Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, ngày 13/1. (Nguồn: VGP)
Chuyển đổi số thời gian gần đây đã trở thành một khái niệm được nhắc đến nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thật khó để đưa ra một khái niệm chính xác, rõ ràng và cụ thể về chuyển đổi số bởi quá trình áp dụng chuyển đổi số sẽ có sự khác biệt ở từng lĩnh vực khác nhau.
Tuy nhiên, cũng có thể để đưa ra định nghĩa một cách ngắn gọn và dễ hiểu thì chuyển đổi số là sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực. Thế giới, bao gồm Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức và cơ hội trong chuyển đổi số.
Với người bình thường, chuyển đổi số làm thay đổi cách chúng ta sống, làm việc và giao dịch với nhau.
Với doanh nghiệp, chuyển đổi số giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, giúp lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời, qua đó tối ưu hóa được năng suất làm việc của nhân viên.
Còn với nhà nước, chuyển đổi số dùng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi trải nghiệm người dùng với các dịch vụ do nhà nước cung cấp, thay đổi quy trình nghiệp vụ, thay đổi mô hình và phương thức hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước.
Việt Nam luôn là thành viên tích cực trong nỗ lực thúc đẩy hợp tác cùng các nước để phát triển kinh tế số, xã hội số. Vậy đâu là giải pháp để giúp Việt Nam phát huy vai trò tích cực của chuyển đổi số trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc?.
Chuyển đổi số nhìn từ các nền kinh tế phát triển
Ngành Thông tin và Truyền thông tiếp tục đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia trên cả 3 trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. (Nguồn: Vietnam+)
Nghiên cứu của Microsoft vào năm 2017 cho thấy tại khu vực châu Á, chỉ riêng năm 2017, tác động mà chuyển đổi số mang lại cho GDP là khoảng 6%, năm 2019 là 25% và tới năm 2021 là 60%.
Tại Hàn Quốc, chính phủ đóng vai trò dẫn dắt, thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động đổi mới sáng tạo, và được sự hỗ trợ của các tập đoàn công nghệ hàng đầu; phát triển nhà máy thông minh, ứng dụng công nghệ sản xuất thông minh, cung cấp hỗ trợ tài chính và kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất.
Hàn Quốc còn thành lập các trung tâm đổi mới, hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) và các tổ chức nghiên cứu cùng nhau phát triển các giải pháp số mới; có nhiều nền tảng trực tuyến để kết nối, và sự hỗ trợ tài chính từ chính phủ (như quỹ K-Startup Grand Challenge).
Malaysia lại có nhiều chương trình như hỗ trợ tài chính và ưu đãi thuế được thực hiện thông qua các quỹ chuyển đổi số nhằm cung cấp các khoản vay và tài trợ cho doanh nghiệp; thành lập trung tâm đổi mới sáng tạo; đưa ra các nền tảng thương mại để hỗ trợ doanh nghiệp và các mô hình Cụm công nghiệp số.
Đài Loan (Trung Quốc) tập trung vào các công nghệ lõi thế mạnh trong lĩnh vực bán dẫn, xây dựng xã hội số bao trùm, đảm bảo mọi người dân đều có thể tiếp cận công nghệ; tận dụng tốt dữ liệu mở để thúc đẩy đổi mới và tạo giá trị kinh tế từ dữ liệu.
Trong khi đó, cách tiếp cận chuyển đổi số của Đức khá khác biệt và thú vị, có tính cân bằng giữa một bên là chính phủ và bên còn lại là phát triển hệ sinh thái cho phép doanh nghiệp tự dẫn dắt các sáng kiến; tập trung rất sâu vào chuyển đổi số các ứng dụng sản xuất công nghệ cao, luật bảo vệ dữ liệu nghiêm và chuẩn hóa.
Nước này còn hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp, xây dựng mạng lưới các trung tâm số (Digital Hubs), tăng cường hợp tác công và tư nhân trong thực hiện chuyển đổi số.
Theo kết quả nghiên cứu của McKensey, trong năm 2025, mức độ tác động của chuyển đổi số tới GDP của Mỹ là khoảng 25%, với Brazil là 35%, và các nước châu Âu là 36%.
Thực trạng chuyển đổi số tại Việt Nam
Việt Nam có một số mô hình doanh nghiệp chuyển đổi số thành công. (Nguồn: Vietnamnet)
Tại Việt Nam có đến 98% doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chưa nhận thức được trọn vẹn và đầy đủ về vai trò của chuyển đổi số trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Hiện mới chỉ có 31% doanh nghiệp đang ở bước đầu của chuyển đổi số, 53% đang ở giai đoạn quan sát và chỉ 3% đã hoàn thiện cơ bản quá trình này.
Chỉ tính riêng các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam đã cho thấy loại hình doanh nghiệp này vẫn đang đối mặt với những rào cản trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số như thiếu kỹ năng số và nhân lực (17%), thiếu nền tảng công nghệ thông tin đủ mạnh để cho phép chuyển đổi kỹ thuật số (16,7%), thiếu tư duy kỹ thuật số hoặc các thách thức về văn hóa kỹ thuật số trong doanh nghiệp (15,7%).
Phải thẳng thắn thừa nhận rằng, tốc độ và sự bứt phá về phát triển chuyển đổi số của Việt Nam còn chậm.
Quy mô, tiềm lực, trình độ về năng lực chuyển đổi số còn khoảng cách xa so với nhóm các nước phát triển; nhận thức của nhiều cấp, nhiều ngành, cán bộ, công chức và nhân dân về chuyển đổi số chưa đầy đủ và sâu sắc.
Bên cạnh đó, việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa có bước đột phá, chưa làm chủ được công nghệ chiến lược, công nghệ lõi; thể chế pháp luật, cơ chế, chính sách chưa đáp ứng yêu cầu; nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu; hạ tầng chưa đồng bộ, nhất là hạ tầng số còn nhiều hạn chế, an ninh, an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu còn nhiều thách thức.
“Cú hích” từ Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị
Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Tô Lâm, ngày 20/1. (Nguồn: Nhân dân)
Ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW đánh dấu một mốc sự kiện hết sức nổi bật, tạo cú hích đột phá về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Điều này còn cho thấy sự quan tâm của Bộ Chính trị và cá nhân Tổng Bí thư Tô Lâm đối với các lĩnh vực đặc biệt quan trọng này.
Từ nghị quyết cho thấy, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu. Người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, nguồn lực, động lực chính.
Nhà khoa học là nhân tố then chốt. Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Đến năm 2030, Việt Nam sẽ thuộc nhóm các nước dẫn đầu về an toàn, an ninh không gian mạng, an ninh dữ liệu và bảo vệ dữ liệu. Đến năm 2045, chuyển đổi số, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo là các yếu tố then chốt đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.
Một số giải pháp
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch NVIDIA Jensen Huang chứng kiến ký kết và trao Thỏa thuận giữa Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - đại diện Chính phủ Việt Nam và ông Jay Puri, Phó Chủ tịch Điều hành Phụ trách Hoạt động Toàn cầu NVIDIA, tháng 12/2024. (Nguồn: VGP)
Việt Nam đã từng thành công nhờ cây lúa, qua đó đưa đất nước trở thành một trong các quốc gia xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới.
Để đạt được thành công đó, Đảng và Nhà nước đã có những chiến lược, quyết sách hiệu quả, kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho người nông dân, doanh nghiệp và chính phủ.
Đến nay, đứng trước cơ hội chuyển mình của dân tộc, đưa đất nước bước vào một kỷ nguyên mới với nền tảng của chuyển đổi số, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo là động lực then chốt, tạo đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của đất nước đạt được các mục tiêu như đề ra.
Để làm được điều này, đòi hỏi Việt Nam cần chủ động triển khai tích cực một số giải pháp.
Một là, Chính phủ cần ưu tiên phát triển hạ tầng số, nguồn nhân lực số, phát triển giải pháp số thông qua đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; thu hút đầu tư số và công nghệ số; thúc đẩy kết nối số giữa các doanh nghiệp và các tác nhân trong hệ sinh thái chuyển đổi số, tăng cường tiếp cận tài nguyên số.
Hai là, Từ tham khảo thực tiễn của các nước trên thế giới, cần nghiên cứu phát triển các trung tâm hỗ trợ chuyển đổi số, thành lập các Quỹ hỗ trợ, xây dựng các nền tảng kết nối số, xây dựng công cụ chuyển đổi số.
Ba là, tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển khoa học, công nghệ, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Chính phủ cần nghiên cứu tiếp tục thúc đẩy các giải pháp tiếp cận, kêu gọi các “đại bàng”, tập đoàn doanh nghiệp, các tỉ phú hàng đầu thế giới về công nghệ mới (như Apple, Nvidia, Microsoft, v.v…) để đặt văn phòng, trụ sở làm việc, xây dựng các Trung tâm nghiên cứu và phát triển về trí tuệ nhân tạo, trung tâm dữ liệu, mở rộng đầu tư kinh doanh tại Việt Nam).
Bốn là, Cần xem xét, nghiên cứu để đưa ra các giải pháp kịp thời, hiệu quả giải quyết các nút thắt, hay “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn” (thể chế, hạ tầng và nhân lực) như khẳng định của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết về Tháo gỡ điểm nghẽn của điểm nghẽn.
Tóm lại, chuyển đổi số là xu thế tất yếu và là một quá trình thay đổi sâu rộng toàn bộ các hoạt động kinh tế - xã hội. Quá trình chuyển đổi số nên và cần phải có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp; người dân chính là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu của sự phát triển của tiến trình chuyển đổi số.
Chuyển đổi số chỉ thực sự thành công khi mỗi người dân tích cực tham gia, được thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại và không một người dân nào bị bỏ lại phía sau.
TS. Đặng Thanh Phú