Phát triển găng tay phục hồi chức năng thông minh

Phát triển găng tay phục hồi chức năng thông minh
6 giờ trướcBài gốc
Khởi đầu từ nhu cầu thực tiễn
Thực hiện dự án là nhóm sinh viên khoa Kỹ thuật Y Sinh: Nguyễn Xuân Dũng, Tạ Minh Trí, Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Trần Xuân Bách, Nguyễn Nhật Minh.
Chia sẻ về động lực phát triển dự án, nhóm cho biết, phục hồi chức năng bàn tay là một nhu cầu lớn sau đột quỵ, tai nạn hoặc viêm khớp, nhưng hiện nay đa số thiết bị hỗ trợ có giá thành cao, chủ yếu phải nhập khẩu. ‘IphysioCare’ ra đời với mục tiêu tạo ra một thiết bị phục hồi chức năng thông minh, dễ tiếp cận và chi phí hợp lý dành cho người Việt.
Tạ Minh Trí (thành viên nhóm) cho biết: “Chúng mình mong muốn tạo ra một thiết bị vừa hiệu quả, vừa dễ tiếp cận, giúp bệnh nhân chủ động hơn trong hành trình phục hồi. Đây cũng là cách nhóm mình áp dụng kiến thức Kỹ thuật Y Sinh vào giải quyết vấn đề xã hội”.
Nhóm sinh viên thực hiện dự án.
Hệ thống ‘IphysioCare’ gồm hai phần chính: Găng tay robot mềm sử dụng truyền động khí nén hỗ trợ cử động các ngón tay, tích hợp cảm biến điện cơ (EMG), cảm biến gia tốc và áp suất; cùng ứng dụng di động kết nối Bluetooth giúp lưu trữ, phân tích và chia sẻ dữ liệu phục hồi với bác sĩ từ xa. AI được tích hợp trong hệ thống giúp cá nhân hóa bài tập dựa trên tình trạng cơ của từng bệnh nhân. Điểm nổi bật của 'IPhysioCare' là khả năng phân tích và mô phỏng chuyển động qua liệu pháp gương (Mirror Therapy), một phương pháp tiên tiến thường chỉ xuất hiện trong các thiết bị trị liệu cao cấp.
Nguyễn Xuân Dũng (trưởng nhóm) chia sẻ: “Đây là thời điểm thích hợp để triển khai ‘IphysioCare’ vì tỷ lệ người cần phục hồi chức năng đang tăng nhanh, đặc biệt ở người cao tuổi. Bên cạnh đó, Việt Nam đang thiếu hụt nhân lực y tế, đặc biệt trong lĩnh vực vật lý trị liệu”.
Hành trình vượt khó
Theo chia sẻ từ nhóm, thách thức lớn nhất trong quá trình phát triển dự án là phải đồng thời xử lý ba yếu tố phức tạp: thiết kế phần cứng, lập trình phần mềm và đảm bảo độ chính xác về mặt y học.
Nguyễn Thị Quỳnh Nga (thành viên nhóm) cho biết: “Vì là sinh viên nên nhóm còn gặp nhiều khó khăn về tài chính, thiết bị nghiên cứu và thời gian. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ từ các giảng viên khoa Kỹ thuật Y Sinh và cố vấn chuyên môn là các bác sĩ vật lý trị liệu giúp nhóm hiểu rõ hơn về phác đồ phục hồi và nhu cầu thực tế của bệnh nhân”.
Dự án giành Huy chương Bạc tại Giải thưởng ‘Thiết kế, Chế tạo, Ứng dụng 2025’.
Dự án đã trải qua quá trình thử nghiệm mô phỏng và thử nghiệm thực tế trên một số người dùng tình nguyện trong môi trường được kiểm soát. Kết quả ban đầu khá tích cực. Các cảm biến hoạt động ổn định, thiết bị dễ sử dụng và cho phản hồi nhanh.
Từ những góp ý thực tế của người dùng thử, nhóm đã nhanh chóng tiếp thu và tiến hành nâng cấp, cải tiến phiên bản hiện tại để thiết bị ngày càng hoàn thiện hơn. Dự án đã nhận được nhiều sự ghi nhận và đánh giá tích cực từ giới chuyên môn.
Nhóm hiện đang hoàn thiện hồ sơ sáng chế, chứng nhận y tế và tìm kiếm đối tác để thương mại hóa sản phẩm trong thời gian tới.
“Không dừng lại ở bàn tay, dự án 'IPhysioCare' đã có kế hoạch mở rộng giải pháp ra toàn bộ chi trên như cổ tay, khuỷu tay và cả chi dưới trong tương lai. Việc xây dựng các mô-đun độc lập nhưng đồng bộ dữ liệu sẽ tạo nên một hệ sinh thái phục hồi chức năng toàn diện và thông minh”, Trần Xuân Bách (thành viên nhóm) cho biết.
Tú Anh
Nguồn SVVN : https://svvn.tienphong.vn/phat-trien-gang-tay-phuc-hoi-chuc-nang-thong-minh-post1744023.tpo