Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh; lãnh đạo các địa phương và các chủ cơ sở du lịch, điểm du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Quang cảnh hội thảo.
Thiếu sản phẩm chất lượng cao phục vụ du khách
Ông Đặng Quốc Hùng, Quyền Chi cục Phát triển Nông thôn (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho rằng việc phát triển sản phẩm OCOP thành sản phẩm quà tặng du lịch vẫn còn những khó khăn nhất định. Nhiều sản phẩm còn trùng lắp, chất lượng chưa đồng đều, mẫu mã bao bì chưa đầu tư đúng mức và thị trường tiêu thụ vẫn chưa rộng mở…
Theo ông Dương Tuấn Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao, quá trình đô thị hóa ở các điểm du lịch cộng đồng, kéo theo đó vùng đồng bào dân tộc thiểu số sẽ mất đi không gian văn hóa, bản sắc. Điều này ảnh hưởng đến quá trình hình thành, tạo ra các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng, đặc sắc.
Chị Vàng Thị Thông, xã Bản Liền thì chia sẻ hiện nay tại Bản Liền nhiều hộ dân đã biết giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, quay trở lại với việc ở nhà sàn và nhà lợp mái cỏ. Tuy nhiên, vẫn còn chưa tiếp cận được nhiều với du khách, một phần cho giao thông khó khăn, di chuyển xa.
Khách du lịch mua sản phẩm lưu niệm tại chợ phiên Cốc Ly.
Theo đánh giá của Sở Du lịch, hiện nay, loại hình du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn chủ yếu dừng lại ở các tài liệu nghiên cứu, tham khảo, chưa được quy định tại Luật Du lịch và các văn bản hướng dẫn. Chưa có tiêu chí về công nhận điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn để các địa phương có căn cứ xây dựng, công nhận các điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn. Hầu hết các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn mới chỉ khai thác dịch vụ ăn, nghỉ và biểu diễn văn nghệ phục vụ khách du lịch mà thiếu các hoạt động thu hút và kéo dài thời gian lưu trú của du khách tại địa phương.
Các nghề thủ công truyền thống mặc dù bước đầu được khai thác phục vụ du lịch nhưng mới chỉ dừng lại ở những mô hình thí điểm nên chưa tạo được sức lan tỏa, vì vậy cần được đầu tư nhân rộng để cộng đồng các dân tộc thiểu số khác cũng có cơ hội tham gia và phát triển các ngành nghề truyền thống của mình, tạo sản phẩm, tăng thu nhập. Ngoài ra, vấn đề xử lý nước thải, rác thải, đặc biệt là nước thải và rác thải sinh hoạt tại các điểm du lịch chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường và gây ra phản cảm đối với du khách.
Hầu hết tuyến, điểm tham quan du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp chưa được đầu tư hoàn thiện hạ tầng du lịch thiết yếu theo quy định gây khó khăn cho du khách và các đơn vị lữ hành trong tiếp cận điểm đến và phục vụ du khách tại điểm đến.
Giá trị nông nghiệp bản địa, văn hóa truyền thống bản sắc, chuyên nghiệp chưa được nghiên cứu bài bản để tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao phục vụ du khách. Nhiều mô hình du lịch nông nghiệp đã được khai thác trong nhiều năm nhưng không được đầu tư làm mới, chủ yếu vẫn dựa vào môi trường sinh thái tự nhiên nên không còn hấp dẫn khách. Sản phẩm quà tặng hàng lưu niệm còn thiếu tính biểu trưng, có nhiều sản phẩm chưa rõ nguồn gốc, các sản phẩm của địa phương gặp phải sự cạnh tranh của các sản phẩm từ Trung Quốc.
Đổi mới, sáng tạo các sản phẩm du lịch
Ông Dương Tuấn Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao trao đổi một số nội dung nhằm khai thác di sản văn hóa phục vụ phát triển du lịch.
Theo ông Dương Tuấn Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao, muốn khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần tăng cường việc kết nối di sản văn hóa giữa các điểm du lịch cộng đồng, các thôn bản của mỗi dân tộc để tạo nên sự đa dạng cho điểm du lịch, các tour du lịch nhằm tránh sự nhàm chán. Không gian làng bản của đồng bào các dân tộc đều được tạo bởi rừng núi - làng bản - ruộng nương, do đó việc khai thác di sản văn hóa phục vụ phát triển du lịch rất cần gắn với môi trường sinh thái.
Đồng tình với quan điểm này, ông Phạm Văn Tâm, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bát Xát đề nghị cùng với tuyên truyền giữ gìn bản sắc văn hóa cần tăng cường quảng bá cho các sản phẩm du lịch nông thôn và quà tặng trên các nền tảng truyền thông, các sự kiện, hội chợ chuyên đề nhằm tạo cơ hội kết nối thị trường; có sự kết nối giữa các doanh nghiệp kinh doanh du lịch và các điểm du lịch nông thôn, các điểm, cửa hàng bày bán giới thiệu sản phẩm.
Các đại biểu trao đổi tại hội thảo.
Tại hội thảo, các đại biểu đều nhất trí cho rằng để nâng cao hiệu quả phát triển du lịch nông thôn và sản phẩm quà tặng du lịch tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần nâng cao vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư khu vực nông thôn trong phát triển du lịch nông thôn. Ưu tiên phát triển đồng bộ hệ thống điểm đến du lịch nông nghiệp, nông thôn từ cơ sở vật chất đến kỹ thuật, hạ tầng để đảm bảo điều kiện xây dựng sản phẩm du lịch hài hòa, phù hợp với điều kiện của từng vùng miền; khai thác các giá trị ưu thế nổi trội, khác biệt gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương; nghiên cứu gia tăng giá trị của các sản phẩm du lịch để giữ chân và thu hút chi tiêu, tiêu dùng từ du khách.
Cùng với đó, cần xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển du lịch nông thôn. Xây dựng cơ chế cho làng du lịch, giải quyết vướng mắc về cơ chế quản lý đất đai cho nông nghiệp, nông thôn. Xây dựng cơ chế, chính sách tác động vào việc cung cấp các yếu tố đầu vào sản phẩm du lịch; tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp đăng ký kinh doanh, vay vốn ngân hàng lãi suất thấp, những ưu đãi về thuế cho những hộ dân, doanh nghiệp tham gia loại hình du lịch nông thôn; cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp lữ hành đưa du khách về khu vực nông thôn; xây dựng bộ tiêu chuẩn công nhận, đánh giá chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch đặc trưng tại khu vực nông thôn, từ đó thống nhất cách thức quản lý, đẩy mạnh hợp tác kinh tế quốc tế, qua đó huy động vốn đầu tư nước ngoài vào hạ tầng cơ sở.
Ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Du lịch phát biểu tại hội thảo.
Ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Du lịch cho biết: Năm 2025, ngành du lịch Lào Cai đặt mục tiêu thu hút 10 triệu lượt khách, trong đó có 1 triệu lượt khách quốc tế. Để đạt mục tiêu này, bên cạnh việc khai thác hiệu quả tiềm năng vốn có về khí hậu, cảnh sắc thiên nhiên phải nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, trong đó có việc xây dựng các điểm du lịch nông thôn, thiết kế quà tặng, quà lưu niệm cho khách du lịch thực sự độc đáo. Thời gian qua, Sở Du lịch đã tham mưu cho tỉnh một số định hướng, giải pháp phát triển du lịch nông thôn và sản phẩm du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số từ bảo tồn di sản văn hóa du lịch, đa dạng hóa sản phẩm, đào tạo nguồn nhân lực, ưu tiên nguồn lực đầu tư… Ngành du lịch rất cần sự chung tay của các địa phương, các doanh nghiệp, cơ sở du lịch, người dân để thực hiện hiệu quả các giải pháp đã đề ra.
Ông Đặng Quốc Hùng, quyền Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn: "Tăng cường đầu tư công nghệ chế biến, bảo quản để nâng cao chất lượng sản phẩm"
Để phát triển sản phẩm OCOP phục vụ du lịch cần nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường đầu tư vào công nghệ chế biến và bảo quản. Việc xây dựng câu chuyện sản phẩm kết hợp yếu tố văn hóa và lịch sử sẽ tăng giá trị trải nghiệm cho du khách. Cùng với đó, các địa phương cần chú trọng quảng bá, xúc tiến thương mại thông qua các kênh trực tuyến và các doanh nghiệp lữ hành. Tổ chức hội chợ, triển lãm sản phẩm OCOP và du lịch địa phương sẽ tăng cường nhận diện thương hiệu. Ngoài ra, phát triển hệ sinh thái du lịch kết hợp OCOP là hướng đi rất được kỳ vọng. Việc tổ chức các tour du lịch trải nghiệm, nơi du khách được tham gia chế tác sản phẩm OCOP sẽ mang đến những trải nghiệm độc đáo. Kết hợp với các lễ hội truyền thống của địa phương còn giúp gia tăng độ hấp dẫn của du khách.
Ông Đỗ Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa: "Cần có chuyên gia hỗ trợ thiết kế sản phẩm lưu niệm"
Cần có cơ chế hỗ trợ chuyên gia (các nhà thiết kế và nghệ nhân) để sáng tạo thêm nhiều sản phẩm độc đáo, kết hợp yếu tố văn hóa bản địa và xu hướng hiện đại, mang tính ứng dụng cao, phù hợp với nhu cầu của du khách trong nước và quốc tế.
Đồng thời, có chính sách hỗ trợ đầu tư vào bao bì, nhãn hiệu và câu chuyện sản phẩm để thu hút khách hàng, đặc biệt là khách quốc tế. Xây dựng các điểm đến làng nghề để khách tham quan quy trình làm quà tặng như dệt thổ cẩm, làm đồ thủ công, từ đó tạo ra trải nghiệm độc đáo. Xây dựng kênh phân phối ổn định qua các cửa hàng quà tặng, sàn thương mại điện tử và các sự kiện hội chợ du lịch.
Anh Ly Xá Xuy, chủ cơ sở Y Tý Clouds: "Lắng nghe góp ý của du khách để cải thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm"
Ngoài khí hậu, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp thì giá trị lớn nhất của Y Tý là con người, là bản sắc văn hóa. Trong quá trình làm du lịch, chúng tôi luôn tuyên truyền, vận động cộng đồng các dân tộc nơi đây giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, như vậy mới tạo được nét riêng biệt, thu hút du khách đến nơi đây.
Chúng tôi mong muốn tiếp cận nhiều du khách đến với Y Tý bởi chính du khách sau khi tham quan, cảm nhận sẽ có những góp ý để người làm du lịch cải thiện sản phẩm tốt hơn. Đồng thời, khi người dân nơi đây được gặp gỡ, tiếp xúc với lượng khách lớn, biết và hiểu được nhu cầu thực sự của du khách, bà con sẽ thay đổi nhận thức để nâng cao chất lượng dịch vụ và sản phẩm du lịch.
Mạnh Dũng - Hoàng Thu
Nguồn Lào Cai : https://baolaocai.vn/phat-trien-du-lich-nong-thon-va-san-pham-qua-tang-du-lich-tai-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-post394879.html