Phát triển kỹ năng ngành nuôi biển công nghiệp – hướng đi cho tương lai

Phát triển kỹ năng ngành nuôi biển công nghiệp – hướng đi cho tương lai
3 giờ trướcBài gốc
Chủ trương nhất quán
Ngành nuôi biển công nghiệp Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ, đóng vai trò trụ cột quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế thủy sản bền vững của quốc gia. Với định hướng từ “Chiến lược phát triển thủy sản giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045”, Chính phủ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giảm cường độ khai thác tự nhiên, đồng thời đẩy mạnh nuôi biển công nghiệp theo hướng hiện đại, an toàn, hiệu quả và có thể tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Tại buổi tổng kết chương trình phát triển kỹ năng cho ngành nuôi biển công nghiệp Việt Nam, do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh khu vực TP. Hồ Chí Minh (VCCI-TP.HCM) tổ chức tại TP.HCM ngày 28/11/2024, ông Nhữ Văn Cẩn – Phó Cục trưởng Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) cho biết, phát triển nuôi biển là chủ trương nhất quán, được xác định tại Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và được cụ thể hóa tại Quyết định 1664/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, với mục tiêu đạt sản lượng nuôi biển là 1,45 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu từ 1,8 - 2 tỷ USD.
Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018, của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII, “Về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đề ra mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể nhằm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, có sự phát triển bền vững, thịnh vượng, bảo đảm an ninh, an toàn nền kinh tế biển; trong đó, xác định đến năm 2030, các ngành kinh tế thuần biển có đóng góp vào GDP cả nước đạt khoảng 10%...
Ngoài ra, chủ trương phát triển nuôi biển có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển nhằm đưa Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển trong thế kỷ của biển và đại dương.
Phó Cục trưởng Cục Thủy sản, Bộ NN&PTNN cũng cho hay, Bộ NN&PTNN đã phối hợp với các địa phương xây dựng và triển khai các nhiệm vụ liên quan đến nuôi biển. Đến nay, nuôi biển đã và đang trở thành ngành kinh tế quan trọng của nhiều địa phương ven biển; thu hút các doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào chuỗi ngành hàng. Nuôi biển Việt Nam đã và đang chuyển từ nuôi truyền thống sang nuôi công nghệ hiện đại, từ nuôi gần bờ sang nuôi vùng biển xa bờ, tích hợp da giá trị, gắn với các ngành kinh tế biển khác.
Khơi dậy tiềm năng
Một buổi tập huấn của chương trình phát triển kỹ năng cho ngành nuôi biển công nghiệp Việt Nam trên thực địa. Ảnh: VCCI.
Từ năm 2019, với sự hỗ trợ kỹ thuật của Liên đoàn Giới chủ Na Uy (NHO), VCCI-TP.HCM đã phối hợp cùng Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA) làm việc với các chuyên gia trong lĩnh vực nuôi biển đến từ chi cục thủy sản các tỉnh, giảng viên chuyên ngành nuôi trồng thủy sản, quản lý cấp cao của các doanh nghiệp cùng với sự hướng dẫn về phương pháp của chuyên gia đến từ Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) để xây dựng Bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề và Chương trình đào tạo ngắn hạn cho nghề nuôi biển công nghiệp.
Ông Võ Tân Thành – Phó Chủ tịch VCCI, khẳng định: “Sự chuyển đổi từ nuôi biển truyền thống sang mô hình công nghiệp không chỉ là nhu cầu mà còn là thách thức mang tính chiến lược quốc gia. Việc phát triển nhân lực có kỹ năng, cùng sự hợp tác giữa nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế là chìa khóa để thúc đẩy ngành nuôi biển Việt Nam đạt được những mục tiêu bền vững và cạnh tranh hơn trên thị trường toàn cầu.”
Ông Võ Tân Thành – Phó Chủ tịch VCCI và bà Hilde Solbakken – Đại sứ Na Uy tại Việt Nam trao Bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề và Chương trình đào tạo ngắn hạn cho nghề Nuôi biển công nghiệp cho đại diện một số tỉnh thành tham gia chương trình. Ảnh: Hoàng Dương.
Cùng quan điểm này, bà Hilde Solbakken – Đại sứ Na Uy tại Việt Nam, cũng cho rằng sự quan trọng của hợp tác quốc tế trong việc chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm quản lý. NHO và VCCI đã hợp tác chặt chẽ từ năm 2004. Chương trình đào tạo cho lĩnh vực nuôi biển và nuôi trồng thủy sản là một kết quả rất thiết thực và kịp thời của sự hợp tác này, hoàn toàn phù hợp với các ưu tiên chiến lược của cả Na Uy và Việt Nam.
Bà Hilde Solbakken – Đại sứ Na Uy tại Việt Nam, phát biểu tại chương trình. Ảnh: Hoàng Dương.
Theo ông Nhữ Văn Cẩn – Phó Cục trưởng Cục Thủy sản, Bộ NN&PTNN, năm 2023, nuôi biển đạt sản lượng 790 nghìn tấn (tăng 10,1% so với năm 2022), kim ngạch xuất khẩu đạt 552 tỷ USD.
Tuy nhiên, để đạt mục tiêu sản lương. 1,45 tr tấn và kim ngạch xuất khẩu từ 1,8 - 2 tỷ USD vào năm 2030 thì cần sự nỗ lực của tất cả các mắt xích liên quan đến hoạt động nuôi biển, đặc biệt là bà con nông dân.
Đại sứ Na Uy tại Việt Nam cũng cho biết, việc chia sẻ tri thức giữa hai quốc gia không chỉ tạo ra kết quả tốt hơn mà còn củng cố mối quan hệ giữa hai bên. Dự án đã tận dụng được những kinh nghiệm từ ngành nuôi biển của Na Uy và điều chỉnh phù hợp với Việt Nam nhờ sự hỗ trợ từ các chuyên gia thuộc Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Cục Thủy sản, Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam và các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực này.
Ngoài ra, với vai trò là điều phối chính của chương trình phát triển kỹ năng cho ngành nuôi biển công nghiệp Việt Nam, bà Bùi Thị Ninh - Phó Giám đốc VCCI-TP.HCM cũng cho hay, chương trình đào tạo kỹ năng cho ngành nuôi biển công nghiệp là minh chứng cho hiệu quả của mô hình hợp tác ba bên giữa nhà nước, doanh nghiệp và trường học.
Với những nỗ lực không ngừng, ngành nuôi biển công nghiệp Việt Nam đang tiến gần hơn đến mục tiêu trở thành một ngành kinh tế chủ lực, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Hoàng Dương
Nguồn Thời báo Tài chính : https://thoibaotaichinhvietnam.vn/phat-trien-ky-nang-nganh-nuoi-bien-cong-nghiep-huong-di-cho-tuong-lai-165078.html