Trước thời điểm sáp nhập vào tỉnh Vĩnh Long mới, Liên minh HTX tỉnh Trà Vinh cho biết trong thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh đã hỗ trợ củng cố, mở rộng và phát triển kinh tế tập thể trong các ngành, lĩnh vực, khuyến khích phát triển HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng các mô hình HTX kiểu mới, nhiều mô hình hoạt động hiệu quả, trở thành "điểm sáng" tại địa phương.
Sản xuất có hiệu quả
Theo ông Kim Minh Tuấn, Giám đốc HTX nông nghiệp Rạch Lọp, hoạt động của HTX không chỉ liên doanh, liên kết để tiêu thụ sản phảm nông nghiệp cho người dân, mà còn thực hiện các mô hình sản xuất có hiệu quả và phát triển thêm các dịch vụ cung cấp vật tư nông nghiệp, thủy lợi, khai thác quản lý chợ, dịch vụ đời sống, tín dụng nội bộ, vệ sinh môi trường, xây dựng dân dụng, giao thông, hạ tầng kỹ thuật và khai thác các dịch vụ khác…
Đến nay, HTX đã xây dựng nhãn hiệu “Gạo Rạch Lọp - Tiểu Cần” đạt OCOP 4 sao. Sản lượng lúa của HTX cung cấp ra thị trường từ 1.500 - 1.800 tấn/năm. Nhờ bán trực tiếp cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu nên giá luôn cao hơn thị trường từ 20 - 50 đồng/kg lúa thương phẩm, giúp nông dân an tâm sản xuất.
Bên cạnh đó, HTX liên kết với các doanh nghiệp cung ứng đầu vào như: giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để cung ứng cho thành viên, giúp thành viên tiếp cận nguồn đầu vào chất lượng, giá hợp lý.
Hàng năm, HTX tạo thu nhập tăng thêm cho thành viên từ 500 - 750 triệu đồng. Hiện nay, HTX đang liên kết và tiêu thụ từ 200 - 300 trái dừa sáp/tháng với 10ha của các thành viên và nông dân, giá thu mua 90.000 đồng/trái.
Tương tự, HTX Nông nghiệp Thông Hòa đang trở thành ví dụ điển hình về sự phát triển bền vững trong nông nghiệp cộng đồng, tạo ra một môi trường làm việc hiệu quả, mang lại lợi ích kinh tế và cải thiện chất lượng cuộc sống cho các thành viên.
HTX Nông nghiệp Thông Hòa giới thiệu sản phẩm.
Đến nay, HTX có gần 70 thành viên, mỗi năm cung cấp đến 25 nghìn tấn trái cây sạch cho thị trường trong nước và quốc tế.
Ông Trần Thanh Phương, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thông Hòa cho biết, địa phương có thế mạnh về cây ăn trái. Tuy nhiên, trước đây, bà con nông dân đã trải qua nhiều khó khăn với tình trạng không ổn định về giá cả và đầu ra. Điều này đã thúc đẩy ban lãnh đạo HTX nỗ lực để xây dựng và phát triển HTX lớn mạnh như hiện nay.
“HTX đã ra đời và tạo mạng lưới kết nối nông sản trong địa phương và các vùng lân cận, nhằm tiếp cận thị trường miền Bắc và nước ngoài. Hiện tại, thế mạnh của chúng tôi tập trung vào các loại trái cây như cam, bưởi, dừa, mít, sầu riêng... Đặc biệt, chúng tôi đã được cấp mã cho hàng trăm héc ta cây ăn trái, đáp ứng đủ điều kiện để xuất khẩu quốc tế”, ông Phương cho hay.
Có thể thấy, mô hình nông nghiệp cộng đồng tại nhiều địa phương đang khẳng định vai trò quan trọng trong việc nâng cao thu nhập, tạo việc làm và phát triển kinh tế - xã hội. Các thành công của HTX nông nghiệp Thông Hòa hay HTX nông nghiệp Rạch Lọp đã truyền cảm hứng và khích lệ cho nhiều nông dân khác trong việc chuyển đổi cây trồng và khám phá các cơ hội xuất khẩu.
Độc đáo mô hình ‘HTX Sinh viên’ ở Trường Đại học Trà Vinh
HTX Sinh viên Trường Đại học Trà Vinh được thành lập vào tháng 6/2018 với phương châm “Lợi ích thành viên, lợi ích cộng đồng là trên hết”. Nhờ đó, HTX thu hút khá nhiều sinh viên, hiện có 557 thành viên. Khi tham gia góp vốn, các thành viên sẽ được giảm giá trực tiếp vào sản phẩm từ 5-15%/sản phẩm.
HTX đang thực hiện nhiều hoạt động kinh doanh, dịch vụ phục vụ đời sống, học tập thường ngày của các bạn sinh viên. Cụ thể như: dịch vụ liên kết tiêu thụ sản phẩm do sinh viên sản xuất và chế biến; kinh doanh tổng hợp; bán lẻ điện thoại, linh kiện, phụ kiện và trang trí điện thoại; chuyển phát nhanh; cho thuê xe du lịch. Dịch vụ nhượng quyền thương hiệu như: Gà rán Five star, bánh mì Má Hải. Năm 2024, HTX thành lập Công ty TNHH MTV Gosef để vận tải hành khách đường bộ.
HTX giải quyết việc làm bán thời gian cho hơn 70 sinh viên với mức thu nhập từ 500.000 đồng đến 3 triệu đồng/tháng. HTX Sinh viên đóng vai trò quan trọng trong việc bổ sung kiến thức thực tế, rèn luyện kỹ năng mềm và tạo môi trường phát triển toàn diện cho sinh viên, tạo cơ hội thực hành kiến thức áp dụng lý thuyết vào thực tế.
Thạch Thị Hoàng Oanh, sinh viên năm cuối ngành Kế toán chia sẻ, em đóng góp 200.000 đồng để trở thành thành viên HTX. Tranh thủ thời gian rảnh, Oanh làm nhân viên phụ trách bán bánh mì Má Hải, mỗi tháng có thêm thu nhập trên 1 triệu đồng, đủ để mua sắm dụng cụ học tập. Đây là một sự trải nghiệm rất ý nghĩa với em, vừa nâng cao kỹ năng bán hàng, kỹ năng làm việc nhóm, vừa thực hành những kiến thức đã học.
Mô hình ‘HTX Sinh viên’ ở Trường Đại học Trà Vinh giải quyết việc làm bán thời gian cho hơn 70 sinh viên với mức thu nhập từ 500.000 đồng đến 3 triệu đồng/tháng.
Theo anh Nguyễn Thái An, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Sinh viên Trường Đại học Trà Vinh, nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên để thực hiện các hoạt động, HTX đã chủ động tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng do Liên minh HTX tỉnh Trà Vinh và các cơ quan ban ngành tổ chức ở các lĩnh vực: quản lý, kiểm soát, kiểm toán, nghiệp vụ kế toán, tập huấn nghiệp vụ cho Ban kiểm soát, bồi dưỡng kiến thức bán hàng qua mạng, tập huấn kỹ năng chụp ảnh quảng bá sản phẩm.
Nguyễn Thị Kim Ngân, sinh viên năm thứ 3, ngành Ngôn ngữ Trung Quốc - Phó Giám đốc HTX Sinh viên cho biết: “Sinh viên có cơ hội đảm nhận các vị trí lãnh đạo trong HTX, từ đó rèn luyện kỹ năng ra quyết định, quản lý và truyền cảm hứng. Việc tiếp xúc với khách hàng, đối tác giúp nâng cao khả năng giao tiếp, thuyết trình, đàm phán, giải quyết vấn đề”.
Khu vực kinh tế tập thể có nhiều điểm sáng
Có thể khẳng định các HTX hoạt động hiệu quả giúp tăng lợi nhuận đáng kể cho thành viên, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn (đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số), góp phần thực hiện thành công các Chương trình mục tiêu quốc gia đang được triển khai, trong đó có mục tiêu xóa đói giảm nghèo hiệu quả. Trong đó, nhiều HTX đã làm tốt việc tổ chức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nên giá trị nông sản tăng đáng kể, mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân và giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn địa phương.
Năm 2024, toàn tỉnh Trà Vinh giảm 923 hộ nghèo, hộ nghèo đa chiều (0,32%), vượt 0,02% chỉ tiêu nghị quyết năm 2024. Hiện còn 2.493 hộ nghèo, chiếm 0,87% so với tổng số dân cư (1.983 hộ nghèo không có khả năng lao động, chiếm 79,45% so với tổng số hộ nghèo), còn 5.312 hộ cận nghèo, chiếm 1,84% (1.747 hộ cận nghèo không có khả năng lao động, chiếm 32,89% so với tổng số hộ cận nghèo).
Theo kế hoạch giảm nghèo năm 2025 đã được đề ra, tỉnh Trà Vinh đặt mục tiêu phấn đấu giảm 433 hộ nghèo và 1.400 hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia.
Để hoàn thành mục tiêu trên, tỉnh Trà Vinh (cũ) và tỉnh Vĩnh Long mới sẽ phát huy vai trò nòng cốt của các HTX và tổ hợp tác trong xây dựng và phát triển kinh tế tập thể. Thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh, HTX, quỹ tín dụng nhân dân thành viên cần tập trung thực hiện một số nội dung: phối hợp triển khai đồng bộ có hiệu quả các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX; nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ, phát triển HTX phù hợp trong từng giai đoạn cụ thể.
Đồng thời, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ phát triển HTX. Phối hợp đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại; hỗ trợ giới thiệu sản phẩm, tạo đầu ra gắn với tiêu thụ sản phẩm của HTX. Hỗ trợ, vận động các HTX ứng dụng thương mại điện tử, chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh; chủ động chuyển đổi hình thức bán hàng trực tiếp sang trực tuyến, đẩy mạnh xúc tiến thương mại thị trường xuất khẩu. Kịp thời điều chỉnh bổ sung, mở rộng Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX, tạo điều kiện vay vốn đối với các HTX.
Huyền Mi