Phục hồi nhanh, hiệu quả
6 tháng trước, ông Nguyễn Văn Thanh (55 tuổi), trú tại xã Hợp Thịnh (Hiệp Hòa) bị tai biến, được can thiệp ngoại khoa ở bệnh viện tuyến trung ương. Sau tai biến, ông Thanh bị di chứng liệt nửa người bên phải, tay chân không cử động được, nói ngọng, khó phát âm nên gia đình đưa đến Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh điều trị. Tại đây, ông được chăm sóc, điều trị tích cực bằng các phương pháp trị liệu hiện đại như: Laser nội mạch, từ trường, xung kích… nên bệnh thuyên giảm, các chi vận động tốt hơn, tự ăn uống, tự mặc quần áo.
Nhân viên Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh sử dụng máy laser nội mạch điều trị cho bệnh nhân bị đột quỵ.
Sau gần 3 tháng trị liệu, phục hồi chức năng sau tai nạn giao thông tại Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh, bệnh nhân Nguyễn Hoài Linh (23 tuổi), trú tại xã Ngọc Lý (Tân Yên) dần tỉnh táo, nhận thức được các hoạt động xung quanh. Theo người nhà bệnh nhân đây là sự phục hồi kỳ diệu bởi trước đó, do bị chấn thương sọ não, bệnh nhân trong tình trạng hôn mê, phải dùng ống xông dinh dưỡng, đặt ống thông tiểu, mở nội khí quản.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thời, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh cho biết: “Các bệnh lý thần kinh, xương khớp thường để lại nhiều di chứng nên ngoài điều trị bằng thuốc, người bệnh cần được điều trị phục hồi chức năng. Các trang thiết bị hiện đại như: Máy lưu huyết não, máy kéo giãn cột sống, oxy cao áp, xung kích, sóng ngắn… giúp bệnh nhân điều trị hiệu quả, nhiều bệnh nhân ra viện phục hồi các chức năng bệnh lý đạt từ 70 - 80%”.
Để nâng hiệu quả hoạt động phục hồi chức năng, những năm qua, ngành Y tế quan tâm đầu tư trang thiết bị, triển khai nhiều kỹ thuật mới. Giai đoạn 2020-2025, từ nguồn ngân sách tỉnh, ngành Y tế dành hơn 12,2 tỷ đồng đầu tư mua sắm trang thiết bị phục hồi chức năng tại Bệnh viện Phục hồi chức năng và Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh. Cùng với nguồn lực từ ngân sách, các bệnh viện cũng quan tâm, bố trí kinh phí cho hoạt động này.
Đón đầu xu hướng thay đổi mô hình bệnh tật, giai đoạn 2020-2025, Bệnh viện Đa khoa Anh Quất (cơ sở 1) đầu tư gần 10 tỷ đồng để mua sắm nhiều trang thiết bị hiện đại, triển khai các kỹ thuật chuyên sâu về phục hồi chức năng. Hiện Bệnh viện duy trì phục hồi chức năng cho 50 bệnh nhân nội trú, 70 bệnh nhân ngoại trú. Tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, từ năm 2024 đến nay, Bệnh viện được đầu tư, triển khai nhiều kỹ thuật cao trong phục hồi chức năng. Mới đây, từ nguồn ngân sách tỉnh, Bệnh viện đưa vào sử dụng máy kéo giãn đa chiều trị giá hơn 1,6 tỷ đồng, góp phần giúp người bị các bệnh lý về cột sống sớm bình phục.
Bà Nguyễn Thị Nhi (62 tuổi), trú tại thị trấn Phương Sơn (huyện Lục Nam) cho biết: “Tôi bị bệnh xương khớp nên thường xuyên đến Bệnh viện Y học cổ truyền điều trị. Hai tháng gần đây, được điều trị bằng máy kéo giãn đa chiều, tôi thấy hiệu quả rõ, bớt đau nhiều”.
Quan tâm đào tạo, chuyển giao kỹ thuật
Phục hồi chức năng là quá trình điều trị áp dụng cho những người có vấn đề về tâm lý, chấn thương thần kinh, cột sống, cơ xương khớp, người khuyết tật. Đáp ứng yêu cầu về phục hồi chức năng, Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh đã thực hiện được hơn 1,5 nghìn danh mục kỹ thuật, trong đó có 20 kỹ thuật cao, chuyên sâu thuộc tuyến trung ương. 3 năm gần đây, mỗi năm, Bệnh viện triển khai từ 2-5 kỹ thuật mới, kỹ thuật vượt tuyến.
Giai đoạn 2025-2030, UBND tỉnh bố trí 1,6 tỷ đồng để tổ chức tập huấn, truyền thông về chăm sóc, phục hồi chức năng, quản lý thông tin người bệnh; dành hơn 900 tỷ đồng thực hiện dự án xây dựng ở rộng quy mô giường bệnh, mua sắm trang thiết bị tại Bệnh viện Y học cổ truyền và Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh.
Để bảo đảm điều trị nội trú cho 300 bệnh nhân/ngày, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh cũng triển khai thành công nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu như: Tiêm botulinum toxine điều trị co cứng dưới hướng dẫn của siêu âm; tập tay, bàn tay, âm ngữ trị liệu… Bác sĩ Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Bệnh viện cho biết: “Bệnh nhân đến điều trị chủ yếu là người cao tuổi, người bị di chứng sau tai nạn, tai biến mạch máu não. Mỗi một kỹ thuật mới, chuyên sâu được triển khai thành công, đồng nghĩa với việc người bệnh có thêm cơ hội để phục hồi, giảm chi phí điều trị”.
Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động phục hồi chức năng, UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch phát triển hệ thống phục hồi chức năng giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh. Với mục tiêu đến năm 2030, các bệnh viện phục hồi chức năng đạt chất lượng khá trở lên; 100% bệnh viện, đơn vị cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng đạt chỉ tiêu phát triển chuyên môn, giai đoạn này, UBND tỉnh bố trí 1,6 tỷ đồng để tổ chức tập huấn, truyền thông về chăm sóc, phục hồi chức năng, quản lý thông tin người bệnh. Trong kế hoạch phát triển giường bệnh, UBND tỉnh dành hơn 900 tỷ đồng thực hiện dự án xây dựng mở rộng quy mô giường bệnh, mua sắm trang thiết bị tại Bệnh viện Y học cổ truyền và Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh.
Đồng chí Từ Quốc Hiệu, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Trong chương trình phối hợp giữa Sở Y tế với các bệnh viện, trường đại học, phục hồi chức năng là một trong những lĩnh vực được ưu tiên liên kết đào tạo, chuyển giao kỹ thuật mới. Trước mắt, Sở Y tế giao Bệnh viện Phục hồi chức năng và Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh cử cán bộ đi học, tiếp nhận một số kỹ thuật như: Từ trường xuyên sọ, sóng xung kích, từ trường siêu dẫn… Đồng thời quan tâm mở rộng các chuyên ngành sâu về phục hồi chức năng, chủ động đào tạo nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh chất lượng cao và đáp ứng kịp với xu hướng già hóa dân số”.
Bài, ảnh: Sỹ Quyết