Một cảnh trong vở "Tóc mai sợi vắn sợi dài". Ảnh: Kịch Hoàng Thái Thanh.
Điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa được đánh giá có triển vọng phát triển nhất nhưng cũng đối mặt với những thách thức về cơ sở hạ tầng, đào tạo và chính sách.
Đặt mục tiêu lớn
Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM cho biết, tại nhiều quốc gia trên thế giới, công nghiệp văn hóa có vai trò rất lớn đối với việc bảo tồn các giá trị văn hóa, quảng bá văn hóa, hình ảnh quốc gia và khai thác các giá trị tiềm năng thành dịch vụ ngành kinh tế mũi nhọn. Riêng TPHCM, có 17.670 doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực văn hóa, chiếm khoảng 7,74% số doanh nghiệp của toàn thành phố.
Năm 2020, theo kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM và Cục Thống kê, có thể thấy đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa trong tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng qua từng năm, thể hiện vị thế của ngành đối với kinh tế của TPHCM. Cụ thể, năm 2010, giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa tại thành phố đạt trên 36.094 tỷ đồng. Đến năm 2019, giá trị sản xuất ngành này đạt hơn 75.000 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2010 và đóng góp 3,98% GRDP của thành phố. Năm 2020, do ảnh hưởng nặng nề của Covid-19, giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa đạt thấp, chiếm 3,54% tổng GRDP.
Trước tiềm năng phát triển của ngành công nghiệp văn hóa, ngày 25/10/2023, UBND TPHCM ban hành Quyết định số 4853/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án phát triển ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2030. Đề án chọn 8 ngành để phát triển, gồm: Điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo, du lịch văn hóa, thời trang. Thành phố đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025, phấn đấu tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp văn hóa đạt bình quân khoảng 14%/năm, doanh thu đóng góp khoảng 5,7% GRDP và tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội.
Đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng đạt bình quân khoảng 12%/năm, đóng góp khoảng 7 - 8% GRDP. Dự kiến tổng doanh thu của 8 ngành công nghiệp văn hóa sẽ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của thành phố khoảng 148.000 tỷ đồng.
Concert “Anh Trai Say Hi” tại TPHCM. Ảnh: BTC.
Nhiều điều kiện để phát triển
Tại tọa đàm khoa học “Phát triển Công nghiệp Văn hóa ở TPHCM - Hướng đến mục tiêu xây dựng thành phố sáng tạo” do Sở Văn hóa và Thể thao, Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM phối hợp Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) tổ chức, PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) chỉ ra rằng, với bề dày văn hóa, bản sắc đa dạng và hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, thành phố sở hữu tiềm năng lớn để phát triển công nghiệp văn hóa, trở thành động lực quan trọng cho nền kinh tế sáng tạo và xây dựng thương hiệu văn hóa đặc trưng trên trường quốc tế.
“Thành phố sở hữu nhiều di sản kiến trúc cổ điển từ thời Pháp thuộc như Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Trung tâm,... thu hút hàng triệu du khách mỗi năm. Các di sản này không chỉ mang lại giá trị lịch sử mà còn tạo bản sắc độc đáo. Các di sản văn hóa phi vật thể như lễ hội truyền thống, âm nhạc dân gian Nam Bộ và nghệ thuật hát bội cũng là điểm nhấn, thu hút sự chú ý của du khách trong và ngoài nước. Ngoài ra, với sự năng động, TPHCM là nơi hội tụ nhiều cộng đồng văn hóa khác nhau, bao gồm người Hoa, người Chăm, người Khmer và các cộng đồng người nước ngoài. Điều này tạo điều kiện để phát triển các sản phẩm văn hóa mang tính đặc thù, độc đáo, đồng thời xây dựng thương hiệu như một điểm đến văn hóa của khu vực và thế giới”, bà Xuân cho hay.
Theo PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân, điện ảnh, âm nhạc hay nghệ thuật trình diễn gồm các loại hình như kịch, múa, xiếc, thời trang thiết kế và du lịch văn hóa là các ngành công nghiệp văn hóa nổi bật tại TPHCM. Đặc biệt, du lịch văn hóa đang được phát triển mạnh nhờ các di tích lịch sử và địa điểm tham quan nổi tiếng như Dinh Độc Lập, Chợ Bến Thành, Khu di tích Địa đạo Củ Chi,... Thông tin từ Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam năm 2019 cho thấy, du lịch văn hóa đã đóng góp gần 20% tổng doanh thu du lịch của thành phố, với số lượng khách quốc tế tăng đều hằng năm, các sản phẩm du lịch sáng tạo và tour văn hóa đã giúp thành phố trở thành điểm đến độc đáo, thu hút du khách trong và ngoài nước.
Riêng với điện ảnh, PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân đánh giá ngành này có sự phát triển vượt bậc. Hiện TPHCM là nơi tập trung của nhiều hãng phim tư nhân lớn cùng hệ thống các rạp chiếu phim hiện đại, trải rộng khắp.
Theo ước tính, doanh thu từ ngành điện ảnh tại thành phố chiếm khoảng 70% tổng doanh thu điện ảnh cả nước, với sự gia tăng về số lượng khán giả và các liên hoan phim quốc tế. Nhu cầu xem phim của giới trẻ cũng tăng mạnh, tạo động lực cho sự phát triển bền vững của ngành trong tương lai.
Nghệ sĩ Thành Lộc trong một vở diễn tại sân khấu kịch Thiên Đăng, TPHCM. Ảnh: Kịch Thiên Đăng.
Khó khăn trong phát triển
Tiềm năng lớn, song theo bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, các thế mạnh của ngành công nghiệp văn hóa vẫn chưa được khai thác tối đa. Các cơ sở đào tạo chuyên ngành công nghiệp văn hóa còn thiếu sự bài bản và đồng bộ, chưa trang bị đầy đủ kỹ năng sáng tạo và kiến thức cần thiết để đạt được thành công trong lĩnh vực này.
Lực lượng lao động chưa được tiếp cận các kỹ năng và chuyên môn phù hợp để thích nghi và vận hành hiệu quả các mô hình tổ chức cũng như kinh doanh mới trong ngành công nghiệp văn hóa. Bên cạnh đó, các cơ chế chính sách và ưu đãi về thuế hiện tại chưa tạo được động lực đủ lớn để thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển vào lĩnh vực văn hóa.
Bà Thúy lấy ví dụ ở ngành điện ảnh để minh chứng cho nhận định “có nhiều tiềm năng” nhưng cũng gặp không ít khó khăn trong việc phát triển: “Cơ sở hạ tầng chuyên biệt và các thiết bị kỹ thuật cao cấp còn phụ thuộc phần lớn vào nguồn lực tư nhân. Vấn đề vi phạm bản quyền, sở hữu trí tuệ diễn biến phức tạp, các giải pháp bảo vệ sự sáng tạo chưa thực sự hữu hiệu. Vấn đề pháp luật chưa điều chỉnh kịp thời, đặc biệt là việc thể chế công tác xã hội hóa trong xây dựng và vận hành quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, cơ chế kiểm duyệt phim tại một số hoạt động đặc thù”.
Trước tình hình khó khăn này, TS Phạm Văn Luân - giảng viên Khoa Quản lý văn hóa, Trường Đại học Văn hóa TPHCM cho rằng, chính quyền các cấp của thành phố phải là “chính quyền kiến tạo”, có tầm nhìn dài hạn, coi trọng giáo dục và nhận thức được sức mạnh của sáng tạo và văn hóa sáng tạo. Thành phố cần xác định sáng tạo là phẩm chất quan trọng nhất của các nhà lãnh đạo và là phương tiện phát triển công nghiệp văn hóa, giúp tăng trưởng kinh tế.
“TPHCM là nơi quy tụ các chuyên gia, nhà quản lý, lực lượng lao động tâm huyết, thuộc hàng tinh hoa của khu vực. Khi thành phố có chính quyền kiến tạo mới có thể thực hiện phương châm đa dạng, hòa nhập và phương pháp tiếp cận từ dưới lên trong điều hành, quản trị xã hội. Từ đó tăng cường sức sống, tính tương tác và học hỏi, đảm bảo sự đa dạng về văn hóa để sáng tạo, cởi mở tư duy”, ông Luân nói.
Không gian triển lãm Liên hoan Phim quốc tế TPHCM lần I năm 2024. Ảnh: HIFF 2024.
Quy hoạch các khu vực phát triển
TS Nguyễn Minh Nhựt - Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM cho rằng, chính quyền thành phố cần ưu tiên xây dựng và cải tạo các cơ sở hạ tầng văn hóa như nhà hát, trung tâm nghệ thuật và không gian sáng tạo. Các công trình này cần được thiết kế và xây dựng theo hướng hiện đại, thân thiện với cộng đồng, đồng thời bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.
Song song đó, nên có các chính sách hỗ trợ về thuế, tài chính và các nguồn vốn đầu tư để các doanh nghiệp văn hóa nhỏ và vừa phát triển. Ngoài ra, việc xây dựng các chương trình đào tạo về quản lý văn hóa, marketing văn hóa và kỹ năng kinh doanh cho các doanh nghiệp trong ngành cũng là điều cần thiết.
“Thành phố cũng nên quy hoạch các khu vực sáng tạo như khu phố nghệ thuật, chợ văn hóa hoặc phố đi bộ để tạo không gian cho các nghệ sĩ và nhà sáng tạo thể hiện tài năng. Những khu vực này có thể là điểm đến văn hóa hấp dẫn, thu hút người dân địa phương và du khách. Hơn nữa, tăng cường hợp tác với những tổ chức văn hóa quốc tế, thành phố kết nghĩa và các quốc gia có nền công nghiệp văn hóa phát triển là điều nên làm. Những mối quan hệ này không chỉ mang lại cơ hội trao đổi văn hóa mà còn giúp TPHCM tiếp cận với các phương pháp và công nghệ mới trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa”, TS Nhựt nói.
Ông Nhựt cho biết thêm, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sẽ giúp Việt Nam tái cơ cấu mô hình tăng trưởng, tạo ra những sản phẩm - dịch vụ văn hóa có tính cạnh tranh cao, tạo thêm công ăn việc làm ổn định, đóng góp tích cực cho nền kinh tế, góp phần mang văn hóa Việt Nam ra với thế giới, phát huy nội lực, quảng bá hình ảnh đất nước. Trong thời đại của kinh tế tri thức và công nghệ thông tin, công nghiệp văn hóa có khả năng biến văn hóa trở thành bộ phận quan trọng của thương mại và cạnh tranh quốc tế, từ đó giúp Việt Nam xây dựng được một nền kinh tế linh động, hài hòa, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc vào trong công cuộc xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước.
“Thành công nhất của điện ảnh TPHCM trong thời gian qua là phát huy tốt nguồn lực xã hội hóa, nhiều hãng phim và cơ sở sản xuất phim tư nhân ra đời, hoạt động hiệu quả. Liên hoan Phim quốc tế TPHCM lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2024 với sức hút lớn từ các nhà làm phim quốc tế tên tuổi, số lượng phim tham gia lên đến hơn 400 phim từ các quốc gia trên thế giới” - Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy (Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM).
Thùy Linh