Những người lính Đại đội trinh sát K21, Trung đoàn 10, Quân khu 9, hội ngộ sau 50 năm xa cách.
"Còn thở là còn sống, còn đồng đội thì còn hy vọng”
Họ - những chàng trai tuổi đôi mươi năm nào, từ khắp mọi miền đất nước cùng hành quân vào chiến trường miền Nam khốc liệt từ những ngày Tết Mậu Thân 1968. Dưới màu áo lính trinh sát, họ đã từng băng qua rừng rậm U Minh, vượt sông Hậu, họ tiếp bước lớp trinh sát đàn anh tiến đánh các chi khu, hạ hàng loạt đồn bốt địch, mở rộng vùng giải phóng từ Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng đến tận Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang.
Trong căn phòng nhỏ, những ký ức được gọi về như cuốn phim quay chậm. Tiếng kể rưng rưng vang lên khi nhắc đến trận đánh cuối năm 1973 – một ký ức không thể phai mờ trong tâm trí những người lính trinh sát. Đó là trận đột kích ác liệt vào đồn Nhật Tảo (Hậu Giang) tháng 11/1973, khi trung đoàn cử một bộ phận trinh sát xuống phối thuộc với Tiểu đoàn 8 đặc công. Máu và lửa đã tôi luyện nên tình đồng đội thiêng liêng. Ông Nguyễn Bá Sơn, y tá năm ấy, nghẹn ngào nhớ lại: “Khi tôi tới băng bó vết thương cho anh Thọ, lúc đó là trung đội trưởng trinh sát, sau này là đại đội phó đơn vị, anh đã bị mảnh đạn xuyên thấu phổi, cả hai đùi cũng bị đánh xiên vào, máu loang ướt cả người. Vậy mà anh vẫn giữ chặt khẩu súng không buông”. Ông Sơn dừng lại, giọng trùng xuống, từng lời nghẹn ngào: “Anh kiệt sức không đi được và bảo tôi: “Em cứ để anh nằm lại đây, đưa súng cho anh bắn yểm hộ, em rút ngay đi kẻo chết cả hai bây giờ”. Nghe vậy, tôi quát lớn: “Anh hay thật! Đồng đội sống chết có nhau, tôi quyết không bỏ anh lại trận địa!”.
Ký ức ùa về, rõ ràng và day dứt như khắc sâu trong từng nếp gấp của thời gian. Ông tiếp lời, ánh mắt xa xăm: “Lúc đó, tôi trườn vào hàng rào, kéo anh ra ngoài, băng bó giữa bom đạn. Sau đó, tôi lại tiếp tục bò, còn anh thì túm lấy chân tôi, cả hai chúng tôi vừa lết, vừa dìu nhau ra khỏi vòng vây. Chúng tôi không nghĩ đến hiểm nguy, chỉ biết rằng – còn thở là còn sống, còn đồng đội thì còn hy vọng”.
Lúc đó, tôi trườn vào hàng rào, kéo anh ra ngoài, băng bó giữa bom đạn. Sau đó, tôi lại tiếp tục bò, còn anh thì túm lấy chân tôi, cả hai chúng tôi vừa lết, vừa dìu nhau ra khỏi vòng vây. Chúng tôi không nghĩ đến hiểm nguy, chỉ biết rằng – còn thở là còn sống, còn đồng đội thì còn hy vọng.
Nghe đến đây mới thấm thía hết hai chữ “đồng đội” - không phải là khẩu hiệu, càng không phải điều gì to tát, mà là máu thịt, là dám giành cái chết về mình để giữ lại sự sống cho người bên cạnh. Trong khoảnh khắc hiểm nghèo nhất, họ vẫn không buông tay nhau – đó mới thực sự là điều thiêng liêng nhất giữa những người lính.
Gọi nhau bằng ánh mắt, bằng ký ức
Buổi gặp mặt 50 năm càng trở nên sâu lắng khi các cựu binh nhắc lại trận đánh cuối cùng – trận tấn công vào Thủ phủ Tư lệnh Quân khu 4 vùng 4 chiến thuật của địch tại Cần Thơ. Đó là những ngày cuối tháng Tư năm 1975, chiến dịch Hồ Chí Minh bước vào giai đoạn tổng tiến công. Đại đội trinh sát K21 được tăng cường lực lượng, trong đó có đồng chí Trần Quang Thọ, từ Tiểu đoàn 8 đặc công, được điều về làm Đại đội phó, nhằm tăng cường ban chỉ huy đại đội bảo đảm đủ lực lượng đột kích vào nội đô.
Ngày 16/4, đơn vị đã bí mật “lót ổ” trong nội đô, chờ thời cơ nổ súng. Nhưng theo lệnh chỉ đạo, họ phải rút lui, đợi tín hiệu từ hướng Sài Gòn. Mãi đến ngày 26/4, chiến dịch Hồ Chí Minh chính thức bắt đầu. Các mũi tiến công đồng loạt nổ súng, đánh vào các mục tiêu trọng yếu: Bộ Tư lệnh vùng 4, phi trường 31, quận Ninh Kiều... Đại đội trinh sát K21 lúc này nằm trong đội hình chiến đấu của Trung đoàn 10, phối hợp hiệp đồng với các đơn vị bạn thuộc lực lượng đặc công, bộ binh, pháo binh và dân quân địa phương để tạo thế bao vây nhiều hướng, siết chặt vòng vây địch trong nội đô Cần Thơ.
Chiều 30/4, khi Sài Gòn tuyên bố đầu hàng, đơn vị vẫn đang giằng co, tối mới nhận được tin thắng trận. Từ trong hầm tối, mặt mũi lấm lem, họ bật dậy, ôm nhau mừng rỡ: “Hòa bình rồi! Được về quê rồi! Sắp đi học lại rồi, các đồng chí ơi!.
Suốt bốn ngày đêm, các chiến sĩ trinh sát bám trụ giữa lửa đạn ác liệt, đối đầu với lực lượng tinh nhuệ của Sư đoàn 21, Sư đoàn 9 và quân Bảo An ngụy. Địch vây kín, bom pháo rền vang. Lương thực cạn dần, chiến sĩ ta phải bò vào vườn hái trái cây để cầm cự. Có khi đi cả buổi mới tìm được một quả bí, một cái dái mít, mang về họ lại chia nhau từng miếng dưới mùi khét lẹt của bom đạn, không ai ăn trước, không ai phần nhiều. Quần áo rách nát, không mũ, không giày dép, họ vẫn chiến đấu đến cùng. Một đồng đội bồi hồi nhớ lại: “Hồi ấy, đang đói lả, anh Việt – xạ thủ B40, bò vào vườn, lát sau ôm ra một bọc lá chuối toàn dái mít. Anh vừa chia cho anh em từng miếng, vừa đứng dưới công sự, nhai chậm rãi, mắt không rời những bước bò rón rén của địch. Cái dái mít trong miệng chát chát, ngọt ngọt, như cả mùi đất, mùi rừng, mùi của ký ức”... Chiều 30/4, khi Sài Gòn tuyên bố đầu hàng, đơn vị vẫn đang giằng co, tối mới nhận được tin thắng trận. Từ trong hầm tối, mặt mũi lấm lem, họ bật dậy, ôm nhau mừng rỡ: “Hòa bình rồi! Được về quê rồi! Sắp đi học lại rồi, các đồng chí ơi!”.
Đêm ấy, họ tiếp tục tiến vào nội đô Cần Thơ, vừa hành quân vừa truy quét những cụm địch ngoan cố chống trả - đoạn kết của khúc quân hành, khép lại hành trình khốc liệt của những người lính trinh sát K21.
Giây phút lặng im bao trùm căn phòng khi một cựu binh nhắc đến anh Trịnh Bá Ngọc – đại đội trưởng năm xưa. Mọi ánh mắt đăm chiêu, dường như tiếng gọi anh Ngọc vọng về từ dòng sông Hậu. “Anh ấy là người chỉ huy mẫu mực, luôn đi đầu, luôn che chở cho anh em” – một giọng nghẹn lại. Giây phút ấy, căn phòng lặng im. Chỉ có tiếng sóng biển vọng về, như tiếng gọi từ lòng đất mẹ, nhắc đồng đội sống tiếp để mãi mãi tri ân người đã ngã xuống.
Nhắc đến những người không thể trở về, còn có cả anh Tự – liên lạc đại đội, người lính nhỏ thó, nhanh nhẹn ngày nào đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng đất. Trong buổi gặp mặt, khi gọi điện kết nối với anh Xuân – chính trị viên phó năm xưa, đang sống tại An Giang, mọi ánh mắt hướng về màn hình điện thoại. Mái đầu bạc rưng rưng. Giọng anh Xuân run run: “Anh em... vẫn nhớ tôi à?” rồi vỡ òa trong nước mắt. Bao năm xa cách, chỉ một tiếng gọi “đồng đội ơi” đã đủ xóa mọi khoảng cách, mọi năm tháng.
Nửa thế kỷ - một lần hội ngộ
Một hồi ức khác sống dậy qua lời kể: “Anh Hải năm ấy là chiến sĩ liên lạc nhỏ tuổi nhất đại đội. Vào trận, anh không khác gì một đặc công cảm tử: mình trần, chỉ mặc mỗi chiếc quần đùi, mũ ngụy trang bằng cỏ và toàn thân bôi pin đen. Anh chui rào, bò sát đất, gỡ mìn, mở đường cho đơn vị luồn sâu đánh chiếm” – một người lính kể lại. Hải, người lính nhỏ tuổi năm nào, nay đã về hưu, nguyên tham mưu trưởng Trung đoàn, vừa được bầu làm Trưởng ban liên lạc CCB K21. Trong buổi gặp mặt, giọng anh trầm xuống khi kể về những đồng đội đã nằm lại rừng U Minh, đất Cà Mau, những người mãi mãi chẳng thể trở về. “Nhiều anh chỉ mới 18 tuổi, vào trận chưa kịp quen tiếng súng đã thành liệt sĩ. Không ai khóc họ được lúc đó, vì nước mắt cũng phải giấu. Chỉ khi hôm nay gặp lại nhau mới biết mình từng sống nhờ sự hy sinh ấy”.
Giữa chiến dịch Hồ Chí Minh rực lửa cuối tháng 4/1975, những người lính trinh sát K21,Trung đoàn 10 đã được giao nhiệm vụ đặc biệt: Mở đường, trinh sát tiếp tục bán trụ tiêu diệt các lực lượng phản kích các ổ đề kháng của địch, chuẩn bị cho cuộc tổng công kích vào thành phố Cần Thơ – trung tâm đầu não của vùng 4 chiến thuật quân ngụy Sài Gòn. Họ len lỏi từng ngọn rạch, từng lùm cây, bám theo hệ thống lộ Vòng Cung – nơi địch tập trung dày đặc thiết giáp, bộ binh, pháo binh, máy bay, tàu chiến và các hỏa lực tối tân nhất, lực lượng tinh nhuệ của Sư đoàn 21, Sư đoàn 9 ngụy cùng các Liên đoàn Bảo An. Đây là nơi được ví như “cánh cửa thép” chắn giữ vùng Tây Nam Bộ.
Nhiều anh chỉ mới 18 tuổi, vào trận chưa kịp quen tiếng súng đã thành liệt sĩ. Không ai khóc họ được lúc đó, vì nước mắt cũng phải giấu. Chỉ khi hôm nay gặp lại nhau mới biết mình từng sống nhờ sự hy sinh ấy.
Trong điều kiện khắc nghiệt của mùa khô Nam Bộ, thiếu nước, lính trinh sát vẫn kiên cường bám trụ. Quần áo tả tơi, không giày dép, mũ nón người bết bùn, họ vẫn vượt lên bằng ý chí. Có thời điểm, đạn pháo bắn bay hết lương thực mang theo, để phục vụ cho những ngày chiến đấu, họ phải lục vườn dân hái trái cây ăn sống để giữ sức chiến đấu. Nhiều người bị thương nặng nhưng vẫn tiếp tục bám trụ luồn vào các ổ đề kháng của địch. Mỗi trận càn quét là một lần thử thách sống còn – không chỉ với thể xác, mà còn với lòng can đảm của người lính.
Là mũi nhọn trinh sát không chỉ tham mưu cho thủ trưởng dẫn các mũi vào trong nội đô mà còn trực tiếp chiến đấu, tiêu diệt các ổ ngoan cố, kháng cự và là mũi nhọn của trung đoàn. Chính nhờ sự quả cảm, chia lửa cùng với Sài Gòn, cuối cùng trận địa Cần Thơ được mở toang, vào chiếm được sân bay Cần Thơ (phi trường 31), Tổng hành dinh của vùng 4 chiến thuật trong tiếng reo hò vang dậy của hàng ngàn người dân, hòa trong nụ cười chiến thắng.
Tri ân và trách nhiệm gìn giữ ký ức, ông Đỗ Bình Yên – người từng giữ vai trò văn thư, nay đã nghỉ hưu từ Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam – vẫn lưu giữ những tài liệu viết tay năm 1976. Chính những trang giấy ố vàng ấy là sợi dây gắn kết giúp buổi gặp mặt hôm nay thành hiện thực. “50 năm tôi đi tìm đồng đội. Sợ một ngày không còn ai để nhận mặt nhau. Nhưng thật diệu kỳ khi vẫn còn được ôm nhau, gọi nhau bằng tên thật giữa đời thường. Họ không đòi ghi danh vào sách sử, không mong vinh danh, không muốn mình được nhớ. Điều duy nhất họ cần, chỉ là một cái siết tay, một ánh mắt nhận ra nhau sau ngần ấy năm. Những người hùng thầm lặng giữa đời thường”, ông nghẹn ngào. Trong danh sách hàng trăm người lính K21 năm xưa, giờ chỉ còn một nửa giữ được liên lạc. Người còn sống, người đã khuất, người neo đơn cuối đời... nhưng trong họ vẫn cháy lên ngọn lửa của ký ức thiêng liêng.
50 năm tôi đi tìm đồng đội. Sợ một ngày không còn ai để nhận mặt nhau. Nhưng thật diệu kỳ khi vẫn còn được ôm nhau, gọi nhau bằng tên thật giữa đời thường. Họ không đòi ghi danh vào sách sử, không mong vinh danh, không muốn mình được nhớ. Điều duy nhất họ cần, chỉ là một cái siết tay, một ánh mắt nhận ra nhau sau ngần ấy năm.
Tấm ảnh tập thể chụp trong buổi gặp mặt hôm ấy, có đủ nụ cười, đủ cái ôm, nhưng vẫn là một tấm ảnh khuyết. Khuyết bởi những người đã mãi mãi nằm lại rừng U Minh, đất Cà Mau. Khuyết bởi những nỗi nhớ không thể gọi tên. Nhưng chính sự khuyết ấy lại làm cho bức ảnh thêm phần thiêng liêng – như một chứng tích của tình đồng đội, của một thời thanh xuân oanh liệt không bao giờ quên.
50 năm – không chỉ là một cột mốc. Đó là hành trình trở về với ký ức, với chính mình. Và giữa nhịp sóng rì rào bên biển Sầm Sơn, câu chuyện về những người lính trinh sát K21 vẫn âm vang như một bản tráng ca lặng lẽ mà bất tử.
Ghi chép của Trần Hằng