Phát huy vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong công tác dân tộc vùng Nam Bộ

Phát huy vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong công tác dân tộc vùng Nam Bộ
2 giờ trướcBài gốc
Tây Nam Bộ là nơi có 4 cộng đồng dân tộc sinh sống là Việt, Chăm, Khơmer và Hoa. Với 1,3 triệu người dân tộc thiểu số, chiếm 7,58% dân số của vùng và chiếm 9,28% số người dân tộc thiểu số cả nước, trong đó chủ yếu là dân tộc Khmer.
Hội thảo khoa học “Phát huy vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong công tác dân tộc vùng Tây Nam Bộ” với sự góp mặt của nhiều chuyên gia, lãnh đạo địa phương trong vùng.
Trong các năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về công tác dân tộc, với quan điểm: “Tập trung đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số là đầu tư cho phát triển, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống so với vùng phát triển; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nhằm đạt mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau".
Mặc dù có nhiều chính sách được đưa ra và đạt hiệu quả bước đầu, song còn một số hạn chế, bất cập trong công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vai trò của hệ thống chính trị cấp cơ sở là nơi trực tiếp tương tác thường xuyên với đồng bào nên có vai trò vô cùng quan trọng trong việc tổ chức thực hiện, thực thi chính sách, giúp đưa chính sách vào cuộc sống. Sự tham gia của hệ thống chính trị cơ sở các thiết chế địa phương trong triển khai thực hiện chính sách còn yếu và thiếu. Sự tham gia của hệ thống chính trị cấp cơ sở, chính quyền địa phương sẽ thúc đẩy người nghèo vào xây dựng các chính sách xóa đói, giảm nghèo còn thấp. Trong khi đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia nói chung. Cũng tiếp cận đó cho thấy, Tây Nam Bộ là vùng còn tiềm ẩn những khó khăn thách thức đối với an ninh - quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội.
Hội thảo khoa học “Phát huy vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong công tác dân tộc vùng Tây Nam Bộ” do Học viện 4 phối hợp với Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nam Bộ tổ chức.
Để trao đổi, thảo luận và có thêm các tiếp cận đa chiều, cũng như nhiều giải pháp cho định hình phát huy ngày càng tốt hơn vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong công tác dân tộc vùng Tây Nam Bộ nói riêng và hoạt động phát triển kinh tế xã hội nói chung, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ phối hợp với Học viện chính trị khu vực 4 tổ chức hội thảo “Phát huy vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong công tác dân tộc vùng Tây Nam Bộ”.
Phát biểu tại hội thảo PGS.TS Nguyễn Xuân Phong, Phó Giám đốc Học viện 4 cho biết: Hội thảo có ý nghĩa hết sức thiết thực cả về mặt lý luận và thực tiễn. Nhằm góp phần tổng kết, đánh giá thực tiễn vai trò của hệ thống chính trị cấp cơ sở trong công tác dân tộc ở vùng Tây Nam. Đồng thời, tập hợp các luận cứ khoa học làm cơ sở để lãnh đạo các địa phương có thể tham vấn, định hướng hoạt động của hệ thống chính trị cấp cơ sở đối với công tác dân tộc ở vùng Tây Nam Bộ. Thực hiện chính sách phát triển phù hợp, bền vững; hướng đến khai thác tối ưu các tiềm năng, phát huy lợi thế của từng địa phương để cải thiện môi trường, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Mặt khác, nhằm tạo diễn đàn khoa học để các cấp lãnh đạo, quản lý; các chuyên gia, nhà khoa học; các cơ quan, đơn vị có liên quan; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có cơ hội trao đổi, thảo luận, đề xuất các giải pháp, cách làm hay. Từ đó làm cơ sở định hướng cho sự phát triển, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của địa phương và phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của hệ thống chính trị cấp cơ sở trong công tác dân tộc ở vùng Tây Nam Bộ.
Hội thảo tập trung vào 3 nội dung chính: Các vấn đề lý luận, căn cứ pháp lý và thực tiễn để phát huy vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong công tác dân tộc vùng Tây Nam Bộ. Trong đó có vấn đề thể chế phát triển bền vững trong liên kết vùng và những vấn đề đặt ra cho vùng Tây Nam Bộ hiện nay.
Các vấn đề thực tiễn: Đánh giá thực trạng, nhận diện các vấn đề tồn tại của hệ thống chính trị cơ sở trong tương quan với công tác dân tộc và những vấn đề đặt ra cho phát triển kinh tế xã hội bền vững. Đặc biệt là các vấn đề mới đối với công tác dân tộc trong giai đoạn cách mạng 4.0, chuyển đổi số, kinh tế xanh kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và kinh tế sáng tạo trong giai đoạn mới.
Đề xuất giải pháp, khuyến nghị chính sách: Dự báo xu hướng; xây dựng luận điểm và đề xuất giải pháp để hoàn thiện thể chế phát huy vai trò của hệ thống chính trị cấp cơ sở trong công tác dân tộc ở vùng Tây Nam Bộ.
Trung Kiên
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/phat-huy-vai-tro-cua-he-thong-chinh-tri-co-so-trong-cong-tac-dan-toc-vung-nam-bo-10293589.html