Phát triển và sử dụng nguồn nhân lực cho định hướng phát triển mới: Cần chiến lược quốc gia và đầu tư xứng tầm

Phát triển và sử dụng nguồn nhân lực cho định hướng phát triển mới: Cần chiến lược quốc gia và đầu tư xứng tầm
5 giờ trướcBài gốc
Tọa đàm có sự tham gia của đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ liên quan; các cơ sở giáo dục đại học, các chuyên gia, nhà khoa học; thành viên Đoàn giám sát.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh - Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát phát biểu tại tọa đàm
Tại tọa đàm, các đại biểu khẳng định, Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững, bao trùm và dựa trên khoa học - công nghệ - đổi mới sáng tạo. Các mô hình kinh tế hiện đại như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn, cùng với sự nổi lên của các ngành công nghệ cao, công nghệ mũi nhọn như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), công nghệ sinh học, robot, vật liệu mới… đặt ra yêu cầu cấp thiết về nguồn nhân lực thích ứng nhanh, có chất lượng cao và có năng lực đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, cần đầu tư “tới tầm và xứng tầm”, để thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển các chuyên gia, công trình sư trình độ cao cho các ngành, lĩnh vực mới
“Trong bối cảnh đó, nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ là yếu tố nền tảng mà còn là động lực quyết định sự thành công của quá trình chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế - xã hội. Nguồn nhân lực chất lượng cao cũng là yếu tố quan trọng nhất quyết định thành công của việc thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, khẳng định.
TS. Hồ Quốc Bằng, Phó Trưởng ban phụ trách, Ban Đối ngoại và Phát triển dự án, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, giới thiệu kết quả nghiên cứu thực trạng và xu hướng tuyển dụng nguồn nhân lực tại một số địa phương thuộc khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và miền Trung
Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách quan trọng nhằm định hướng phát triển nhân lực trong các ngành công nghệ mũi nhọn. Gần đây nhất, sau Nghị quyết số 57-NQ/TW, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1131/QĐ-TTg ngày 12/6/2025 phê duyệt Danh mục công nghệ chiến lược và sản phẩm công nghệ chiến lược đến năm 2035, định hướng đến năm 2045. Văn bản này xác định rõ các lĩnh vực cần ưu tiên phát triển như trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, vật liệu mới, công nghệ sinh học, năng lượng tái tạo… Đây đều là những lĩnh vực đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao, có năng lực nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế cao.
Chủ trương đã có, tuy nhiên, theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, khó nhất là quá trình tổ chức triển khai thực hiện. Phải đầu tư nguồn lực đủ mạnh, “tới tầm và xứng tầm”, để thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển các chuyên gia, công trình sư trình độ cao cho các ngành, lĩnh vực mới.
GS.TS Phạm Thành Huy - Hiệu trưởng ĐH Phenikaa đề nghị tạo hành lang pháp lý để hợp tác chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp
Dẫn bài học kinh nghiệm của Trung Quốc, GS.TS Phạm Thành Huy - Hiệu trưởng ĐH Phenikaa cho rằng, muốn phát triển các ngành công nghệ mới, cần có dự báo và quy hoạch sớm, tầm nhìn dài hạn, kế hoạch đào tạo bài bản, từ đó đầu tư xuyên suốt, tập trung phát triển hạ tầng công nghệ. Đặc biệt, phải tạo hành lang pháp lý để hợp tác chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp. Doanh nghiệp không chỉ tuyển dụng mà cần tham gia đào tạo; nhà trường không chỉ dạy lý thuyết mà phải chạy cùng tốc độ phát triển của ngành, lĩnh vực…
PGS.TS Đặng Hoài Bắc - Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông phát biểu tại tọa đàm
Từ thực tiễn phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thời gian qua chưa theo kịp yêu cầu của thời đại và kỳ vọng của chính các văn bản định hướng, PGS.TS Đặng Hoài Bắc, Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, cho rằng, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cần được tiếp cận như một chương trình quốc gia có tính chiến lược, với các nhóm giải pháp đồng bộ từ thể chế, đầu tư, đến hợp tác công - tư và hội nhập quốc tế…
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, đào tạo nhân lực STEM thì việc thích ứng với công nghệ cao, công nghệ mới sẽ nhanh hơn
Trao đổi làm rõ một số nội dung các đại biểu thảo luận, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho rằng, muốn phát triển nguồn nhân lực, phải đánh giá, nhìn nhận rõ thực trạng, xu hướng và có giải pháp phù hợp.
“Thời gian tới chúng ta tập trung phát triển những ngành công nghiệp công nghệ cao, cách tiếp cận của Bộ là tập trung phát triển nhân lực STEM. Khi đào tạo tốt các ngành STEM từ khoa học cơ bản, toán, kỹ thuật máy tính, công nghệ, thì việc thích ứng với công nghệ cao, công nghệ mới sẽ nhanh hơn. Nếu chúng ta tập trung đào tạo chuyên sâu cho từng ngành, công nghệ cụ thể thì rất khó biết được 5 - 7 năm tới tới cơ cấu nhân lực như nào”. Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng đề nghị xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin chung kết nối đào tạo và thị trường lao động…
PGS. TS Lê Huy Hoàng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, phát biểu tại tọa đàm
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh khẳng định, nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao là yếu tố then chốt để đất nước phát triển nhanh, bền vững. Song đây cũng là vấn đề rất rộng, cần có chiến lược quốc gia để dự báo và định hướng chung, từ đó các bộ, ngành, địa phương có chiến lược, kế hoạch riêng.
Trong bối cảnh mới xác lập mô hình tăng trưởng gắn với phát triển khoa học công nghệ theo Nghị quyết 57, nhu cầu nhân lực khoa học - công nghệ rất lớn. Bên cạnh đó, chuyển đổi xanh thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp mới như năng lượng tái tạo, nông nghiệp hữu cơ và công nghệ sinh học. Điều này đặt ra yêu cầu tăng cường đầu tư, nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp trọng điểm, gắn với các nhóm ngành nghề được ưu tiên, những lĩnh vực mới, quan trọng.
Toàn cảnh tọa đàm
“Đào tạo nhân lực, nhân lực chất lượng cao phải gắn với cơ cấu ngành nghề, lĩnh vực. Bởi thị trường lao động hiện nay thay đổi rất nhanh, biến động liên tục, đòi hỏi phải nắm bắt được xu hướng, có định hướng đào tạo tối ưu, thì mới đáp ứng được nhu cầu thị trường”, Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh.
Cảm ơn ý kiến của các đại biểu, Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh cho biết, đây là căn cứ thực tiễn để Đoàn giám sát có thêm luận cứ đánh giá thực trạng cũng như đề xuất, kiến nghị đối với việc phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao cho việc định hướng phát triển kinh tế mới, lĩnh vực mới.
Tin: Nhật Linh; Ảnh: Quang Khánh
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/phat-trien-va-su-dung-nguon-nhan-luc-cho-dinh-huong-phat-trien-moi-can-chien-luoc-quoc-gia-va-dau-tu-xung-tam-10379889.html