Phát triển chăn nuôi lợn hiệu quả, bền vững

Phát triển chăn nuôi lợn hiệu quả, bền vững
10 giờ trướcBài gốc
Từ sau tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đến nay, giá lợn hơi tăng cao đã kéo giá lợn thịt tăng theo nên sức tiêu thụ thịt lợn của người dân giảm -Ảnh: Đ.T
Theo thông tin từ các địa phương, hiện việc tái đàn đang có chiều hướng tăng nhẹ, đặc biệt là trên đàn lợn. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng trong năm 2024 ước đạt 63.128 tấn, đạt 104,3% so với kế hoạch năm 2024 (kế hoạch 60.500 tấn), góp phần tăng trưởng trong khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản vượt kế hoạch đề ra. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng quý I năm 2025 toàn tỉnh đạt gần 17.000 tấn, ước đạt hơn 25% kế hoạch năm.
Công tác phát triển, nâng cao chất lượng, phát triển vật nuôi nói chung, chăn nuôi lợn nói riêng được tỉnh quan tâm chú trọng. Các giống vật nuôi năng suất, chất lượng cao được nhập nuôi và phát triển rộng rãi. Tỉ lệ lợn ngoại, lợn lai ngoại chiếm 95% tổng đàn lợn toàn tỉnh. Tổng đàn lợn nuôi tại các trang trại chăn nuôi chiếm 57% tổng đàn lợn toàn tỉnh.
Phương thức chăn nuôi tiếp tục phát triển theo hướng trang trại công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao và an toàn sinh học. Toàn tỉnh hiện có 699 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, trong đó chăn nuôi quy mô lớn có 25 trang trại, chăn nuôi quy mô vừa có 209 trang trại, chăn nuôi quy mô nhỏ có 465 trang trại.
Hiện có 135 trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, liên kết với các doanh nghiệp. Các mô hình chăn nuôi theo phương thức công nghiệp, bán công nghiệp áp dụng các tiến bộ kỹ thuật như giống mới năng suất cao, nuôi bằng chuồng kín, tự động hóa các khâu cung cấp thức ăn, nước uống, tiêu độc khử trùng...tiếp tục được áp dụng rộng rãi.
Việc thu hút đầu tư chăn nuôi tiếp tục được được quan tâm. Ngành nông nghiệp và môi trường đã phối hợp tham gia thẩm định 2 dự án đầu tư lĩnh vực chăn nuôi vào địa bàn tỉnh, đó là dự án trang trại ươm trồng dược liệu và chăn nuôi lợn thịt công nghệ cao quy mô 14.000 con tại Khe Lim, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ với tổng vốn đầu tư 86 tỉ đồng của Công ty Nông nghiệp Nghĩa Thành; dự án trang trại chăn nuôi lợn Trường Phước quy mô 24.000 con lợn thịt tại xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng với tổng vốn đầu tư 99 tỉ đồng.
Theo Kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị (Kế hoạch số 137/KH-UBND tỉnh), đến năm 2030, tỉnh phát triển đàn lợn khoảng từ 350.000 - 400.000 con; trong đó trên 60% tổng đàn được nuôi theo phương thức công nghiệp.
Tầm nhìn đến năm 2045, phát triển chăn nuôi thành ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại và được công nghiệp hóa ở hầu hết các khâu từ sản xuất, chế biến, bảo quản đến kết nối thị trường tiêu thụ; trên 80% sản phẩm chăn nuôi sản xuất trong các trang trại được kiểm soát chặt chẽ.
Trước mắt, trong năm 2025 mục tiêu của ngành nông nghiệp và môi trường là đạt sản lượng thịt hơi xuất chuồng 63.000 tấn. Để đạt được mục tiêu này, việc nâng cao chất lượng công tác dự tính, dự báo, thông tin tuyên truyền, nắm bắt kịp thời diễn biến giá cả của mặt hàng lợn thịt, thịt lợn trên thị trường để tư vấn cho người chăn nuôi điều tiết thời gian tái đàn, xuất chuồng; đẩy mạnh chăn nuôi lợn an toàn sinh học; tăng cường kiểm soát dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn Châu Phi, lở mồm long móng; triển khai áp dụng rộng rãi mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh cho các loại hình chăn nuôi...phải được đặt lên hàng đầu.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp và môi trường cần hỗ trợ khuyến khích đầu tư phát triển chăn nuôi lợn theo chuỗi giá trị gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm; xây dựng các tổ hợp chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao với vai trò của doanh nghiệp làm trọng tâm. Tăng cường kiểm soát môi trường và nâng cao hiệu quả xử lý chất thải trong chăn nuôi lợn, gắn với sản xuất phân bón hữu cơ và sản xuất năng lượng tái tạo...Tăng cường chuyển đổi số trong ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, các mô hình chăn nuôi theo kinh tế tuần hoàn, công nghệ cao vào chăn nuôi lợn.
Trước mắt, từng bước khôi phục, ổn định lại sản xuất chăn nuôi lợn; khuyến khích tái đàn lợn ở các cơ sở chăn nuôi đảm bảo quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; phát triển đàn lợn nái lai trong dân; phát triển đàn lợn ngoại cao sản, bảo tồn và phát triển đàn lợn Vân Pa, lợn rừng lai theo phương thức chăn nuôi hữu cơ, tạo sản phẩm đặc sản chất lượng cao gắn với du lịch sinh thái, tích hợp đa giá trị (ẩm thực, văn hóa, du lịch, sinh thái và kinh tế), đem lại thu nhập ổn định cho người chăn nuôi lợn.
Đan Tâm
Nguồn Quảng Trị : http://www.baoquangtri.vn/phat-trien-chan-nuoi-lon-hieu-qua-ben-vung-192767.htm