Phát triển đô thị di sản trong kỷ nguyên mới: Bước ngoặt của vùng đất cố đô

Phát triển đô thị di sản trong kỷ nguyên mới: Bước ngoặt của vùng đất cố đô
3 ngày trướcBài gốc
Di tích cố đô Huế đang sở hữu hệ thống di sản vật thể và phi vật thể quý giá và đồ sộ.
Đô thị Huế với trọng tâm phát huy di sản văn hóa vật thể và phi vật thể
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết thành lập Thành phố Huế (TP Huế) trực thuộc Trung ương. TP Huế sẽ bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số hơn 1,2 triệu người của tỉnh Thừa Thiên - Huế; với 2 quận, 3 thị xã, và 4 huyện.
Di tích cố đô Huế đang sở hữu hệ thống di sản vật thể và phi vật thể quý giá và đồ sộ. TP Huế được thành lập với nhiệm vụ trọng tâm để bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc cố đô và di sản văn hóa vật thể đã được UNESCO công nhận, chú trọng nhiều hơn cho việc bảo đảm chất lượng và tính bền vững trong phát triển đô thị. Huế có vai trò kết nối 3 miền Bắc - Trung - Nam; là nơi có bề dày về lịch sử, văn hóa được hình thành và phát triển qua dòng chảy gần 720 năm của vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế, chứa đựng tinh hoa, giá trị biểu trưng trí tuệ và văn minh của dân tộc Việt Nam. Nơi đây từng là kinh đô của triều đại Tây Sơn (1788 - 1801) và cũng là nơi đóng đô của triều Nguyễn trong suốt 143 năm (1802 - 1945).
Đến nay, Thừa Thiên - Huế là địa phương duy nhất trong cả nước đang sở hữu 8 di sản văn hóa được UNESCO công nhận là di sản thế giới và di sản khu vực, trong đó có 6 di sản của riêng Huế. Đó là, quần thể Di tích Cố đô Huế được công nhận vào năm 1993, Âm nhạc cung đình Việt Nam - Nhã nhạc (2003), Mộc bản triều Nguyễn (2009), Châu bản triều Nguyễn (2014), Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016) và những bản đúc nổi trên Cửu Đỉnh (2024). Hai di sản chung với các địa phương khác, là di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ (2016) và Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ (2017)…
Đô thị Huế thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố con người, kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên, cùng với nhiều loại hình nghệ thuật, lễ hội, ẩm thực cung đình, dân gian, truyền thống được khôi phục và phát huy giá trị. Do đó, Huế còn được biết đến là thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, thành phố văn hóa ASEAN, thành phố bền vững môi trường ASEAN, thành phố du lịch sạch ASEAN, thành phố xanh quốc gia…
Sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương, thành phố sẽ triển khai nghiên cứu, đề xuất tổ chức chính quyền đô thị, phù hợp với đặc điểm, tính chất của đô thị loại I cấp quốc gia. Đây là sự kiện đánh dấu bước ngoặt quan trọng đối với lịch sử của vùng đất Cố đô Huế, mở ra một trang phát triển mới của địa phương trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Hoa Lư hướng tới đô thị di sản thiên niên kỷ
Theo Quyết định số 1516/QĐ-TTg ngày 05/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ, khu vực dự kiến thành lập Thành phố Hoa Lư (TP Hoa Lư), trực thuộc tỉnh Ninh Bình đạt tiêu chí đô thị loại I sẽ có tổng diện tích 150,24 km2; bao gồm toàn bộ địa giới hành chính Thành phố Ninh Bình hiện hữu với diện tích 46,75 km2 và huyện Hoa Lư hiện hữu với diện tích 103,49 km2. Cũng tại phiên họp thứ 40, ngày 10/12/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023 - 2025, trong đó có thành lập TP Hoa Lư mới.
Quần thể danh thắng Tràng An.
Nhìn về lịch sử, có thể thấy, TP Hoa Lư lưu giữ nhiều dấu ấn của con người từ thời tiền sử đến ngày nay. Thế kỷ X, Hoa Lư được chọn làm kinh đô của Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên của Việt Nam với sứ mệnh củng cố nền độc lập, xác lập chủ quyền quốc gia đầy đủ, nâng tầm vị thế đất nước, phục hưng dân tộc sau ngàn năm Bắc thuộc, tạo nền tảng cho định đô Thăng Long - Hà Nội; mở ra nền văn minh Đại Việt, gắn liền với sự nghiệp của 6 vị vua thuộc 3 triều đại là nhà Đinh - Tiền Lê và nhà Lý.
Đặc biệt, đến thời điểm này, Ninh Bình là địa phương duy nhất của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á sở hữu “Di sản kép” văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An. TP Hoa Lư có nhiều công trình di tích, lịch sử văn hóa, trong đó có 3 công trình được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt, gồm: Di tích lịch sử và kiến trúc Nghệ thuật Cố đô Hoa Lư; Danh lam thắng cảnh Tràng An - Tam Cốc - Bích Động và Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh núi Non Nước.
Theo đại diện UBND TP Ninh Bình, việc hợp nhất TP Ninh Bình và huyện Hoa Lư để thành lập TP Hoa Lư nhằm tiếp nối truyền thống lịch sử lâu đời của vùng đất Cố đô; tạo nên lợi thế và giá trị đặc biệt cho phát triển kinh tế đô thị và xây dựng hình ảnh đô thị gắn với Quần thể danh thắng Tràng An. Đây là bước đệm trong quá trình xây dựng đô thị Hoa Lư trở thành “Đô thị Di sản thiên niên kỷ” văn minh, hiện đại hàng đầu của cả nước, có tầm vóc quốc tế và đảm bảo theo các Quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Gìn giữ và phát triển đô thị di sản trong bối cảnh hiện đại
Có thể thấy, các đô thị di sản đều sở hữu những giá trị nổi bật; là nơi bảo tồn rất nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, từ các công trình kiến trúc cổ đến các truyền thống văn hóa dân gian, lễ hội, nghề thủ công, ẩm thực đặc sắc. Những giá trị này tạo nên sức hấp dẫn lớn đối với du khách trong và ngoài nước khiến cho đô thị di sản có tiềm năng lớn trong phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch văn hóa. Thành phố như Hội An, Huế, Ninh Bình… đã chứng minh rằng việc phát triển du lịch văn hóa không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế mà còn giúp bảo tồn các giá trị di sản.
Việc phát triển đô thị di sản đồng nghĩa với việc bảo tồn và phát huy những nét văn hóa đặc trưng.
Bên cạnh đó, đô thị di sản là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa đặc trưng, qua đó tạo dựng một bản sắc riêng biệt cho cộng đồng. Việc phát triển đô thị di sản đồng nghĩa với việc bảo tồn và phát huy những nét văn hóa này, tạo ra một kết nối mạnh mẽ giữa quá khứ và hiện tại. Các đô thị di sản có tiềm năng phát triển nền kinh tế dựa trên các ngành công nghiệp sáng tạo, dịch vụ du lịch, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, ẩm thực…
Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của đô thị hóa, toàn cầu hóa và những thách thức từ biến đổi khí hậu, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản đòi hỏi phải có những giải pháp mang tính chiến lược và toàn diện hơn. Việc Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được thông qua là một bước tiến lớn để tháo gỡ các khó khăn về thể chế, đồng thời tạo hành lang pháp lý hiện đại và linh hoạt hơn; đưa công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản lên một tầm cao mới, đóng góp thiết thực vào sự phát triển bền vững và nâng cao vị thế văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế.
Ngọc Hà
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.com.vn/phat-trien-do-thi-di-san-trong-ky-nguyen-moi-buoc-ngoat-cua-vung-dat-co-do-392082.html