Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam.
Phóng viên: Để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế biển An Giang trở thành trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia vào năm 2030, theo ông, định hướng phát triển cần quan tâm điều gì?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi: Các định hướng và giải pháp phát triển kinh tế biển tỉnh An Giang đã được ghi trong quy hoạch tỉnh Kiên Giang (trước hợp nhất) giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và đã được Thủ tướng phê duyệt. Do hợp nhất các đơn vị hành chính theo đơn vị lãnh thổ mới, đã thay đổi từ ngày 1/7/2025 nên việc đầu tiên phải ưu tiên rà soát quy hoạch nói trên, song song với xây dựng và hoàn thiện Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang nhiệm kỳ 2025-2030.
Vì thời gian cán mốc 2030 không còn nhiều, nên bên cạnh bảo đảm tiến độ, việc điều chỉnh văn kiện đại hội và quy hoạch liên quan đến vấn đề biển, đảo và kinh tế biển phải bảo đảm tính khả thi và hiệu quả theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững.
Trong quá trình điều chỉnh như vậy, phần liên quan đến phát triển kinh tế biển theo hướng xanh và bền vững cần lưu ý tham khảo 6 yêu cầu, tương ứng với 6 động từ hành động: (1) Duy trì được nguồn vốn tự nhiên biển; (2) Bảo tồn được thiên nhiên biển, bao gồm các cảnh quan biển; (3) Bảo vệ được môi trường biển khỏi ô nhiễm và suy thoái; (4) Phát triển kinh tế biển hiệu quả, hài hòa lợi ích; (5) Thực thi nghiêm túc pháp luật về biển và kinh tế biển; (6) Truyền thông kịp thời, thường xuyên để chuyển tải các thông điệp hay, đúng và đầy cảm hứng cho các tầng lớp trong xã hội hiểu và cùng hành động.
Để phát triển bền vững kinh tế biển nước ta, về nguyên tắc, cần chú ý điều chỉnh hài hòa các mối quan hệ giữa kinh tế biển với tài nguyên biển, kinh tế biển với môi trường biển, kinh tế biển với văn hóa - xã hội biển, kinh tế biển với quốc phòng - an ninh, kinh tế biển với đối ngoại biển, kinh tế biển với liên kết vùng và chuỗi giá trị chung.
Công nhân phân loại cá tại Cảng cá Tắc Cậu
Các mối quan hệ nhiều chiều như vậy cần được quán triệt trong quá trình điều chỉnh quy hoạch tỉnh và văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang dựa trên các quan điểm chủ đạo dưới đây:
(1) Phát triển bền vững kinh tế biển nước ta phải gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển.
(2) Phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; bảo đảm hài hòa giữa các hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, giữa bảo tồn và phát triển; phát huy tiềm năng, lợi thế của biển, tạo động lực phát triển kinh tế đất nước.
(3) Giữ gìn giá trị, phát huy truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa biển đi đôi với xây dựng xã hội gắn kết, thân thiện với biển; bảo đảm quyền tham gia, hưởng lợi và trách nhiệm của người dân đối với phát triển bền vững kinh tế biển trên cơ sở tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.
(4) Tăng cường quản lý tổng hợp, thống nhất về biển, đảo, bao gồm tài nguyên và môi trường biển; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Gắn bảo vệ môi trường biển với phòng ngừa, ngăn chặn ô nhiễm, sự cố môi trường.
(5) Lấy khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại và nguồn nhân lực chất lượng cao làm nhân tố đột phá cho phát triển bền vững kinh tế biển. Chủ động, nâng cao hiệu quả hội nhập, hợp tác quốc tế, ưu tiên thu hút các nhà đầu tư chiến lược hàng đầu thế giới có công nghệ nguồn, trình độ quản lý tiên tiến trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Phóng viên: Theo ông, giải pháp nào cần quan tâm thực hiện?
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi: Đối với tỉnh An Giang, hợp nhất tỉnh chính là hợp nhất các nguồn lực và tạo cơ hội tăng cường các mối liên kết không gian lãnh thổ, liên kết và phối hợp ngành, liên kết theo chuỗi giá trị cốt lõi, cho nên cần đặt nhiệm vụ tổ chức lại không gian phát triển kinh tế biển (vùng ven biển, biển và hải đảo) trong bình đồ liên kết vùng mới, với các đơn vị hành chính mới trong toàn tỉnh An Giang.
Ngoài không gian vùng, hành lang ven biển, biển, đảo đã được xác định trong quy hoạch tỉnh, cần khôi phục và đầu tư nâng cấp tạo lợi ích kép (kinh tế và bảo vệ chủ quyền, gắn không gian nội địa với vùng ven biển) cho kênh Vĩnh Tế để tiếp nối bài học giữ nước và mở mang bờ cõi của tiền nhân. Theo đó, khôi phục và phát triển kéo dài tuyến kênh ra đến bờ biển Hà Tiên, xây dựng tuyến đường cao tốc song song với tuyến kênh ở phía Việt Nam với các khu đô thị sinh thái, thông minh. Có thể gọi đây là “tuyến kênh và đường di sản” để tôn vinh các giá trị lịch sử của con kênh, thoát lũ và thu hút dòng du khách mới theo tiếp cận "Từ Nguồn ra Biển” (from Source to Sea).
Nuôi cá lồng bè tại đặc khu Thổ Châu
Tiếp tục đầu tư toàn diện, hoàn thiện nâng cấp đồng bộ hệ thống hạ tầng cơ sở cho vùng ven biển, cho các đặc khu và cho các hoạt động trên biển. Trước hết là hạ tầng giao thông với các tuyến đường giao thông ven biển nối các khu đô thị ven biển, đường cao tốc kênh Vĩnh Tế, sân bay trên vùng đất tỉnh An Giang (trước hợp nhất), cảng biển gắn với logistics; các tuyến đường trên đảo và cảng biển lưỡng dụng ở các đặc khu Phú Quốc, Kiên Hải và Thổ Châu.
Nếu có điều kiện, xây dựng sân bay lên thẳng lưỡng dụng để phát triển du lịch thủy phi cơ ở các đặc khu. Ưu tiên phát triển sớm hạ tầng số tiên tiến để thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng AI trong quản lý, điều hành hiệu quả và trong khai thác, sử dụng biển, đảo vùng ven biển, đặc biệt tạo ra một “thế giới phẳng” trong liên kết vùng giữa bờ và biển với đặc khu.
Tiếp theo là hạ tầng xanh, nhấn mạnh đến phát triển “vành đai xanh ven biển” thông qua trồng và phục hồi các hệ sinh thái ven biển, bao gồm rừng ngập mặn và thảm rong tảo, cỏ biển. Phục hồi các rạn san hô và hệ sinh thái rừng trên đảo. Tăng cường diện tích đảo và biển được bảo tồn đến 2030 để thực hiện cam kết Net Zero vào năm 2030.
Tỉnh An Giang triển khai tốt hạ tầng xanh sẽ đem lại đa lợi ích là cách duy trì được nguồn vốn tự nhiên của biển, đảo; là cách tăng khả năng dự trữ CO, nhằm ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng; là bức tường tự nhiên chống xói lở bờ biển và bẫy lọc chất ô nhiễm; là giữ cho các loài thủy sản có ngôi nhà của mình và duy trì được cân bằng sinh thái trong toàn vùng biển, đảo; là cách bảo đảm an ninh phi truyền thống cho một vùng biển khó lường với an ninh truyền thống và là cách tỉnh thực hiện thành công các cam kết quốc tế trên địa bàn.
Ưu tiên phát triển các đô thị ven biển, trên đảo gắn với kinh tế đô thị theo hướng khu đô thị thông minh, đáng sống, quy mô vừa phải để dễ thu hút nhà đầu tư, hấp thụ dân số, hình thành các cực phát triển trong chuỗi liên kết với các tuyến lực là hệ thống hạ tầng cơ sở nói trên. Trong quá trình phát triển đô thị ven biển, hoạt động lấn biển có thể cần thiết, nhưng tuyệt đối phải giữ được tài nguyên và môi trường, là nguồn vốn tự nhiên cho tăng trưởng xanh.
Chuyển dịch cơ cấu ngành thủy sản theo hướng ưu tiên nuôi biển công nghệ kết hợp tạo lợi ích kép; phát triển nghề cá giải trí (câu cá giải trí, ngắm cá giải trí, đánh cá giải trí, nuôi xuất khẩu cá rạn san hô) gắn với du lịch. Xây dựng các biểu tượng văn hóa biển đậm chất An Giang ở các khu đô thị ven biển và trên đảo.
Ngăn chặn và sớm loại bỏ đánh bắt hải sản bất hợp pháp bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), ưu tiên các dự án chuyển đổi nghề cho ngư dân IUU, giảm cường lực đánh bắt và tổ chức lại nghề cá xa bờ, nếu có điều kiện chuẩn bị đội hình đánh cá viễn dương. Phát triển và thương mại giống thủy sản sạch bệnh và công nghệ bảo quản sau thu hoạch để duy trì chất lượng thủy sản ở cả khâu đầu vào và đầu ra. Tăng cường chế biến tạo giá trị gia tăng cho hàng hóa thủy sản, tiết kiệm nguồn lợi thủy sản.
Phát triển bước đầu dược liệu biển theo tiếp cận chuỗi, từ khâu nuôi trồng đến chế biến thực phẩm dinh dưỡng và thuốc chữa bệnh từ sản vật thủy sản và thương mại sản phẩm. Tiếp tục phát triển nghề nuôi trai ngọc, nuôi cá rạn san hô trong Aquarium và nuôi cá giải trí phục vụ du lịch. Ngoài ra, chú trọng triển khai năng lượng tái tạo, chủ yếu năng lượng mặt trời và gió biển.
Để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế biển xanh và bền vững, trong thẩm quyền được phân cấp, tỉnh An Giang cần ban hành các chính sách liên quan để tạo thuận lợi cho việc triển khai các nhiệm vụ cụ thể theo các định hướng ưu tiên. Cần thiết, tỉnh đề nghị Chính phủ trình Quốc hội ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù, nhất là đối với các đặc khu xa bờ, chiếm vị trí tiền tiêu.
Tỉnh xây dựng và triển khai chương trình, đề án chuyển đổi xanh trong lĩnh vực kinh tế biển để kêu gọi các nhà tài trợ và chuyên gia hỗ trợ thực hiện. Triển khai các mô hình đồng quản lý nguồn lợi thủy sản cho các cộng đồng biển, đảo thực hiện. Bên cạnh thực hiện định hướng du lịch như trong dự thảo văn kiện đại hội Đảng bộ tỉnh và quy hoạch tỉnh, cần chú trọng phát triển du lịch cấp cộng đồng.
Áp dụng cách tiếp cận quản lý tổng hợp biển và vùng bờ để quản lý bền vững biển - vùng ven biển và hải đảo. Thực hiện quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường vùng bờ quốc gia trên địa bàn tỉnh An Giang.
Tăng cường quản lý Nhà nước và kiểm soát hiệu quả các nguồn thải, nguồn gây ô nhiễm môi trường vùng ven biển, biển và đảo, chủ yếu từ nguồn đất liền và các hoạt động trên biển, khu vực cảng biển với sự tham gia của các bên liên quan và cộng đồng cư dân địa phương. Giải quyết đồng bộ ba vấn đề: Ngư dân, ngư nghiệp và ngư trường (theo cách tiếp cận tam ngư), góp phần xây dựng nghề cá bền vững và có trách nhiệm, giảm thiểu đánh bắt IUU.
Bảo tồn đa dạng sinh học biển, đảo gắn với du lịch sinh thái và sinh kế bền vững trên cơ sở sử dụng hợp lý các giá trị và lợi ích có được từ hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học biển, vùng ven biển và đảo.
Công nhân làm việc tại Nhà máy Chế biến thủy sản Trung Sơn
An Giang xúc tiến xây dựng tiềm lực và áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tiên tiến cùng chú trọng đào tạo nguồn nhân lực biển có chất lượng cao, có kỹ năng nghề biển nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập kinh tế. Xây dựng trường điểm để đào tạo chuyên sâu nguồn nhân lực biển; nghiên cứu và ứng dụng công nghệ đại dương ở những lĩnh vực tỉnh có nhu cầu theo cơ chế hợp tác công - tư và ngược lại…
Đẩy mạnh và mở rộng hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực liên quan đến khoa học và công nghệ sạch hơn, thân thiện với môi trường biển, năng lượng biển tái tạo, các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu, giống và bảo quản thủy sản. Chuyển dần từ kinh tế tuyến tính nhiều chất thải, phế thải, hủy hoại tự nhiên sang kinh tế tuần hoàn với các chất thải, phế thải được tái sử dụng và trả lại thiên nhiên. Gắn phát triển kinh tế biển xanh với giảm nghèo bền vững cho các cộng đồng dân cư ven biển, trên các đảo của Việt Nam.
Cuối cùng, tiếp tục đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức về kinh tế biển, về vai trò của biển, đảo và vùng ven biển đối với tăng trưởng xanh và bền vững. Tỉnh cần tiến hành thường xuyên cho các đối tượng trong xã hội, đặc biệt cho các cộng đồng cư dân ven biển thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, các khóa tập huấn, các chương trình giảng dạy trong hệ thống trường học trong tỉnh.
Phóng viên: Cảm ơn ông!
TÂY HỒ - TRUNG HIẾU thực hiện