Phát triển nông thôn bền vững từ 'làng thông minh'

Phát triển nông thôn bền vững từ 'làng thông minh'
4 giờ trướcBài gốc
Làng quê khởi sắc
Có dịp trở lại xã Bạch Đằng, TP.Tân Uyên, mọi người sẽ tận mắt chứng kiến nhiều ngôi nhà cao tầng khang trang được xây dựng dọc theo các trục đường bê tông kiên cố, rộng rãi, sạch sẽ và có nhiều loài hoa đẹp được trồng 2 bên đường. Các trục đường chính trên địa bàn xã đều được lắp đặt hệ thống camera an ninh, những lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới, tràn ngập khí thế, sức sống mới của một làng quê khởi sắc.
Một tuyến đường sạch đẹp, rợp cờ hoa ở xã nông thôn mới kiểu mẫu, “làng thông minh” Bạch Ðằng, TP.Tân Uyên
Sau khi được công nhận xã nông thôn mới (NTM) nâng cao vào năm 2019, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Bạch Đằng tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, huy động sức dân, không ngừng hoàn thiện và nâng cao chất lượng tiêu chí NTM. Năm 2022, UBND TX.Tân Uyên (nay là TP.Tân Uyên) phê duyệt Đề án “Xây dựng xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025” gắn với xây dựng thí điểm “làng thông minh” trên địa bàn xã Bạch Đằng. Năm 2024, Bạch Đằng trở thành 1 trong 4 xã đầu tiên trong tỉnh xây dựng thành công NTM kiểu mẫu. Hiện nay, xã Bạch Đằng có 79 tuyến đường được bê tông nhựa nóng hoặc trải đá, có hệ thống cây xanh. Trên địa bàn xã được đầu tư xây dựng công trình cầu Bạch Đằng 2 kết nối đồng bộ với các đô thị Tân Uyên, Thủ Dầu Một và Biên Hòa (Đồng Nai), bảo đảm sự gắn kết giữa xây dựng NTM với phát triển đô thị xanh.
Triển khai thí điểm xây dựng “làng thông minh” gắn với nông thôn mới kiểu mẫu, Bình Dương đang thực hiện đồng bộ 2 nhiệm vụ, đó là đem những giá trị cốt lõi từ xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và xây dựng “làng thông minh” đến gần hơn với cuộc sống người dân.
Bên cạnh đó, xã Bạch Đằng được đầu tư hệ thống đèn Led trên 3 tuyến đường và cầu Bạch Đằng với 266 bóng; lắp đặt camera an ninh ở các nút giao thông quan trọng; lắp đặt wifi miễn phí tại các khu vực công cộng phục vụ người dân. Đến nay, tỷ lệ rác thải trên địa bàn xã được thu gom, xử lý đạt 100%; tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh theo quy chuẩn Quốc gia đạt 100%. Xã có 2 hợp tác xã và 2 tổ hợp tác hoạt động ổn định. Năm 2024, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt gần 90 triệu đồng.
Tự hào là công dân của xã NTM kiểu mẫu gắn với xây dựng thí điểm “làng thông minh”, bà Ngô Thị Minh Lan ở ấp Bình Hưng, xã Bạch Ðằng, chia sẻ: “Bạch Đằng vốn là xã thuần nông, hầu hết cư dân sống bằng nghề trồng rau, lúa và cây ăn trái; trước đây đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, sản xuất nông nghiệp manh mún; các điều kiện đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của người dân còn nhiều hạn chế, phương tiện đi lại phải phụ thuộc vào đò, phà… Từ khi thực hiện chương trình xây dựng xã NTM và đến nay Bạch Đằng đã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu về văn hóa, tôi cảm nhận một cách rõ nét sự thay đổi từng ngày, nhất là hệ thống điện, đường, trường, trạm và nhiều thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng khang trang. Nhiều hộ dân đã tự nguyện hiến đất để phục vụ mở đường giao thông, xây dựng, chỉnh trang khuôn viên sân vườn, tường rào, đường làng, ngõ xóm khang trang sạch đẹp. Người dân trong xã cũng tích cực tham gia tổ hợp tác trồng bưởi, sản xuất lúa hữu cơ… ai nấy đều rất phấn khởi trước sự đổi thay của quê hương mình”.
Hướng đến nông thôn mới thông minh
Bình Dương xây dựng thành công xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 gắn với xây dựng thí điểm “làng thông minh” trên địa bàn xã Bạch Ðằng, TP.Tân Uyên nhằm nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ những giá trị cốt lõi về kinh tế - văn hóa mà NTM kiểu mẫu đem lại cho người dân. Từ mô hình thí điểm, đến nay huyện Phú Giáo cũng đang xây dựng Đề án “làng thông minh” trên địa bàn huyện. Đề án tập trung vào các nội dung trọng tâm như thể chế thông minh, nguồn lực thông minh, hạ tầng thông minh, dịch vụ thông minh, sản xuất, kinh doanh thông minh.
Du khách tham quan vườn bưởi ở xã Bạch Đằng, TP.Tân Uyên
Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, với những kết quả về phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn đạt được trong những năm qua đã tạo nền tảng cho huyện Phú Giáo triển khai mô hình “làng thông minh”, hướng đến xây dựng tiêu chuẩn cho xã NTM thông minh, bảo đảm xây dựng NTM sáng tạo, hướng tới mục tiêu phát triển nông thôn bền vững. Bên cạnh đó, những lợi thế về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và tài nguyên du lịch tự nhiên, văn hóa thúc đẩy Phú Giáo phát triển du lịch nông nghiệp công nghệ cao. Việc phát triển du lịch nông nghiệp công nghệ cao trên nền tảng “làng thông minh” sẽ tạo tiền đề hướng đến xây dựng tiêu chuẩn cho xã NTM thông minh.
Ông Văn Quang Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo, cho biết xây dựng “làng thông minh” để tạo ra địa điểm cho những sáng kiến về các vấn đề mang tính ứng dụng trong cuộc sống. Huyện Phú Giáo đang từng bước triển khai mô hình “làng thông minh” nhằm tạo ra diện mạo mới cho khu vực nông thôn, nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa cho người dân. Trong tương lai, nơi đây sẽ trở thành nơi đáng sống, thân thiện môi trường và trở thành một trong những biểu tượng xanh của Bình Dương.
Bà Nguyễn Thị Thúy Phượng, Viện Ứng dụng và Khoa học công nghệ Mekong, cho rằng yếu tố cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai xây dựng “làng thông minh”. Xây dựng làng thông minh hướng đến mục tiêu nông thôn thông minh bằng việc áp dụng công nghệ, các giải pháp kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn. Người nông dân phải được đào tạo thành những nông dân chuyên nghiệp, dám làm giàu cho mình và cho cộng đồng từ sản xuất, kinh doanh nông nghiệp.
Bên cạnh đó, xây dựng “làng thông minh” là phải xây dựng được mạng lưới kết nối với các đơn vị đào tạo lĩnh vực nông nghiệp, thương mại điện tử, du lịch số, công nghiệp thực phẩm… để đưa sinh viên Bình Dương đang học tại các trường về hỗ trợ người dân địa phương và kết nối thực tiễn, giúp thế hệ trẻ yêu hơn nông nghiệp, nông thôn và nông dân, cùng tham gia nghiên cứu và đề xuất các giải pháp đổi mới sáng tạo cùng nông dân... Ðồng thời, có kế hoạch chuyên đề cho nghiên cứu xây dựng chương trình du lịch nông nghiệp đặc thù của làng theo hướng du lịch thông minh nhằm kích hoạt tính đa giá trị trong phát triển “làng thông minh” gắn với xây dựng NTM kiểu mẫu tại Bình Dương.
Toàn tỉnh hiện có 38/38 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tại các xã nông thôn mới, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao, cơ hội việc làm rộng mở, hộ nghèo giảm nhanh, sắc diện nông thôn tươi tắn, trù phú.
THOẠI PHƯƠNG - THANH TUYỀN
Nguồn Bình Dương : https://baobinhduong.vn/phat-trien-nong-thon-ben-vung-tu-lang-thong-minh--a346224.html