Phát huy vai trò của doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước

Phát huy vai trò của doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước
14 giờ trướcBài gốc
Gia công cơ khí chính xác tại Công ty TNHH Công nghệ Cosmos 1, Khu công nghiệp Thụy Vân, TP Việt Trì.
Đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, số lượng doanh nghiệp DDI trên địa bàn tỉnh cũng tăng lên, từng bước nâng cao trình độ quản trị, chất lượng nguồn nhân lực, doanh thu, lợi nhuận, hiệu quả hoạt động. Doanh nghiệp DDI có đóng góp quan trọng cho thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải thiện đời sống Nhân dân.
Toàn tỉnh có trên 12.000 doanh nghiệp DDI đăng ký thành lập, trong đó có trên 7.000 doanh nghiệp đang hoạt động, có gần 1.200 dự án DDI đang triển khai. Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh thu hút mới và bổ sung vốn 410 dự án DDI với vốn đăng ký 122.000 tỷ đồng, quy mô bình quân trên 300 tỷ đồng/dự án.
Một số doanh nghiệp đã chủ động chuyển đổi, mạnh dạn đầu tư vào các ngành công nghiệp mới; tiên phong đổi mới mô hình kinh doanh theo hướng xanh, tuần hoàn. Đồng thời, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm toàn cầu thông qua việc hợp tác với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để gia công, sản xuất một vài công đoạn trong chuỗi sản xuất.
Với số lượng lớn, các doanh nghiệp DDI có mặt ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho trên 90.000 lao động. Trong đó, số lượng doanh nghiệp đang hoạt động đầu tư trong lĩnh vực chế biến chế tạo trên 1.500 doanh nghiệp, xây dựng khoảng 1.000 doanh nghiệp; bán buôn, bán lẻ khoảng 2.000 doanh nghiệp... Các doanh nghiệp DDI phát triển sẽ tiếp thu, hấp thụ được công nghệ cao và điều quan trọng là tạo ra những thương hiệu mang dấu ấn của địa phương, của tỉnh và xa hơn là tạo dựng thương hiệu Việt Nam.
Công ty TNHH Công nghệ Cosmos 1, Khu công nghiệp Thụy Vân, TP Việt Trì hoạt động trong lĩnh vực gia công cơ khí chính xác, tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động, những năm gần đây nộp ngân sách khoảng 20 tỷ đồng/năm. Ông Nguyễn Năng An - Tổng Giám đốc Công ty cho biết: “Công ty với 100% vốn trong nước, chúng tôi có các đối tác chính như Honda Việt Nam, Nissin Brake Việt Nam, Panasonic... Công ty tập trung phát huy cao độ nội lực của mình trong việc đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng tốt yêu cầu phát triển của doanh nghiệp thông qua việc tập trung nghiên cứu công nghệ sản xuất mới gắn với quá trình đầu tư thiết bị sản xuất tiên tiến. Với năng lực và công cụ đo lường đầy đủ, hiện đại, chúng tôi đảm bảo tính phù hợp của sản phẩm từ khâu kiểm tra nguyên liệu đầu vào tới việc kiểm tra linh kiện công đoạn, kiểm tra, đo đạc thành phẩm. Cosmos phấn đấu trở thành sự lựa chọn hàng đầu của khách hàng trong lĩnh vực cơ khí phụ trợ tại Việt Nam”.
Cùng với đó, các doanh nghiệp DDI đã tiến sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, góp phần giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu, thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ, chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh với doanh nghiệp FDI. Trong lĩnh vực dịch vụ, bán lẻ, các doanh nghiệp bán lẻ lớn trong nước đã đầu tư trên địa bàn tỉnh với các siêu thị, cửa hàng như: Co.opmart, Winmart, Điện máy xanh, Thế giới di động, MediaMart... Các doanh nghiệp đã nhanh nhạy, kịp thời trong việc đầu tư hạ tầng, phát triển kênh phân phối, góp phần phát triển cơ sở hạ tầng thương mại, tạo điều kiện phát triển mạng lưới lưu thông phân phối và bán lẻ hàng hóa trên địa bàn tỉnh.
Trên chặng đường phát triển, khó khăn luôn hiện hữu, song bằng tinh thần đổi mới, sáng tạo, các doanh nghiệp đã khẳng định vị trí và đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cùng với đó, các doanh nghiệp luôn chia sẻ, đồng hành cùng địa phương trong công tác an sinh xã hội, đền ơn, đáp nghĩa, giảm nghèo, phòng chống dịch bệnh, thiên tai...
Công ty TNHH Ngọc Ánh Wooden Chopsticks, xã Minh Lương, huyện Đoan Hùng chuyên sản xuất đũa xuất khẩu, tạo việc làm cho gần 100 lao động địa phương.
Đồng hành với doanh nghiệp
Bên cạnh những thuận lợi, trong hoạt động của các doanh nghiệp DDI còn có những khó khăn do phần lớn quy mô của các doanh nghiệp là vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Năng lực về vốn, quản lý, kinh nghiệm hoạt động sản xuất, kinh doanh còn hạn chế, khả năng cạnh tranh chưa cao. Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, chuyển đổi số nhanh chóng, ngày càng trở thành nhân tố quyết định đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đây là thuận lợi nhưng cũng là thách thức cho doanh nghiệp buộc phải đổi mới, đầu tư về công nghệ, cũng như năng lực quản lý, trình độ lao động.
Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển, tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển. Trên cơ sở yêu cầu, nhiệm vụ, các cấp, các ngành đã tập trung triển khai thực hiện, cụ thể hóa, rà soát bổ sung quy hoạch, kế hoạch, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động đầu tư của doanh nghiệp trên địa bàn. Cải cách hành chính được chú trọng, tạo thuận lợi giải quyết các thủ tục đầu tư, đất đai, chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất cho nhà đầu tư. Hàng năm tỉnh đánh giá, lựa chọn các dự án trọng điểm, rà soát các dự án đầu tư để tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc gắn với nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, tạo điều kiện cho nhà đầu tư yên tâm đầu tư. Đồng thời tỉnh kịp thời triển khai các chính sách của Chính phủ về giảm thuế, phí, lệ phí, ưu đãi lãi suất... cho doanh nghiệp nhằm phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Để phát huy vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 556/KH-UBND, ngày 5/2/2024 về Triển khai thực hiện Chương trình hành động số 47-CTr/TU, ngày 22/12/2023 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.
Trong đó, nhiều giải pháp quan trọng được đưa ra: Hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến; triển khai đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách và giải pháp của Chính phủ, UBND tỉnh để hỗ trợ doanh nghiệp; đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, khuyến khích các doanh nghiệp có tiềm lực, nhà đầu tư chiến lược vào đầu tư tại tỉnh. Đồng thời, phát triển mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; khuyến khích hộ kinh doanh cá thể đủ điều kiện chuyển đổi thành doanh nghiệp...
Ông Nguyễn Hồng Sơn - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh cho biết: “Thời gian qua, tỉnh Phú Thọ luôn quan tâm, đồng hành, hỗ trợ hiệu quả đối với doanh nghiệp, kiến tạo nên môi trường kinh doanh thân thiện, đặc biệt, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa mở rộng quy mô, nâng cao sức cạnh tranh, năng lực sản xuất. Trước yêu cầu phát triển mới, đội ngũ doanh nghiệp chúng tôi tiếp tục phát huy vai trò, đặt mục tiêu tăng trưởng cả về chất lượng và tỷ trọng đóng góp vào kinh tế của tỉnh”.
Với sự hỗ trợ hiệu quả của các cấp, các ngành và nỗ lực của các doanh nghiệp, tin tưởng rằng các doanh nghiệp DDI sẽ phát huy tốt tiềm năng, thể hiện sự năng động, sáng tạo, đoàn kết trong tạo lập, phát triển sản xuất, kinh doanh; khẳng định vai trò là lực lượng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nguyễn Huế
Nguồn Phú Thọ : https://baophutho.vn/phat-huy-vai-tro-cua-doanh-nghiep-co-von-dau-tu-trong-nuoc-222681.htm