- Những năm gần đây, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Thành viên HTX dịch vụ, sản xuất nông, lâm nghiệp, cây ăn quả xã Yên Vượng, huyện Hữu Lũng ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số vào khâu chăm sóc cây na
Hiện trên địa bàn tỉnh có 466 HTX đang hoạt động. Trong những năm qua, nhiều HTX đã nỗ lực, chủ động triển khai các giải pháp để vươn lên phát triển, điển hình trong đó là việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Được thành lập cuối năm 2020, HTX Chế biến nông sản Lụa Vy, xã Quan Sơn, huyện Chi Lăng hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh các loại trà như diếp cá, xạ đen, ổi rừng... Bà Vi Thị Lụa, Giám đốc HTX cho biết: Thời điểm đầu đi vào hoạt động, HTX bị ảnh hưởng thiên tai, dịch COVID-19. Trước thực tế đó, HTX đã chủ động tìm tòi, ứng dụng công nghệ để tổ chức quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm của HTX trên các sàn thương mại điện tử, các nền tảng mạng xã hội như tiktok, zalo, facebook, youtube... giúp người tiêu dùng được xem quy trình sản xuất, kinh doanh sản phẩm trà của HTX và dần tin tưởng sử dụng sản phẩm của đơn vị. Nhờ vậy, hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX từng bước ổn định. Năm 2024, doanh thu của HTX đạt khoảng 2 tỷ đồng, tăng 1,6 tỷ đồng so với năm 2021; HTX tạo việc làm cho 4 lao động thường xuyên với thu nhập 7,5 triệu đồng/người/tháng và 20 lao động thời vụ.
Tương tự, HTX Sản xuất dịch vụ nông lâm sản Bản Quyền Tràng Định (xã Đề Thám, huyện Tràng Định) cũng đã ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số vào hoạt động kinh doanh. Bà Trần Thị Thu Lan, Giám đốc HTX cho biết: HTX được thành lập năm 2021 với sản phẩm chính của HTX là các loại trà, gối dược liệu, muối ngâm chân... Khi mới đưa ra thị trường, các sản phẩm này còn khá mới mẻ với nhiều người tiêu dùng, chính vì vậy HTX đã chủ động đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, xây dựng các kênh quảng bá trên nền tảng mạng xã hội... Từ việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số đã góp phần giúp HTX từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Năm 2024, doanh thu của HTX đạt 2,5 tỷ đồng, tăng 2 tỷ đồng so với năm 2022; HTX tạo việc làm cho 25 thành viên và người lao động với thu nhập bình quân đạt 8 triệu đồng/người/tháng.
Bên cạnh 2 HTX kể trên, những năm qua, khoảng 40% số HTX đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng chuyển đổi số vào một số khâu sản xuất, kinh doanh. Phần lớn các HTX ứng dụng chuyển đổi số trong khâu quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm trên các nền tảng số; một số HTX đã ứng dụng chuyển đổi số trong khâu kế toán và một phần trong khâu sản xuất...
Cùng với sự chủ động của các HTX, các cấp, ngành liên quan đã triển khai những giải pháp để đồng hành, hỗ trợ HTX chuyển đổi số. Ông Liễu Xuân Du, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Để đánh giá thực trạng và đưa ra các giải pháp hỗ trợ các HTX, năm 2024, Liên minh HTX tỉnh đã tổ chức khảo sát mức độ chuyển đổi số và khả năng tiếp cận ứng dụng thương mại điện tử của HTX và các thành viên HTX. Kết quả có 73% số HTX, thành viên sẵn sàng tiếp cận và tham gia vào quá trình chuyển đổi số và thương mại điện tử; 53% HTX có máy tính kết nối mạng internet...
Từ năm 2024 đến nay, Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp với Viện Khoa học công nghệ và Môi trường (thuộc Liên minh HTX Việt Nam) tổ chức 5 lớp tập huấn cho 260 thành viên các HTX, tổ hợp tác với các nội dung liên quan đến chuyển đổi số, các giải pháp ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, từ năm 2022 đến nay, bình quân mỗi năm, các cấp, ngành liên quan tổ chức 5-6 lớp tập huấn liên quan đến phát triển kinh tế hợp tác, trong đó có nội dung liên quan đến chuyển đổi số, thương mại điện tử.
Sự chủ động của các HTX và sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành liên quan đã giúp các HTX từng bước tiếp cận và ứng dụng chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Năm 2024, doanh thu bình quân của HTX trên địa bàn tỉnh đạt 1,35 tỷ đồng/HTX, tăng 22,7%; thu nhập bình quân của thành viên và người lao động trong HTX đạt 4-8 triệu đồng/người/tháng, tăng 30% so với năm 2021.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế như cơ sở hạ tầng công nghệ của HTX chưa đáp ứng yêu cầu; trình độ, kỹ năng của lãnh đạo, thành viên HTX còn hạn chế... Vì vậy, bên cạnh sự chủ động của mình, các HTX rất cần sự đồng hành, hỗ trợ của các cấp, ngành liên quan để giúp các HTX có thêm điều kiện ứng dụng một cách toàn diện, rõ nét chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đó tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động.
TÂN AN