc động nhớ lại.
Hội thảo đã khẳng định bài học phát huy sức mạnh tổng hợp làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, trong đó chỉ rõ sức mạnh từ yếu tố chính trị tinh thần, văn hóa quân sự, truyền thống đoàn kết và khát vọng hòa bình; đồng thời nhấn mạnh việc huy động toàn diện sức mạnh của mọi tầng lớp nhân dân, mọi giới, mọi thành phần… tham gia vào cuộc Tổng tiến công, nổi dậy mùa Xuân 1975 để giành thắng lợi hoàn toàn.
Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, nhấn mạnh, vận dụng sáng tạo, hiệu quả những bài học quý đó, 50 năm qua, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta luôn đoàn kết, kiên định, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng theo định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước và xu thế phát triển của thời đại.
Đến nay, dù phải đối mặt với những khó khăn, thách thức trong tình hình mới nhưng chúng ta hoàn toàn tin tưởng và nêu cao ý chí: Dân tộc ta đã làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, sẽ nhất định giành nhiều thắng lợi trong kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc. Đó là dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc.
Đồng chí NGUYỄN THANH NGHỊ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM:
TPHCM nhân rộng và lan tỏa truyền thống nhân ái, nghĩa tình
Trải qua 50 năm xây dựng, bảo vệ và phát triển, Đảng bộ và nhân dân TPHCM đã phát huy tinh thần tiến công “một ngày bằng hai mươi năm”, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, phát huy trí tuệ, tâm huyết, tiềm lực của nhân dân, vượt qua khó khăn, thách thức. Qua đó, tạo ra những dấu ấn lịch sử quan trọng qua từng giai đoạn, góp thêm tư liệu thực tiễn sinh động vào công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Một trong những dấu ấn trong xây dựng phát triển TPHCM 50 năm qua là Thành phố đã nhân rộng và lan tỏa truyền thống nhân ái, nghĩa tình. Đảng bộ TPHCM đã phát động rất sớm phong trào đền ơn đáp nghĩa với nhiều hoạt động thiết thực, cách làm sáng tạo xuất phát từ đạo lý uống nước, nhớ nguồn, lòng biết ơn sâu sắc công lao trời biển của các thế hệ người có công với đất nước… Với truyền thống nhân ái, nghĩa tình, TPHCM là nơi “hội tụ” và “lan tỏa”, thu hút một lực lượng lớn lao động, trí thức văn nghệ sĩ, các tầng lớp nhân dân từ các địa phương đến để định cư, phát triển nghề nghiệp, cùng chung sức, đồng lòng vì sự phát triển của thành phố. Sự lan tỏa các phong trào nhân ái, nghĩa tình chính là tình cảm, trách nhiệm, là cách thành phố đền đáp vì cả nước, cùng cả nước.
GS-TS LÊ VĂN LỢI, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh:
Minh chứng về sức mạnh đoàn kết dân tộc
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã kết thúc thắng lợi 30 năm đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc - kỷ nguyên độc lập, thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, đổi mới, hội nhập và phát triển.
Thắng lợi ấy là bằng chứng sinh động, chứng minh một chân lý, một hiện tượng hiếm có trong lịch sử chiến tranh thế giới hiện đại. Trong thời đại ngày nay, một dân tộc dù nhỏ bé bao nhiêu, dù sống trên một lãnh thổ nhỏ hẹp bao nhiêu, dân số ít ỏi bao nhiêu và nền kinh tế kém phát triển bao nhiêu, nếu đoàn kết và quyết tâm, nếu có một đường lối cách mạng đúng đắn, nếu biết áp dụng sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa xã hội vào những điều kiện cụ thể của mình thì hoàn toàn có thể đánh bại những kẻ xâm lược mạnh hơn gấp bội lần.
Đại thắng mùa Xuân 1975 của nhân dân Việt Nam mang tầm vóc thời đại to lớn, bởi đã trực tiếp góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Trung tướng, TS ĐỖ MINH XƯƠNG, Giám đốc Học viện Lục quân:
Nét đặc sắc của nghệ thuật chỉ đạo tác chiến chiến lược
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 đã thể hiện đầy đủ những nét đặc sắc, độc đáo, sáng tạo và đánh dấu bước phát triển vượt bậc của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Với cách đánh độc đáo, sáng tạo, “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” là một nét đặc sắc về nghệ thuật chỉ đạo tác chiến chiến lược của Đảng, Bộ Tổng tư lệnh. Đó vừa là tư tưởng chỉ đạo, vừa là phương châm hành động quân sự nổi bật trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Đối tượng của nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng của ta trong tác chiến chiến lược là động viên sức mạnh của toàn dân theo cấu trúc của thế trận toàn dân đánh giặc. Đó còn là nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng có tính khoa học, tính thống nhất và chặt chẽ, làm cho toàn dân ta triệu người như một, tạo nên sức mạnh tổng hợp để đánh địch, thắng địch.
VĂN MINH - THU HƯỜNG - NGÔ BÌNH