Phát triển văn hóa đọc trong gia đình: Bồi đắp tri thức, lan tỏa yêu thương

Phát triển văn hóa đọc trong gia đình: Bồi đắp tri thức, lan tỏa yêu thương
5 giờ trướcBài gốc
Rèn thói quen đọc
Chị Nguyễn Thị Hương, phường Xương Giang (thành phố Bắc Giang) vốn ham đọc sách nên từ khi hai con còn nhỏ, chị thường xuyên đọc sách cho con nghe. Bắt đầu từ những cuốn truyện tranh đến những câu chuyện cổ tích và sau này là các cuốn sách khoa học, lịch sử… Hằng tuần, chị đưa con đến các nhà sách tìm mua những cuốn phù hợp với sở thích, lứa tuổi. Tủ sách của gia đình hiện có hơn 300 cuốn với nhiều chủ đề khác nhau. Đến nay, con trai lớn của chị học lớp 7 tại Trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông FPT Bắc Giang; con gái học lớp 4 Trường Tiểu học Đông Thành.
Chị Nguyễn Thị Hồng Thắm, thôn Kiễm, xã Hương Lạc (Lạng Giang) thường xuyên dành thời gian đọc sách cùng con.
Từ sự khuyến khích, động viên của mẹ, các con chị ngày càng yêu thích sách, tranh thủ đọc bất cứ khi nào rảnh rỗi; là bạn đọc thân thiết của Thư viện tỉnh và thư viện trường học. Chị Hương chia sẻ: “Tôi muốn rèn cho con thói quen đọc sách để nâng cao hiểu biết, phát triển trí tuệ. Nhờ đọc sách, các con tôi hạn chế xem điện thoại, tránh xa những trò chơi thiếu lành mạnh trên mạng xã hội”. Không chỉ đạt học sinh giỏi toàn diện hằng năm, các con chị còn tích cực tham gia và đoạt giải trong các cuộc thi đại sứ văn hóa đọc, đọc sách trực tuyến cấp tỉnh.
Với em Trần Vũ Thảo Quyên, lớp 12 chuyên Văn, Trường Trung học Phổ thông Chuyên Bắc Giang, tình yêu sách đã hình thành từ khi còn nhỏ. Quyên tâm sự : “Bố mẹ em thường xuyên mua truyện cho em, nhắc em đọc sách hằng ngày để thêm hiểu biết. Bây giờ khi em đã lớn, bố mẹ vẫn thường hỏi xem em thích sách gì và cho tiền mua. Em đọc nhiều loại sách, trong đó có những tác phẩm lý luận phê bình văn học, lịch sử, triết học, văn hóa. Từ đó giúp em mở mang kiến thức phục vụ việc học tập, hiểu thêm giá trị văn hóa, lịch sử của đất nước và những điều tốt đẹp trong cuộc sống”. Kiến thức tích lũy từ những trang sách đã giúp Quyên học môn Văn tốt hơn, giành nhiều giải cao trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, khu vực và quốc gia.
Cũng nhờ thói quen đọc sách, những thành viên trong gia đình chị Nguyễn Thị Hồng Thắm ở thôn Kiễm, xã Hương Lạc (Lạng Giang) thêm gần gũi, gắn bó với nhau. Khi con chưa biết chữ, chị đã mua những cuốn truyện tranh đọc cho con nghe và dạy con kể chuyện theo tranh. Chị còn hướng dẫn các con hóa thân vào các nhân vật trong sách để phát triển trí tưởng tượng, sáng tạo. Mỗi khi con được điểm cao, chị thường tặng sách.
Chị cho biết: “Gia đình tôi thường dành thời gian cùng nhau làm việc nhà, trao đổi về những cuốn sách hay đã đọc vào ngày cuối tuần. Việc đọc sách khiến các thành viên gắn kết với nhau hơn". Hiện con gái lớn của chị học lớp 12, Trường Trung học phổ thông Lạng Giang số 1, con gái nhỏ đang học lớp 5, Trường Tiểu học thị trấn Kép, luôn là học sinh giỏi, xuất sắc, đạt nhiều giải trong các kỳ thi học sinh giỏi các cấp.
Tạo môi trường, cảm hứng đọc sách
Các nghiên cứu khoa học cho thấy, đọc sách giúp phát triển trí tuệ, làm giàu thêm tri thức, hoàn thiện nhân cách con người. Tuy vậy, trong thời đại ngày nay, sự bùng nổ của công nghệ khiến mọi người, nhất là trẻ em có nhiều lựa chọn để vui chơi giải trí trên các thiết bị thông minh, mạng xã hội nên ngày càng “lười” đọc sách. Đáng lo ngại, việc xem nhiều điện thoại, iPad không tốt cho sự phát triển trí não trẻ em.
Gia đình là cái nôi nuôi dưỡng tình yêu sách cho trẻ. Việc xây dựng, duy trì văn hóa đọc trong gia đình giúp mỗi thành viên, nhất là con trẻ tự tin trong cuộc sống, hình thành thói quen tự nghiên cứu, học tập suốt đời, đồng thời gắn kết các thành viên với nhau. Vì vậy, ông bà, cha mẹ nên quan tâm khuyến khích trẻ em đọc sách mỗi ngày”.
Diễn giả, Tiến sĩ Giáp Văn Dương, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường Times School (Hà Nội).
Tiến sĩ Giáp Văn Dương, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường Times School (Hà Nội), diễn giả nổi tiếng có nhiều hoạt động phát triển văn hóa đọc khẳng định: “Gia đình là cái nôi nuôi dưỡng tình yêu sách cho trẻ. Việc xây dựng, duy trì văn hóa đọc trong gia đình giúp mỗi thành viên, nhất là con trẻ tự tin trong cuộc sống, hình thành thói quen tự nghiên cứu, học tập suốt đời, đồng thời gắn kết các thành viên với nhau. Vì vậy, ông bà, cha mẹ nên quan tâm khuyến khích trẻ đọc sách mỗi ngày”.
Thực tế cho thấy, hình thành thói quen đọc sách cho con trẻ là cả một hành trình dài, trong đó cha mẹ cần dành thời gian đồng hành cùng con, đọc sách và đưa con tham gia những ngày hội sách, đến các thư viện, nhà sách. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, nguồn sách phục vụ nhu cầu đọc dồi dào, hệ thống thư viện từ tỉnh đến huyện và trong các trường học ngày càng được quan tâm đầu tư. Nhiều hoạt động sôi nổi, hấp dẫn được tổ chức thường niên như: Ngày hội sách, tuần lễ đọc sách, giao lưu với tác giả, thi cảm nhận sách, thư viện thân thiện, tủ sách cộng đồng, điểm đọc miễn phí… tạo sức lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.
Ông Khổng Đức Thanh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng: Để phát triển văn hóa đọc trong bối cảnh đẩy mạnh chuyển đổi số, cần bắt đầu từ gia đình. Phụ huynh hãy là tấm gương, truyền cảm hứng hằng ngày về việc đọc sách; khuyến khích con em chia sẻ cảm nhận, suy nghĩ về mỗi cuốn sách đã đọc, đồng thời quan tâm đóng góp xây dựng thư viện, tủ sách của gia đình, dòng họ và cộng đồng.
Một số chuyên gia cho rằng, để hình thành thói quen đọc, mỗi gia đình nên có không gian phù hợp như phòng đọc sách, tủ sách, góc sách phù hợp với lứa tuổi, sở thích các thành viên. Cha mẹ nên cho trẻ sớm tiếp cận với sách, truyện, giảm thời gian dùng điện thoại; dành thời gian cùng lựa chọn, tạo không khí vui vẻ đọc sách với con; trao đổi và giới thiệu những cuốn sách hay, phân tích nội dung sách cho con. Điều này không chỉ giúp tình yêu sách lan tỏa tự nhiên mà còn góp phần để sợi dây kết nối tình cảm giữa bố mẹ và con càng thêm gắn bó, bền chặt.
Một số phụ huynh nêu kinh nghiệm, để trẻ thích đọc sách, không nên "ép" con đọc những cuốn theo ý kiến chủ quan của phụ huynh mà để con tự lựa chọn những cuốn trẻ yêu thích. Việc lựa chọn những cuốn sách hay, ý nghĩa, phù hợp sẽ giúp trẻ thêm yêu thích và hứng thú hơn khi đọc sách.
Bài, ảnh: Vi Lệ Thanh
Nguồn Bắc Giang : http://baobacgiang.vn/phat-trien-van-hoa-doc-trong-gia-dinh-boi-dap-tri-thuc-lan-toa-yeu-thuong-postid417954.bbg